I. Sự can thiệp của Chính phủ vào thị trường tài chính 1 Đẩy mạnh tiết kiệm
5. Can thiệp trực tiếp tới phân bổ tín dụng
Tất cả các nước Đông Á đã tập trung (hướng) tín dụng theo các mức độ khác nhau để hỗ trợ cho các chính sách công nghiệp hay một số mục tiêu xã hội. Các nước tập trung tín dụng vì một số lý do, từ sự tương phản được nhận định giữa suất sinh lợi kinh tế xã hội và tư nhân tới những mối quan tâm cấp bách hơn, như an ninh quốc gia. Giống như các nước khác, những nền kinh tế Đông Á có thành tựu kinh tế cao sử dụng hai loại can thiệp tổng quát. Thứ nhất, chính phủ tập trung tín dụng vào các công ty, tập đoàn, ngành công nghiệp và hoạt động ưu tiên (như xuất khẩu hay các dự án công nghệ cao). Thứ hai, chính phủ tập trung tín dụng theo các lý do xã hội, thường cho nông dân nhỏ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hay một nhóm dân tộc thiểu số cụ thể. Trong cả hai trường hợp, chính phủ tập trung tín dụng bằng cách đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước, sử dụng các ngân hàng phát triển của mình để cho các lĩnh vực ưu tiên vay vốn (và để báo hiệu cho các định chế tài chính về các lĩnh vực ưu tiên này), và buộc các ngân hàng thương mại cấp các khoản vay cho các hoạt động xác định. Mặc dù lý do căn bản của việc tập trung tín dụng và các hình thức tín dụng tập trung không khác nhau giữa các nền kinh tế Đông Á với các nền kinh tế khác có
sử dụng tín dụng tập trung, các nước đạt thành tựu cao tại Đông Á đã thực hiện các chương trình của mình với mức trợ giá tín dụng vừa phải và với các định chế có khả năng lựa chọn (thông qua các tiêu thức về kết quả hoạt động) và giám sát các dự án được đẩy mạnh, đưa đến tỷ lệ trả nợ cao hơn cho các khoản cho vay được trợ giá.
Trong số các nền kinh tế Đông Á, Nhật Bản và Hàn Quốc tập trung tín dụng nhiều nhất để đẩy mạnh các công ty và ngành công nghiệp cụ thể: Nhật Bản trong thời kỳ tái thiết sau chiến tranh và Hàn Quốc trong thời kỳ đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp nặng và hóa chất trong thập niên 1970. Trong thập niên 1950, tài trợ của Chính phủ Nhật Bản lên đến gần một phần ba tổng số cho vay để mua thiết bị mới cho công nghiệp; phần lớn là cho ngành đóng tàu, điện, than, vận tải biển, và máy móc. Các kết quả của chương trình tại Nhật Bản có nhiều tranh cãi: nhiều ngành công nghiệp tăng trưởng thành công đã không được tài trợ nhiều bởi các chương trình tín dụng của chính phủ; trong số những ngành được nhận trợ giá tín dụng, một số (như ngành đóng tàu) tăng xuất khẩu, trong khi một số khác (như khai thác mỏ) tiếp tục suy giảm. Các kết quả của các khoản cho vay theo chính sách của Hàn Quốc cũng lẫn lộn. Một số ngành công nghiệp của Hàn Quốc, như thép, điện tử, và xe khách, trở thành những ngành xuất khẩu hàng đầu trong thập niên 1980, trong khi những ngành khác trở nên yếu kém về tài chính. Các chính sách hỗ trợ công nghiệp nặng và hóa chất cũng làm tăng sự tập trung của cải vào các tập đoàn và góp phần làm cho tỷ lệ nợ - vốn cổ phần của các công ty tăng cao.
Indonesia và Malaysia có ít kinh nghiệm thành công với sự can thiệp tín dụng có lựa chọn và chấm dứt các chương trình khi tác động tiêu cực của chính sách này trở nên rõ ràng. Thái Lan đã loại bỏ các chương trình tín dụng tập trung vào các công ty và ngành công nghiệp cụ thể.
Nhiều nước đang phát triển khác đã thất bại trong các chương trình tín dụng công nghiệp. Ít nhất 6 nhân tố làm cho các nền kinh tế Đông Á thành công khác với các nền kinh tế khác. Thứ nhất là khả năng của họ trong việc thay đổi các chính sách tín dụng một cách nhanh chóng khi nhận thấy các chính sách này không còn có tác dụng tốt nữa. Thứ hai, không giống các nước đang phát triển khác chuyển một tỷ trọng lớn tín dụng tập trung cho các doanh nghiệp nhà nước, các nền kinh tế Đông Á có thành tựu kinh tế cao tập trung tín dụng chủ yếu cho các doanh nghiệp tư nhân. Thậm chí ngay ở những nước Đông Á cấp các khoản vốn vay cho các doanh nghiệp nhà nước, như Indonesia, Malaysia và Singapore, thì tỷ lệ trong tổng số tín dụng không luôn luôn cao, các doanh nghiệp nhà nước cũng có xu hướng hoạt động tốt hơn về mặt tài chính so với các doanh nghiệp nhà nước ở nước khác, và mức trợ giá lãi suất cũng không lớn (trừ Indonesia). Thứ ba, tất cả các nền kinh tế Đông Á tập trung tín dụng cho công nghiệp dựa trên các tiêu thức về chức năng tổng quát (như công ty có sản xuất cho xuất khẩu hay không), thường dùng các thước đo kết quả hoạt động khách quan. Thứ tư, tín dụng thường phổ biến hơn là trợ giá toàn bộ, vốn được
hạn chế. Thứ năm, tín dụng tập trung được hạn chế hơn so với những nơi khác. Mặc dù tín dụng tập trung chiếm 75% tổng số các khoản cho vay của các định chế tài chính ở một số nước, tại Hàn Quốc (nước sử dụng tín dụng tập trung mạnh mẽ nhất) tín dụng tập trung chỉ chiếm 40% tổng số tín dụng, và tại Nhật Bản tỷ lệ này không bao giờ vượt 15%. Thứ sáu, giám sát có hiệu quả hơn, và do vậy tỷ lệ không trả nợ thấp hơn.