Chương 3: MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA XUNG QUANH LỄ CẦU AN ĐẦU NĂM
3.1. Những yếu tố ảnh hưởng tới sự phát triển về quy mô của lễ cầu an đầu năm
Trong những năm gần đây, lễ cầu an đầu năm tại Tp. Hồ Chí Minh đặc biệt được mở rộng về quy mô và thu hút số lượng lớn người tham dự. Nghiên cứu về nghi lễ này tại chùa Hoằng Pháp, chúng tôi nhận thấy những nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này là do:
Thứ nhất, sự ảnh hưởng của nghi lễ Phật giáo tới đời sống tâm linh của người dân Tp. Hồ Chí Minh đã dẫn tới thu hút được một số lượng lớn Phật tử thường xuyên tham dự các nghi lễ do nhà chùa tổ chức, đặc biệt là đối với những nghi lễ mang tính chất dân gian như lễ cầu an đầu năm.
Việt Nam là một đất nước có tín ngưỡng đa thần và chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa khác nhau. Do đó, các lĩnh vực tôn giáo cũng hết sức đa dạng, từ việc tiếp thu tôn giáo lớn trên thế giới như Phật giáo, Nho giáo, Thiên chúa giáo, cho tới các tôn giáo bản địa như Đạo Mẫu, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thờ Thành hoàng làng... đều ít nhiều ảnh hưởng tới mỗi người Việt Nam. Việc thực hành các nghi lễ tôn giáo cũng rất phong phú. Mỗi người có thể không hoàn toàn thuộc về một tôn giáo nào nhưng lại cùng lúc tham gia vào thực hành nhiều loại nghi lễ của các loại tôn giáo khác nhau.
Một trong những tôn giáo có ảnh hưởng lớn nhất ở Việt Nam hiện nay chính là Phật giáo. Phật giáo không phải tôn giáo bản địa của người Việt Nam mà là một tôn giáo ngoại nhập có nguồn gốc từ Ấn Độ. Phật giáo không chỉ được coi là một tôn giáo mà nó được xem là một học thuyết triết học của con người. Phật Thích Ca Mâu Ni, người sáng lập ra đạo Phật đã giác ngộ và tìm ra chân lý “Tứ diệu đế” và “Thập nhị nhân duyên”, tìm ra con đường giải
44
thoát nỗi khổ cho con người. Tư tưởng xuyên suốt của học thuyết Phật giáo là giải phóng con người khỏi mọi loại khổ đau bằng chính cuộc sống đức độ của con người. Những triết lý và tư tưởng Phật giáo luôn hướng con người tới cái thiện. Luật “nhân – quả” cho người ta biết được là nếu người ta làm nhiều việc tốt thì sẽ nhận lại cho mình những điều tốt đẹp. Con người dùng chính cái “thiện” của mình để cứu rỗi cho mình thoát khỏi những khổ đau. Mọi kết quả mà con người nhận được là do chính bản thân con người tạo ra, Đức Phật không phải đấng siêu nhiên để ban phát cho con người những mong ước của hiện thực mà sự “an” là tự xuất phát từ bản thân mỗi con người. Sau khi Đạo Phật ra đời đã nhanh chóng du nhập sang các nước châu Á và với những tư tưởng gần gũi với đời sống và tâm lý của người dân khu vực này, người dân coi đây là biểu tượng của lòng từ bi, bác ái và Phật Giáo đã nhanh chóng chiếm được niềm tin và tình cảm của người dân nơi đây.
Phật giáo du nhập vào Việt Nam qua hai con đường, một là trực tiếp từ Ấn Độ và hai là thông qua giao thương với Trung Quốc. Vì vậy, Phật giáo Việt Nam vừa có màu sắc Ấn Độ vừa có màu sắc Trung Hoa. Phật giáo du nhập vào nước ta qua con đường hòa bình, trải qua một quá trình biến đổi và hòa quyện với văn hóa bản địa đã làm cho Phật giáo ở Việt Nam mang một sắc thái riêng biệt. Đó chính là tính dung hòa giữa Phật giáo và với các tôn giáo khác, với tín ngưỡng truyền thống, sự dung hòa giữa các tông phái Phật giáo với nhau. Phật giáo có nhiều tông phái khác nhau: Nam tông, Bắc tông, Khất sĩ. Ngoài ra, ở Việt nam còn hình thành nên các giáo phái có nguồn gốc từ Phật giáo như Hòa Hảo, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa…Phật giáo và tín ngưỡng dân gian bản địa có những nét tương đồng về mặt giáo lý và những triết lý nhân sinh khiến cho Phật giáo dễ dàng được tiếp nhận. Một mặt Phật giáo có những tác động tới tín ngưỡng bản địa, mặt khác tín ngưỡng bản địa cũng có những tác động ngược trở lại khiến cho Phật giáo có những
45
khác biệt. Sự thay đổi có thể dễ dàng nhận ra được là các vị thần, thánh trong dân gian được đưa vào thờ chung trong chùa, trong đền bên cạnh Đức Phật như thờ Mẫu, thờ Tứ Pháp, thờ các vị anh hùng dân tộc… Đôi khi, người ta có sự lẫn lộn và không phân biệt được Đức Phật và các vị thần, thánh khác. Ở các chùa, nơi lẽ ra chỉ thờ Đức Phật thì lại thờ cả những vị thần, thánh dân gian và các vị anh hùng dân tộc. Có một số chùa thờ các vị thần, thánh dân gian ở vị trí trung tâm. Về mặt nghi lễ, các nghi thức của Phật giáo cũng chịu những tác động của nghi lễ dân gian và ngược lại, nghi lễ dân gian chịu sự tác động của nghi lễ Phật giáo, ví dụ như lễ cúng dâng sao giải hạn, thờ cúng ông bà tổ tiên… Lễ cầu an đầu năm cũng là một nghi lễ kết hợp giữa nghi lễ Phật giáo và nghi lễ dân gian.
Phật giáo với giáo lý mang nặng tính triết lý, đạo đức hướng con người ta tới đời sống lương thiện, điều chỉnh hành vi ứng xử giữa con người với con người đã có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, tinh thần, nhân cách và đạo đức của người dân Việt Nam. Tồn tại qua bao thế kỷ, Phật giáo đã thấm sâu vào tư tưởng và trở thành một bộ phận không thể thiếu trong văn hóa con người Việt Nam. TP. Hồ Chí Minh, nơi tồn tại nhiều hệ phái Phật giáo nhất trong cả nước thì những ảnh hưởng của Phật giáo tới đời sống tinh thần của người dân càng được thể hiện rõ. Những sinh hoạt Phật giáo từ lâu đã trở thành sinh hoạt văn hóa thường nhật trong đời sống của người dân. Những ngày lễ lớn của Phật giáo như Lễ Phật đản, Lễ Vu lan, hay những ngày rằm, ngày mồng một hàng tháng…đã không còn là ngày lễ riêng của Phật giáo mà trở thành ngày lễ của bất kỳ gia đình nào. Việc đi lễ chùa đã trở thành phong tục và là nếp sinh hoạt không thể thiếu được trong đời sống văn hóa của người dân nơi đây. Có thể nói, những tư tưởng giáo lý của Phật giáo và những sinh hoạt Phật giáo luôn hiện hữu trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Việt Nam nói chung và người dân Tp. Hồ Chí Minh nói riêng.
46
Các nghi lễ Phật giáo đều trải qua những bước như sau: trước tiên là lễ Phật, ca tụng công đức của Đức Phật đại từ đại bi, sau đó có bước tụng kinh chính để thực hành và hỷ xả những gì xung quanh để được an lạc và phần cuối cùng bao giờ cũng là phát nguyện và hồi hướng là để phát huy những hạnh lành, sám hối với những lỗi lầm đã mắc phải và hồi hướng công đức cho những người xung quanh. Tuy nhiên, không phải bất kỳ ai đi lễ Phật đều hiểu được điều này. Chính những người tham gia nghi lễ cầu an đầu năm khi được hỏi về mục đích tham gia lễ hầu hết đều trả lời rằng để cầu công danh, sức khỏe, tiền bạc… Họ có những nhận thức về Đức Phật như một vị thần thánh có những phép thần thông, hay là như những bà tiên đem đến cho họ những phép màu hoặc là đấng chúa trời toàn quyền quyết định số phận của họ. Họ tìm mọi cách để tiến tới gần Đức Phật nhất để cầu xin Đức Phật ban cho họ những điều mà họ đang mong muốn. Bởi thế, trong lễ cầu an đầu năm tại chùa Hoằng Pháp, hàng ngàn người xếp hàng dài chỉ để được thắp một nén hương cắm vào lư hương thờ Phật, chen chúc nhau để đứng dưới cây Sa la chờ đợi hoa Sa la rụng xuống và tin là những mong chờ của họ sẽ được ứng nghiệm. Họ chờ đợi để được ghi danh vào một danh sách cúng cầu an vì họ tin rằng phải được Đức Phật biết mặt, biết tên thì mới có thể che chở và phù hộ cho được. Chính những nhận thức về đạo Phật như những vị thần thánh có phép màu lại khiến cho đạo Phật đến gần hơn với người dân, giúp cho đạo Phật tồn tại và đứng vững trong văn hóa người Việt.
Có nhiều bài nghiên cứu đã đề cập tới sự phục hồi và phát triển của Phật giáo. Ở Tp. Hồ Chí Minh, đi tới đâu cũng thấy sự hiển hiện của Phật giáo, từ chùa, tịnh xá, thiền viện…. Riêng ở Huyện Hóc Môn đã có tới 117 cơ sở tự viện. Cửa Phật lại luôn là nơi rộng mở để người ta tới nương nhờ.
Chính vì thế mà khi người ta có khó khăn, tìm tới và được cưu mang, được củng cố tinh thần thì người ta càng có thêm lòng tin vào Đức Phật. Đạo Phật
47
từ lâu đã có ảnh hưởng vô cùng lớn đối với mỗi người dân. Nó khiến người ta tin rằng họ luôn được “phù hộ”, được nâng đỡ, che chở khiến cho họ được giải tỏa những áp lực của cuộc sống, tự tin hơn, thanh thản hơn. Số lượng Phật tử ngày càng đông, ngày càng nhiều hơn những gia đình theo đạo Phật và thậm chí khi không theo đạo Phật thì họ cũng sẵn sàng tham gia các hoạt động Phật giáo. Vào những ngày mồng một, ngày rằm và các ngày lễ lớn của Phật giáo, các chùa luôn đông kín người. Nhất là vào dịp đầu năm, bắt đầu một năm mới, khởi sự cuộc sống trong một giai đoạn mới thì ai cũng mong muốn được che chở để có một năm suôn sẻ, thuận lợi, bình an. Những ngày lễ lớn của Phật giáo luôn thu hút đông đảo người dân tham gia. Lễ cầu an đầu năm là một nghi lễ không mang tính chính thống của Phật giáo, đó là một tín ngưỡng dân gian dùng nghi thức của Phật giáo để tiến hành nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân. Nhờ có sức ảnh hưởng của Phật giáo trong việc thực hành nghi lễ mà lễ cầu an đầu năm thu hút được đông đảo người dân tham gia. Qua thực hành nghi lễ cầu an đầu năm có thể thấy được, những tín đồ bao gồm hai phía là các tăng ni – người đại diện cho bên truyền giáo và người tham dự đều chủ yếu quan tâm tới việc thỏa mãn nhu cầu tâm linh thực tại, mang tính chất là cầu may hơn là chú trọng tới việc nghiên cứu và thực hành giáo lý để đạt tới giác ngộ. Điều đó đáp ứng được nhu cầu của người dân, giúp duy trì và gia tăng số lượng người tham gia các nghi lễ Phật giáo.
Thứ hai, lễ cầu an đầu năm được nhà chùa tổ chức mang tính chất là một nghi lễ cầu may đã đáp ứng được nhu cầu tâm linh của người dân trong bối cảnh kinh tế, xã hội như hiện nay.
Tp. Hồ Chí Minh là một trong hai thành phố có tốc độ phát triển kinh tế và mức độ hiện đại hóa cao nhất cả nước. Kinh tế phát triển nhanh chóng đưa con người đến với những cơ hội để thay đổi hoàn cảnh và phát triển bản thân.
Có những người gặp thời cơ và “phất” lên một cách nhanh chóng đến nỗi
48
chính bản thân họ cũng cho rằng đó là “vận may” đang đến và họ cho rằng vận may đó là do một vị thần thánh nào đó ban cho họ. Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng về kinh tế cũng mang tới những thách thức, đưa con người đối mặt với những rủi ro không lường trước được đe họa cuộc sống. Những rủi ro ập tới bất ngờ khiến người ta nghĩ rằng đó là do một vị thần thánh nào đó trừng phạt họ vì một nỗi lầm nào đó họ đã gây ra. Tất cả những điều ấy đưa đến niềm tin và nhu cầu tâm linh của con người. Phân tích về những tác động của nền kinh tế thị trường đối với niềm tin tôn giáo của con người qua nghiên cứu về lễ hội đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), tác giả Lê Hồng Lý đã viết: “từ một nền kinh tế bao cấp, cấm đoán việc tự do kinh doanh… Việt Nam bước vào nền kinh tế thị trường, tự do buôn bán… dù có linh lợi đến mấy cũng không tránh khỏi sự bỡ ngỡ và choáng váng… Tâm lý chung của các dân tộc lạc hậu và chậm tiến là mê tín, đặc biệt là những người làm ăn, buôn bán. Mặt khác, đa số những người giàu lên đột ngột không phải ai cũng đi bằng đôi chân của mình... Sự đột ngột và dễ dàng ấy dẫn người ta nghĩ đến việc này có lẽ do trời giúp, thánh ban” [8]. Kinh tế càng phát triển thì những nhu cầu tâm linh càng trở nên mạnh mẽ hơn bất cứ lúc nào, đặc biệt là trong những ngày đầu năm, khởi sự cho một giai đoạn mới. Để đáp ứng nhu cầu tâm linh đó, các thực hành tôn giáo ở các địa điểm thờ tự có thêm phần sôi động. Lễ cầu an đầu năm chính là một trong những hoạt động lớn để đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân địa phương.
Lễ cầu an vốn không phải là một nghi lễ chính thống của Phật giáo. Nó có xuất phát điểm là tín ngưỡng dân gian. Được tổ chức vào những thời điểm con người bắt đầu mùa màng cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi hoặc trong mùa lắm dịch bệnh. Tác giả Toan Ánh đã viết rằng, lễ cầu an được tổ chức trong “mùa dịch khí, có nhiều người mắc chứng bệnh dịch tả, dịch hạch v.v…Tục ta tin là các quan âm bắt lính, những người chết vì các chứng
49
dịch bệnh sẽ biến thành lính của các quan ôn ở cõi âm” [2, tr. 264] . Họ tổ chức lễ cầu an để dâng lên các quan âm lễ vật để họ không bắt người. Ngày nay, sống trong xã hội hiện đại, nhất là ở một thành phố lớn thì dịch bệnh có lẽ đã bớt đi, nhưng những rủi ro mới luôn hiện hữu. Đó là các bệnh như ung thư, rồi tai nạn giao thông, cướp giật, lừa đảo… cho tới đồ ăn thức uống lắm hóa chất gây hại sức khỏe cho con người. Nhìn xung quanh đều thấy có những bất an rình rập cuộc sống. Những rủi ro ngày càng nhiều thì nhu cầu được bình an, được may mắn càng lớn và nhu cầu đó cần được giải tỏa.
Về động cơ và mục đích của những người tham gia lễ cầu an đầu năm cũng rất phong phú. Qua những phiếu đăng ký cầu an có thể thấy được rất nhiều những nguyện vọng, mong muốn được gửi gắm. Khi được hỏi “tại sao lại tham gia lễ cầu an tại chùa?” thì hầu hết câu trả lời đều là để cầu xin một việc gì đó. Có người thì cầu bình an, người thì cầu khỏe mạnh, người cầu giàu có... Anh Túc, Phật tử đến từ Vũng Tàu cho biết: “năm trước, nhờ Đức Phật phù hộ cho xây được một cái nhà, năm nay thì xin Người cho làm ăn như năm trước thôi”5. Một Phật tử khác tham dự lễ cầu an tại chùa cũng cho biết: “tôi tới đây không dám cầu xin điều gì lớn lao, chỉ cầu cho gia đình được bình yên, con cháu khỏe mạnh là mãn nguyện lắm rồi”6.
Nhìn chung, mục đích chung nhất của những người tham dự lễ cầu an đầu năm là cầu bình an. Bên cạnh đó, họ cũng cầu những điều khác nhau , đó là những điều rất cụ thể, liên hệ mật thiết với cuộc sống hàng ngày của họ.
Những điều họ cầu khẩn là những điều mà họ đang mong ước để có được. Có thể nói, họ đến với lễ cầu an cũng như đến với Phật giáo là để phục vụ cho chính cuộc sống hiện thực của họ, để gửi gắm những ước nguyện của mình về một năm an lành, may mắn. Với họ, sau khi làm lễ cầu an là những điều xui xẻo sẽ biến mất và hứa hẹn một năm với những điều may mắn, thuận lợi trong
5 Phỏng vấn anh Quách Văn Túc, sinh năm 1976, tại chùa Hoằng Pháp ngày 22/02/2016.
6 Phỏng vấn bà Lê Thị Bảy, sinh năm 1949, tại chùa Hoằng Pháp ngày 22/02/2016
50
làm ăn, sinh sống. Không ai chắc chắn rằng việc cầu cúng sẽ thực sự mang lại hiệu quả như họ mong muốn nhưng thực tế là số lượng người tham dự lễ cầu an đầu năm tại các chùa vẫn ngày một đông lên. Phải chăng là vì nếu việc cầu xin của họ không được ứng nghiệm thì ít ra họ cũng có được sự yên ổn trong tinh thần? Những người chưa có được cuộc sống như mong muốn thì họ cầu xin có được, còn những người đã có được cuộc sống như ý thì họ lại sợ một ngày nào đó sẽ bị mất đi. Cả hai nỗi sợ đó đều hiển hiện và không có cách gì hóa giải được ngoài việc tìm tới thế giới thần linh mong được che chở, bảo vệ cho họ. Lễ cầu an đầu năm được nhà chùa tổ chức đã đáp ứng được đúng nhu cầu tâm linh đó vào đúng thời điểm và đó cũng là cách giúp thu hút số lượng lớn những tín đồ tới tham dự.
Khác với các hình thức nghi lễ khác, lễ cầu an đầu năm là một hoạt động để khép lại một giai đoạn cũ và khởi sự cho một giai đoạn mới với những hi vọng vào một năm tương lai tốt đẹp. Trong văn hóa người Việt, yếu tố may mắn luôn được coi trọng. Những thành công của con người ít khi được lý giải bằng việc họ siêng năng, thông minh hay tài giỏi mà hầu như đều được lý giải rằng có một thế lực siêu nhiên nào đó giúp đỡ cho họ, đem lại cho họ
“may mắn”. Chính vì thế, lễ cầu an đầu năm với ý nghĩa như là một nghi lễ để cầu may đã đáp ứng được những mong ước của người tham dự về một năm mới với những điều may mắn sẽ đến. Lễ cầu an đầu năm giống như một liệu pháp tâm linh, bù đắp cho những nỗi hoang mang lo sợ của con người về một năm tương lai mơ hồ. Tại Tp. Hồ Chí Minh, lễ cầu an đầu năm từ lâu đã được tổ chức dưới hình thức giống như một dịch vụ tâm linh thường gặp ở các chùa hiện nay. Tính dịch vụ này được thực hiện giữa một bên là người cung ứng – phía nhà chùa và một bên là người thực hiện – những tín đồ Phật giáo. Phía nhà chùa tổ chức lễ cầu an nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của người tham dự lễ. Hiện nay, hầu hết các chùa đều tổ chức lễ cầu an đầu năm và dần trở thành