Chương 4 VẤN ĐỀ CHUẨN HOÁ THUẬT NGỮ KHOA HỌC HÌNH SỰ TIẾNG VIỆT
4.2. CƠ SỞ LÍ THUYẾT CỦA VIỆC CHUẨN HOÁ THUẬT NGỮ
4.2.1. Khái niệm chuẩn và chuẩn hóa
Thuật ngữ là một bộ phận quan trọng của ngôn ngữ. Thuật ngữ khoa học hình sự tiếng Việt là một tiểu hệ thống của hệ thống thuật ngữ khoa học tiếng Việt.
Mặc dù thuật ngữ khoa học hình sự tiếng Việt đang phát triển rất nhanh cả về số lượng và chất lượng nhưng vẫn còn nhiều thuật ngữ chưa đạt chuẩn và cần phải được chuẩn hóa. Nói đến chuẩn hóa thuật ngữ khoa học hình sự tiếng Việt trước hết cần hiểu rõ một số khái niệm nền tảng: chuẩn và chuẩn ngôn ngữ.
Chuẩn (hay chuẩn mực) trước hết phải là “cái được công nhận là đúng qui định hoặc theo thói quen xã hội” [60, 235]. Theo nghĩa thuật ngữ ngôn ngữ học O.
X. Akhmanova định nghĩa chuẩn là “cách sử dụng các phương tiện ngôn ngữ trong lời nói đã được thừa nhận, là tổng thể các qui tắc (các qui định, chế định) điều chỉnh cách sử dụng các phương tiện ngôn ngữ trong lời nói cá nhân” [ dẫn theo 76, 81].
Theo Nguyễn Văn Khang, “chuẩn được coi là tiêu chuẩn đã được qui định, tức là cái được công nhận là đúng theo qui định hoặc theo thói quen xã hội” [40, 336].
Theo ông, xung quanh khái niệm chuẩn trong ngôn ngữ có nhiều ý kiến và giữa các
ý kiến có nhiều quan điểm khác nhau. Ngay cả thuật ngữ “chuẩn hoá” trong các ngôn ngữ trên thế giới, ví dụ của các nước châu Âu, cũng có những ý kiến không thống nhất về chính bản thân thuật ngữ này. Một số cho rằng nên dùng từ
“normalisation” (tiêu chuẩn hoá) còn một số khác lại cho rằng “standardisation”
(chuẩn mực hoá) mới đúng, mặc dù những luồng ý kiến này đều muốn nói đến cùng một khái niệm “đưa ra một định dạng như là một khuôn mẫu hoặc kiểu mẫu” [89, 195]. Hiện nay, khái niệm chuẩn hoá trong tiếng Anh được biểu thị bằng thuật ngữ
“standardisation” và được chấp nhận rộng rãi. Theo Cabre (1999), thuật ngữ này nói đến hai nét nghĩa: sự chỉnh sửa một tình trạng ngôn ngữ xã hội và sự lựa chọn một thuật ngữ cụ thể như là một định dạng qui chiếu.
Tổ chức quốc tế về chuẩn hoá (ISO), được thành lập năm 1947 với mục đích xây dựng các chuẩn mực mang tính toàn cầu để nâng cao chất lượng giao dịch và hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới và phá đi rào cản đối với các trao đổi thương mại ở tầm quốc tế. Theo Cabre (1999), chuẩn hoá được sử dụng để làm giảm bớt những chủng loại khác nhau của cùng một sản phẩm để trở thành một loại duy nhất.
Chuẩn hoá thuật ngữ định danh sản phẩm có nghĩa là các chuyên gia sử dụng các thuật ngữ định danh sản phẩm dựa theo những thoả thuận mà chính họ đặt ra, nghĩa là, họ sẽ sử dụng một và chỉ một tên gọi cho một khái niệm mà thôi.
Theo Nguyễn Văn Khang (2003), [40] khái niệm “chuẩn” trong ngôn ngữ bao gồm những luận điểm cơ bản sau:
- Là kết quả của sự đánh giá, lựa chọn của cộng đồng xã hội, được xã hội thừa nhận ở một giai đoạn nhất định.
- Là phạm trù ngôn ngữ - xã hội lịch sử: vừa là một phạm trù thuần túy ngôn ngữ, vừa là một phạm trù xã hội - lịch sử.
- Tồn tại khách quan.
- Là một đặc trưng của ngôn ngữ văn hóa (hay ngôn ngữ văn học) - Có tính ổn định nhất thời và tương đối.
Như vậy, chuẩn là cái qui định của xã hội về việc sử dụng đúng một đơn vị ngôn ngữ nào đó. Và chuẩn là một trạng thái biến động, chứ không bất di, bất dịch, mang tính lịch sử.
Nguyễn Kim Thản cho rằng chuẩn “là tập hợp những điều hướng dẫn việc sử dụng thống nhất các phương tiện của một thứ tiếng, rút ra từ thói quen diễn đạt chung, có nâng cao, của một cộng đồng ngôn ngữ nhất định, trong những điều kiện văn hóa xã hội nhất định.” [65, 188–189]. Theo Nguyễn Kim Thản, những chuẩn mực ngôn ngữ được tạo nên do thói quen và có tính ước lệ. Những chuẩn mực này có thể thay đổi theo thời gian, tùy theo tình hình thực tế của xã hội.
Theo Nguyễn Đức Tồn, chuẩn của từ ngữ thông thường liên quan đến sự đánh giá của con người, nó thuộc bình diện nhận thức, chứ không phải thuộc bình diện bản thể của đơn vị ngôn ngữ nói chung. Chẳng hạn, cùng một đơn vị ngôn ngữ khi được dùng trong hoàn cảnh giao tiếp A thì bị coi là không chuẩn, nhưng khi được dùng trong hoàn cảnh B lại được coi là đúng chuẩn. Cho nên, “để có thể khẳng định được một đơn vị ngôn ngữ thông thường nào đó có chuẩn hay không thì phải căn cứ vào hoàn cảnh giao tiếp cụ thể nó được lựa chọn sử dụng mà đánh giá.” [76, 81].
Từ khái niệm chuẩn, các nhà ngôn ngữ học đã bàn đến khái niệm “chuẩn hóa”.
Theo từ điển do Hoàng Phê chủ biên, “chuẩn hóa là làm cho trở thành có chuẩn rõ ràng” [60, 235]. Theo Nguyễn Đức Tồn, định nghĩa trên không đúng vì người ta không thể gán ghép thuộc tính chuẩn vốn thuộc bình diện nhận thức của con người cho một đơn vị ngôn ngữ tồn tại khách quan với tư cách như một thực thể ( hay bản thể). Người ta chỉ có thể quy định một đơn vị ngôn ngữ được sử dụng trong hoàn cảnh giao tiếp như thế nào đó là đúng chuẩn mà thôi. Hành vi này vốn được gọi là
“quy phạm hóa” đơn vị ngôn ngữ - nghĩa là hoạt động qui định rõ ràng một đơn vị ngôn ngữ nào đó chỉ có thể được sử dụng trong hoàn cảnh giao tiếp nào đó thì mới được công nhận, tức là được coi là đúng chuẩn. Các căn cứ để qui phạm hóa một đơn vị ngôn ngữ là các đặc điểm ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa, phong cách… của nó và các đặc điểm thuộc hoàn cảnh giao tiếp chế định việc lựa chọn và sử dụng đơn vị ngôn ngữ ấy. Chuẩn của việc sử dụng một đơn vị ngôn ngữ thông thường như vậy là kết quả của hoạt động qui phạm hóa. Vì vậy, có thể nói rằng, “chuẩn của một đơn vị ngôn ngữ thông thường chính là một bộ tiêu chí qui định rõ ràng nó được cấu tạo và
sử dụng như thế nào và khi nào trong các hoàn cảnh giao tiếp cụ thể ” [76, 82]. Từ đó, ông đưa ra quan niệm về “chuẩn” như sau: “Chuẩn là sự đánh giá chủ quan (dựa trên một số tiêu chí nhất định) của cộng đồng người bản ngữ đối với một đơn vị ngôn ngữ nào đó và việc sử dụng đơn vị ngôn ngữ ấy: chỉ có một chuẩn mà thôi” [dẫn theo 32, 78]. Theo ông, chuẩn có tính lịch sử, có thể thay đổi.
Như vậy, chuẩn hoá là việc thiết lập các qui tắc chuẩn mực để tạo ra một hệ thống ngôn ngữ có tính chính xác, nhất quán và khoa học. Điều đó sẽ giúp giải quyết được một số vấn đề bất cập trong ngôn ngữ. Đây là một quá trình mềm dẻo và linh hoạt chứ không rập khuôn.
Nhưng đối với chuẩn của thuật ngữ và việc chuẩn hóa thuật ngữ thì tình hình khác hẳn so với các từ ngữ thông thường. Theo Nguyễn Đức Tồn, thuật ngữ là từ ngữ biểu hiện khái niệm / đối tượng trong một lĩnh vực khoa học hay chuyên môn và chỉ được sử dụng trong phạm vi giao tiếp thuộc lĩnh vực khoa học hay chuyên môn ấy. Do đó khác với từ ngữ thông thường, thuật ngữ không được sử dụng tùy ý trong các hoàn cảnh giao tiếp khác nhau làm cho việc sử dụng nó khi thì đúng chuẩn, khi thì không, khiến phải chuẩn hóa nó. Trái lại, thuật ngữ về nguyên tắc luôn luôn chỉ được các nhà khoa học / chuyên môn sử dụng để giao tiếp với nhau trong hoàn cảnh giao tiếp đã định - đó là hoàn cảnh giao tiếp khoa học hay chuyên môn. Thuật ngữ được cấu tạo theo các qui tắc chặt chẽ nên không có sự đối lập giữa đúng và không đúng. Ví dụ: thuật ngữ “suspect” được dịch thành “người bị tình nghi”, “nghi phạm” đều đúng, nhưng phải chọn cái nào đúng hơn dựa theo nguyên tắc phản ánh chính xác, khoa học và đầy đủ nội hàm của khái niệm ấy. Trong chuẩn thuật ngữ, không có những thuật ngữ sai, mà chỉ có thuật ngữ được đặt chưa chính xác và chưa có tính khoa học cao. Bản chất của chuẩn trong thuật ngữ là cách thể hiện đúng nhất, chính xác nhất bản chất của sự vật và khái niệm.
Do thuật ngữ chỉ được sử dụng trong lĩnh vực khoa học, chuyên môn, việc chuẩn hóa thuật ngữ “chỉ còn phải thực hiện trong việc xây dựng và chọn lọc thuật ngữ (đối với trường hợp có các thuật ngữ đồng nghĩa song song tồn tại) theo các tiêu chuẩn cần và đủ” [72, 8].