CHƯƠNG 3: PHÂN TÍCH THỰC TRẠNG THÚC ĐẨY XUẤT KHẨU
3.3. Đánh giá giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm hồ tiêu sang thị
3.3.1. Thành tựu đạt được
Trong những năm qua, công ty đã đạt được nhiều thành công trong việc thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm hồ tiêu sang thị trường quốc gia Nhật Bản này:
- Sản phẩm hồ tiêu của công ty vẫn được các doanh nghiệp Nhật Bản tin tưởng và nhập khẩu dù cho xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh khác không chỉ trong nước mà cả ở các quốc gia chuyên sản xuất hồ tiêu khác. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sang Nhật Bản được duy trì và tăng trưởng theo từng năm kể cả trong hoàn cảnh dịch bệnh, khi mà các hoạt động xuất nhập khẩu và logistics trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề.
- Chất lượng hồ tiêu ngày càng được nâng cao do công ty không ngừng đầu tư sản xuất và có quy trình kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt hơn nhằm đạt các chứng nhận quốc tế về sản phẩm. Mẫu mã bao bì ngày càng đa dạng, màu sắc bắt mắt, phù hợp với thị hiếu.
- Về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, công ty đã tổ chức các khóa học về kinh doanh trên thị trường EU nhằm trang bị kiến thức chuyên môn cho người lao động. Công ty cũng đảm bảo được chế độ lương thưởng, môi trường làm việc để thu hút được những lao động chất lượng.
- Hiện nay công ty đã có mối quan hệ thân thiết, gắn bó với nhiều đối tác ở Nhật Bản. Đây là lượng khách hàng ổn định, trung thành. Tiếp nối những mối quan hệ tốt đẹp đã gây dựng được, công ty đang có kế hoạch mở rộng, tìm kiếm những đối tác mới tiềm năng ở thị trường này.
3.3.2. Những hạn chế, tồn tại
- Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu sang Nhật Bản còn chậm. Mặc dù giá trị xuất khẩu có tăng theo từng năm trong giai đoạn 2020 - 2022, nhưng không có tiến triển mới trong việc thúc đẩy xuất khẩu, tốc độ tăng rất ít.
- Mặt hàng xuất khẩu chưa thực sự đa dạng, chủ yếu vẫn là tiêu đen nguyên hạt, vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và thúc đẩy các mặt hàng mới.
- Công tác nghiên cứu và mở rộng thị trường còn gặp nhiều bất cập. Việc thu thập và xử lý thông tin thị trường Nhật Bản của bộ phận kinh doanh còn mang tính chung chung, chưa đi sâu vào tập quán tiêu dùng tại các vùng miền khác nhau tại Nhật Bản, thiếu sự phân tích một cách có hệ thống sự biến đổi trong nhu cầu tiêu dùng và thị hiếu của khách hàng.
- Quản lý, điều hành mặc dù đã có sự cố gắng linh hoạt, tuy nhiên do tác động suy giảm mạnh của ngành hồ tiêu đã bộc lộ rõ những tồn tại yếu kém trong công tác quản lý điều hành, công cụ quản trị triển khai chậm không đúng theo kế hoạch; chưa áp dụng triệt để công nghệ thông tin vào trong quản trị điều hành; lực lượng lao động có trình độ chuyên môn trong kinh doanh quốc tế còn ít, trong thực trạng công tác tuyển dụng gặp nhiều khó khăn.
3.3.3. Nguyên nhân hạn chế và tồn tại
Nguyên nhân của kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng chậm, giai đoạn này thị trường thế giới có nhiều biến động do các cuộc khủng hoảng về chính trị ở Trung Đông, ảnh hưởng của dịch bệnh… ít nhiều tác động đến tình hình sản xuất và sức mua đối với hàng xuất nhập khẩu. Lạm phát tăng nhanh, giá thành nguyên vật liệu cũng leo thang, dẫn tới công ty mất tự chủ trong việc kiểm soát các chi phí xuất khẩu.
Nguyên nhân của sự thiếu đa dạng sản phẩm xuất khẩu sang Nhật Bản là do công ty chưa thực sự tập trung thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng khác ngoài hồ tiêu nguyên hạt. Nhật Bản có nhu cầu sử dụng hồ tiêu nguyên hạt để sản xuất gia vị thay vì các loại khác nên công ty mới chỉ tập trung vào mặt hàng này, chưa thực hiện tốt công tác tìm kiếm những bạn hàng, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng tiêu trắng, tiêu trắng xay, quế,... do Th&D Việt Nam sản xuất.
Về công tác cán bộ công nhân viên: Công tác quản lý, quản trị đôi khi còn máy móc, chưa có sự linh hoạt; chưa triển khai triệt để việc đánh giá công tác theo tháng, theo quý,... Về công tác tuyển dụng, do đặc thù địa phương còn chưa phát triển mạnh về kinh tế, người dân khu vực quanh công ty thường chọn công tác xa thay vì về địa phương làm việc. Đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế, đa số sinh viên các trường đại học ra trường đều lựa chọn làm việc ở thành phố lớn. Mặc dù chế độ đãi ngộ, lương thưởng của công ty đã có thay đổi nhằm thu hút nhân tài nhưng chưa được hiệu quả.