Chương 2 ĐẢNG BỘ YÊN BÁI LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN ĐẢNG BỘ YÊN BÁI LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN
2.1. Chính sách dân tộc của Đảng và quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện của Đảng bộ tỉnh Yên Bái từ 1991-2001 thực hiện của Đảng bộ tỉnh Yên Bái từ 1991-2001
2.1.1. Chính sách dân tộc của Đảng từ năm 1996 - 2001
Bước sang năm 1996 đánh dấu một giai đoạn mới của đất nước - giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xuất phát từ tình hình phát triển không đồng đều giữa các dân tộc trong lịch sử và sự chênh lệch về đời sống kinh tế - xã hội giữa các dân tộc, các vùng, miền. Đảng và Nhà nước ta ngày càng nhận rõ sự cần thiết phải khắc phục sự chênh lệch đó nhằm đẩy mạnh xoá đói giảm nghèo, thực hiện công bằng xã hội, bình đẳng dân tộc. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (1996) của Đảng đã khẳng định:
“Vấn đề dân tộc có vị trí chiến lược lớn. Thực hiện “bình đẳng, đoàn kết, tương trợ” giữa các dân tộc trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng Luật dân tộc. Từ nay đến năm 2000, bằng nhiều biện pháp tích cực và vững chắc, thực hiện cho được 3 mục tiêu chủ yếu: xoá được đói, giảm được nghèo, ổn định và cải thiện được đời sống, sức khoẻ của đồng bào các dân tộc, đồng bào vùng cao, vùng biên giới; xoá được mù chữ, nâng cao dân trí, tôn trọng và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; xây dựng được cơ sở chính trị, đội ngũ cán bộ và đảng viên của các dân tộc ở các vùng, các cấp trong sạch vững mạnh” [17, tr.125-126] .
Đại hội VIII (1996) cũng đề cập tới “Chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền núi và vùng đồng bào dân tộc” trong đó chỉ rõ được mục tiêu:
“Khai thác mọi nguồn lực ở các địa phương và huy động sức của cả nước để tạo bước tiến nhanh hơn về kinh tế - xã hội, ổn định đời
sống, cải thiện môi trường, môi sinh.
Phấn đấu tăng trưởng kinh tế với tốc độ bằng hoặc cao hơn mức bình quân chung của cả nước”
“Các khu vực miền núi và vùng đồng bào dân tộc đều phải có bước phát triển, khu vực có điều kiện thuận lợi phải phát triển với tốc độ cao hơn để thúc đẩy, hỗ trợ các khu vực khác cùng phát triển.
Tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hoà với phát triển xã hội - văn hóa, bảo đảm an ninh - quốc phòng, phấn đấu giảm bớt khoảng cách giữa các vùng về mặt tiến bộ xã hội” [17, tr. 214-215]
Từ những mục tiêu cơ bản trên Đảng ta đã chỉ ra nhiệm vụ cụ thể về phát triển công nghiệp, nông - lâm nghiệp, kết cấu hạ tầng và dịch vụ ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc. Cụ thể:
Công nghiệp:
Phát triển công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu. Sắp xếp và đầu tư chiều sâu các cơ sở hiện có. Xây dựng các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, đẩy mạnh công tác thăm dò và khai thác khoáng sản. Hoàn thành đúng tiến độ các công trình thuỷ điện đang xây dựng và chuẩn bị cho một số công trình mới ở Sơn La, Sông Gâm, Tây Nguyên…
Nông - lâm nghiệp:
Giải quyết lương thực theo quan điểm kinh tế hàng hóa. Mở rộng diện tích lương thực ở vùng có điều kiện thuỷ lợi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý đi đôi với thâm canh tăng năng suất bằng áp dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, phân. Bảo đảm tốc độ lương thực sản xuất tại chỗ tăng hàng năm 3,5-4% và năm 2000 đạt bình quân đầu người 250-280 kg. Mở rộng giao lưu với các vùng để
bảo đảm an toàn lương thực. Đưa độ che phủ rừng vào năm 2000 trên 40%.
Hình thành hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn xung yếu và vùng nguyên liệu giấy, gỗ trụ mỏ. Đưa diện tích cây công nghiệp dài ngày từ 179 nghìn ha năm 1994 lên gấp đôi vào năm 2000, trong đó cao su 166 nghìn ha; cà phê 101
nghìn ha và chè 97 nghìn ha. Phát triển mạnh chăn nuôi, nhất là chăn nuôi đại gia súc. Gắn phát triển lâm nghiệp với công tác định canh, định cư. Tiếp tục đầu tư để hoàn thành các dự án của chương trình 327, ưu tiên hằng năm mở thêm 80-100 dự án cho vùng đang còn du canh, du cư. Năm 2000 cơ bản hoàn thành công tác định canh, định cư trong cả nước.
Kết cấu hạ tầng và dịch vụ:
Về giao thông, đầu tư nâng cấp các đường quốc lộ; tuyến đường dọc biên giới và các tuyến đường đến các huyện, xã vùng cao. Gắn việc phân bố lại dân cư với việc xây dựng đường xá để giao thông phục vụ tốt các điểm dân cư.
Đến năm 2000, hầu hết các xã hoặc cụm xã đều có đường ôtô đến trung tâm.
Về năng lượng, năm 2000 có 100% huyện lỵ có điện và khoảng 60 - 70 xã có điện.
Về thuỷ lợi, đẩy mạnh công tác xây dựng các hồ chứa nước đảm bảo tưới tiêu cho các vùng sản xuất lương thực và cây công nghiệp tập trung, cung cấp nước cho công nghiệp và đô thị, kết hợp với phát điện nếu có điều kiện.
Tiếp tục thực hiện chương trình nước sạch nông thôn, năm 2000 có 80% số dân được dùng nước sạch.
Xây dựng và phát triển đô thị, thị trấn, thị tứ để thúc đẩy và hỗ trợ vùng nông thôn, miền núi phát triển, đưa tỷ lệ dân đô thị từ 14% năm 1994 lên 18%
năm 2000. Hình thành các điểm thương mại cấp vùng, thị xã, huyện và cụm xã. Nhà nước trợ giá một số mặt hàng cơ bản (muối iốt, dầu, giấy học sinh…).
Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư và cung cấp hàng hoá trong vùng. Phấn đấu xuất khẩu đạt tốc độ tăng bình quân hàng năm 20-30%.
Bảo tồn và khai thác vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên và các di tích lịch sử để
phát triển du lịch.
Thực hiện chương trình phát thanh, truyền hình, chương trình phát triển thông tin liên lạc; năm 2000 đạt 100% số huyện có trạm phát lại truyền hình, hầu hết số xã có trạm điện thoại. Phát triển mạng lưới y tế, giáo dục, có cơ sở
dược, bảo đảm cung cấp đủ các loại thuốc thông thường cho nhân dân, có đủ phương tiện khám và chữa các loại bệnh thông thường; phổ cập giáo dục tiểu học và xoá mù chữ cho những người trong độ tuổi. Mở rộng các hình thức giáo dục, củng cố và phát triển các trường dân tộc nội trú, bán trú. Giảm tỷ lệ nghèo vào năm 2000 xuống dưới 30% số hộ, không còn hộ đói [15, tr.215-218].
Ngoài ra Chính phủ đã ban hành “Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi” (còn gọi tắt là “Chương trình 135”). Đây là một trong các chương trình xoá đói giảm nghèo ở Việt Nam do Nhà nước ta triển khai từ năm 1998. Bao gồm hai giai đoạn: giai đoạn I: từ năm 1997 đến năm 2006; giai đoạn II: từ năm 2006 đến 2010 với nội dung chính:
Hỗ trợ phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ sản xuất của đồng bào các dân tộc. Đào tạo đội ngũ cán bộ khuyến nông thôn bản. Khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư. Xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả, phát triển chế độ công nghiệp chế biến bảo quản. Phát triển sản xuất: kinh tế rừng, cây trồng có năng suất cao, chăn nuôi gia súc, gia cầm có giá trị.
Phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Làm đường dân sinh từ thôn, bản đến trung tâm xã phù hợp với khả năng, nguồn vốn, công khai định mức hỗ trợ nhà nước. Xây dựng, kiên cố hóa công trình thủy lợi: Đập, kênh, mương cấp 1-2, trạm bơm, phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp và kết hợp cấp nước sinh hoạt. Làm hệ thống điện hạ thế đến thôn, bản; nơi ở chưa có điện lưới làm các dạng năng lượng khác nếu điều kiện cho phép. Xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt cho cộng đồng, xây dựng nhà sinh hoạt cho cộng đồng thôn, bản (tùy theo phong tục tập quán) ở nơi cấp thiết.
Đào tạo bồi dưỡng cán bộ cơ sở, kiến thức kỹ năng quản lý điều hành xã hội, nâng cao năng lực cộng đồng. Đào tạo nghề cho thanh niên 16 - 25
tuổi làm việc tại các nông lâm trường, công trường và xuất khẩu lao động.
Hỗ trợ các dịch vụ, nâng cao chất lượng giáo dục, đời sống dân cư hợp vệ sinh giảm thiểu tác hại môi trường đến sức khỏe người dân. Tiếp cận các dịch vụ y tế, bảo hiểm và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
2.1.2. Sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện của Đảng bộ tỉnh Yên Bái từ 1996-2001
Thực hiện đường lối đổi mới nói chung và đổi mới chính sách dân tộc nói riêng trong giai đoạn từ 1996 đến 2001, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã chú trọng lãnh đạo phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc. Một mặt tỉnh chỉ
đạo phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của chính sách dân tộc của Đảng, nhằm thực hiện bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Mặt khác, kịp thời cụ thể hoá những chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng bằng các Chỉ thị, Nghị quyết, đề án cụ thể, phù hợp với điều kiện địa phương để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Với tinh thần: Trí tuệ - đổi mới - dân chủ - kỷ cương - hành động Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIV (từ ngày 2 đến ngày 4/5/1996) đã tập trung phân tích, đánh giá khách quan toàn diện tình hình mọi mặt của tỉnh từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, nhất là nhiệm kỳ 5 năm vừa qua, xác định mục tiêu của Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh:
“Khai thác mọi tiềm năng thế mạnh và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên trong, tranh thủ khai thác nguồn lực bên ngoài để phát triển đạt tốc độ tăng trưởng cao; kết hợp hài hoà giữa mục tiêu kinh tế với các mục tiêu tiến bộ xã hội; bảo vệ sự bền vững của môi trường sinh thái, giữ vững sự ổn định chính trị, quốc phòng và an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh. Tăng tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Phấn đấu đến năm 2000 đưa tỉnh Yên Bái ra khỏi đói nghèo, trở
thành một tỉnh phát triển của khu vực miền núi” [38, tr.404].
Đồng thời tiếp tục cụ thể hoá Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá VI) và Quyết định 72 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về một số chủ trương, chính sách lớn về phát triển kinh tế - xã hội miền núi. Tỉnh uỷ Yên Bái ra Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 14/7/1997 về “phát triển kinh tế - xã hội vùng cao”. Trong đó chỉ đạo các ngành, các huyện xây dựng đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng cao thành chương trình trọng điểm của tỉnh.
Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng nhằm nâng cao đời sống, phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi, dân tộc.
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết còn quan tâm đến vấn đề bảo tồn phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số vùng cao. Nghị quyết chỉ rõ:
“Khuyến khích mọi cấp, mọi ngành, tổ chức xã hội đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động văn hoá, thể thao, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân. Thực hiện tốt cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, phấn đấu 70%
số hộ đạt chuẩn văn hoá, 70% số xã có làng văn hoá, 85% các đơn vị văn hoá… khôi phục, bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh, đặc biệt quan tâm đến đồng bào vùng cao”.
Đặc biệt Nghị quyết còn đề cập đến chính sách thu hút khuyến khích phát triển đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý và đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV của Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 14/7/1997 của Ban Chấp hành Đảng bộ Yên Bái. Tiếp tục thực hiện chương trình hỗ trợ các dân tộc ít người đặc biệt khó khăn (1992 - 1999), Chương trình 06/CP quốc gia phòng chống và kiểm soát ma túy, cuộc vận động nhân dân xóa bỏ trồng cây thuốc phiện, thay thế cây trồng vât nuôi phù hợp với tiềm năng của vùng cao,
chương trình xóa đói giảm nghèo (giai đoạn 1998 - 2000), chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng sâu, vùng xa (Chương trình 135 giai đoạn I)… dù có những khó khăn khách quan, nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng bộ tỉnh và sự nỗ lực cao của các cấp, các ngành, toàn thể nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đem lại những kết quả đáng khích lệ trên tất cả các lĩnh vực, tạo tiền đề vững chắc cho tỉnh nhà bước vào thế kỷ mới.
- Phát triển kinh tế vùng cao Về nông - lâm nghiệp:
Đảng bộ, chính quyền tỉnh tập trung phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng cao, đặc biệt là hai huyện Trạm Tấu, Mù Căng Chải. Những năm qua Tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xoá bỏ 1.500 ha cây thuốc phiện, đẩy mạnh sản xuất cây lương thực, cây công nghiệp và bảo vệ rừng, trồng rừng. Thực hiện chủ trương đầu tư phát triển kinh tế - xã hội bằng lồng ghép các chương trình cùng với sự đầu tư của Nhà nước và của tỉnh, đồng bào vùng cao đã tập trung nỗ lực vào thâm canh, đưa 20-25% giống lúa có năng suất cao vào sản xuất. Về diện tích lúa nước năm 1999 so với năm 1991 tăng 14.650 ha, 60-65% diện tích được cấp bằng giống lúa có năng suất cao, nhiều xã đồng bào các dân tộc thiểu số cấy tới 80-90%
[36, tr.4]. Nhiều hợp tác xã của đồng bào các dân tộc đạt năng suất khá cao, như hợp tác xã Phù Nham đạt 11,3 tấn/ha, Nghĩa An, An Hoà, Đại Phác, An Thịnh… đạt 10 tấn/ha. Với chủ trương tăng 2 vụ, đồng bào dân tộc mỗi năm đã tăng vụ được gần 2.000 ha. Một số đồng bào người Mông ở Mù Căng Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn những năm gần đây đã tập trung làm lúa Đông Xuân được trên 400 ha, tăng thêm 1.200 - 1.500 tấn lương thực mỗi năm, góp phần giải quyết đói và đói giáp hạt ở nhiều xã vùng cao. Ngoài ra còn phát triển các loại cây công nghiệp như: lạc, đậu, chè shan, phát triển cây ăn quả, cây dược liệu tạo nguyên liệu cho cây công nghiệp chế biến, tăng nông sản hàng hoá,
phát triển mở rộng các loại cây ăn quả như: cam, quýt, bưởi, hồng ở các huyện Lục Yên, Yên Bình, Trấn Yên; cây vải, nhãn, mận, sơn tra ở các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Căng Chải với diện tích từ 1.500 - 2.000 ha [36, tr.6].
Ngành chăn nuôi ở các xã vùng cao cũng có những bước thay đổi đột biến và chuyển dịch dần theo hướng tăng số lượng và tỷ trọng gia súc nuôi lấy thịt, giảm gia súc cày kéo. Đặc biệt đàn ngựa địa phương đang được cải tạo bằng giống ngựa Cabazin mới của Nga để tăng chất lượng phục vụ cho đi lại và vận chuyển hàng hoá. Từng bước xây dựng chuồng trại để chăn thả gia súc trong chuồng, xoá bỏ dần tập quán thả rông gia súc. Thực hiện ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, bồi dưỡng và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ nông - lâm nghiệp.
Trong phát triển lâm nghiệp và kinh tế đồi rừng Đảng bộ Yên Bái đã chỉ đạo tiếp tục thực hiện Nghị quyết về xây dựng vốn rừng và phát triển kinh tế đồi rừng (1989) và Nghị quyết về phát triển nông, lâm nghiệp toàn diện (1993) để khuyến khích đồng bào các dân tộc nhận đất, nhận rừng phát triển kinh tế đồi rừng mở ra hướng sản xuất mới cho đồng bào miền núi trong tỉnh.
Hàng loạt các trang trại ra đời, trong số 7.252 trang trại của toàn tỉnh thì số trang trại của đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 40%. Đặc biệt các trang trại trồng quế của người Dao trị giá mỗi trang trại từ 400 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Nhiều trang trại trồng rừng của đồng bào các dân tộc có từ 10-30 ha.
Thực hiện chủ trương phát triển lâm nghiệp một cách tích cực, toàn tỉnh đã trồng mới được gần 100 ngàn ha rừng, khoanh nuôi, tái sinh được 180.000 ha (trong đó trên 60.000 ha rừng khoanh nuôi trở thành rừng kinh tế). Đưa tỷ lệ tán che rừng từ lên gần 40%, góp phần cải thiện đáng kể môi trường sinh thái, đặc biệt là điều tiết nước cho sản xuất nông nghiệp ở tỉnh, vùng trung du và vùng đồng bằng Bắc bộ [59, tr.4].
Về thực hiện chính sách trợ giá, trợ cước:
Theo tinh thần của Nghị định số 20/1998/NĐ-CP ngày 31/3/1998, tỉnh