Chương 3: MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA XUNG QUANH LỄ CẦU AN ĐẦU NĂM
3.3. Ý nghĩa của Lễ cầu an đầu năm trong đời sống xã hội hiện nay
Xã hội ngày càng phát triển, sự tăng trưởng về kinh tế giúp cho con người dần thoát khỏi những nghèo nàn lạc hậu và thay vào đó là cuộc sống đầy đủ hơn về vật chất, con người có nhiều hơn những cơ hội để nâng cao mức sống và thỏa mãn mọi nhu cầu của bản thân. Sống trong xã hội hiện đại, người ta phải gồng mình lên để thích nghi và bắt kịp với tốc độ phát triển chung mới không bị lạc hậu. Chính vì thế, người ta sẵn sàng mạo hiểm để dấn thân, đánh đổi cuộc sống. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế không đi đôi với bền vững đã đưa con người đến với những rủi ro và những bất ngờ không đoán trước được. Điều đó dẫn tới những lo âu và hoang mang về tương lai.
Đó chính là sự khủng hoảng về phương hướng.
Nếu cuộc sống ở làng quê cho con người những mối quan hệ bền vững, đưa họ tới gần nhau hơn thì cuộc sống ở thành phố với những mối quan hệ phức tạp và thiếu sự gắn kết đưa con người ta tới những ngờ vực và sự sợ hãi. Vì lợi ích kinh tế, người ta có thể chà đạp lên các mối quan hệ. Lòng tin giữa con người với nhau dần bị mất đi và thay vào đó là sự nghi ngờ lẫn nhau.
Con người lại có thêm nỗi lo lắng bị lừa dối. Đi chợ thì sợ bị lừa dối về giá cả,
58
ăn uống thì sợ bị lừa dối về sự an toàn, mở rộng quan hệ thì sợ bị lừa dối về tiền bạc, về tình cảm… Đó là sự khủng hoảng về niềm tin.
Tp. Hồ Chí Minh là một thành phố của những người nhập cư. Cuộc sống của những người tha hương luôn mang trong lòng những mối lo lắng về những người thân yêu ở quê nhà. Điều duy nhất họ có thể làm được là cầu mong cho những người thân của họ được bình an. Thêm vào đó, thời gian đầu năm là thời gian xum họp gia đình, với những người không được về nhà “ăn Tết” thì họ không những cảm thấy bất an mà còn mang một nỗi buồn chán.
Đó là sự khủng hoảng về tình cảm.
Những khủng hoảng về phương hướng đưa người ta tới suy nghĩ về một thế lực siêu nhiên đang thao túng và điều khiển cuộc sống của họ. Những khủng hoảng về niềm tin và tình cảm khiến người ta cần một chỗ dựa về tinh thần. Vì vậy, để giải quyết được những lo âu về tương lai, ổn định về tinh thần, con người đã tìm tới tôn giáo.
Cũng như các nghi lễ Phật giáo khác, lễ cầu an đầu năm được tổ chức nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con người, giúp người tham dự lễ có được cảm giác bình an, yên tâm. Đó chính là chức năng an định tinh thần.
Lễ cầu an đầu năm được tổ chức vào ngày đầu năm khi một năm mới bắt đầu. Người tham dự lễ với tâm lý hoặc mong muốn cho một năm đạt được những mong muốn trong cuộc sống hoặc tâm lý lo lắng về một năm tương lai.
Sau khóa lễ cầu an, họ được thỏa mãn cả hai mong muốn ấy. Lễ cầu an đầu năm đã đem lại cho con người niềm tin và xóa đi những lo lắng, những bất an về tương lai, đem đến cho con người sự ổn định về tâm lý để bắt đầu một năm mới với bao nhiêu hi vọng. Đó là điều mà cả người tham dự lễ và người thực hiện nghi lễ đều mong muốn đạt được.
3.3.2. Duy trì và phát triển Phật giáo
Giữa các tôn giáo luôn có một sự “cạnh tranh ngầm”. Tôn giáo nào phù hợp với sự phát triển của xã hội, đáp ứng được nhu cầu tâm linh của con
59
người, đem tới cho con người những giá trị và tình yêu đối với cuộc sống thì tôn giáo đó ngày càng phát triển. Phật giáo sau khi du nhập vào Việt Nam, bên cạnh sự phù hợp còn có sự giao thoa và ảnh hưởng của tín ngưỡng bản địa. Phật giáo đã có sự thay đổi để phù hợp với tín ngưỡng của người Việt Nam. Văn hóa nước ta là nền văn hóa gắn với nông nghiệp lúa nước cho nên có sự thờ cúng với các vị thần có ảnh hưởng tới mùa màng như thần mưa, thần sấm, thần mây, thần chớp. Từ đó, hình ảnh Phật điện cũng có Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện tương ứng với các vị thần mây, mưa, sấm, chớp. Sự xuất hiện và đồng hành của Phật trong các thực hành tín ngưỡng của người Việt Nam đã giúp cho Phật giáo tồn tại và phát triển mang những sắc thái riêng. Nhìn chung, Phật giáo sau khi du nhập vào nước ta tồn tại song song với các tôn giáo khác nhưng Phật giáo đã hội nhập một cách tự nhiên và phù hợp với tín ngưỡng bản địa, trải qua bao nhiêu thăng trầm để phát triển cho tới ngày nay.
Trong thời đại toàn cầu hóa và đa dạng văn hóa như hiện nay, Phật giáo cũng vấp phải những thách thức không nhỏ. Phật giáo cũng cần uyển chuyển theo sự phát triển của kinh tế, xã hội. Để Phật giáo phát triển và chiếm một vị trí quan trọng trong xã hội Việt Nam, ngoài yếu tố thời đại và sự tương thích của Phật giáo đối với tâm lý, tình cảm của người dân còn phải kể tới là sự nỗ lực không ngừng của những người làm công tác truyền đạo. Thông qua những buổi thuyết pháp, qua các hoạt động thiện nguyện, qua các khóa tu và qua việc tổ chức những ngày đại lễ với các hoạt động phật sự đầy ý nghĩa... đã đưa Phật giáo tới gần hơn với công chúng.
Lễ cầu an đầu năm từ lâu đã trở thành một trong những ngày lễ lớn của Phật giáo. Nó chính là cầu nối để đưa Phật tử đến chùa, giúp rút ngắn hơn khoảng cách giữa đạo với đời, đưa đạo Phật tiến gần hơn với cuộc sống đời thường. Lễ cầu an chính là sự kết hợp một cách uyển chuyển giữa đạo Phật và tín ngưỡng dân gian. Mục đích của lễ cầu an là đáp ứng những nhu cầu tâm linh của người dân bản địa. Lễ cầu an được tổ chức vào đầu năm mới phù hợp với sinh hoạt văn hóa của người dân, làm tăng thêm số lượng Phật tử cho đạo
60
Phật. Số lượng Phật tử tới chùa càng đông càng chứng tỏ rằng Phật giáo đang hưng thịnh và ngược lại, nếu các chùa đều vắng bóng Phật tử thì có nghĩa rằng Phật giáo chưa được xã hội đón nhận.
3.3.3. Mang giá trị nhân văn
Lễ cầu an đầu năm là biểu hiện của giá trị nhân văn Phật giáo. Mục đích cuối cùng của lễ cầu an đầu năm là giúp con người gạt bỏ đi những nỗi lo lắng, bất an, giải thoát con người khỏi những bế tắc và đau khổ để thêm niềm tin vào cuộc sống, ước muốn đem đến cho con người cuộc sống hạnh phúc, bình yên. Niềm hạnh phúc và sự an lạc có được từ việc biết nhìn nhận lại bản thân, tha thứ cho những lỗi lầm của người khác và hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Những người tham gia lễ cầu an đầu năm được nghe những bài thuyết pháp đầy ý nghĩa về cuộc sống, về hiếu nghĩa, về lòng chung thủy, sự vị tha và tình yêu với cuộc sống… đem tới cho con người những bài học sâu sắc về đạo đức làm người giúp con người rèn luyện nhân cách, biết yêu thương và sống một cách có ích cho cuộc đời. Đồng thời cũng răn dạy con người biết tự tu dưỡng đạo đức, hướng con người tới những hành động tu thân tích đức và giúp cho đời bằng các hành động thiết thực của bản thân.
61
Tiểu kết chương 3
Lễ cầu an đầu năm là một nghi lễ đã có từ lâu đời và diễn ra ở nhiều không gian thờ tự, nhiều địa điểm ở khắp nơi trong cả nước. Ở Tp. Hồ Chí Minh, lễ cầu an đầu năm được nhiều chùa tổ chức. Tuy nhiên, chỉ đến những năm gần đây thì lễ cầu an đầu năm mới thu hút số lượng lớn người tham dự và nổi lên trở thành một hiện tượng trong đời sống tâm linh của người dân Thành phố.
Lý giải sự phát triển về quy mô của nghi lễ này, qua nghiên cứu về thực hành nghi lễ tại chùa Hoằng Pháp chúng tôi nhận thấy, trước hết do sự ảnh hưởng của nghi lễ Phật giáo tới đời sống tâm linh của người dân Tp. Hồ Chí Minh đã dẫn tới thu hút được một số lượng lớn Phật tử thường xuyên tham dự các nghi lễ do nhà chùa tổ chức, đặc biệt là đối với những nghi lễ mang tính dân gian như lễ cầu an đầu năm. Thứ hai, lễ cầu an đầu năm được nhà chùa tổ chức là một nghi lễ mang tính chất là nghi lễ cầu may đã đáp ứng được nhu cầu của người dân trong bối cảnh kinh tế xã hội như hiện nay.
Thông qua lễ cầu an đầu năm đã thấy được vai trò quan trọng của nhà chùa trong việc quảng bá và duy trì thực hành nghi lễ trong đời sống văn hóa của người Việt tại Tp. Hồ Chí Minh. Bằng việc xây dựng hình ảnh nhà chùa trong lòng công chúng, với các hoạt động cụ thể, nhà chùa đã quảng bá và duy trì việc thực hành nghi lễ Phật giáo trong đời sống văn hóa của người dân.
Đồng thời, các hoạt động này cũng góp phần duy trì và làm gia tăng thêm số lượng Phật tử, giúp cho đạo Phật ngày càng hưng thịnh.
Lễ cầu an đầu năm đã thể hiện rõ được tầm quan trọng và sức ảnh hưởng của nó tới đời sống tâm linh của người dân Tp. Hồ Chí Minh. Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân, thực hiện chức năng an định tinh thần, lễ cầu an đầu năm còn có vai trò quan trọng trong việc củng cố vị trí của Phật giáo trong xã hội hiện tại. Những triết lý nhân sinh quan của Phật giáo đem đến cho con người những bài học làm người, tu dưỡng đạo đức, rèn luyện bản thân để hướng tới một cuộc sống có ý nghĩa hơn.
62