Bối cảnh lịch sử đầu triều Nguyễn (1802 – 1840)

Một phần của tài liệu Phật giáo Việt Nam thời Minh Mạng (1820 – 1840) (Trang 37 - 40)

CHƯƠNG 2: CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI PHẬT GIÁO THỜI MINH MẠNG (1820 – 1840)

2.1. Bối cảnh lịch sử đầu triều Nguyễn (1802 – 1840)

Triều Nguyễn được thiết lập trong một bối cảnh lịch sử đầy biến động. Trên thế giới, cùng với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản là những hoạt động ráo riết tranh giành thị trường và xâm chiếm thuộc địa của các nước thực dân phương Tây.

Điều đó đã đe dọa trực tiếp đến chủ quyền của các quốc gia phương Đông, trong đó có Việt Nam. Hơn nữa, trong quá trình xâm chiếm thuộc địa, các nước tư bản còn đem đến các vùng đất mới những sản phẩm của nền văn minh phương Tây. Đó không chỉ là tàu đồng, súng trường, đại bác mà còn có cả những tri thức khoa học, những công nghệ, kỹ thuật mới, lối sống mới và cả những luồng tư tưởng mới, dẫn đến sự “va chạm của các nền văn minh”, giữa văn minh nông nghiệp của phương Đông và văn minh công nghiệp của phương Tây. Ở trong nước, sự tranh giành quyền lực giữa các tập đoàn phong kiến Lê - Mạc, Trịnh – Nguyễn, Tây Sơn – Nguyễn đã đưa đến những hệ quả hết sức bất lợi cho sự phát triển của một quốc gia:

loạn ly và chia cắt, cát cứ và phân lập, nội chiến và chống ngoại xâm…

Do vậy, triều Nguyễn không chỉ phải đối diện, giải quyết những vấn đề hậu chiến tương tự các chính quyền phong kiến trước đó mà vấn đề còn phức tạp và mới mẻ hơn nhiều, thậm chí chưa có tiền lệ trong lịch sử Việt Nam, đó là: xóa bỏ những mặc cảm về sự chia cắt đất nước gần hai thế kỉ để tạo nên sự hòa hợp dân tộc; quan hệ, ứng xử bang giao không chỉ với những nước láng giềng quen thuộc như Xiêm La, Vạn Tượng, Ai Lao hay Trung Hoa nữa… mà còn có các nước phương Tây như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Mỹ… là những nước tư bản có hệ tư tưởng khác biệt, có trình độ văn minh cao hơn, và đang đầy dã tâm xâm lược, mở rộng thuộc địa.

Trong bối cảnh đó, vua Gia Long và kế tiếp là vua Minh Mạng đã tiếp tục xây dựng một nhà nước phong kiến tập quyền và chuyên chế, lấy Nho giáo làm hệ tư tưởng chính thống của triều đại. Theo học thuyết Nho giáo, vua là nhân vật trung tâm có uy quyền tuyệt đối về mọi phương diện thế tục đối với quan lại, dân chúng;

là “Thiên tử, nhận mệnh Trời cai trị dân”; các sĩ phu nhập cuộc phải biết “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, phải biết ứng xử “tôi trung không thờ hai chúa”… Những quan điểm đó của Nho giáo không chỉ phù hợp với tham vọng của các vua nhà Nguyễn mà còn khiến nó trở thành vũ khí sắc bén để bảo vệ lợi ích chế độ thống trị của vương triều. Vì vậy, dưới triều Nguyễn, Nho giáo không những là học thuyết chính trị trang bị cho tất cả quan lại để trị nước và để dân chúng thực hiện mà còn là nội dung giáo dục – đào tạo cho tất cả các cấp học, nhằm khẳng định vị trí của một tôn giáo đặc quyền bao trùm lên thiên hạ. Trên nền tảng tư tưởng Nho giáo, các vua Nguyễn tập trung xây dựng bộ máy hành chính từ trung ương đến địa phương theo hướng tăng cường củng cố chế độ quân chủ trung ương tập quyền, mà hoàn thiện nhất là sau cuộc cải cách hành chính của vua Minh Mạng.

Kinh tế đất nước trong nửa đầu thế kỉ XIX đã có những bước tiến nhất định.

Việc thực hiện các chính sách khẩn hoang, quân điền, thủy lợi… đã góp phần phục hồi và phát triển nền sản xuất nông nghiệp vốn đã sa sút trầm trọng ở nhiều thế kỉ trước. Hoạt động công thương nghiệp cũng có điều kiện phát triển hơn nhờ những thuận lợi về sự thống nhất lãnh thổ, sự hoàn thiện hơn của hệ thống giao thông….

Các ngành nghề thủ công phát triển ở cả khu vực nông thôn và một số thành phố, đô thị. Việc buôn bán, trao đổi qua các tuyến đường dài và hệ thống chợ quê tiếp tục được mở rộng. Hoạt động ngoại thương tuy không còn nhộn nhịp như trước nhưng các vua đầu triều Nguyễn vẫn chủ động cho thuyền ra nước ngoài buôn bán, cũng như mở cửa cho thuyền buôn các nước trong khu vực đến giao thương. Riêng đối với tàu thuyền phương Tây, để đảm bảo an ninh, từ thời Minh Mạng chỉ được phép giao tại thương cảng Đà Nẵng.

Về văn hóa – xã hội: vào đầu thế kỉ XIX, ở Việt Nam có sự hiện diện của hầu hết các tôn giáo lớn. Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo có nguồn gốc từ phương Đông du nhập vào nước ta từ đầu công nguyên đã được dung nạp, thử thách và hòa nhập với văn hóa dân tộc. Trong khi đó, Công giáo lại được du nhập từ các nước phương Tây trong thời kì ra đời và phát triển chủ nghĩa tư bản vào các thế kỉ XVI-XIX nên nó gặp phải nhiều trở ngại về phong hóa, quan niệm và xung đột dân tộc. Do quan hệ ràng buộc lợi ích trước đó nên sau khi lên ngôi, Gia Long vẫn giữ thái độ không

quá lạnh nhạt với các giáo sĩ và tổ chức giáo hội Công giáo. Không một chỉ dụ cấm đạo nào được ban hành dưới triều Gia Long. Nhưng đến khi Minh Mạng – một hoàng tử có tính cách mạnh mẽ và không mặn mà với phương Tây kế vị thì quan điểm của vị vua này đối với phương Tây nói chung và Công giáo nói riêng đã thay đổi. Vua Minh Mạng từ chỗ hạn chế ảnh hưởng truyền đạo đã đi đến cấm đạo một cách không khoan nhượng. Theo Đại Nam thực lực, trong thời gian vua Minh Mạng trị vì đã có đến 6 đạo dụ và 2 điều lệ liên quan đến việc cấm đạo Công giáo, lí do cấm đạo được nêu đều có phần liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia, quyền uy của vương triều và vấn đề Lễ, Pháp, thể chế của triều đình. Trái ngược với thái độ đối với Công giáo, các vua Nguyễn đối với những tôn giáo, tín ngưỡng khác tuy có lúc cũng hạn chế, cũng quản lý chặt chẽ nhưng cơ bản vẫn là thái độ khoan dung, tôn trọng, vì vậy, Phật giáo, Đạo giáo và các tín ngưỡng truyền thống vẫn chiếm giữ một vị trí nhất định trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt.

Các vua Nguyễn đều rất coi trọng học vấn và khoa cử. Ngay từ đầu thời Minh Mạng đã cho lập Quốc Tử Giám, mở khoa thi Hương, thi Hội để đào tạo nhân tài.

Công việc biên soạn quốc sử, các bộ chính sử của vương triều, các bộ tùng thư và địa chí được triều đình đặc biệt quan tâm, nhờ đó đã cho ra đời nhiều bộ sách có giá trị như: Lịch triều hiến chương loại chí (49 quyển), Hội điển toát yếu (14 quyển), Đại Nam thực lục, Minh Mệnh chính yếu, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Đại Nam liệt truyện

Mặc dù có nhiều cố gắng và cũng đã đạt được một số thành tựu nhất định, nhưng tình hình đất nước ở những thập kỉ đầu của thế kỉ XIX vẫn còn tồn tại những bất ổn. Tính chất tập quyền chuyên chế dựa trên học thuyết Nho giáo – đề cao tuyệt đối vương quyền của nền chính trị triều Nguyễn, bên cạnh những tác dụng tích cực thì cũng đã đưa đến sự cực đoan trong các chính sách, dẫn đến hệ quả ngày càng lún sâu vào tình trạng chuyên chế, quan liêu cao độ, từ đó làm nảy sinh nhiều bức xức, mâu thuẫn trong xã hội, và đặc biệt là đã tạo nên một thế lực bảo thủ cản trở những tư tưởng phá cách, canh tân, đổi mới.

Nạn kiêm tính, cướp đoạt ruộng đất của địa chủ, cường hào vẫn diễn ra thường xuyên, liên tục, thậm chí ngày càng nghiêm trọng hơn. Ruộng đất công của các làng

xã bị thu hẹp dần nhưng nhà nước vẫn duy trì chế độ tô thuế, lao dịch nặng nề nhằm đảm bảo lợi ích cho chính quyền phong kiến. Tình trạng quan lại trong bộ máy chính quyền các cấp tham nhũng, vơ vét khiến cho dân chúng, chủ yếu là nông dân ngày càng nghèo túng, chất chứa nỗi bất bình sẵn sàng đứng lên phản kháng.

Ngay từ khi Gia Long lên ngôi năm 1802, các cuộc nổi dậy chống lại triều Nguyễn đã bắt đầu bùng phát. Theo tác giả Nguyễn Phan Quang, trong giai đoạn bốn vị vua đầu triều Nguyễn (1802 – 1883) đã có gần 400 cuộc khởi nghĩa chống triều đình, trong đó chỉ riêng thời Gia Long, Minh Mạng đã chiếm 2/3 với gần 300 cuộc [111:6]. Nhờ có quân đội mạnh nên các cuộc nổi dậy đều bị dập tắt nhưng đã có vô số binh lính và dân chúng tử nạn, mâu thuẫn xã hội vẫn không thể hòa dịu, khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng thêm rạn nứt.

Tóm lại, được thành lập trong bối cảnh quốc tế và trong nước đã có nhiều biến chuyển nhưng triều Nguyễn vẫn cố gắng khôi phục, củng cố chế độ phong kiến tập quyền dựa trên học thuyết Nho giáo đã lỗi thời và trở nên bảo thủ. Từ chỗ coi phương Tây và Công giáo là mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh quốc gia, các vua đầu triều Nguyễn từ chỗ lạnh nhạt đến hạn chế, để rồi cuối cùng là thực thi chính sách cấm đạo một cách quyết liệt, cùng với đó là hạn chế giao thương với các nước phương Tây. Mặc dù kinh tế đất nước đã có bước phát triển, đời sống nhân dân phần nào được cải thiện hơn trước nhưng xã hội vẫn còn nhiều bất ổn, người dân vẫn chưa thực sự có cuộc sống yên bình. Trong bối cảnh đó, những yếu tố tích cực của Phật giáo, Đạo giáo và các tín ngưỡng cổ truyền đã được các vua Nguyễn khai thác phục vụ cho công cuộc trị nước, vì vậy, trong suốt nửa đầu thế kỉ XIX, các tôn giáo, tín ngưỡng đã có từ lâu đời ở nước ta tiếp tục được truyền bá và phát triển trong lòng dân tộc.

Một phần của tài liệu Phật giáo Việt Nam thời Minh Mạng (1820 – 1840) (Trang 37 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(154 trang)