Chương 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC TRONG DOANH NGHIỆP
1.3. Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng NNL trong doanh nghiệp
1.3.1. Các nhân tố bên ngoài doanh nghiệp
Chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp có thể bị tác động một cách gián tiếp từ những nhân tố thuộc môi trường bên ngoài doanh nghiệp, có rất nhiều yếu tố nhưng trong luận văn này trình bày 03 yếu tố được xem là cơ bản như:
Môi trường pháp lý
Bộ luật lao động, các văn bản pháp luật có liên quan đến vấn đề lao động, sử dụng lao động,… là các yếu tố cần thiết làm cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp giải quyết tốt các mối quan hệ giữa người lao động, là tiền đề cho các doanh nghiệp xây dựng các tiêu chuẩn pháp lý khi hình thành, củng cố và phát triển NNL.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng hoạch định các chính sách tạo môi trường pháp lý cho sự phát triển NNL cả về chất và lượng như: chính sách xã hội hóa giáo dục; chính sách phát triển các cơ sở giáo dục đào tạo chất lượng cao đạt chuẩn khu vực và quốc tế; chính sách cải cách nội dung, phương pháp giáo dục và đào tạo; chính sách về y tế, chăm sóc sức khỏe người lao động, chính sách an toàn vệ sinh lao động,…
Thời gian qua Chính phủ cũng đã ban hành một số chính sách tiêu biểu như: Quyết định số 641/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc của nười Việt Nam trong 20 năm tới với mục tiêu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; từng bước nâng cao chất lượng giống
nòi và tăng tuổi thọ khỏe mạnh của người Việt Nam; Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 14/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 – 2020; Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 20/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu giáo dục Nghề nghiệp –Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016 – 2020; Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 18/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục Đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019– 2030; Quyết định 761 về phê duyệt “Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020”.……Qua đó góp phần tạo cơ chế thuận lợi cho quá trình thực hiện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam.
Trình độ phát triển giáo dục, đào tạo
Yếu tố quan trọng bậc nhất có tác động mạnh mẽ tới chất lượng NNL đó là giáo dục đào tạo. Nguồn nhân lực chính là sản phẩm đánh giá chất lượng của hệ thống giáo dục đào tạo. Một hệ thống giáo dục đào tạo tốt sẽ cho ra đời nguồn nhân lực có chất lượng tốt cho xã hội không chỉ ở trình độ văn hóa, chuyên môn mà cả ở đạo đức trong lao động. Mức độ phát triển của giáo dục và đào tạo càng cao thì quy mô NNL, chất lượng NNL, cơ cấu nguồn nhân lực trong xã hội càng được đảm bảo đủ về lượng, về chất và cơ cấu hợp lý.
Nguồn nhân lực chất lượng cao là những con người được đầu tư phát triển, có kỹ năng, kiến thức, taynghề, kinh nghiệm, năng lực sáng tạo nói cách khác, đó chính là năng lực thực hiện của NNL. Năng lực này chỉ có thể có được thông qua giáo dục – đào tạo và tích lũy kinh nghiệm trong quá trình làm việc. Tuy nhiên, ngay cả việc tích lũy kinh nghiệm này cũng phải dựa trên một nền tảng là giáo dục - đào tạo nghề nghiệp cơ bản. Như vậy có thể thấy, nhân tố này ảnh hưởng tới chất lượng cung ứng nguồn lao động cho thị trường, ảnh hưởng gián tiếp tới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại doanh nghiệp. Khi chất lượng NNL tại các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề…được nâng cao thì đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có cơ hội tuyển dụng được những nhân viên có trình độ chuyên môn tốt, giảm thiểu chi phí đào tạo lại của DN.
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trên thị trường lao động hiện nay, đặc biệt là thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa, thời kỳ Hội nhập quốc tế và thời đại thực hiện Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì giáo dục - đào tạo tạo ra sự “tranh đua” xã hội và những người học vấn thấp, kỹ năng, tay nghề thấp hoặc không có nghề khó có thể cạnh tranh được so
với những người có trình độ, có kỹ năng nghề cao. Chính vì vậy, những nhân lực có tay nghề thấp bằng cách này hay cách khác phải nâng cao năng lực của mình để đi đầu trong các kỹ thuật, công nghệ mới áp dụng vào nền kinh tế thông minh, công nghiệp hóa và cách hiệu quả nhất là đầu tư vào giáo dục, đàotạo nghề,cụthể: Nhà nướccầnphảitạo ra những cơ chế tốt để giúp các doanh nghiệp với nhà trường có quan hệ để đào tạo đúng và phù hợp, gần sát nhất với nhu cầu của thị trường; thực hiện nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục và đổi mới toàn diện về hệ thống kiến thức và phương pháp đào tạo, gắn đào tạo kiến thức với thực tập, thực hành nghề tại các cơ sở doanh nghiệp để giúp người lao động có thể làm chủ khi cuộc cách mạng số hóa bùng nổ như hiện nay.
Sự phát triển của Thị trường lao động
Theo Trần Xuân Cầu, Mai Quốc Chánh thì “Thị trường lao động là tập hợp các hoạt động nhằm trao đổi, mua bán hàng hóa sức lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động; qua đó, giá cả, điều kiện và các quan hệ hợp đồng lao động được xác định”[1,tr.133].
Theo đó, thị trường lao động là yếu tố ảnh hưởng tới khả năng cung cấp lao động, lựa chọn nguồn cung cấp lao động, hình thành số lượng, chất lượng và cơ cấu lao động của các doanh nghiệp.
Hiện nay việc mở cửa kinh tế, toàn cầu hóa và hội nhập đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, cơ cấu việc làm cũng thay đổi từ lĩnh vực nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Trong bối cảnh đó, sự phát triển của thị trường lao động như một yếu tố khách quan tác động đến việc nâng cao chất lượng NNL trong doanh nghiệp bởi thông tin lao động việc làm là toàn diện, sự cạnh tranh việc làm trở nên gay gắt nhằm thu hút lao động có chất lượng và số lượng phù hợp với yêu cầu của sản xuất.
Đặc điểm của thị trường lao động Việt Nam hiện nay là sự mất cân đối giữa cung và cầu lao động; hệ thống thông tin thị trường lao động chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ và độ tin cậy thấp. Đặc biệt là nguồn cung lao động có trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật còn nhiều hạn chế (Theo Nguồn: Ngân hàng Thế giới (2018) và Diễn đàn Kinh tế thế giới (2013-2017) thì Chỉ số vốn nhân lực (HCI: Vốn nhân lực bao gồm kiến thức, kỹ năng và tình trạng sức khỏe được tích lũy qua thời gian) của Việt Nam đạt 0,67 đứng thứ 48/157 trên thế giới) cộng thêm thể lực khiêm tốn so với các khu vực khác trên thế giới là một xuất phát thấp gây khó khăn cho việc nâng cao chất lượng NNL của doanh nghiệp.