Các nghiên cứu về đánh giá đất đai trên thế giới

Một phần của tài liệu Nghiên cứu xây dựng bản đồ phân hạng thích nghi đất đai phục vụ quy hoạch diện tích đất trồng lúa nếp địa phương trên địa bàn xã ôn lương huyện phú lương tỉnh thái nguyên (Trang 26 - 30)

2.2 Cơ sở thực tiễn

2.2.1 Các nghiên cứu về đánh giá đất đai trên thế giới

Từ những thập niên 50 của thế kỷ XX, việc đánh giá khả năng sử dụng đất được xem như là bước nghiên cứu kế tiếp của công tác nghiên cứu đặc điểm đất. Xuất phát từ những nỗ lực riêng lẻ của từng quốc gia, về sau phương pháp đánh giá đất đai (ĐGĐĐ) được nhiều nhà khoa học hàng đầu trên Thế giới và các tổ chức quốc tế quan tâm. Do vậy đã trở thành một trong những chuyên ngành nghiên cứu quan trọng và đặc biệt gần gũi với những nhà quy hoạch, người hoạch định chính sách đất đai và người sử dụng (Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp, 1995) [26].

Mấy chục năm gần đây đánh giá đất đai đã được nhiều nhà khoa học của nhiều nước trên Thế giới quan tâm, tập trung nghiên cứu nhằm tìm ra những cơ sở khoa học cho công tác ĐGĐĐ. Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác

ĐGĐĐ trong việc quản lý, sử dụng, cải tạo và bảo vệ được nguồn tài nguyên đất, từ những năm 70 của thế kỷ XX, nhiều nhà khoa học của nhiều nước trên Thế giới đã tập trung nghiên cứu nhằm xây dựng một phương pháp ĐGĐĐ chung, có tính khoa học cao, đồng thời khắc phục được tình trạng chưa thống nhất trên Thế giới về công tác đánh giá đất đai. Năm 1972, đề cương ĐGĐĐ đã được phác thảo và được công bố vào năm 1973. Sau đó, năm 1975 tại Hội nghị ở Rome đề cương ĐGĐĐ năm 1973 đã được các chuyên gia hàng đầu về ĐGĐĐ bổ sung, biên soạn lại và hình thành nội dung phương pháp ĐGĐĐ đầu tiên của FAO được công bố năm 1976 và sau đó liên tục được bổ sung, chỉnh sửa và từng bước hoàn thiện.

Nhìn chung công tác ĐGĐĐ trên Thế giới đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong công tác nghiên cứu khoa học cũng như áp dụng ngoài thực tế sản xuất nông, lâm nghiệp. Hiện nay, những kết quả và thành tựu về ĐGĐĐ đã được tổng kết trong phạm vi hoạt động của các tổ chức Liên hợp quốc và coi đó như tài sản trí thức chung của nhân loại. Có thể khái quát một số phương pháp ĐGĐĐ của các nước trên thế giới như sau:

2.2.1.1 Tình hình đánh giá đất đai ở Liên Xô (cũ)

Ở Liên Xô cũ việc phân hạng và ĐGĐĐ đã bắt đầu xuất hiện từ trước thế kỷ 19, tuy nhiên đến những năm 60 của thế kỷ XX, việc phân hạng và ĐGĐĐ mới được quan tâm và triển khai trên cả nước theo quan điểm ĐGĐĐ của Dokuchaev (1846 - 1903). Phương pháp ĐGĐĐ của Liên Xô (cũ) được ứng dụng theo 2 hướng là đánh giá chung và riêng. Đơn vị ĐGĐĐ là các chủng, loại đất. Quy định đánh giá đất có tưới, đất được tiêu úng, đất trồng cây lâu năm, đất trồng cỏ thâm canh và cỏ chăn thả (Đào Châu Thu, Nguyễn Khang, 1998). [17]

Nguyên tắc đánh giá mức độ sử dụng đất thích hợp là phân chia khả năng sử dụng đất đai trên toàn lãnh thổ theo các nhóm và các lớp thích hợp.

- Nhóm đất thích hợp được phân chia theo điều kiện vùng sinh thái đất đai tự nhiên trên phạm vi vùng rộng lớn.

- Lớp đất thích hợp là những vùng được tách ra theo sự khác biệt về loại hình thổ nhưỡng như: Điều kiện địa hình, mẫu chất, thành phần cơ giới và chế độ nước.

Trong cùng một lớp sẽ có sự tương đồng về điều kiện sản xuất, khả năng ứng dụng kỹ thuật cũng như các biện pháp cải tạo và bảo vệ đất.

Quy trình ĐGĐĐ này bao gồm 3 bước: Đánh giá lớp phủ thổ nhưỡng, khả năng sản xuất của đất đai và kinh tế sử dụng đất.

- Đánh giá lớp phủ thổ nhưỡng (So sánh các loại thổ nhưỡng theo tính chất tự nhiên).

- Đánh giá khả năng sản xuất của đất (Yếu tố được xem xét kết hợp với yếu tố khí hậu, độ ẩm, địa hình).

- Đánh giá kinh tế đất (Chủ yếu là đánh giá khả năng sản xuất hiện tại của đất).

Phương pháp này quan tâm nhiều đến khía cạnh tự nhiên của đất đai, chưa xem xét kỹ các khía cạnh kinh tế - xã hội của việc sử dụng ðất.

Quan điểm ĐGĐĐ của Dokuchaev là áp dụng phương pháp cho điểm các yếu tố, đánh giá trên cơ sở thang điểm đã được xây dựng thống nhất. Ngoài những ưu điểm trên, phương pháp ĐGĐĐ của Dokuchaev vẫn còn một số hạn chế như: Quá đề cao khả năng tự nhiên của đất, hay đánh giá không dung hòa quy luật tối thiểu với phương pháp tổng hợp các yếu tố riêng biệt. Mặt khác, phương pháp cho điểm cụ thể chỉ đánh giá được đất hiện tại mà không đánh giá được trong tương lai, tính linh động kém vì chỉ tiêu ĐGĐĐ ở các vùng cây trồng khác nhau là khác nhau, do đó không thể chuyển đổi việc ĐGĐĐ giữa các vùng khác nhau (Nguyễn Văn Thân, 1995). [17]

2.2.1.2 Tình hình đánh giá đất đai ở Anh

Ở Anh có 2 phương pháp ĐGĐĐ là: Dựa vào sức sản xuất thực tế của đất đai và dựa vào sức sản xuất tiềm tàng của đất.

- ĐGĐĐ dựa vào thống kê sức sản xuất thực tế của đất: Việc xác định khả năng trồng cây nông nghiệp của đất phụ thuộc vào 3 nhóm yếu tố chính đó là:

Nhóm các yếu tố tự nhiên của đất; nhóm các yếu tố đòi hỏi các biện pháp đầu tư lớn mới khắc phục được; nhóm các yếu tố đòi hỏi người sử dụng đất thực hiện các biện pháp thông thường như cải tạo độ chua, cung cấp chất dinh dưỡng để khắc phục đất.

- ĐGĐĐ dựa vào thống kê sức sản xuất tiềm năng của đất: Phương pháp này chia đất thành các hạng, mỗi hạng được mô tả trong quan hệ và tác động giữa các yếu tố hạn chế của đất với sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp. (Vũ Thị Hồng Hạnh, 2009). [9]

2.2.1.3 Tình hình đánh giá đất đai ở Hoa Kỳ

Ở Hoa Kỳ, ngay từ đầu thế kỷ XX đã chú ý tới công tác phân hạng đất, nhằm mục đích sử dụng hợp lý tài nguyên đất. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã xây dựng được một phương pháp đánh giá phân hạng đất đai có tên là “Đánh giá tiềm năng đất đai”.

Đánh giá tiềm năng đất đai dựa trên các yếu tố hạn chế khá phổ biến như: Độ dốc, độ dày tầng đất, thành phần cơ giới, xói mòn, tính thấm, khí hậu và các yếu tố khác ðể phân chia đất đai thành các cấp, cấp phụ và đõn vị.

Hệ thống đánh giá phân loại đất đai theo tiềm năng của Hoa Kỳ được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đề xuất vào những năm 1960 và hiện nay có 2 phương pháp đánh giá đất đai được ứng rộng rãi và đó là:

- Phương pháp ĐGĐĐ tổng hợp: Phương pháp này chia lãnh thổ thành các tổ hợp đất (Đơn vị đất đai) và tiến hành đánh giá đất theo năng suất bình quân của cây trồng trong nhiều năm (Thường lớn hơn 10 năm) và chú ý đánh giá đất cho từng loại cây trồng, qua đó xác định mối tương quan giữa đất và các giống để từ đó đề ra các biện pháp tăng năng suất.

- Phương pháp ĐGĐĐ từng yếu tố: Cách tiến hành là thống kê các yếu tố tự nhiên của đất (Thành phần cơ giới, dinh dưỡng, địa hình…) để xác định tính chất và phương pháp cải tạo đất, qua đó xác định hạng đất đồng thời cũng thống kê các yếu tố kinh tế chi phối tới sản xuất (Chi phí sản xuất, tổng lợi nhuận, lợi nhuận thuần túy…) lấy lợi nhuận tối đa là 100 điểm (Hoặc 100 %) để làm mốc so sánh lợi nhuận ở các loại đất khác nhau.

Như vậy việc phân hạng đất đai của Hoa Kỳ mới chỉ tập trung vào các loại cây trồng chính mà chưa đưa ra được những yêu cầu của các loại hình sử dụng đất cụ thể nào đang được ứng dụng trong sản xuất. Tuy nhiên phương pháp này rất quan tâm đến những yếu tố hạn chế trong quản lý và sử dụng đất có tính đến vấn đề môi trường. Đây chính là điểm mạnh của phương pháp nhằm mục đích duy trì và sử dụng đất bền vững. (Vũ Thị Hồng Hạnh, 2009). [9]

* Nhận xét về đánh giá đất đai trên Thế giới:

ĐGĐĐ làm cơ sở cho công tác quy hoạch sử dụng đất có hiệu quả và bền vững.

Mỗi phương pháp ĐGĐĐ trên Thế giới đều có sự khác nhau về mức độ chi tiết, phương thức và hệ thống phân vị. Tuy nhiên các phương pháp ĐGĐĐ của các nước đều có những điểm giống nhau như sau:

- Đều nhằm mục đích chung là hướng tới quản lý và sử dụng đất đai hợp lý, hiệu quả và lâu bền.

- Hệ thống phân vị khép kín cho phép ĐGĐĐ từ khái quát đến chi tiết, trên quy mô lãnh thổ quốc gia, vùng, các đơn vị hành chính và cơ sở sản xuất (Nguyễn Đình Bồng và các cộng tác viên, 1995). [3]

- Mỗi phương pháp đánh giá đều có những thích ứng linh hoạt, trong việc xác định các đặc tính và các yếu tố hạn chế có liên quan trong quá trình ĐGĐĐ. Do đó có thể điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng, từng địa phương (Đỗ Nguyên Hải, 2000). [8]

- Đối tượng ĐGĐĐ là toàn bộ quỹ đất với các mục đích sử dụng khác nhau. Các phương pháp đánh giá đều coi đất đai là một vật thể tự nhiên gồm các yếu tố: Thổ nhưỡng, địa hình, khí hậu và động, thực vật.

Việc nhấn mạnh những yếu tố bất lợi của đất và xác định các biện pháp bảo vệ đất theo phương pháp đánh giá đất của Hoa Kỳ là rất có ý nghĩa trong việc tăng cường bảo vệ môi trường sinh thái và sử dụng đất bền vững.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu xây dựng bản đồ phân hạng thích nghi đất đai phục vụ quy hoạch diện tích đất trồng lúa nếp địa phương trên địa bàn xã ôn lương huyện phú lương tỉnh thái nguyên (Trang 26 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(73 trang)