1.3.1. Kinh nghiệm xử lý nợ xấu của NHTM ở một số quốc gia trên thế giới.
Trên thế giới, chỉ cần quốc gia nào còn tồn tại mô hình ngân hàng thương mại thì ở quốc gia đó còn tồn tại nợ xấu. Nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid đang diễn biến phức tạp như hiện nay, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các doanh nghiệp dẫn đến việc tỷ lệ nợ xấu tăng cao do số lượng các doanh
nghiệp tạm dừng hoạt động, đứt gãy dòng tiền hay không có nguồn tiền để trả nợ do dịch bệnh gia tăng. Đứng trước tình hình đó, các NHTM của các quốc gia trên thế giới đã làm gì để xử lý và khắc phục?
a, Đối với các nước ở khu vực châu Á
Một số các nước ở khu vực châu Á như Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Thái Lan, việc xử lí nợ xấu được thực hiện thông qua việc Chính phủ các nước thành lập nên các công ty quản lý tài sản tập trung (viết tắt là AMCs) để xử lý, thu hồi và cơ cấu lại các khoản nợ xấu của ngân hàng. Ví dụ như Indonesia thì thiết lập nên Cơ quan tái cấu trúc ngân hàng (IBRA), Malaysia thì lập nên Tổ chức xử lý nợ quốc gia (Danaharta), Hàn Quốc lập nên Công ty quản lý Tài sản (Kamco), còn riêng đối với Thái Lan, ban đầu nước này chỉ thành lập nên Cơ quan tái cấu trúc tài chính (FRA) để xử lý các vấn đề của các công ty tài chính, mãi cho đến sau này, Thái Lan mới thành lập Công ty Quản lý Tài sản (TAMC). (Nguyễn Chiến (2013), Xử lí nợ xấu: Nhìn từ kinh nghiệm các nước trên thế giới)<https://baochinhphu.vn/xu-ly-no-xau-nhin-tu-kinh-nghiem-cac-nuoc-1021493 62.htm>
Cụ thể thì ở Hàn Quốc, để giải quyết được vấn đề nợ xấu, bên cạnh thành lập Công ty quản lý tài sản KAMCO nhằm mục đích mua lại các khoản nợ xấu từ các TCTC sau đó bán lại cho các nhà đầu tư nước ngoài; thì Chính phủ nước này cũng ban hành rất nhiều văn bản luật có liên quan, họ đã thực sự thành công trong việc giới thiệu kế hoạch chứng khoán có đảm bảo để xử lý các tài sản có vấn đề của mình. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp và ngành tài chính theo nguyên tắc thị trường, Chính phủ đất nước này đã thành lập nên các cơ quan lập pháp như công ty tái cơ cấu doanh nghiệp. Mặc dù việc thành lập không nhằm mục đích duy nhất là xử lý các khoản nợ xấu nhưng không thể phủ nhận được rằng, việc thành lập này đóng một vai trò rất quan trọng trong việc làm giảm nợ xấu tại các ngân hàng. Không những vậy, để giảm thiểu tình trạng nợ xấu cũng như để các kế hoạch và chính sách được thực hiện một cách hiệu quả, Chính phủ đất nước này đã đưa ra các chính sách ưu đãi về thuế quan trọng với những chủ thể trên thị trường nợ xấu kèm theo các tiêu chuẩn chặt chẽ và rõ ràng.
b, Đối với các nước ở khu vực khác.
Ở châu Mỹ, cụ thể là đối với Hoa Kỳ, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 ở phố Wall được cho là khá tương đồng với nước ta hiện nay khi bắt nguồn từ bong bóng bất động sản tan vỡ. Để khắc phjc được tình trạng này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (viết tắt là FED) đã quyết định bơm hơn 700 tỷ USD. Số tiền này đã được chia thành 3 phần, một phần dùng để mua lại nợ xấu từ các NHTM, một phần thì dùng để giải quyết vấn đề thanh khoản tạm thời cho những đơn vị yếu kém, phần còn lại dùng để mua những cổ phiếu ưu đãi từ các ngân hàng. Với mục đích thứ ba, FED thay vì mua cổ phiếu phổ thông, FED đã mua cổ phiếu ưu đãi với mong muốn đẩy một ít dòng tiền để các ngân hàng có vốn đầu tư và thoát khỏi tình trạng tồi tệ, xét về mặt bản chất chính là FED cho vay nhưng họ chủ trương nắm quyền kiểm soát các ngân hàng nên việc họ chọn loại cổ phiếu ưu đãi là rất thích hợp. (Hòa Bình (2016), Kinh nghiệm xử lý nợ xấu của thế giới)
<https://phaply.net.vn/kinh-nghiem-xu-ly-no-xau-cua-gioi-a155037.html>
Ở châu Âu, để xử lý nợ xấu, đầu tiên các ngân hàng Châu Âu sẽ lập sổ về nợ xấu, sau đó đặt thời hạn thu hồi nợ từ một đến ba năm nhằm giảm quy mô nợ xấu, bên cạnh đó, việc giải quyết nợ xấu còn thông qua các giải pháp hợp tác với các ngân hàng đối tác, với các luật sư, các nhà quản lý. Thông qua đó, ngân hàng sẽ xác định được ai sẽ là người mua các khoản nợ xấu, những ngân hàng khác đang gặp vấn đề tương tự là ai, loại hình nợ xấu là gì và có thể chia sẻ mức giá hay không. Các ngân hàng luôn chú ý đến những đối tác địa phương đủ mạnh có thể là ngân hàng, công ty cung cấp dịch vụ tư nhân, xây dựng tốt mối quan hệ với các đối tác. Các ngân hàng thấy một thực tế là xử lý nợ xấu mất rất nhiều thời gian trước khi có khung chính sách hoàn chỉnh, nên vấn đề họ quan tâm là vừa giải quyết nợ xấu vừa không được vì thế mà bỏ lỡ kinh doanh nhất là cơ hội tăng doanh thu.
Như vậy, đối với các nước trên thế giới; để xử lý vấn đề nợ xấu, có 3 con đường chính mà các nước lựa chọn đó là: thông qua các công ty quản lý tài sản, bơm tiền để tăng thanh khoản và tạo ra một cơ chế pháp lý chặt chẽ.
1.3.2. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Thông qua những kinh nghiệm về xử lý nợ xấu tại một số quốc gia trên thế giới được trình bày ở phần trên và bối cảnh Việt Nam hiện tại, có thể thấy trong quá trình xây dựng và thực hiện pháp luật về xử lý nợ xấu ở Việt Nam hiện nay cần phải tiếp thu những bài học kinh nghiệm sau đây:
Thứ nhất, để giám sát ngành Ngân hàng một cách chặt chẽ hơn, Nhà nước ta cần phải đẩy mạnh việc xây dựng và tăng cường khung pháp lý một cách đồng, từ đó góp phần quản lý tốt và hạn chế được sự xuất hiện của nợ xấu. Muốn thực hiện được điều này, thì nước ta cần chủ động trong việc hình thành đồng bộ khuôn khổ pháp lý, áp dụng một cách đầy đủ hơn các thiết chế và chuẩn mực quốc tế về an toàn tín dụng ngân hàng. Trên cơ sở đó, giúp Việt Nam tạo lập được một môi trường pháp lý thuận lợi cho các hoạt động của ngân hàng thương mại đạt hiệu quả, an toàn và phát triển bền vững.”
Thứ hai,“cần phải có đánh giá trực quan và chính xác về tình hình thực tế nợ xấu tại các ngân hàng thương mại, từ đó đưa ra các giải pháp để ngăn chặn ngay từ đầu nhằm giảm thiểu thiệt hại xuống thấp nhất. Bên cạnh đó, cũng cần phải giám sát một cách chặt chẽ công tác phân loại nợ ở các ngân hàng thương mại, giúp đánh giá một cách đúng đắn các tác động tới hệ thống tài chính, đưa ra được những giải pháp, phương án phù hợp với tình hình tín dụng và nợ xấu tại các ngân hàng thương mại trong nước.”
Thứ ba,xây dựng và phát triển hệ thống ngân hàng thương mại có cấu trúc đa dạng về sở hữu, có quy mô hoạt động đủ lớn và minh bạch, đồng thời đáp ứng đầy đủ các chuẩn mực quốc tế về hoạt động ngân hàng. Chỉ có như vậy thì hệ thống ngân hàng nước ta mới có khả năng quản lý và xử lý nợ xấu hiệu quả.”
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Chương 1 của bài nghiên cứu đã khái quát các quy định của pháp luật về nợ xấu và xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, đồng thời tìm hiểu về quy định pháp luật của một số nước trên thế giới về xử lý nợ xấu, từ đó rút ra kinh nghiệm cho Việt Nam. Phần lý luận đã đưa ra những khái niệm, các yếu tố ảnh hưởng và nội dung cơ bản của pháp luật xử lý nợ xấu. Đây là cơ sở, tiền đề để nghiên cứu các quy định pháp luật cụ thể tại Việt Nam hiện nay về thực trạng nợ xấu và thực tiễn xử lý vấn đề này của các tổ chức tín dụng cũng như các cơ quan có thẩm quyền. Từ đó đưa ra những thành tựu và hạn chế của pháp luật hiện hành.