Kĩ năng sống và giáo dục kĩ năng sống

Một phần của tài liệu Giáo dục kĩ năng sống cho học sinh lớp 3 thông qua dạy học môn tự nhiên và xã hộ (Trang 23 - 33)

* Khái niệm kĩ năng

Có nhiều tác giả trong nước và ngoài nước đã đưa ra những quan niệm khác nhau về kĩ năng. Với mỗi quan niệm, với mỗi cách nhìn khác nhau, các tác giả đã cố gắng minh chứng một cách sinh động nhất về khái niệm kĩ năng.

Tác giả Trần Trọng Thủy quan niệm rằng kỹ năng là mặt kỹ thuật của hành động, con người nắm được cách hành động tức là có kỹ thuật hành động, có kỹ năng [37].

Từ điển tâm lý học (1983) của Liên Xô (cũ) định nghĩa “Kỹ năng là giai đoạn giữa của việc nắm vững một phương thức hành động mới - cái dựa trên một quy tắc (tri thức) nào đó và trên quá trình giải quyết một loạt các nhiệm vụ tương ứng với tri thức đó, nhưng còn chưa đạt đến mức độ kỹ xảo” [29].

Còn tác giả N.D.Levitovxam xét kỹ năng gắn liền với kết quả hành động.

Theo ông, người có kĩ năng hành động là người phải nắm được và vận dụng đúng đắn các cách thức hành động nhằm thực hiện hành động có kết quả. Ông nhấn mạnh, muốn hình thành kĩ năng con người vừa phải nắm vững lí thuyết về hành động, vừa phải vận dụng lý thuyết đó vào thực tế.

Tác giả A.V.Petrovski cho rằng: Kỹ năng chính là năng lực sử dụng các dữ kiện, các tri thức hay khái niệm đã có, năng lực vận dụng chúng để phát hiện những thuộc tính bản chất của các sự vật và giải quyết thành công những nhiệm vụ lí luận hay thực hành xác định. Đồng quan điểm này, thì các tác giả Nguyễn Quang Uẩn, Nguyễn Ánh Tuyết, Trần Thị Quốc Minh cũng quan niệm kỹ năng là một mặt của năng lực con người thực hiện một công việc có kết quả [42].

Các tác giả Đức Minh, Phạm Cốc, Đỗ Thị Xuân cho rằng kĩ năng là cách vận dụng tri thức vào thực tiễn, kĩ xảo là kĩ năng được củng cố và tự động hóa.

Tác giả Huỳnh Văn Sơn cho rằng kĩ năng là khả năng thực hiện có kết quả một hành động nào đó bằng cách vận dụng những tri thức, những kinh nghiệm đã có để hành động phù hợp với những điều kiện cho phép [35].

Theo tác giả Đặng Thành Hưng, “Kĩ năng là một dạng hành động được thực hiện tự giác dựa trên tri thức về công việc và những điều kiện sinh học - tâm lý khác của cá nhân (chủ thể có kĩ năng đó) như nhu cầu, tình cảm, ý chí, tính tích cực cá nhân… để đạt được kết quả theo mục đích hay tiêu chí đã định, hoặc mức độ thành công theo chuẩn hay quy định” [28].

Như vậy, với các quan niệm này chúng ta thấy rằng: nếu có kĩ năng thì con người làm việc một cách có hiệu quả hơn. Kĩ năng sẽ giúp mỗi người thực hiện công việc có thứ tự, kế hoạch và tổ chức được quá trình làm việc một cách chuyên nghiệp và hiệu quả. Kĩ năng là khả năng thực hiện một công việc nhất định, trong một hoàn cảnh, điều kiện nhất định, đạt được một chỉ tiêu nhất định.

Trên cơ sở những quan niệm của các tác giả về kĩ năng, chúng tôi quan niệm rằng: kỹ năng là cách thức con người thực hiện một hành động dựa trên sự hiểu biết và kinh nghiệm của cá nhân trong những hoàn cảnh nhất định.

*Khái niệm kĩ năng sống

Quan niệm của “Tổ chức văn hóa - khoa học và giáo dục của Liên hợp quốc” (UNESCO) cho rằng: KNS là năng lực cá nhân giúp cho việc thực hiện đầy đủ các chức năng và tham gia vào cuộc sống hằng ngày.

Quan niệm của “Tổ chức Y tế thế giới” (WHO) coi kỹ năng sống là những kỹ năng tâm lý xã hội và kỹ năng giao tiếp được vận dụng trong những tình huống hằng ngày để giải quyết có hiệu quả các vấn đề, các tình huống của cuộc sống nhằm tương tác có hiệu quả với người khác.

Tác giả X.Kommi thì cho rằng: Kĩ năng sống là khả năng con người thực hiện những hành vi thích ứng với những thách thức và những đòi hỏi của cuộc sống.

Tác giả Huỳnh Văn Sơn quan niệm: KNS là những kĩ năng tinh thần hay những kĩ năng tâm lý, kĩ năng tâm lý - xã hội cơ bản giúp cho cá nhân tồn tại và thích ứng với cuộc sống. Tác giả cho rằng kĩ năng sống nhìn dưới góc độ năng lực tâm lý là những những kĩ năng giúp con người tồn tại về mặt thể chất và mặt tâm lý [35].

Từ góc độ tâm lý học tác giả Nguyễn Quang Uẩn khẳng định: KNS là một tổ hợp phức tạp của một hệ thống kĩ năng nói lên năng lực sống của con người, giúp con người thực hiện công việc và tham gia vào cuộc sống hằng ngày có kết quả, trong những điều kiện xác định của cuộc sống. [42].

Trên cơ sở những quan niệm của các tác giả về kĩ năng sống, chúng tôi quan niệm rằng: kĩ năng sống là những hành vi mà con người thể hiện để ứng phó với những tình huống diễn ra trong đời sống dựa trên những phẩm chất tâm lý cơ bản của nhân cách và kinh nghiệm của cá nhân.

1.2.2. Phân loại kĩ năng sống

Cũng như sự đa dạng trong quan niệm về KNS, trong cách phân loại KNS cũng tồn tại nhiều cách phân loại KNS khác nhau. Theo tổng hợp của tác giả Nguyễn Thanh Bình [3] hiện có một số cách phân loại KNS cơ bản như sau:

Cách thứ nhất là cách phân loại xuất phát từ lĩnh vực sức khỏe của WHO chia KNS thành 3 nhóm: Nhóm Kĩ năng nhận thức bao gồm các kĩ năng cụ thể

như: tư duy phê phán, tư duy phân tích, khả năng sáng tạo, giải quyết vấn đề, nhận thức hậu quả, ra quyết định, tự nhận thức, đặt mục tiêu, xác định giá trị...; Nhóm năng đương đầu với xúc cảm, bao gồm: ý thức trách nhiệm, cam kết, kiềm chế căng thẳng, kiểm soát được cảm xúc, tự quản lí, tự giám sát và tự điều chỉnh...;

Nhóm Kĩ năng xã hội hay kĩ năng tương tác bao gồm: giao tiếp; tính quyết đoán;

thương thuyết, từ chối, hợp tác; sự cảm thông, chia sẻ; khả năng nhận thấy sự thiện cảm của người khác...

Cách thứ hai là cách phân loại của UNESCO. Theo UNESCO thì 3 nhóm mà WHO phân loại như trên được coi là những KNS chung, ngoài ra còn có những KNS còn thể hiện trong những vấn đề cụ thể khác nhau trong đời sống xã hội như:

Vệ sinh, vệ sinh thực phẩm, sức khoẻ, dinh dưỡng; Các vấn đề về giới, giới tính, sức khoẻ sinh sản; Ngăn ngừa và chăm sóc người bệnh HIV/AIDS; Phòng tránh rượu, thuốc lá và ma tuý; Ngăn ngừa thiên tai, bạo lực và rủi ro; Hoà bình và giải quyết xung đột; Gia đình và cộng đồng; GD công dân; Bảo vệ thiên nhiên và môi trường; Phòng tránh buôn bán trẻ em và phụ nữ....

Cách thứ ba là Cách phân loại của tổ chức Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (viết tắt là UNICEF). Với mục đích là giúp cho người học có những kĩ năng ứng phó với các vấn đề của cuộc sống và tự hoàn thiện mình, UNICEF đưa ra cách phân loại KNS theo các mối quan hệ gồm 3 nhóm như sau: Nhóm kĩ năng nhận biết và sống với chính mình gồm có: kĩ năng tự nhận thức, lòng tự trọng, sự kiên định, đương đầu với cảm xúc, đương đầu với căng thẳng. Nhóm kĩ năng nhận biết và sống với người khác gồm có: Kĩ năng quan hệ/ tương tác liên nhân cách, sự cảm thông, đứng vững trước áp lực tiêu cực của bạn bè hoặc của người khác, thương lượng, giao tiếp có hiệu quả. Nhóm Các kĩ năng ra quyết định một cách hiệu quả gồm có: Kĩ năng tư duy phê phán, tư duy sáng tạo, ra quyết định, giải quyết vấn đề.

Cách thứ tư là cách phân loại dựa trên sự phân chia các lĩnh vực học tập (theo Bloom). Theo cách tiếp cận này, KNS được chia thành 3 nhóm: Nhóm kĩ năng thuộc lĩnh vực nhận thức là kĩ năng tư duy sánh tạo và tư duy phê phán;

Nhóm kĩ năng thuộc lĩnh vực tình cảm là tự nhận thức và thấu cảm, tự trọng và

trách nhiệm xã hội; Nhóm kĩ năng thuộc lĩnh vực tâm vận động là kĩ năng quan hệ liên nhân cách, giao tiếp có hiệu quả, ra quyết định, giải quyết vấn đề, đương đầu với cảm xúc và căng thẳng.

Trong giáo dục chính quy ở nước ta những năm vừa qua, KNS thường được phân loại theo những mối quan hệ (theo cách phân loại của UNICEF), bao gồm ba nhóm: Nhóm các kĩ năng nhận biết và sống với chính mình, bao gồm các KNS cụ thể như: Tự nhận thức, xác định giá trị, ứng phó với căng thẳng...; Nhóm các kĩ năng nhận biết và sống với người khác, bao gồm các KNS cụ thể như: Kĩ năng giao tiếp có hiệu quả, giải quyết mâu thuẫn, thương lượng, từ chối....; Nhóm các kĩ năng ra quyết định một cách có hiệu quả, bao gồm các KNS cụ thể như: tìm kiếm và xử lí thông tin, tư duy phê phán, tư duy sáng tạo... [43].

Ngoài ra còn có cách phân loại theo cách chỉ ra từng KNS cụ thể mà một số môn học đang áp dụng: Tự nhận thức; Giao tiếp; Tư duy sáng tạo; Tư duy phê phán; Làm chủ bản thân; Giải quyết vấn đề ... [12]; [13]; [14]; [15]; [16].

Nhìn chung, trong cuộc sống thực tế hàng ngày các KNS không hoàn toàn tách biệt nhau mà giữa chúng luôn có mối quan hệ mật thiết, gắn bó chặt chẽ, bổ sung cho nhau. Tùy theo đặc điểm khách quan và chủ quan của đối tượng người được giáo dục mà chúng ta xác định và mô tả biểu hiện của các KNS một cách cụ thể. Trong phạm vi đề tài này, chúng tôi hướng đến cách phân loại chỉ ra từng KNS cụ thể được xác định dựa trên cách phân loại KNS của UNESCO: các KNS chung, cơ bản và các KNS riêng gắn liền với ngữ cảnh của đối tượng học sinh tiểu học nói chung và học sinh lớp 3 nói riêng thông qua dạy học môn Tự nhiên và Xã hội.

1.2.3. Giá trị của kĩ năng sống trong đời sống con người

Xã hội hiện đại có những thay đổi về kinh tế, văn hóa, xã hội và lối sống, một mặt sự phát triển của xã hội hiện đại làm cho chất lượng cuộc sống của con người ngày càng tốt hơn, nhưng mặt khác làm nảy sinh những vấn đề mới mà trước đây con người chưa gặp, chưa trải nghiệm, chưa biết cách đương đầu, đồng thời mức độ phức tạp, khó khăn của những vấn đề cũ đã gặp trước đây cũng có xu hướng tăng lên. Như vậy trong xã hội hiện đại con người càng cần có kỹ năng sống để thích nghi tốt hơn và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Người ta đã dùng hình ảnh cây cầu và dòng sông để diễn tả sự cần thiết của KNS đối với mỗi người. Con người sống trong xã hội hiện đại muốn sang được bến bờ của thành công và hạnh phúc thì phải vượt qua một con sông chứa đựng đầy những rủi ro, nguy cơ, thách thức như chết do AIDS, mang thai ngoài ý muốn, nghiện ruợu và ma tuý, bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, chết vì bạo lực, vi phạm pháp luật, những thất bại trong học đường... Khi đó những KNS như những nhịp cầu tạo thành cây cầu giúp cho con người chuyển những điều đã biết đến để thay đổi được hành vi, nhờ đó mà sang được bến bờ bên kia của lối sống lành mạnh, đảm bảo chất lượng cuộc sống.

Để phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống, chúng ta mong muốn mỗi người có một cuộc sống tích cực, lành mạnh, hạnh phúc. Chính vì vậy, KNS đã trở thành một hợp phần quan trọng trong nhân cách con người sống trong xã hội hiện đại.

Kĩ năng sống là một phần quan trọng của cuộc sống cá nhân trong xã hội hiện đại “Ý nghĩa của cuộc sống không phải ở chỗ nó đem đến cho ta điều gì, mà ở chỗ ta có thái độ đối với nó ra sao; không phải ở chỗ điều gì xảy ra với ta, mà ở chỗ ta phản ứng với những điều đó như thế nào.” Lewis L. Dunnington.

Theo triết lí của Edgar Morlin, mục tiêu của giáo dục là cần tạo nên những cái đầu được rèn luyện tốt để tự nó chiếm lĩnh và làm chủ thế giới dẫu biến động đến đâu. Cần phải giảng dạy các nguyên tắc chiến lược cho con người đương đầu với những bất ngờ, đột biến, bất định. Trang bị và GDKNS cho con người cũng nhằm mục tiêu này.

Nếu con người có kiến thức, có thái độ tích cực mới đảm bảo 50% sự thành công, 50% còn lại là những kĩ năng cần cho cuộc sống mà ta thường gọi là KNS.

Kĩ năng sống giúp con người tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm để có cái nhìn tự tin, có suy nghĩ theo chiều hướng tích cực.

Kĩ năng sống giúp con người biến kiến thức, cảm xúc thành hành động thực tiễn.

Kĩ năng sống giúp con người luôn sống yêu đời, hạnh phúc, biết làm chủ cuộc sống của mình. Kỹ năng sống đặc biệt quan trọng đối với vấn đề chăm sóc sức khỏe về thể chất và tinh thần.

Trong môi trường sống luôn có những biến động, xã hội luôn đặt ra với con người những yêu cầu cao thì kĩ năng sống giúp con người biết cách nghĩ, ứng xử, hành động phù hợp với hoàn cảnh, với bối cảnh văn hóa xã hội.

Như vậy, kĩ năng sống góp phần thúc đẩy cá nhân và xã hội, ngăn ngừa được các vấn đề tiêu cực nảy sinh trong xã hội, bảo vệ sức khỏe và quyền con người. Các cá nhân thiếu kĩ năng sống là một nguyên nhân nảy sinh nhiều vấn đề lệch chuẩn.

Người có kĩ năng sống biết cách bảo về mình trước những yếu tố bất lợi của cuộc sống, biết xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp, nhân văn và từ đó góp phần làm giảm tệ nạn xã hội, làm cho xã hội phát triển, văn minh.

1.2.4. Giáo dục kĩ năng sống

Nói đến GDKNS, có nhiều cách biểu đạt nhấn mạnh đến những khía cạnh khác nhau.

Theo WHO “GDKNS nhằm tạo thuận lợi cho việc thực hành, củng cố các kĩ năng tâm lý trong một nền văn hóa và phát triển một cách thích hợp, nó góp phần vào việc thúc đẩy phát triển cá nhân xã hội và bảo vệ quyền con người”.

Xét từ góc độ giáo dục thì Giáo dục KNS là thực hiện quan điểm hướng vào người học, một mặt đáp ứng nhu cầu của người học tạo ra năng lực để đáp ứng những thách thức của cuộc sống và nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân.

Mặt khác, thực hiện giáo dục KNS thông qua những phương pháp hướng đến người học (lấy HS làm trung tâm) và phương pháp dạy học tương tác, cùng tham gia, đề cao vai trò chủ động, tự giác của người học và vai trò chủ đạo của người dạy sẽ có những tác động tích cực đối với những mối quan hệ người dạy và người học, người học với người học. Đồng thời, người học cảm thấy họ được tham gia vào giải quyết các vấn đề có liên quan đến cuộc sống của bản thân, họ sẽ thích thú và học tập tích cực hơn. Như vậy, giáo dục KNS cho người học đồng thời thể hiện tính khoa học và tính nhân văn của giáo dục.

Xét từ góc độ văn hóa, chính trị thì Giáo dục KNS giải quyết một cách tích cực nhu cầu và quyền con người, quyền công dân được ghi trong luật pháp Việt Nam và quốc tế. Giáo dục KNS giúp con người sống an toàn, lành mạnh và có chất lượng trong một xã hội hiện đại với văn hoá đa dạng, với nền kinh tế phát triển và thế giới được coi là một mái nhà chung.

Giáo dục KNS dựa trên cách tiếp cận năng lực hiện nay thì mục tiêu của giáo dục KNS không dừng ở việc làm thay đổi nhận thức bằng cách cung cấp thông tin, tri thức mà tập trung vào mục tiêu xây dựng hoặc làm thay đổi hành vi theo hướng tích cực, mang tính xây dựng đối với các vấn đề đặt ra trong cuộc sống. Giáo dục KNS giúp người học hiểu được những tác động mà hành vi và thái độ của mình có thể gây ra, do đó họ biết ứng dụng những nguyên tắc phát triển bền vững vào cuộc sống của mình. Người có KNS là người có thái độ và hành vi tích cực đối với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, đối với các vấn đề của cuộc sống.

Từ những mục đích của GDKNS nói trên tác giả Nguyễn Thanh Bình khẳng định: “GDKNS là hình thành cách sống tích cực trong xã hội hiện đại, là xây dựng những hành vi lành mạnh và thay đổi những hành vi, thói quen tiêu cực trên cơ sở giúp người học có cả kiến thức, giá trị, thái dộ và kĩ năng thích hợp” [3].

GDKNS cho học sinh, với bản chất là hình thành và phát triển cho các em khả năng làm chủ bản thân, khả năng ứng xử phù hợp với những người khác và với xã hội, khả năng ứng phó tích cực trước các tình huống của cuộc sống nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục phổ thông [12].

Theo UNICEF, giáo dục dựa trên Kỹ năng sống cơ bản là sự thay đổi trong hành vi hay một sự phát triển hành vi nhằm tạo sự cân bằng giữa kiến thức, thái độ, hành vi.

Nhìn chung các quan niệm về GDKNS trên đây đều được biểu đạt nhấn mạnh đến một khía cạnh nào đó của quá trình GDKNS. Tuy nhiên trong nội hàm các quan niệm chưa nêu ra được cách thức để thực hiện GDKNS.

Giáo dục được hiểu theo nghĩa rộng, hẹp khác nhau. Ở cấp độ nhà trường, khái niệm giáo dục chỉ quá trình giáo dục tổng thể (dạy học và giáo dục theo nghĩa

Một phần của tài liệu Giáo dục kĩ năng sống cho học sinh lớp 3 thông qua dạy học môn tự nhiên và xã hộ (Trang 23 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(141 trang)