Chương 3: MỘT SỐ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ
3.2. Một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật và hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp xã hội
3.2.1. Giải pháp hoàn thiện pháp luật về doanh nghiệp xã hội
Việc hoàn thiện pháp luật về doanh nghiệp xã hội cần được tính toán theo hai giai đoạn, với giai đoạn trước mắt cần sớm ban hành Nghị định hướng dẫn Điều 10 Luật Doanh nghiệp năm 2014 về DNXH để làm rõ hơn về tổ chức và hoạt động của DNXH.
Rõ ràng xuất phát từ sự phát triển mạnh mẽ trên phương diện kinh tế và thực trạng pháp luật điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp xã hội còn giản đơn, việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật về doanh nghiệp xã hội là điều cần thiết. Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã có hiệu lực vào tháng 7 năm 2015 và hiện rất cần có nghị định chuyên ngành hướng dẫn quy định của Luật về DNXH.
Đây vừa là những viên gạch đầu tiên trong quá trình thể chế hóa DNXH vừa là bước thăm dò, chuẩn bị cho khả năng luật hóa lĩnh vực này ở giai đoạn sau, khi khối DNXH đã có sự phát triển lớn mạnh và cung cấp cơ sở thực tiễn dồi dào hơn. Nghị định về DNXH phải đưa ra được một định nghĩa về DNXH tại Việt Nam. Các tiêu chí thể hiện đặc điểm bắt buộc và linh hoạt của DNXH cũng cần được xác định rõ ràng. Thông qua đó, các vấn đề định vị DNXH thuộc khu vực tư nhân hay nhà nước, thuộc NGO hay doanh nghiệp, hoặc cả hai, khả năng chuyển đổi của các tổ chức khác. Ngoài ra các nội dung khác của Nghị định này phải giải quyết được các vấn đề trọng yếu của doanh nghiệp xã hội bao gồm: tên gọi của doanh nghiệp; chế độ trách nhiệm tài sản; điều kiện đóng góp của các tổ chức, cá nhân; quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp tài chính vào doanh nghiệp; hoạt động quản trị nội bộ của doanh nghiệp; chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của Nhà nước
đối với mô hình doanh nghiệp xã hội; và những điều lệ cần tuân thủ. Đối với các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp xã hội mới thành lập cần có sự hỗ trợ về pháp luật như hỗ trợ trực tiếp, hoặc hướng dẫn cho các tổ chức đăng ký dưới các hình thức phù hợp tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
Cụ thể, Nghị định hướng dẫn về DNXH cần phải làm rõ hai nội dung sau:
Một là, phải làm rõ được tính chất phi lợi nhuận của doanh nghiệp xã hội bằng cách hướng dẫn chi tiết về các yếu tố nhận diện doanh nghiệp xã hội. Cụ thể, phải bổ sung vào khung pháp lý đặc điểm "doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp tiến hành kinh doanh phi lợi nhuận" để tạo được sự khác biệt rõ rệt giữa doanh nghiệp thông thường và doanh nghiệp xã hội đồng thời khắc phục sự bất hợp lý trong quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành.
Hai là, cần có hướng dẫn cụ thể về việc cho phép hay không cho phép các tổ chức hiện đang hoạt động như doanh nghiệp xã hội nhưng không là doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp xã hội theo luật định.
Bên cạnh đó, Nghị định ban hành cần hướng dẫn cụ thể về các vấn đề có liên quan đến thành lập, tổ chức và hoạt động của các doanh nghiệp xã hội. Cụ thể ở các nội dung sau.
- Cần quy định rõ trình tự, thủ tục đăng ký hoạt động doanh nghiệp xã hội. So với doanh nghiệp thông thường, thì đăng ký thành lập doanh nghiệp xã hội có một số khác biệt sau đây:
+ Doanh nghiệp xã hội có thể bổ sung thêm cụm từ "xã hội" hoặc
"XH" vào trước tên riêng hoặc sau tên loại hình doanh nghiệp trong tên doanh nghiệp.
+ Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp xã hội bao gồm thêm Bản cam kết mục tiêu xã hội và môi trường với thời hạn ít nhất là 05 năm và Phương án kinh doanh của doanh nghiệp.
- Về chính sách thúc đẩy phát triển doanh nghiệp xã hội. So với doanh nghiệp thông thường, doanh nghiệp xã hội được hưởng một số chính sách khuyến khích sau đây:
+ Được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần lợi nhuận mà doanh nghiệp giữ lại để tái đầu tư nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường của doanh nghiệp.
+ Các doanh nghiệp có viện trợ cho doanh nghiệp xã hội thì các khoản viện trợ đó được tính vào chi phí doanh nghiệp.
+ Quy định chi tiết trình tự, thủ tục tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài và tiếp tài trợ từ tổ chức, cá nhân, cơ quan khác.
- Quy định chuyển đổi thành doanh nghiệp xã hội và ngược lại; quy định cụ thể về sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp xã hội. Cho phép chuyển đối cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội và quỹ từ thiện thành doanh nghiệp xã hội.
- Quy định chi tiết nguyên tắc theo dõi và giám sát đối với doanh nghiệp xã hội nhằm tránh việc lạm dụng doanh nghiệp xã hội để hoạt động nhằm thu lợi cho cá nhân, tổ chức thay vì phục vụ cho mục tiêu cộng đồng. Cụ thể:
+ Đối với những doanh nghiệp xã hội có nhận viện trợ, thì phải công khai hóa trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp các khoản viện trợ đã nhận và Báo cáo đánh giá tác động xã hội hàng năm.
+ Trường hợp doanh nghiệp xã hội giải thể, thì số dư tài sản hoặc tài chính còn lại đối với nguồn tài sản, tài chính do các tổ chức trong nước và ngoài nước hoặc do Nhà nước mà doanh nghiệp xã hội đã nhận được để thực hiện các mục tiêu xã hội sẽ phải được chuyển cho các doanh nghiệp xã hội khác hoặc tổ chức khác có mục tiêu xã hội tương tự.
Các quy định cụ thể trên có thể tạo điều kiện thuận lợi cho DNXH được thành lập, tổ chức và hoạt động trong thời gian mới.
Tuy nhiên về lâu dài, chúng ta cần ban hành ở cấp độ luật văn bản riêng về doanh nghiệp xã hội bởi vì các lý do sau:
- Doanh nghiệp xã hội có những đặc điểm riêng cơ bản mà không loại hình doanh nghiệp nào có. Và các đặc điểm riêng này cần được thể hiện trong một văn bản riêng mà không nên nhầm lẫn và sắp đặt trùng trong Luật Doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp xã hội hoạt động vì mục tiêu xã hội, có cơ cấu tổ chức và quản trị rất riêng biệt, chính vì vậy, nếu áp dụng mô hình quản trị như đối với các hình thức doanh nghiệp khác thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp này. Chính vì lẽ đó, nếu quy định văn bản riêng về DNXH sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc có thể có quy định cụ thể về hình thức doanh nghiệp này, tránh trùng lắp với các doanh nghiệp truyền thống khác.