Những vấn đề luận án kế thừa từ các công trình nghiên cứu đã xuất bản

Một phần của tài liệu Phật giáo Việt Nam thời Minh Mạng (1820 – 1840) (Trang 25 - 28)

1.2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề

1.2.3. Những vấn đề luận án kế thừa từ các công trình nghiên cứu đã xuất bản

- Một là, phương pháp luận nghiên cứu lịch sử Phật giáo.

Từ các công trình nghiên cứu kể trên cho chúng tôi thấy rằng để nghiên cứu thành công đề tài Phật giáo thời Minh Mạng cần phải luôn luôn quán triệt phương

pháp luận mácxít, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng ta trong nhìn nhận, phân tích vấn đề tôn giáo. Đồng thời, chúng ta phải xem xét đến bản chất, đặc điểm, vị trí, vai trò của Phật giáo đối với đời sống xã hội người Việt trong suốt quá trình lịch sử. Ngoài ra, cần phải kết hợp các phương pháp lịch sử và lôgic với phương pháp nghiên cứu chuyên ngành về tôn giáo học.

- Hai là, kế thừa hệ thống tư liệu về Phật giáo Việt Nam và Phật giáo ở các địa phương

Có thể nói, cho đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu về Phật giáo Việt Nam và Phật giáo ở các địa phương được công bố, trong những công trình đó cũng có một số tư liệu liên quan đến Phật giáo thời Minh Mạng. Chúng tôi đã kế thừa những tư liệu về các ngôi cổ tự, danh tăng ở Hà Nội, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, thành phố Hồ Chí Minh... qua công trình của các tác giả Thích Gia Quang, Nguyễn Tá Nhí, Thích Hải Ấn, Hà Xuân Liêm, Thích Đồng Dưỡng, Thích Như Tịnh, Trần Hồng Liên, Nguyễn Hiền Đức, nhóm nghiên cứu của tạp chí Liễu Quán... Những công trình này không chỉ phản ảnh quá trình phát triển, đặc điểm kiến trúc, quy cách thờ tự, các pháp tượng pháp khí, danh tăng, thiền phái, di sản văn hóa của ngôi chùa đó mà còn cho thấy niềm tin, sự ngoại hộ của tín đồ phật tử và đông đảo dân chúng đối với Phật giáo. Đây là những nguồn tư liệu rất cần thiết giúp chúng tôi phản ảnh tình hình Phật giáo thời Minh Mạng.

Ưu điểm nổi trội của các công trình nghiên cứu lịch sử Phật giáo địa phương là nguồn tư liệu điền dã bởi tác giả của các công trình này phần lớn là người địa phương, và một số còn là tăng sĩ nên họ dễ tiếp cận, khai thác được triệt để tư liệu và nguồn tư liệu thường có tính xác thực cao. Qua những tư liệu này giúp chúng tôi thấy được đặc điểm, vai trò của Phật giáo từng vùng miền, sự phát triển của Phật giáo từng địa phương trong những giai đoạn lịch sử khác nhau. Kế thừa những tư liệu này còn giúp chúng tôi phân tích được điểm giống và khác nhau trong kiến trúc, thờ tự của các ngôi chùa ở những vùng miền khác nhau của đất nước dưới thời Minh Mạng, đồng thời cũng so sánh được tình hình Phật giáo của mỗi khu vực trong cùng một giai đoạn lịch sử.

Ba là: kế thừa kết quả nghiên cứu tình hình Phật giáo Việt Nam trước thời Minh Mạng

Đến nay, các công trình nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong nghiên cứu Phật giáo thời Đinh – Tiền Lê, Lý – Trần, Lê sơ, chúa Nguyễn. Thông qua công trình của các tác giả Thích Mật Thể, Nguyễn Lang, Nguyễn Duy Hinh, Hà Văn Tấn, Đỗ Quang Hưng, nhóm nghiên cứu của Viện Triết học... chúng tôi có thể kế thừa những kết quả nghiên cứu về tình hình Phật giáo, chính sách đối với Phật giáo của các triều đại trước triều Minh Mạng. Từ đó, chúng tôi có cơ sở để so sánh Phật giáo thời Minh Mạng với Phật giáo dưới các triều đại khác, làm rõ được những đặc điểm chung và riêng, sự kế thừa và phát triển của Phật giáo thời Minh Mạng cũng như chính sách đối với Phật giáo của triều đại này.

Thứ tư, kết quả nghiên cứu về Phật giáo triều Nguyễn

Nghiên cứu về Phật giáo thời Nguyễn cho đến nay vẫn chỉ có một vài bài viết công bố trên các tạp chí, hay chỉ là một chương của tập sách nghiên cứu chung về lịch sử Phật giáo Việt Nam chứ hoàn toàn chưa có một công trình độc lập nghiên cứu về nó nên kết quả nghiên cứu về vấn đề này vẫn còn nhiều hạn chế, chỉ mới mang tính gợi mở và phần lớn mới chỉ bước đầu tìm hiểu chính sách của triều đại này đối với Phật giáo. Phật giáo thời Minh Mạng là một giai đoạn quan trọng của Phật giáo thời Nguyễn, vì vậy những kết quả nghiên cứu có được tuy chưa nhiều nhưng vẫn hết sức quý giá đối với luận án. Kế thừa kết quả nghiên cứu của các tác giả Phan Đại Doãn, Nguyễn Văn Kiệm, Nguyễn Minh Tường, Nguyễn Cảnh Minh, Đỗ Bang, Lê Cung, Trần Hồng Liên, Đỗ Thị Hòa Hới, Phan Thị Thu Hằng, Nguyễn Ngọc Quỳnh... giúp chúng tôi định hình hướng nghiên cứu, cách tiếp cận vấn đề, cung cấp cho chúng tôi cái nhìn tổng quan về Phật giáo thời Nguyễn, chính sách của các vị vua đầu triều Nguyễn đối với Phật giáo, sự tác động qua lại giữa bối cảnh lịch sử với Phật giáo, từ đó giúp chúng tôi có thể nghiên cứu Phật giáo thời Minh Mạng trong mối tương quan với các giai đoạn khác, cho thấy được tính hiệu quả, giá trị của chính sách đối với Phật giáo thời Minh Mạng ở các giai đoạn kế tiếp.

Một phần của tài liệu Phật giáo Việt Nam thời Minh Mạng (1820 – 1840) (Trang 25 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(154 trang)