Chương 3: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.6 Đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư
Trên cơ sở tham khảo kết quả nghiên cứu của nhiều tác giả trong nước về ảnh hưởng của việc thực hiện các chính sách bồi thường, hỗ trợ và TĐC đến sinh kế của người dân sau khi bị thu hồi đất, kết hợp với kết quả nghiên cứu của đề tài này chúng tôi đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần hoàn thiện việc thực hiện chính sách bồi thường, GPMB và hướng tới mục tiêu thực sự mang lại một cuộc sống tốt hơn cho người nông dân, đối tượng được coi là chịu tác động lớn nhất trong quá trình phát triển CNH - HĐH đất nước.
3.6.1 Giải pháp về chính sách
- Điều chỉnh lại mức giá các loại đất cho phù hợp với khả năng sinh lợi của đất, khắc phục tình trạng giá đất trong mức giá bồi thường, hỗ trợ thấp hơn nhiều so với giá đất sau khi quy hoạch chuyển mục đích sử dụng bán cho người dân.
- Nghiên cứu thành lập quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho người dân có đất bị thu hồi; quỹ này được hình thành từ một phần của các khoản tiền sử dụng đất, tiền thuế đất hàng năm nộp vào ngân sách Nhà nước của các doanh nghiệp khi sử dụng đất.
- Bổ sung các quy định về trách nhiệm của cơ quan Nhà nước các cấp có liên quan đến vấn đề chuyển đổi nghề nghiệp và đào tạo nghề đối với người dân có đất bị thu hồi.
- Nhà nước cần có cơ chế chính sách dành một tỷ lệ đất để làm dịch vụ cho người bị thu hồi đất nông nghiệp để tổ chức các hoạt động dịch vụ đối với lực lượng lao động lớn tuổi, khó có khả năng chuyển đổi nghề nghiệp khi bị thu hồi đất (chính sách trợ cấp cho những người già không chuyển đổi được nghề nghiệp khi bị thu hồi đất).
- Nhà nước cần có cơ chế chính sách quan tâm hơn nữa đối với người dân bị thu hồi hết diện tích đất ở mà phải TĐC như: Cơ chế đất đổi đất. Nghĩa là thu hồi đất ở bao nhiêu, bố trí TĐC bằng hoặc tương đương diện tích đất đã bị thu hồi (người dân không được nhận các khoản bồi thường, hỗ trợ về đất, cũng như không phải nộp bất kỳ một khoản tài chính nào về diện tích được TĐC.
- Chủ đầu tư dự án và các cấp có thẩm quyền cần có chế độ ưu tiên tuyển dụng lao động từ các hộ dân nằm trong diện bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp vào làm việc trong nhà máy nhằm giúp người dân ổn định nguồn thu nhập sau khi quỹ đất nông nghiệp bị thu hẹp..
3.6.2 Giải pháp về tổ chức thực hiện
- Đối với chủ đầu tư khi thực hiện các dự án cần có quy định, bắt buộc:
+ Thực hiện nghiêm túc những cam kết đã hứa với người dân có đất bị thu hồi;
+ Cần quan tâm sử dụng lao động có đất bị thu hồi của địa phương làm việc trong doanh nghiệp, quy định rõ về thời gian làm việc để khắc phục tình trạng thuê lao động chỉ là hình thức sau một thời gian ngắn lại sa thải.
+ Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ sở đào tạo để tuyển sinh, tổ chức các lớp dạy nghề cho người dân có đất bị thu hồi tại doanh nghiệp...
- Đối với nguồn lao động trẻ, chính quyền địa phương và chủ đầu tư vận động, đưa ra các giải pháp hợp lý sử dụng một phần diện tích đền bù cho đào tạo nghề bắt buộc và có cơ chế buộc các doanh nghiệp phải có trách nhiệm tuyển dụng lực lượng lao động thanh niên được đào tạo vào làm việc.
- Chính quyền địa phương, chủ đầu tư chủ động hướng dẫn người dân sử dụng tiền đền bù để đầu tư cho công ăn, việc làm có hiệu quả. Thường xuyên tổ chức và thông tin chính xác qua các buổi tuyên truyền về chính sách, các quy định của pháp luật về đất đai, trọng tâm là những chủ trương của tỉnh tạo điều kiện cho người dân hiểu và thực hiện đúng, đảm bảo cho công tác GPMB được thực hiện đúng tiến độ.
- Khi xây dựng phương án đầu tư từng dự án, phải ghi rõ các khoản chi phí đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi một cách cụ thể, rõ ràng, công khai để người dân biết và giám sát quá trình thực hiện.
- Địa phương cần rà soát lại quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, điều chỉnh quy hoạch đất nông nghiệp gắn với quy hoạch dạy nghề, tạo việc làm, đặc biệt gắn giữa kế hoạch phát triển doanh nghiệp với kế hoạch tuyển dụng lao động tại chỗ, trước hết cho thanh niên để có kế hoạch đào tạo họ phù hợp với ngành nghề và cơ cấu lao động của doanh nghiệp. Cần nắm rõ thực trạng tình hình lao động, việc làm ở những khu vực đất nông nghiệp bị thu hồi, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo lao động ở địa phương mình. Mỗi địa phương cần xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực tầm dài hạn cho đến năm 2020 để chủ động trong việc bố trí việc làm cho người dân bị thu hồi đất; mỗi địa phương cần quy hoạch khu công nghiệp làng nghề nằm trong các khu vực không ảnh hưởng đến việc canh tác đất nông nghiệp.
- Các cơ quan nhà nước địa phương phải trực tiếp thu hồi đất, không để tình trạng các chủ dự án tự thỏa thuận với dân; cùng một địa bàn, có dự án trả giá bồi thường cao, có dự án trả bồi thường thấp, điều này gây ra sự khiếu kiện trong dân, dẫn đến mất ổn định xã hội...
3.6.3 Giải pháp đảm bảo đời sống cho người dân có đất bị thu hồi
Qua quá trình nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của việc thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ và TĐC đến đời sống người dân tại 02 dự án trên địa bàn huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Ngoài những giải pháp chung như hoàn thiện cơ chế, chính sách về bồi thường, hỗ trợ và TĐC cũng như các giải pháp trong khâu tổ chức thực hiện đã nêu ở phần trên, chúng tôi đề xuất một số giải pháp cụ thể nhằm đảm bảo đời sống cho người dân bị thu hồi đất trên địa bàn cả nước nói chung cũng như tại địa bàn huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc cụ thể như sau:
- Đối với phần diện tích đất SX nông nghiệp còn lại sau thu hồi của người dân nên mạnh dạn áp dụng những hình thức sản xuất mới đạt hiệu quả cao. Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ để người dân tiếp cận về kỹ thuật, giống mới, vốn đầu tư quan tâm đến thị trường đầu ra cho người dân.
- Để đảm bảo việc làm, ổn định đời sống cho người dân bị thu hồi đất cần chuyển đổi nghề cho phù hợp từng địa phương, sát với yêu cầu của thị trường lao động và phải phân ra từng loại hình cần đào tạo với những giải pháp khác nhau cụ thể:
+ Đối với lao động trẻ tuổi của các hộ bị thu hồi đất nông nghiệp là những người được đào tạo chuyển đổi nghề. Nên dùng một phần tiền đền bù để đào tạo nghề bắt buộc, có chính sách ưu tiên xuất khẩu lao động kỹ thuật đối với lao động trẻ qua đào đạo chuyển đổi nghề.
+ Đối với lao động trẻ của các hộ bị thu hồi đất nông nghiệp chưa có việc làm, chưa qua đào tạo: loại lao động này chiếm tỷ lệ cao trong lực lượng lao động trẻ, bao gồm đa số những người chỉ làm nông nghiệp, khả năng cạnh tranh và hội nhập thị trường lao động kém. Do đó cần phải hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề phù hợp, hỗ trợ họ tiếp cận hệ thống tín dụng của địa phương để phát triển kinh tế gia đình, kinh doanh cá thể, tiểu thương, nghề truyền thống...
+ Đối với lao động trên 35 tuổi trở lên và lao động có trình độ học vấn thấp, đối tượng này chỉ có kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp truyền thống, khi bị thu hồi khó thích nghi với môi trường mới và thị trường lao động, không đủ trình độ văn hoá để tham gia các khoá đào tạo chuyển đổi nghề; tâm lý ngại xa gia đình, ngại
chi phí cho đào tạo. Vì vậy, nên phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống, mở rộng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống cho dân để tạo việc làm trong lĩnh vực này; có chính sách cho vay vốn ưu đãi, miễn, giảm thuế với người lao động lớn tuổi, lao động có trình độ học vấn thấp để họ tự tạo việc làm trong lĩnh vực dịch vụ đời sống, du lịch, thương mại; có chính sách khuyến khích họ tham gia tích cực vào các lớp khuyến nông, ứng dụng công nghệ mới. Để làm được điều này địa phương cần kết hợp với Hội nông dân, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh mở các lớp đào tạo ngắn hạn miễn phí.
- Áp dụng hình thức bồi thường, hỗ trợ theo hình thức sổ tiết kiệm đối với những lao động cao tuổi khó chuyển đổi việc làm thay vì bằng tiền mặt.
- Quản lý nguồn vốn hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp bằng cách miễn học phí tại các lớp học nghề.
- Tuyên truyền, vận động để người dân sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn vốn được bồi thường, hỗ trợ, hạn chế việc dùng nguồn vốn này để xây dựng, sửa chữa nhà cửa, mua sắm tài sản sinh hoạt đắt tiền mà không phục vụ mục đích kinh doanh sinh lợi.
- Nhà nước cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội giao thông, thủy lợi.. để phục vụ cho người dân sau khi bị thu hồi đất có điều kiện đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, nâng cao năng suất cây trồng đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ và giải quyết việc làm cho người lao động, sinh sống phát triển kinh tế bền vững trên diện tích đất còn lại.
- Phát triển hệ thống cơ sở dạy nghề tại chỗ như: Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề, tăng cường liên kết đào tạo nghề với các trường dạy nghề trung cấp, cao đẳng, đại học trên địa bàn. Có sự liên kết, phối hợp giữa các cơ sở sử dụng lao động với các cơ sở đào tạo nghề để nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động, sau khi học xong có thể làm việc được ngay, đảm bảo đời sống cho người dân sau khi bị thu hồi đất.