Tiếp biến văn hóa

Một phần của tài liệu Nghi lễ chuyển đổi của người hoa quảng đông ở thành phố hồ chí minh hiện nay (Trang 188 - 191)

Chương 3 CHỨC NĂNG CỦA NGHI LỄ CHUYỂN ĐỐI 3.1. Chức năng tâm lý

4.1. Những yếu tố ảnh hưởng đến nghi lễ chuyển đổi

4.1.3. Tiếp biến văn hóa

Người Hoa Quảng Đông ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nay không còn là một cộng đồng khép kín như thời gian mới đến Việt Nam mà sống xen cư với các cộng đồng khác. Nguyên tắc hôn nhân nội tộc không còn được duy trì, hiện tượng hôn nhân hỗn hợp Việt – Hoa, Khmer – Hoa, giữa các nhóm Hoa với nhau ngày càng trở nên phổ biến nên quá trình giao lưu-tiếp biến văn hóa tại mỗi gia đình diễn ra một cách âm thầm nhưng sâu đậm. Nghi lễ chuyển đổi là những nghi lễ diễn ra tại gia đình, ít nhiều chịu sự tác động của quá trình tiếp biến văn hóa này. Tại mỗi gia đình, dù “người chủ gia đình” luôn có ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống của cộng đồng mình nhưng vẫn sẵn sàng tiếp thu văn hóa của nhóm cộng đồng ngôn ngữ khác, của tộc người khác và nền văn hóa khác để thích ứng với bối cảnh xã hội mới. Yếu tố giao lưu văn hóa được phản ánh rõ nhất trong lễ cưới, vì đối tượng thụ lễ, đôi nam nữ là nhân tố thúc đẩy sự giao lưu văn hóa. Đối với những cặp hôn nhân hỗn hợp (về thành phần tộc người, nhóm phương ngữ), nghi thức lễ cưới sẽ được thực hiện theo cách: tập quán của bên nào bên ấy giữ. Và để đạt đến sự thống nhất về các nghi thức, thông thường hai bên phải trải qua sự bàn bạc và thỏa thuận, để tránh những “cú sốc văn hóa”. Trước thực tế hôn nhân thay đổi (không còn hôn nhân nội tộc như trước đây), xu hướng hòa nhập là tất yếu. Văn hóa của cộng đồng

không thể bảo lưu độc lập, bất biến nên trong văn hóa của người Hoa Quảng Đông cũng có những yếu tố văn hóa của các nhóm ngôn ngữ khác, và ngược lại.

“Tôi là người Hẹ có vợ là người Quảng Đông. Gia đình tôi có nếp sinh hoạt theo phong tục Quảng Đông nhiều hơn Hẹ. Những đứa cháu của tôi và bản thân tôi cũng quên tiếng Hẹ, trong gia đình dùng tiếng Quảng Đông. Các nghi lễ trong gia đình thường do vợ tôi đứng ra tổ chức nên được thực hiện theo nghi thức Quảng Đông”.

[L.T.V (nam, 78 tuổi), đường Lý Thường Kiệt, quận 10, ngày 29-3-2010, NKĐD ] Khi con trai Quảng Đông cưới vợ người Việt lễ cưới sẽ được tổ chức theo cả nghi thức Quảng Đông và nghi thức của người Việt.

Chú rể H.C.X hiện cư ngụ ở đường Lý Nam Đế, quận 11 cưới vợ là L.T.T.Loan, người Việt ở Bến Tre. Trước khi tổ chức lễ cưới, gia đình hai bên đã thỏa thuận hai bên sẽ tôn trọng phong tục truyền thống của nhau. Khi đến nhà gái sẽ thực hiện nghi thức lễ cưới của người Việt. Nhà trai không gánh bánh qua nhà gái trong lễ hỏi, mà bưng quả giống như người Việt. Lễ vật gồm nhang, đèn, trầu cau, rượu, cặp hoàng lạc. Bố mẹ cô dâu vẫn đưa cô dâu về nhà chồng trong lễ đón dâu. Cô dâu mặc áo dài truyền thống người Việt chứ không mặc áo “khũa”. Khi đón dâu về đến nhà trai, cô dâu thực hiện nghi thức bái đường của người Quảng Đông.

[Lễ cưới H.C.X, đường Lý Nam Đế, phường 7, quận 11, ngày 29-5-2010]

Ông Ô.D.P có hai người con trai và hai người con gái. Hai người con gái có chồng cùng là người Hoa Quảng Đông nên nghi thức lễ cưới được tổ chức theo nghi thức Quảng Đông. Hai người con trai cưới vợ người Việt, nên qua nhà gái, gia đình ông thực hiện nghi thức lễ cưới theo người Việt (giống trường hợp H.C.X) và khi trở về nhà ông, đôi tân lang, tân nương thực hiện nghi thức bái đường, dâng trà cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh em, họ hàng. Cô dâu mặc áo dài khi làm lễ gia tiên ở nhà cha mẹ đẻ và mặc áo khõa khi làm lễ ở nhà trai.

[Ô.D.P (nam, 72 tuổi), đường Hòa Hảo, quận 10, ngày 31-3-2010, NKĐD]

Lễ cưới của bà T.T.A (sinh năm 1954, quê ở Đông Quan) được tổ chức vào năm 1976 có sự hòa lẫn giữa văn hóa phương Tây, văn hóa của người Quảng Đông và văn hóa người Hẹ vì bà T.A là người Quảng Đông theo đạo Tin Lành và kết hôn với người Hẹ. Theo lời bà, lễ cưới tại nhà bà có nghi thức bái đường từ giã tổ tiên và cũng được tổ chức tại nhà thờ do mục sư làm chủ lễ. Khi rước dâu sang nhà trai

các nghi thức lại được thực hiện theo phong tục của người Hẹ: như tục cô dâu phải dẫm lên một cái bao, gọi là truyền đại – truyền nối đời đời (“đãi” – cái bao đồng âm với từ “đại” nghĩa là đời), trong khi đối người Hoa Quảng Đông thì chỉ bước qua ngạch cửa và bà mai sẽ nói câu “mọi điều không tốt đẹp để lại phía sau”.

[T.T.A (nữ, 56 tuổi), 506 lô G1, chung cư Hùng Vương, ngày 14-9-2010, NKĐD]

Trường hợp khác bà T.T.B.Y là người Quảng Đông nhưng kết hôn với người Triều Châu nên lễ cưới của bà, theo sự thỏa thuận của hai gia đình, mỗi bên đều tổ chức nghi thức truyền thống của cộng đồng mình. Tuy nhiên, khi bà Y về sống với chồng phải sống theo phong tục tập quán của người Triều Châu. Con trai bà đến 15 tuổi được gia đình tổ chức lễ Xuất hoa viên- tức lễ trưởng thành, người Quảng Đông không có nghi lễ này.

[T.T.B.Y (nữ, 52 tuổi), đường Phù Đổng Thiên Vương, quận 5, ngày 15-9-2010]

Bà N.T.H là người Quảng Đông kết hôn với người Triều Châu, lễ cưới của bà được tổ chức theo phong tục của người Triều Châu, được thể hiện qua lễ vật nhà trai mang sang nhà gái và một số nghi thức. Lễ vật nhà trai mang sang nhà gái phải có một mâm bánh thèo lèo, kẹo đậu phụng… số tiền mang những số 4 như 44.444.000 đồng (xí xỉ xí xỉ xí xỉ - sống đời đời) vì người Hoa Triều Châu cho rằng con số 4 là con số “tứ quý cát tường”. Khác với người Hoa Quảng Đông nhà trai chỉ mang lễ vật qua nhà gái trong lễ hỏi, trong ngày đón dâu, nhà trai người Hoa Triều Châu vẫn mang qua nhà gái số lễ vật nhiều hơn lễ vật trong lễ hỏi để xin đón dâu. Đối với người Hoa Quảng Đông, nhà trai nhờ những người phụ nữ gánh lễ vật qua nhà gái thì người Triều Châu đặt lễ vật vào khay gỗ to hai người thanh niên khiêng sang nhà gái. Trong lễ hỏi, chú rể cũng không sang nhà gái như trong lễ hỏi của người Quảng Đông. Nhưng ngược lại, thành phần lễ hỏi của nhà trai sang nhà gái có bố mẹ của chú rể. Nhà trai người Quảng Đông gánh cặp gà sang nhà gái nhưng người Triều Châu thì mang cặp vịt, tuy nhiên về ý nghĩa thì giống nhau.

[N.T.H (nữ, 58 tuổi), chung cư Phù Đổng Thiên Vương, ngày 16-9-2010].

Ông C.T.P người Quảng Đông, cưới vợ người Phúc Kiến, nghi thức tại gia đình ông theo phong tục Quảng Đông nhưng sang nhà gái ông phải theo phong tục người Phúc Kiến: lễ vật mang qua nhà gái phải có cặp gà trống, một loại bánh làm bằng bột mì, nhân mật ong trộn mè.

Ngày nay, văn hóa phương Tây cũng ảnh hưởng khá đậm nét trong lễ cưới, rõ nhất là tiệc mừng được tổ chức ở nhà hàng. Bắt đầu bữa tiệc, người điều khiển chương trình giới thiệu hai bên họ hàng trước quan khách theo cách của người phương Tây. Trong tiệc cưới, cô dâu mặc soiré trắng, chú rể mặc veston sánh bước bên nhau đi lên sân khấu để chào hai bên họ hàng.

Phụ nữ người Hoa Quảng Đông khi kết hôn với người Hoa Triều Châu, lúc qua đời, lễ tang sẽ được thực hiện theo phong tục người Triều Châu, cho dù có những điều không phù hợp với quan niệm truyền thống của cộng đồng Quảng Đông.

Lễ tang của bà T.T.M có thực hiện nghi thức Nuôi cơm, hay Qua cầu Nại hà, vốn không có trong lễ tang người Quảng Đông.

[Lễ tang T.T.M, nhà tang lễ An Bình, ngày 20-08-2010]

Một phần của tài liệu Nghi lễ chuyển đổi của người hoa quảng đông ở thành phố hồ chí minh hiện nay (Trang 188 - 191)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(304 trang)