Chương 3. KẾT QUẢ VÀ MỘT SỐ BÀI HỌC KINH NGHIỆM LÃNH ĐẠO XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA CỦA ĐẢNG BỘ TỈNH HÀ TÂY
3.2. Một số bài học kinh nghiệm
1. Kế thừa và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp trong nước, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, làm cho nền văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Hà Tây nói riêng vừa tiên tiến vừa đậm đà bản sắc dân tộc.
Nhà nước chủ trương bảo tồn, phát triển các di sản văn hóa ở Việt Nam. Bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, được vun đắp qua lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân gia đình - làng xã - tổ quốc, lòng nhân ái khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động, sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối
sống… Bản sắc văn hóa dân tộc còn đậm nét trong các hình thức biểu hiện mang tính dân tộc độc đáo. Để bảo vệ bản sắc dân tộc trong hoàn cảnh hiện nay cần “tiếp thu chọn lọc những cái hay cái tiến bộ trong văn hóa các dân tộc khác”, đồng thời giữ gìn bản sắc dân tộc phải đi liền với chống lạc hậu, lỗi thời trong phong tục tập quán lề thói cũ.
2. Cơ quan Báo chí và Đài truyền thanh là hai bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng bộ tỉnh, Ban Tuyên huấn là cơ quan tham mưu.
Qua thực tế công tác tư tưởng Đảng bộ đã chỉ rõ “tuyên truyền, giải thích chủ trương đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ, cụ thể biểu hiện ở việc tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh thực hiện tốt các chủ trương công tác của tỉnh. Tuyên truyền giáo dục nâng cao giác ngộ tư tưởng xã hội chủ nghĩa cho cán bộ đảng viên và nhân dân.
Đấu tranh chống các tư tưởng và luận điệu phản tuyên truyền của địch cổ vũ tinh thần cần kiệm xây dựng nước nhà, chống tham ô lãng phí, tôn trọng bảo vệ của công, tinh thần luôn luôn phát huy cái mới, cái tiến bộ để xây dựng con người mới, phê phán các tư tưởng và hành động thiếu nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương chính sách, đấu tranh chống lại các tư tưởng và hành động lạc hậu, bảo thủ trái với tinh thần xã hội chủ nghĩa, phản ánh tình hình sản xuất, công tác sinh hoạt về mọi mặt của địa phương, đề cao nhân tố mới con nguời mới xuất hiện trong phong trào, luôn luôn phát huy mặt tích cực để bồi dưỡng phong trào liên tục.
3. Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở là xây dựng một mạng lưới thiết chế bao gồm nhà văn hóa, câu lạc bộ, thư viện, nhà truyền thống, trường học, trạm y tế, sân vận động hệ thống phát thanh tuyên truyền… để tạo nên một cảnh quan văn hóa mới ở nông thôn vừa dân tộc vừa hiện đại.
Bên cạnh các di tích lịch sử cổ truyền như đình, chùa phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở đã được tiến hành mấy chục năm nay, nhiều địa phương đã biết hướng phong trào này đến từng làng và tận mỗi gia đình.
Nhà - làng - nước là hệ thống của một dòng chảy văn hóa từ thấp đến cao, từ truyền thống đến hiện đại. Tính bản sắc dân tộc của văn hóa trong lịch sử
không thể thoát ly cái tục nhà - làng - nước, chính văn hóa làng là nơi thấm đượm bản sắc văn hóa cổ truyền.
4. Không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và trình độ quản lý của các cấp chính quyền trong tỉnh là nhân tố quyết định thành công trong việc xây dựng và phát triển văn hóa.
Từ thực tế chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở Hà Tây, cho thấy, chỉ những nơi nào cấp ủy, chính quyền phát huy được tinh thần trách nhiệm của mình trước nhân dân, nơi ấy mới có được phong trào và ở nơi ấy những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước mới sớm được cụ thể hóa, thành chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa là cuộc vận động có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc. Những mục tiêu của cuộc vận động này có ý nghĩa hết sức thiết thực đối với mỗi gia đình, mỗi làng xã nhưng điều đó không có nghĩa là việc triển khai thực hiện được hoàn toàn thuận lợi, dễ dàng.
Thực tế đây là cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, giữa cái bảo thủ, lạc hậu với văn minh tiến bộ. Những hủ tục lạc hậu, những thói hư tật xấu, những biểu hiện về cách sống, lối sống trái với thuần phong mỹ tục ở làng xã, địa phương nào cũng có, đáng quan tâm nhất là sự biến đổi các thang giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội trong sự chuyển động mạnh mẽ của cơ chế thị trường ở nước ta nói chung và Hà Tây nói riêng. Vai trò lãnh đạo, định hướng của cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc bảo vệ, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Vì vậy mỗi cấp ủy Đảng, chính quyền cần nâng cao tránh nhiệm của mình trong việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa xã hội ở địa phương. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, gắn với việc phát huy vai trò của tổ chức Mặt trận và các đoàn thể, để làm cho nhân dân hiểu được tác dụng, ý nghĩa thiết thực của việc phấn đấu đạt chuẩn văn hóa, xác định được mối quan hệ hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa.