Quy định chi tiết về chính sách hỗ trợ và ưu đãi phát triển của Nhà nước đối với doanh nghiệp xã hội

Một phần của tài liệu Doanh nghiệp xã hội theo pháp luật việt nam (Trang 74 - 77)

Chương 3: MỘT SỐ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ

3.2. Một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật và hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp xã hội

3.2.2. Quy định chi tiết về chính sách hỗ trợ và ưu đãi phát triển của Nhà nước đối với doanh nghiệp xã hội

Doanh nghiệp thông thường luôn nhận được sự bảo đảm đầu tư và có thể được ưu đãi đầu tư nếu hoạt động tại các địa bàn hoặc lĩnh vực Nhà nước quy định sẽ được hưởng ưu đãi. Doanh nghiệp xã hội hoạt động theo mô hình doanh nghiệp nên cũng được hưởng các chính sách bảo đảm và ưu đãi đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2014. Tuy nhiên nếu sự ưu đãi của Nhà nước với doanh nghiệp xã hội chỉ dừng lại ở mức độ giống với doanh nghiệp thông thường thì chưa đảm bảo sự công bằng đối với doanh nghiệp xã hội. Vấn đề bất cập dễ nhận thấy là doanh nghiệp thông thường hoạt động kinh doanh trước tiên nhằm mục đích tạo ra lợi nhuận cho chủ sở hữu, sau đó tùy thuộc vào thái độ của chủ sở hữu với cộng đồng mà doanh nghiệp sẽ thực hiện trách nhiệm xã hội ở mức độ nhất định; còn đối với doanh nghiệp xã hội, ít nhất 51% lợi nhuận thu về được dùng để giải quyết các vấn đề xã hội. Vậy, thuế thu nhập

doanh nghiệp sẽ được tính như thế nào cho doanh nghiệp xã hội? Nhà nước thu thuế để hình thành ngân sách nhà nước, qua đó thực hiện các hoạt động công ích vì lợi ích cộng đồng nhưng doanh nghiệp xã hội đã sử dụng lợi nhuận của mình để giải quyết các vấn đề xã hội vốn thuộc trách nhiệm của Nhà nước, vậy có nên thu thuế thu nhập doanh nghiệp không? Đây là vấn đề mà các doanh nghiệp xã hội mong muốn được Nhà nước làm rõ. Thiết nghĩ, với bản chất và mục tiêu hoạt động khác nhau, chính sách áp dụng cho từng chủ thể không thể đồng nhất. Vì vậy, Nhà nước cần xây dựng chính sách riêng đối với doanh nghiệp xã hội. Nội dung của chính sách phải bao quát được ba vấn đề: bảo đảm, hỗ trợ và ưu đãi đầu tư.

Về vấn đề bảo đảm, Nhà nước cần có chiến lược phát triển doanh nghiệp xã hội và tạo ra môi trường thuận lợi để doanh nghiệp xã hội phát triển. Môi trường này bao gồm môi trường pháp lí và môi trường kinh tế. Môi trường pháp lí cần được xây dựng đủ chặt chẽ để doanh nghiệp xã hội không đi ngược lại mục tiêu của mình nhưng cũng không được hạn chế sự phát triển hay gia nhập thị trường của doanh nghiệp xã hội. Về môi trường kinh tế, Nhà nước cần tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp xã hội phát triển thông qua việc tạo ra các cách thức mới cung ứng dịch vụ công ích, từng bước cho phép doanh nghiệp xã hội tham gia vào hoạt động mua bán công.

Về vấn đề hỗ trợ, Nhà nước xây dựng những giải pháp để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp xã hội. Cộng đồng doanh nghiệp xã hội kì vọng Nhà nước xây dựng được cơ chế phối hợp giữa cộng đồng và doanh nghiệp xã hội để cùng giải quyết các vấn đề xã hội. Phối hợp ở đây được hiểu là cộng đồng không ở tư thế bị động, chỉ nhận sự giúp đỡ của doanh nghiệp xã hội mà chủ động chia sẻ trách nhiệm với doanh nghiệp xã hội. Điều này tạo nên mối quan hệ hai chiều bền vững và cân bằng tương đối lợi ích của các chủ thể. Ví dụ, trong vấn đề phát triển nguồn thu, cộng đồng hoàn toàn có khả năng nâng

cao giá trị lợi nhuận của doanh nghiệp xã hội. Cùng một loại hàng hóa, người tiêu dùng có thể lựa chọn các sản phẩm do doanh nghiệp xã hội sản xuất. Để làm được điều này, Nhà nước phải tạo được định hướng tiêu dùng trong dân chúng bằng cách xây dựng các dấu hiệu nhận diện sản phẩm của doanh nghiệp xã hội. Theo đó, Chính phủ cần nhanh chóng xây dựng hệ thống tiêu chuẩn đánh giá và xếp hạng mức độ đóng góp của các doanh nghiệp xã hội.

Cơ sở đánh giá mức độ đóng góp dựa vào tỉ lệ sử dụng lợi nhuận thu được tái đầu tư vào công việc xã hội. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp sẽ được xếp vào từng nhóm màu nhất định và dán nhãn trên sản phẩm. Việc dán nhãn là cách thức đưa thông tin tới người tiêu dùng về sự đóng góp của doanh nghiệp xã hội cho cộng đồng. Người tiêu dùng sẽ nhận biết được doanh nghiệp xã hội thông qua nhãn dán trên hàng hóa, dịch vụ. Cơ quan phụ trách công việc này nên trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan chủ quản cấp đăng kí kinh doanh cho doanh nghiệp. Việc xếp hạng được tiến hành theo chu kì cố định, có thể là 05 năm một lần.

Về chính sách ưu đãi, Nhà nước cần có những hướng dẫn cụ thể. Trong Luật Doanh nghiệp năm 2014, Nhà nước đã thể hiện rõ chủ trương sẽ có những chính sách ưu đãi nhất định dành cho doanh nghiệp xã hội. Những chính sách ưu đãi không nhất thiết cố định mà có thể thay đổi theo từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp xã hội và phụ thuộc vào tỉ lệ đóng góp của doanh nghiệp xã hội. Việt Nam đang trong quá trình tạo lập và phát triển chủ thể hoàn toàn mới trong nền kinh tế nên cần xây dựng lộ trình cụ thể. Trong giai đoạn hiện nay, khi doanh nghiệp xã hội cần có những hỗ trợ về kinh tế để tạo nền tảng cho sự phát triển thì các chính sách ưu đãi về cơ sở vật chất, kĩ thuật công nghệ là điều quan trọng. Về ưu đãi tài chính, Nhà nước không nhất thiết phải xây dựng nhiều ưu đãi tài chính cho doanh nghiệp xã hội bởi doanh nghiệp xã hội có cạnh tranh thì mới phát triển bền vững. Bước đầu, chi phí

thành lập doanh nghiệp xã hội, chi phí chuyển đổi thành doanh nghiệp xã hội (nếu có) có thể được miễn giảm. Khi doanh nghiệp xã hội phát triển đến mức nhất định thì Nhà nước sẽ căn cứ vào tỉ lệ đóng góp (giả sử tỉ lệ này lớn hơn 90%) để cho hưởng một số chính sách như miễn thuế thu nhập hoàn toàn cho doanh nghiệp, vay tín dụng với lãi suất tượng trưng,…

Một phần của tài liệu Doanh nghiệp xã hội theo pháp luật việt nam (Trang 74 - 77)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(87 trang)
w