Những sắc điệu

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp chuyên ngành văn học (Trang 38 - 41)

7. Bố cục của khóa luận

2.2.Những sắc điệu

M.B Khrapchenko trong “Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển của văn học” đã khẳng định:

Giọng điệu chủ yếu không những không loại trừ mà còn cho phét tồn tại trong tác phẩm văn học những sắc điệu khác nhau. Những sắc điệu này diễn đạt sự phong phú của những phối cảnh cảm xúc trong việc lý giải những hiện tượng, những khía cạnh khác nhau và giống nhau của đối tượng sáng tác” [13, 169].

Một tác phẩm văn học, bên cạnh giọng chủ đạo luôn tồn tại những sắc điệu bao quanh với tư cách làm bè đệm để vừa bổ sung và làm phong phú cho giọng chủ âm vừa làm cho hệ thống giọng điệu đa sắc hơn tránh được sự rập khuôn, đơn điệu. Nhà văn Nguyễn Việt Hà, cũng như phần đông các nghệ sĩ thành công trên chặng đường đổi mới tư duy tiểu thuyết đã vận dụng và khai

thác có hiệu quả những ưu thế của việc sử dụng phức hợp các phương diện biểu biện khác nhau của giọng điệu trong tác phẩm nghệ thuật, cũng là để thể hiện và phản ánh cuộc sống ở nhiều mặt của nó.

Sắc điệu trong tác phẩm văn học xuất hiện ở mức độ ít - nhiều, đậm - nhạt khác nhau nhưng cùng hướng tới và bổ sung cho giọng chủ đạo biến tác phẩm văn học thành một “bản hòa âm” về cuộc sống.

Thực tế tìm hiểu giọng điệu trong tiểu thuyết “Cơ hội của Chúa” và “Khải huyền muộn” cho thấy, bên cạnh giọng chủ đạo xuyên suốt tác phẩm (giễu nhại; xót xa, triết lý) còn có sự phối hợp của nhiều giọng điệu khác nhau. Không những thế, trong một giọng chủ âm cũng có nhiều biểu hiện. Chẳng hạn cùng là giọng giễu nhại nhưng với người trần thuật, trong cả “Khải huyền muộn” và “Cơ hội của Chúa” thì gắn chặt với sắc thái châm biếm bỡn cợt, nhưng khi qua nhân vật, chẳng hạn như Nhã trong cuộc đối thoại với Lâm - người yêu cũ thì lại thấm đẫm sắc thái mỉa mai, châm chọc (“[...] Anh bao giờ cũng thích độc đáo. Và cái đểu của anh cũng quả là độc đáo. Anh Lâm này, sau anh tôi gặp khá nhiều thằng đểu, nhưng thực sự anh là thằng đểu lỗi lạc” [7, 109], “Anh có vẻ béo ra đấy (...). Trong tất cả các sinh vật biết đi, biết bò, biết bơi, biết bay, tôi luôn ghét những loài lắm mỡ” [7, 177]). Đó lại là sự mỉa mai xen phần cay đắng khi cô người mẫu trong vai Cẩm My khi chứng kiến cảnh người yêu đầu tiên của mình (Tuấn) ngủ với người đàn bà khác (“Tôi đã về nhà và liên miên sau đó tôi đã hút thuốc (...). Lương y vào vai mẹ hiền thì cát xê là bao nhiêu” [8, 245])... Thêm nữa, cũng là giọng xót xa, cay đắng nhưng qua mỗi nhân vật nó lại mang những sắc thái không giống nhau: ở Thủy, vừa có giọng xót xa xen lẫn sự hoài niệm tiếc nuối khi nghĩ về những kỉ niệm với Hoàng, ở Nhã là sự xót xa gắn chặt với nỗi đắng cay, đôi khi có thấm đẫm khát vọng hạnh phúc... (Cơ hội của Chúa).

Ta cũng cảm thấy sự đa dạng về sắc thái biểu hiện của các giọng điệu khác trong tác phẩm. Chúng được tạo ra chủ yếu là để làm tăng sự phong phú cho giọng chủ âm mà không hề thấy sự triệt tiêu nhau của các phương diện giọng điệu ấy.

Việc sử dụng phong phú các kiểu biểu hiện khác nhau trong cùng một giọng cho thấy cảm quan đa chiều về đời sống của nhà văn, cũng như việc sử dụng đa dạng các giọng điệu khác nhau trong tác phẩm. Một tác phẩm hay là một tác phẩm mà ở đó giọng điệu không chỉ phù hợp, hấp dẫn mà nó còn là một môi trường đa giọng, nhiều sắc thái, uyển chuyển và không khô cứng, đơn điệu. Tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà với sự phối hợp của các giọng điệu khác nhau đã góp phần quan trọng trong việc thể hiện sự đan dệt các âm thanh của cuộc sống. Sự thể hiện này đã chứng minh một thực tế: giọng điệu không chỉ đơn giản là sự phân vai nhân vật hay sự phân bố phạm vi ngôn ngữ cho nhân vật mà đó là sự thể hiện đời sống đa chiều, biểu hiện cái nhìn đa góc độ của nhà văn với cuộc sống. Trong hệ thống giọng điệu đó, giọng chủ âm có vai trò quan trọng cấu thành cá tính nhà văn, giọng mượn, giọng giả (giọng trần thuật được thể hiện qua nhân vật hoặc các phương diện trần thuật gián tiếp khác) làm cho nghệ thuật trần thuật trở nên phong phú và đa đạng; đặc biệt giọng chủ âm chính là nhịp điệu tâm hồn vốn có của nhà văn còn giọng mượn là sự cảm ứng tâm hồn của tác giả với cuộc sống ở thời điểm nào đó.

Tóm lại, các tiểu thuyết “Cơ hội của Chúa” và “Khải huyền muộn” đã thể hiện một phương diện độc đáo của nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà. Trên cơ sở giọng điệu chủ đạo xuyên suốt toàn tác phẩm kết hợp hài hòa với các biểu hiện giọng điệu khác, cùng với sự đa dạng của các sắc điệu đã đưa tác phẩm tiến về sự đa thanh; bức tranh đời sống được dựng xây trên nền tảng giọng điệu ấy theo đây cũng trở nên phong phú, sinh động hơn.

Giọng điệu trần thuật trong tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà với sự thể hiện cụ thể như trên đã cho thấy: cuộc sống đa chiều, đa sắc, nhiều bè bối, thậm

chí hỗn loạn. Việc tìm hiểu và tiếp cận tác phẩm từ phương diện giọng điệu có thể đem lại kết quả khả quan, góp phần xác định giá trị tác phẩm và cái nhìn, tài năng nghệ thuật của nhà văn.

CHƯƠNG 3

GIỌNG ĐIỆU NHƯ MỘT YẾU TỐ CƠ BẢN HÌNH THÀNH CÁ TÍNH SÁNG TẠO NGUYỄN VIỆT HÀ

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp chuyên ngành văn học (Trang 38 - 41)