7. Bố cục của khóa luận
2.1.2. Giọng xót xa, cay đắng
Xót xa, cay đắng là cảm xúc của con người khi mất mát những thứ quan trọng có ý nghĩa lớn lao hoặc khi gặp nhiều bất hạnh trong cuộc sống; đó cũng là cảm xúc của một ai đó đang sống “lạc thời” mà tâm hồn còn nhiều thiết tha, đau đáu với cuộc sống; là cảm xúc của một ai đó tủi phận khi nghĩ đến sự đời... Giọng điệu xót xa, cay đắng cũng bật ra từ những dòng cảm xúc ấy. Nó ẩn chứa trong những câu văn đẫm xúc cảm về cõi nhân sinh hoặc về chính cuộc đời mình, do đó nó mang giá trị thẩm mĩ sâu sắc.
Đọc Nguyễn Việt Hà (cả truyện ngắn và tạp văn), có thể thấy, cùng với giọng chủ âm là giễu nhại, bỡn cợt, người ta vẫn thấy phảng phất trong đây giọng điệu buồn thương xót xa. Nỗi buồn thương ấy không xuất phát từ biển đời đen bạc, từ thế cuộc nhố nhăng, cũng không nảy sinh từ cái nhìn bi đát trước cuộc đời mà nó được nói ra từ những trái tim còn ít nhiều tha thiết với cuộc đời, với cái đẹp. Có thể thấy, phần lớn giọng điệu xót xa cay đắng xuất hiện khi nhà văn đặt điểm nhìn trần thuật từ nhân vật hay khi nhà văn hóa thân vào nhân vật để suy tư, chiêm nghiệm về thế cuộc hỗn mang đương đại.
Trong “Cơ hội của Chúa”, thông qua những đoạn độc thoại nội tâm của các nhân vật, thông qua cách nhìn của các nhân vật về nhau, về cuộc đời. tác giả đã thể hiện sâu sắc, toàn diện những nét riêng của các nhân vật, đặc biệt là về cách họ nhìn cuộc sống.
Độc giả có thể thấy vang vọng nỗi xót xa cay đắng trong tiếng nói của Hoàng - chút vương sót cuối cùng của kiểu nhân vật chính diện trong văn chương truyền thống, nỗi xót xa, cay đắng khi anh tự nhủ: “Mình sẽ uống hết chai này, có cái gì cay đắng”. Giọng điệu ấy còn nhiều lần trở lại trong những khi Hoàng nhớ về Thủy, và càng sâu đậm hơn, khi anh mất cô - người con gái anh yêu. Âm hưởng này cũng thấy ngay trong lời Thủy mỗi khi nghĩ về anh (“anh Hoàng ơi, anh nghiện ngập rồi” [7, 348], “Hoàng có biết khi đi thực tập dưới này tôi đã phải âm thầm đi vá đôi săng đan đã sờn chỉ mũi hai lần”, “... nhưng cứ kéo dài như vậy mãi ư hả anh, anh của em...” [7, 349]), về những kỉ niệm hạnh phúc đã có với người yêu mà nay phải từ bỏ tất cả, và khi cô nghĩ về cuộc đời mình... Giọng điệu này cũng tìm thấy trong suy tư, trăn trở của Nhã khi nghĩ về bản thân mình, nghĩ về những mối quan hệ với những người cô đã từng yêu và bị bội bạc: “thông minh giỏi giang để làm gì nếu những cái đấy chỉ cho tôi biết những bất hạnh. Lần đầu tôi đã bị bán rẻ cho cái lợi, còn lần này tôi không muốn lại là nạn nhân của cái danh [...]... thêm một lần nữa, sinh nhật của tôi chỉ có Hoàng và bé Phương Phương” [7, 505].
Có thể thấy, giọng điệu xót xa, cay đắng trong tiểu thuyết “Cơ hội của Chúa” xuất hiện khá dày. Điều này sẽ góp phần quan trọng trong việc thể hiện tâm tư của những “cái tôi” còn tha thiết với cái đẹp, với cuộc đời, mang trong mình cảm thức bất lực trước cái ác nhưng vẫn còn biết cầu xin Đức Chúa “hãy làm chậm trễ hành trình bẩn thỉu” của con người [7, 139]. Đến “Khải huyền muộn”, ta thấy tần số xuất hiện của giọng điệu này có bớt đi song không hoàn toàn thiếu vắng. Những xúc cảm, suy tư, cảm thức về cuộc đời và con người của các nhân vật trong truyện dường xoay quanh nhiều hơn với giọng giễu nhại, bỡn cợt, mỉa mai. Tuy thế ta vẫn bắt gặp đâu đó những dòng tâm sự đầy xót xa của cô người mẫu trong vai Cẩm My trước mối tình đầu bị phụ bạc: “Chao ôi là mối tình đầu. Tôi đã thấy những gì tôi cũng
không nhớ và cũng không muốn nhớ” [8, 244]; “Tôi lễnh loãng nằm rờn rợn cay đắng, mắt mũi bải hoải tỉnh táo” [8, 245]; “Đàn ông ơi là đàn ông. Tiền ơi là tiền. Những cô gái mới lớn hoặc đã lớn đừng bao giờ tin vào bọn đàn ông súng sính bạc” [8, 245]. Thất bại trước mối tình đầu, cô gái trong vai người mẫu cay đắng nhận ra rằng mình chỉ là một trong vô số những nạn nhân của tiền bạc và sự giả dối, và mọi sự trên đời với cô chẳng những không đáng tin mà còn thấm đẫm sự đểu giả, mọi thang bảng giá trị, mọi chuẩn mực xã hội dường như hoàn toàn đổ vỡ, con người sống để lừa dối nhau. Kiểu giọng này còn có cũng tìm thấy trong những cảm xúc chân thành đôi khi xuất hiện trong dòng suy tư của nhà văn Bạch...
Phân tích hai tác phẩm từ phương diện giọng điệu, ta thấy, từ “Cơ hội của Chúa” đến “Khải huyền muộn” có sự biến đổi. Nếu như trong “Cơ hội của Chúa”, giọng châm biếm bỡn cợt, giễu nhại và giọng xót xa cay đắng gần như đi liền kề sóng đôi thì đến “Khải huyền muộn” kiểu giọng xót xa cay đắng xuất hiện ít hơn, mà thay vào đó là sự bỡn cợt. Phải chăng nhà văn đã coi hiện thực cuộc sống đầy đảo lộn, không trật tự đó như một thực tế đương nhiên, anh ta bất lực và đành “chơi” cùng cái hỗn loạn của cuộc sống ấy.
Như vậy, sự biểu hiện của giọng điệu trần thuật trong hai tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà có nhiều biến đổi, hay đúng hơn là sự chuyển dịch. Và sự chuyển dịch đó chính là bằng cớ cho thấy sự chuyển dịch trong cái nhìn đời sống của nhà văn. Nhìn từ phương diện này, độc giả hoàn toàn có thể hình dung rõ nét về một bức tranh đời sống thời hiện đại, thấy được cách nhìn, quan điểm, thái độ riêng có của nhà văn trước cuộc đời.