Chương 3: MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA XUNG QUANH LỄ CẦU AN ĐẦU NĂM
3.2. Vai trò của nhà chùa trong việc quảng bá và duy trì thực hành nghi lễ trong đời sống văn hóa của người Việt ở Tp. Hồ Chí Minh
Ngôi chùa là nơi hoằng truyền Phật pháp, là nơi tu tập và sinh hoạt của tăng ni, đồng thời cũng là nơi sinh hoạt tín ngưỡng dân gian. Tại Tp. Hồ Chí Minh, ngôi chùa ngày càng giữ vị trí quan trọng trong sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân. Dưới sự ảnh hưởng của Phật giáo, từ bao đời nay, người ta đã coi việc đi lễ chùa như một tập tục và thói quen trong sinh hoạt văn hóa. Những ngày rằm, ngày mồng một hàng tháng, các ngày đại lễ như lễ vu lan, lễ Phật Đản… luôn thu hút đông đảo người dân tham gia. Thông qua việc tổ chức các nghi lễ Phật giáo, những buổi thuyết pháp, các hoạt động thiện nguyện... đã giúp quảng bá được hình ảnh của chùa đến với công chúng, đó cũng chính là cách thức để duy trì và phát triển đạo Phật. Rất nhiều nghi lễ là sự kết hợp giữa Phật giáo nguyên thủy và truyền thống dân tộc được nhà chùa tổ chức. Đó là những nghi lễ không mang tính chính thống của Phật giáo mà là sự kết hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian, dùng nghi thức của Phật giáo để thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân như lễ cầu an đầu năm, lễ cúng sao giải hạn, lễ
7 Phỏng vấn anh Nguyễn Quốc Trương, sinh năm 1982, tại chùa Hoằng Pháp ngày 22/02/2016
52
bán khoán, cắt giải tiền duyên... Những nghi lễ này mang tính chất dịch vụ Phật giáo đặc biệt thu hút được đông đảo người dân tham gia. Qua việc tổ chức các nghi lễ này, nhà chùa giới thiệu và quảng bá được các thực hành nghi lễ Phật giáo tới người dân, đồng thời giúp hình ảnh của nhà chùa “nổi tiếng” hơn. Sự nổi tiếng này thu hút sự quan tâm của công chúng và quay trở lại giúp duy trì những thực hành nghi lễ Phật giáo, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tâm linh của người dân. Nhà chùa trở thành cầu nối để đưa các nghi lễ Phật giáo tới gần hơn với công chúng.
Hầu hết các chùa đều có những cách thức khác nhau để quảng bá và duy trì thực hành nghi lễ Phật giáo, từ việc thay đổi nghi lễ cho phù hợp với đối tượng Phật tử cho tới việc mở các khóa tu và cải tạo cơ sở vật chất của chùa… được thực hiện.
Việc thay đổi nghi lễ Phật giáo để phù hợp với nhu cầu của người tham gia là cách thức chùa Hoằng Pháp thực hiện để giúp cho các nghi lễ này dễ dàng được người dân đón nhận và thực hành theo. Nghi lễ cầu an vốn có nguồn gốc từ nghi lễ tín ngưỡng dân gian. Chưa có nghiên cứu nào chỉ ra thời điểm xuất hiện nghi lễ này mà chỉ biết rằng nó đã tồn tại từ rất lâu đời. Khi Phật giáo du nhập vào nước ta đã có sự tác động qua lại và ảnh hưởng lẫn nhau với các tôn giáo khác. Lễ cầu là một nghi lễ có sự ảnh hưởng giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian. Người ta “dùng nghi lễ của kinh Phật để trấn an trong làng xã” [2, tr. 263]. Kết quả là lễ cầu an đã trở thành một trong những đại lễ ở rất nhiều chùa và được thực hiện theo nghi lễ của Phật giáo.
Lễ cầu an đầu năm tại chùa Hoằng Pháp được thực hiện thường niên mỗi năm một lần vào đầu năm âm lịch. Theo sư thầy Thích Tâm Đạo “từ năm thành lập chùa Hoằng Pháp tới nay thì năm nào cũng tổ chức lễ cầu an đầu năm, chương trình của lễ cầu an đầu năm tại Chùa đã có sự thay đổi rất nhiều trong khoảng mười năm trở lại đây. Phần nghi lễ chính thức ít phức tạp hơn, lễ vật đơn giản hơn chỉ có hương, hoa và trái cây, thời gian dành cho nghi lễ
53
chính ít đi và thay vào đó là các tiết mục, chương trình khác đan xen như chương trình ca nhạc hay múa lân. Phần trang trí khu vực thờ thoáng hơn, bớt đi vẻ âm u và cảm giác sợ hãi mà thay vào đó là cảm giác vui vẻ, nhẹ nhàng, thư thái”. Chương trình lễ cầu an đầu được tổ chức để phù hợp hơn với nhu cầu của người tham dự. Thời gian giữa các phần gần tương đồng với nhau.
Phần thuyết pháp được đẩy lên và trở thành phần được chú ý nhất trong toàn bộ chương trình. Những bài thuyết pháp với đạo lý làm người, có giá trị giáo dục cao, gần gũi với đời thường chạm tới trái tim người nghe; phần nghi lễ nhanh gọn hơn; chương trình ca nhạc và giải trí được đưa vào xen kẽ giữa các chương trình mang nhiều nét trang trọng và nghi thức… Toàn bộ chương trình được tổ chức theo hơi hướng hiện đại. Ngoài việc chú trọng tới nhu cầu tâm linh thì cũng chú ý tới nhu cầu giải trí của Phật tử, tạo nên không khí vui tươi trong ngày đầu năm mới. Sự thay đổi chương trình nghi lễ Phật giáo đóng góp lớn vào việc thu hút số lượng Phật tử tham gia. Chương trình thay đổi theo hướng hiện đại, người tham gia trong ngày đầu năm mới có được không khí vui vẻ, thư thái, an lạc và đó là yếu tố để lựa chọn tham dự.
Các “dịch vụ Phật giáo” cũng đóng góp phần không nhỏ vào việc quảng bá việc thực hành nghi lễ trong đời sống văn hóa của người dân. “Dịch vụ Phật giáo” được tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc định nghĩa “là sự đáp ứng nhu cầu nhưng là một nhu cầu đặc biệt. Đó là sự đáp ứng nhu cầu tâm linh bằng cách thức Phật giáo. Nhu cầu này được đáp ứng thông qua hệ thống các nghi lễ cầu cúng. Sự trao đổi diễn ra giữa tín đồ - người đưa ra yêu cầu nghi lễ và tăng ni sư – người thực hiện nghi lễ”. Theo định nghĩa như vậy thì lễ cầu an đầu năm cũng chính là một loại hình dịch vụ Phật giáo. Lễ cầu an đầu năm được tổ chức nhằm để đáp ứng nhu cầu của tín đồ Phật giáo. Bên cạnh lễ cầu an đầu năm còn có các nghi lễ khác cũng mang tính chất dịch vụ Phật giáo như lễ cúng sao giải hạn, lễ cắt giải tiền duyên,... Những nghi lễ này thực hiện
54
giúp thỏa mãn nhu cầu tâm linh của tín đồ và đưa các nghi thức Phật giáo gần hơn với đời sống.
Hiện nay hầu hết các chùa đều chú ý tới việc tổ chức những khóa tu học phù hợp với mọi lứa tuổi, mọi trình độ khác nhau như: khóa tu niệm Phật một ngày, khóa tu sinh viên hướng về Phật pháp, khóa tu Phật thất… Các nghi lễ Phật giáo được đưa vào giảng dạy giống như một môn học giúp cho Phật tử hiểu được rõ hơn nội dung của từng nghi lễ, đó cũng là một phương thức để bảo tồn và phát huy những giá trị nghi lễ Phật giáo. Điều đặc biệt là ngày càng nhiều những khóa tu hướng về những đối tượng trẻ như là học sinh, sinh viên. Những hình thức tu học luôn được thay đổi và phong phú hơn.
Nội dung các khóa tu cũng khác nhau theo từng lứa tuổi. Chùa Hoằng Pháp là một ngôi chùa nổi tiếng ở Tp. Hồ Chí Minh về việc tổ chức các khóa tu cho đối tượng là những người trẻ tuổi. Các khóa tu mùa hè dành cho học sinh, sinh viên là những khóa tu tiêu biểu nhất thu hút số lượng đông đảo người tham gia. Vào mùa hè, học sinh sinh viên không phải tham gia các lớp học chính khóa, do đó họ tự lựa chọn dành thời gian để tham gia các khóa tu của chùa. Ở đó, họ được nghe các bài thuyết giảng về đạo đức, về lý tưởng sống và những bài học làm người. Ở thành phố, có những bậc cha mẹ không có nhiều thời gian rảnh rỗi và họ không biết sắp xếp để con làm gì vào mùa hè, và vì thế họ lựa chọn những khóa tu tại chùa để giúp con em có được một môi trường lành mạnh và bổ ích. Đôi khi, việc tham gia các khóa tu mùa hè đối với học sinh, sinh viên còn là do trào lưu. Mỗi một khóa tu mùa hè như vậy lên tới vài ngàn người. Số lượng Phật tử tham gia khóa tu đóng góp một số lượng lớn trong ngày lễ cầu an đầu năm.
Sự phục hồi và mở rộng hơn quy mô các chùa cũng là cách để đáp ứng nhu cầu của Phật tử. Tại chùa Hoằng Pháp, chính điện được mở rộng để đáp ứng nhu cầu hành lễ và tổ chức những ngày đại lễ. Hậu đường được xây dựng thêm
55
và có thêm các công trình phụ để phục vụ cho các khóa tu và có không gian để trang trí vào những ngày lễ lớn. Có một không gian đủ rộng rãi, tiện nghi và thanh tịnh sẽ tạo cảm giác thoải mái cho Phật tử. Khi đi chùa người ta thường có tâm lý là thích chùa lớn hơn là chùa nhỏ. Bên cạnh đó, việc mở rộng quy mô tổ chức các ngày lễ lớn góp phần thu hút được Phật tử nhiều hơn.
Các hoạt động từ thiện luôn là cách thức để gây dựng hình ảnh tốt đẹp nhất của Phật giáo trong lòng công chúng. Nó thể hiện được tinh thần từ bi và cứu độ chúng sinh của Phật giáo. Hiện nay hầu hết các chùa đều tham gia vào các hoạt động từ thiện và xã hội, từ việc tặng quà cho học sinh vùng cao, tặng quà cho bà con bị lũ lụt, phát cơm cho người nghèo…cho tới việc tổ chức các khóa tu dành cho những đối tượng đặc biệt như bệnh nhân, người tù. Một số chùa còn gây dựng các quỹ học bổng dành cho học sinh, sinh viên nghèo. Các hoạt động từ thiện cũng phản ánh xu hướng nhập thế của đạo Phật. Theo Báo cáo tóm tắt tổng kết công tác Phật sự năm 2015 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, số tiền cho các hoạt động từ thiện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở Tp. Hồ Chí Minh đạt 336 tỷ đồng và của cả nước là hơn một ngàn tỷ. Những chùa càng nổi tiếng, càng thu hút đông Phật tử thì cũng đồng nghĩa với việc thu hút được nguồn kinh phí lớn hơn cho các hoạt động từ thiện. Đồng thời, càng có nhiều các hoạt động thiện nguyện thì càng khiến cho danh tiếng của chùa đó nổi bật hơn.
Để các nghi lễ Phật giáo luôn được duy trì và được người dân đón nhận, uy tín của vị trụ trì chùa có vai trò vô cùng quan trọng. Người trụ trì đóng vai trò quyết định vận mệnh của ngôi chùa, là cầu nối giữa đạo với đời. Người trụ trì nếu biết chuyển hóa để có thể vừa duy trì được tính truyền thống vừa có thể kết hợp với yếu tố thời đại sẽ giúp cho việc thực hành nghi lễ được duy trì và có sức hút đối với người dân. Nếu người trụ trì có đức độ, tạo dựng được niềm tin và sự tôn trọng với Phật tử thì sẽ khiến cho họ có cái nhìn tốt đẹp về chùa và về đạo
56
Phật. Và ngược lại, người trụ trì không có được niềm tin và sự tôn trọng của Phật tử thì sẽ làm cho Phật tử có cái nhìn thiếu thiện cảm và không muốn tới chùa.
Niềm tin và sự tôn trọng của Phật tử tạo nên thương hiệu cá nhân của chính vị trụ trì. Thương hiệu cá nhân của vị trụ trì chính là giá trị và sự khác biệt của vị trụ trì này với trụ trì khác. Để có được thương hiệu cá nhân mạnh, vị trụ trì ngoài việc có tuổi đạo lớn, có thuyết pháp hay, gây dựng niềm tin tốt với Phật tử thì còn phải kể tới quá trình tạo dựng để vai trò của người trụ trì nổi bật hơn trong bất cứ hoạt động nào của chùa.
Thương hiệu cá nhân của trụ trì góp phần lớn để tạo nên danh tiếng của chùa. Quá trình gây dựng thương hiệu cá nhân của trụ trì là một quá trình lâu dài và có thể nhìn thấy được qua các hoạt động của chùa. Các hoạt động kể tới như: phát hành các bài thuyết pháp, phát hành các sách của vị trụ viết, trưng bày hình ảnh và hoạt động, giới thiệu về lịch sử, tuổi đạo và quá trình tu tập, vai trò của vị trụ trì đó đối với Giáo hội, trong các đại lễ… Chùa Hoằng Pháp có một Phòng trưng bày, phòng này trưng bày các hoạt động của trụ trì từ việc thuyết pháp cho tới các hoạt động từ thiện, giáo dục, hiếu nghĩa…, Phòng Phát hành phát hành những cuốn sách và những bài kinh do trụ trì biên tập và viết, trong đó có những cuốn sách viết về lịch sử gây dựng chùa và cuộc đời của các vị trụ trì. Trong các ngày lễ, Nhà chùa thường tặng những CD bài thuyết pháp hoặc bài tụng kinh của trụ trì tới các Phật tử tới chùa.
Ngoài ra nhìn vào chương trình lễ cầu an đầu năm sẽ thấy được vai trò quan trọng của trụ trì trong việc thực hiện các nghi lễ và ảnh hưởng tới toàn bộ chương trình lễ. Các bài thuyết pháp trong lễ cầu an là những bài thuyết pháp về đạo đức của con người, đạo lý làm người, những triết lý sâu sắc và ý nghĩa, gần gũi với cuộc sống đời thường dễ đi vào lòng người giúp rút ngắn khoảng cách giữa đạo với đời. Tất cả những hoạt động ấy làm bật lên vai trò của
57
người trụ trì và nó giúp cho việc tạo dựng hình ảnh, uy tín của trụ trì cũng như của chính ngôi chùa đó đối với Phật tử.
Nhìn chung, nhà chùa có vai trò rất quan trọng trong việc quảng bá và duy trì thực hành nghi lễ trong đời sống văn hóa của người dân tại Tp. Hồ Chí Minh. Thông qua việc xây dựng hình ảnh nhà chùa trong lòng công chúng, bằng các hoạt động cụ thể, nhà chùa đã quảng bá và giúp duy trì việc thực hành nghi lễ Phật giáo trong đời sống văn hóa của người dân. Đồng thời, các hoạt động này cũng góp phần duy trì và làm gia tăng thêm số lượng Phật tử, giúp cho đạo Phật ngày càng hưng thịnh.