Chương 3 CHỨC NĂNG CỦA NGHI LỄ CHUYỂN ĐỐI 3.1. Chức năng tâm lý
3.2. Chức năng xã hội
3.2.1. Nghi lễ tạo bối cảnh thừa nhận sự chuyển đổi của cá nhân
Thông qua nghi lễ, sự chuyển đổi của cá nhân được xã hội thừa nhận. Như Victor Turner viết “Howitt đã từng thấy người Kuringal ở Úc và tôi (Turner) thì đã chứng kiến người Ndembu ở châu Phi xua đuổi những người đàn ông trưởng thành ra khỏi một nghi lễ cắt bao quy đầu bởi vì trước kia những người đàn ông này đã không được làm lễ nhập môn để thành đàn ông. Trong tộc người Ndembu, đàn ông cũng bị đuổi đi vì họ chỉ được cắt bao quy đầu ở bệnh viện Mission Hospital chứ không trải qua giai đoạn sống cách ly trong rừng theo nghi thức chính thống của người Ndembu. Những người đàn ông đã trưởng thành về mặt sinh học này đã không là những “người đàn ông được tạo ra” bởi những thủ tục nghi lễ thích hợp”
[48: 338].
Chính vì cần được xã hội thừa nhận sự chuyển đổi của cá nhân nên nhất thiết, mỗi sự kiện quan trọng ở từng giai đoạn, người Hoa đều tổ chức nghi lễ. Lễ đầy tháng được tổ chức để thông báo gia đình có thêm thành viên mới. Đôi nam nữ được thừa nhận là vợ chồng thông qua lễ cưới. Hôn lễ còn là thước đo phẩm hạnh
của người con gái. Bố mẹ cô gái sẽ hãnh diện, tự hào với lối xóm, họ hàng, bạn bè về một lễ cưới tươm tất, linh đình của con gái mình. Ngược lại, người con gái chỉ đăng ký kết hôn với chồng mình, không tổ chức nghi thức cưới, gia đình sẽ bị mọi người gièm pha, chê cười (nhất là gia đình, dòng họ và láng giềng). Chính quan niệm này, ít cá nhân nào trong cộng đồng người Hoa dám bước qua dư luận xã hội, không tổ chức lễ cưới. Hầu hết người Hoa không ủng hộ việc đôi nam- nữ chỉ ra phường đăng ký kết hôn và không tổ chức lễ cưới.
“Thường người Hoa ít có trường hợp chỉ ra phường đăng ký kết hôn. Ít nhiều cũng làm lễ: có tiền thì làm lớn, không đủ tiền thì làm đơn giản hơn. Không tổ chức lễ cưới mà chỉ đăng ký kết hôn và đi hưởng tuần trăng mật là chuyện không nên ủng hộ. Nhất là hồi xưa chưa có giấy chứng hôn, nên tổ chức lễ cưới mời bà con, bạn bè, những người đó là nhân chứng. Nói đúng ra làm lễ đơn giản thì nó đâu có tốn kém bao nhiêu đâu (V.Q).
Lễ cưới cơ bản nhất phải cúng tổ tiên để ghi nhớ việc hệ trọng này, không muốn tổ chức thì không còn gì để nói. Không chấp nhận việc không tổ chức lễ cưới. Nếu như vậy, ít khi cha mẹ chồng nhìn cô dâu. Biết sao không: cha mẹ, tổ tiên còn không chịu cúng bái, thì không thể thừa nhận con dâu như thế (H.C).
“Trong trường hợp không tổ chức lễ cưới hai bên cha mẹ phải bàn nhau. Đàng trai muốn như vậy nhưng đàng gái không chịu, bắt buộc nhà trai phải có bánh trái đưa qua, để biếu họ hàng, lối xóm, báo tin con tôi đám cưới. Chứ còn cúng một cái rồi đi, chỉ là trường hợp bấc đắc dĩ. (L.T)
“vô lễ bất thành hôn” (H.C, K.D, L.T)”
[Phỏng vấn nhóm tập trung, tại trụ sở Hội Cựu học sinh trường Trần Bội Cơ, Nguyễn Trãi, quận 5, ngày 29-10-2011, NKĐD]
Trong số 20 người được phỏng vấn sâu chỉ có một trường hợp của ông M.C.C không tổ chức lễ cưới mà chỉ đến cơ quan hộ tịch đăng ký kết hôn.
Ông kể:
“Do ba mẹ chết sớm, tôi không tổ chức các nghi thức cưới mà chỉ đưa vợ tôi đến cơ quan hộ tịch đăng ký kết hôn, đăng tin trên báo, và đi Đà Lạt hưởng tuần trăng mật.
[M.C.C (nam, 82 tuổi), đường Nguyễn Thời Trung, phường 6, quận 5, ngày 25-11-
Xã hội thừa nhận và khuyến khích những chức năng của quan hệ hôn nhân:
quan hệ tính giao, trách nhiệm tạo ra những nguồn lực để nuôi dưỡng và giáo dục con cái. Những bổn phận của lòng trung thành và sự thủy chung được chứng thực thông qua nghi thức cưới (lễ cưới). Một mục đích quan trọng của lễ cưới là để cột chặt bố mẹ trong sự liên kết để nuôi dưỡng và bảo vệ con cái. Lễ cưới đưa đến sự phân công vai trò mới của người nam và người nữ và khuyến khích họ thực hiện vai trò mới. Nhìn chung, một đôi vợ chồng có thể được mong đợi sự hợp nhất. Lễ cưới tạo cơ hội cho đôi vợ chồng thể hiện tình cảm của họ đối với gia đình và bạn bè. Lối chúc mừng trong lễ cưới tăng cường sự liên kết giữa đặc tính cá nhân [personal identity] và vai trò xã hội cũng như tính pháp lý của chính nghi lễ. Lễ cưới có ảnh hưởng sâu sắc đến sự thay đổi địa vị của người nam và người nữ và có liên quan đến những đặc tính cơ bản của tổ chức xã hội như thân tộc hay sự phân chia tài sản.
Hầu hết những người tham dự khao khát sự thay đổi địa vị và vì thế họ toàn tâm toàn ý tham dự nghi lễ. Theo Matthijs Kalmijn,“con người dùng lễ cưới để đạt được sự tán đồng của xã hội đối với sự chuyển đổi vai trò họ tạo nên” [77: 583], sự chuyển đổi từ trạng thái độc thân, chưa trưởng thành, phụ thuộc bố mẹ sang trạng thái trưởng thành, kết hôn, độc lập với bố mẹ.
“Người Hoa chỉ được xem là trưởng thành khi đã kết hôn. Nếu đã 50, 60 tuổi mà chưa kết hôn vẫn xem chưa trưởng thành và không được lì xì cho các em và cháu.
Người dù nhỏ tuổi nhưng đã kết hôn thì xem như trưởng thành được cho lì xì cho người khác.
Chưa kết hôn là chưa trưởng thành nên khi chết chỉ được đặt bài vị dưới đất mà không được thờ chung trên bàn thờ tổ tiên. Đối với người Hoa, lễ cưới rất quan trọng”.
[D.Đ.M (Nữ, 45 tuổi), đường Lương Nhữ Học, phường 11, quận 5, ngày 24-3-2010, NKĐD]
“Người xưa có câu: con trai 30 tuổi mà chưa lập gia đình thì chưa chín chắn, đó là bước đầu tiên để xây dựng một cuộc sống ổn định. Lập gia đình, cưới hỏi, quãng đời bắt đầu thay đổi, có đám cưới mới thành người. “Tam thập bất lập, tứ thập bất phú”
[H.K.D (nam, 71 tuổi), đường Lý Nam Đế, phường 7, quận 11, ngày 31-3-2010.
NKĐD]
Chức năng xã hội của lễ cưới cũng được thể hiện qua câu trả lời của người trong cuộc về “ý nghĩa của lễ cưới” là “đánh dấu sự trưởng thành của cá nhân – với nghi thức chải đầu” (93,3%), “chính thức công nhận đôi nam nữ hợp nhất thành một gia đình” (95,5%) [Kết quả khảo sát năm 2011, xem thêm phụ lục].
Bằng việc tổ chức lễ cưới, cô dâu và chú rể cho bạn bè và thân tộc biết mẫu người mà họ đã chọn, cùng sống với họ trong suốt cuộc đời. Mặt khác, lễ cưới là dịp để xác nhận một sự chuyển tiếp về vai trò, hành vi ứng xử theo chuẩn tắc xã hội - một thành tố quan trọng có được sự tán đồng của xã hội mà con người phấn đấu làm theo trong cuộc sống. “Lễ cưới mang đến một nhóm người làm chứng cho quyết định cưới nhau của đôi nam-nữ, và có thể làm cho cặp đôi này tăng trách nhiệm về nhau, về vai trò mới của mỗi người. Bằng việc tăng trách nhiệm đối với nhau, và cũng làm giảm điều không chắc chắn họ cảm nhận từ cuộc hôn nhân” [77:
584]. Nói cách khác “lễ cưới là một cách để người con trai và người con gái có được sự tán đồng của gia đình, xã hội về việc tiếp nhận vai trò mới: người vợ, người chồng được quy định bởi những quy phạm của xã hội” [77: 592].
Trong lễ hỏi, lễ vật của gia đình nhà trai mang đến nhà gái được xem như nỗ lực của ba mẹ chàng trai trong việc đề cao người con gái, nhận lễ vật này đồng nghĩa việc với việc gia đình cô gái đồng ý gả con cho chàng trai. Cô dâu đã trở thành người của cả gia đình chứ không phải của riêng chú rể.