Chương 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ QUẢN LÝ VỐN ĐẦU TƯ XDCB TỪ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
1.1. Cơ sở lý luận
1.1.4. Nội dung quản lý vốn đầu tư XDCB từ NSNN
* Quản lý công tác lập kế hoạch đầu tư: Bộ Kế hoạch và đầu tư xây dựng cơ chế chính sách về đầu tư, quản lý Nhà nước về đầu tư, trình Chính phủ các dự án luật, pháp lệnh liên quan đến đầu tư, kế hoạch đầu tư phát triển hàng năm và 5 năm, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phối hợp với Bộ Tài chính lập dự toán NSNN, phương án phân bổ NSNN, hướng dẫn nội dung trình tự lập, thẩm định và quản lý các dự án quy hoạch tổng thể kinh tế - xã
hội, quy hoạch phát triển ngành, phối hợp với các bộ ngành kiểm tra đánh giá hiệu quả vốn đầu tư.
Sở Kế hoạch đầu tư phải xác định cụ thể danh mục đầu tư và kế hoạch vốn đầu tư của các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Nhà nước quản lý chặt chẽ việc thực hiện kế hoạch đầu tư phù hợp với quy hoạch, kế hoạch, cơ cấu ngành vùng. Với các công trình, dự án quan trọng quốc gia trong kế hoạch hàng năm và từng thời kỳ phát triển thì do Quốc hội quyết định: Thủ tướng Chính phủ duyệt mục tiêu, tổng mức vốn đầu tư để bố trí kế hoạch cho các bộ, địa phương thực hiện.
- Quản lý giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và giai đoạn kết thúc đầu tư: Nhà nước quản lý chặt chẽ thông qua báo cáo đầu tư, dự án đầu tư và thẩm duyệt dự án đầu tư, thẩm định các báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo thiết kế kỹ thuật và quyết định đầu tư. Đối với giai đoạn thực hiện đầu tư, được nhà nước quản lý chặt chẽ thông qua việc phê duyệt quyết định đấu thầu, kết quả đấu thầu, giám sát quá trình thực hiện đầu tư, phê duyệt quyết toán đầu tư. Đối với giai đoạn kết thúc đầu tư, Nhà nước quản lý thông qua việc nghiệm thu bàn giao công trình (công trình hoàn chỉnh theo thiết kế được duyệt, vận hành đúng yêu cầu kỹ thuật và nghiệm thu đạt yêu cầu chất lượng).
Nhà nước quản lý chặt chẽ vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trên cơ sở tính toán tổng mức thu, mức chi ngân sách xác định chi vào mục đích đầu tư xây dựng cơ bản. Khối lượng vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước gồm: vốn trong nước, vốn nước ngoài, được phân bổ cho các bộ, ngành và các địa phương theo mục tiêu cụ thể. Nguồn vốn này thuộc nguồn vốn nhà nước được nhà nước trực tiếp chi phối theo kế hoạch vì vậy có khả năng theo dõi, nắm bắt được từ khâu giao kế hoạch cho đến khi thực hiện qua các bộ, ngành, địa phương, qua hệ thống ngành dọc thống kê, qua hệ thống cấp phát tài chính.
* Quản lý vốn đầu tư XDCB:
- Tạo môi trường pháp lý cho việc quản lý về quy hoạch, thiết kế và thẩm định các dự án đối với vốn đầu tư XDCB từ NSNN: Kế hoạch hóa đầu tư đóng vai trò hết sức quan trọng trong công tác quản lý vốn đầu tư XDCB.
Thực hiện tốt công tác này sẽ là cơ sở quan trọng để các ngành, các lĩnh vực, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ở địa phương chủ động đẩy mạnh đầu tư có định hướng, cân đối, tránh được hiện tượng đầu tư chồng chéo, thiếu đồng bộ, lãng phí nguồn lực của đất nước nói chung và địa phương nói riêng. Kế hoạch hóa đầu tư XDCB trước hết phải xây dựng được chiến lược đầu tư hợp lý, xác định ưu tiên đầu tư vào ngành nào, vùng nào, đầu tư như thế nào và đầu tư bao nhiêu thì sẽ mang lại hiệu quả cao nhất từ đó
xác định được cơ cấu vốn đầu tư theo ngành, vùng và cơ cấu vốn đầu tư theo nhóm dự án (A, B, C). Sau khi xây dựng được chiến lược đầu tư hợp lý phải lập được quy hoạch đầu tư và dựa vào quy hoạch để lập kế hoạch vốn đầu tư nhằm xác định nhu cầu và khả năng đáp ứng vốn đầu tư XDCB trong từng thời kỳ nhất định và cho thời hạn xác định.
- Ban hành chính sách và cơ chế kinh tế làm cơ sở cho việc quản lý chi vốn đầu tư XDCB từ NSNN: Để làm tốt công tác quản lý vốn đầu tư XDCB đòi hỏi phải có những phương pháp quản lý khoa học mà trong đó việc lập và thực hiện các kế hoạch tài chính là có tính chất bắt buộc. Các giá trị dự toán trong dự án đầu tư chính là cơ sở quan trọng để lập, triển khai các kế hoạch tài chính thực hiện công tác quản lý vốn đầu tư XDCB từ NSNN.
- Quản lý Nhà nước trong việc triển khai các dự án đối với vốn đầu tư XDCB từ NSNN: Hoạt động quản lý vốn đầu tư XDCB là hoạt động hết sức phức tạp, bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau. Mỗi dự án đầu tư bao gồm nhiều công việc, hoạt động khác nhau. Nội dung các hoạt động lại cũng rất đa dạng.
Quản lý vốn đầu tư XDCB phải được thực hiện với từng hoạt động hay từng hạng mục của dự án công trình.
* Thực hiện thanh, kiểm tra các dự án đối với vốn đầu tư XDCB từ NSNN: Chất lượng công trình được xác định dựa theo hồ sơ thiết kế đã được xác định trước khi sản xuất sản phẩm. Do đặc điểm công trình xây dựng có
quy mô và giá trị lớn, không di chuyển được nên việc mua bán được thỏa thuận ngay trước khi xây dựng công trình. Trong quá trình sản xuất hai bên mua và bán có thể nghiệm thu, thanh toán từng phần theo hợp đồng đã thỏa thuận. Kiểm tra, kiểm soát, giám sát chất lượng công trình là một phần của nội dung quản lý vốn đầu tư XDCB từ NSNN, việc giám sát chất lượng công trình nhằm đảm bảo vốn đầu tư bỏ ra có thể mua được công trình theo đúng chất lượng đã xác định. Việc kiểm tra, kiểm soát, giám sát nhằm tìm ra những mặt ưu điểm, những nhân tố mới, tích cực để phát huy, đồng thời phát hiện những sai lệch của đối tượng quản lý để uốn nắn kịp thời. Mặt khác, qua kiểm tra, kiểm soát, giám sát có thể phát hiện những điểm bất cập, bất hợp lý trong cơ chế để kịp thời sửa đổi cho phù hợp. Tất nhiên, việc kiểm tra, kiểm soát không được làm gián đoạn hoạt động của việc thực hiện dự án.