Sự hình thành và phát triển chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp trong luật tố tụng hình sự ở nước ta từ năm 1945 đến nay

Một phần của tài liệu Kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn khởi tố vụ án hình sự theo Luật tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 20 - 24)

6. Kết cấu của luận văn

1.2.1. Sự hình thành và phát triển chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp trong luật tố tụng hình sự ở nước ta từ năm 1945 đến nay

Sau khi cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã đưa nước ta giành được độc lập và khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Tình hình trong nước bọn phản cách mạng và tội phạm diễn ra phức tạp.

Trước yêu cầu đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm xây dựng các cơ quan chuyên trách như cơ quan Công tố và Tòa án với mục tiêu bảo vệ chế độ Nhà nước của nhân dân, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, trừng trị kẻ phạm tội và phòng ngừa các tội phạm hình sự.

Tiền thân của cơ quan VKS là cơ quan Công tố viện được thành lập theo Sắc lệnh số 33/SL ngày 13/9/1945, vào giai đoạn đó Công tố viện là một

bộ phận trong hệ thống cơ quan Tòa án, sau Nhà nước ta đã ban hành các Sắc lệnh số 13 ngày 24/1/1946; Sắc lệnh số 51 ngày 17/4/1946; Sắc lệnh số 51 ngày 20/7/1946 và sắc lệnh số 19 ngày 16/2/1947... quy định thành lập hệ thống Tòa án nhân dân (tòa án thường), trong đó Công tố viện là một tổ chức bên cạnh Tòa án và trực thuộc Bộ tư pháp quản lý. Hệ thống Công tố ở Tòa thượng thẩm và Tòa án đệ nhị cấp do một Viện trưởng lý đứng đầu, lúc này Công tố viện chỉ có chức năng truy tố người phạm tội ra Tòa án để xét xử. Cho nên trong giai đoạn lịch sử từ năm 1945 đến 1950 tổ chức Công tố nằm trong hệ thống Tòa án.

Thực hiện nghị quyết của Quốc hội thông qua ngày 29/4/1958, thực hiện việc cải cách tổ chức bộ máy cơ quan nhà nước nên Quốc hội đã quyết định thành lập cơ quan Viện công tố trung ương và hệ thống viện công tố. Từ thời điểm này, Viện công tố tách khỏi hệ thống Tòa án và trực thuộc Hội đồng Chính phủ. Sau đó Phủ Thủ tướng đã ban hành Nghị định 256/TTg ngày 1/7/1959 quy định về nhiệm vụ và tổ chức của Viện công tố, trong đó có quy định: "Nhiệm vụ của Viện công tố là điều tra và truy tố trước Tòa án những kẻ phạm pháp về hình sự; giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác điều tra của Cơ quan điều tra...". Như vậy, ngoài chức năng truy tố theo luật hình sự những kẻ phạm pháp, Viện công tố còn có chức năng trong việc giám sát chấp hành pháp luật trong điều tra vụ án hình sự. Đến năm 1959, Quốc hội ban hành Hiến pháp, trong đó đã quy định tổ chức cơ quan Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) thành một hệ thống độc lập với Chính phủ và chỉ chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, Quốc hội đã ban hành Luật tổ chức VKSND năm 1960 để cụ thể hóa chức năng của VKS trong đó có chức năng kiểm sát khởi tố vụ án hình sự. Với việc ban hành Luật tổ chức VKSND năm 1960 đã đánh dấu sự hình thành hệ thống cơ quan VKS từ trung ương đến địa phương, đồng thời khẳng định chức năng hiến định là kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.

Bước sang giai đoạn những năm 80, Nhà nước ta đã ban hành Hiến pháp năm 1980 trong đó quy định chức năng của VKS như sau:

Viện kiểm sát nhân dân tối cao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các bộ, các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, các cơ quan chính quyền địa phương, tổ chức xã hội và các đơn vị vũ trang nhân dân, các nhân viên nhà nước và công dân, thực hành quyền công tố, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

Các Viện kiểm sát nhân dân địa phương, các Viện kiểm sát quân sự kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố trong phạm vi trách nhiệm của mình [27, Điều 138].

Trên cơ sở đó, Luật tổ chức VKSND năm 1981 đã quy định cụ thể chức năng kiểm sát khởi tố tại chương II. Tuy nhiên trong giai đoạn này chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định một cách chặt chẽ, cụ thể về hoạt động kiểm sát khởi tố vụ án hình sự, từ đó dẫn đến việc gặp nhiều khó khăn trong công tác đấu tranh phòng và chống tội phạm.

Ngày 28/6/1988, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa VIII đã thông qua BLTTHS đầu tiên của nước ta đánh dấu bước phát triển mới trong hoạt động lập pháp của Quốc hội. Bộ luật tố tụng đã quy định chặt chẽ trình tự, thủ tục khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự; chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các CQTHTT, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng. Bên cạnh đó, có quy định về hoạt động kiểm sát khởi tố của VKS với mục đích là nhằm xử lý kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm và không làm oan người vô tội. BLTTHS năm 1988 quy định:

Viện kiểm sát có nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật tố tụng hình sự, thực hiện quyền công tố bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Trong các giai đoạn của tố tụng hình sự, Viện kiểm sát có trách nhiệm áp dụng những

biện pháp do Bộ luật này quy định để loại trừ việc vi phạm pháp luật của bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào [28, Điều 23].

Quy định này tạo điều kiện để VKS kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với toàn bộ hoạt động tố tụng của CQĐT trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Như vậy, từ giai đoạn này trở đi, hoạt động kiểm sát khởi tố được thực hiện theo quy định của một văn bản quy phạm pháp luật và trong suốt thời gian thực hiện BLTTHS, chức năng kiểm sát khởi tố của VKS đã góp phần quan trọng trong công cuộc phòng chống, đấu tranh các loại tội phạm, đảm bảo việc ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội, đồng thời tăng cường pháp chế XHCN.

Năm 2001, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi), lần sửa đổi này đã điều chỉnh chức năng của VKS với quy định: "Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp theo quy định của Hiến pháp và pháp luật" [30, Điều 137], như vậy Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi) đã quy định rõ kiểm sát hoạt động tư pháp là một trong hai chức năng chính của VKS, điều đó thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước tiếp tục khẳng định chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp nói chung và trong khởi tố vụ án hình sự nói riêng là chức năng quan trọng và chỉ giao cho cơ quan VKS thực hiện.

Năm 2003, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XI đã tiến hành thảo luận và thông qua BLTTHS năm 2003 thể hiện những tư tưởng mới về cải cách tư pháp hình sự, trong đó tại chương II - Những nguyên tắc cơ bản có quy định:

"... Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự có trách nhiệm phát hiện kịp thời vi phạm pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng, áp dụng những biện pháp do Bộ luật này quy định để loại trừ việc vi phạm pháp luật của những cơ quan hoặc cá nhân này" [32, Điều 2].

Hiến pháp năm 2013 và BLTTHS năm 2015 mới đây tiếp tục khẳng định vai trò của VKS trong thực hiện chức năng kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật. Trong đó, BLTTHS năm 2015 nêu:

Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự, quyết định việc buộc tội, phát hiện vi phạm pháp luật nhằm bảo đảm mọi hành vi phạm tội, người phạm tội, pháp nhân phạm tội, vi phạm pháp luật đều phải được phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh, việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm và người phạm tội, pháp nhân phạm tội, không làm oan người vô tội [36, Điều 20].

Như vậy, trong suốt quá trình hình thành và phát triển hệ thống cơ quan VKS thì chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong khởi tố vụ án hình sự ngày càng được khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong công cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm, nhằm mục đích là sự tuân thủ nghiêm minh và thống nhất các quy định pháp luật TTHS của các CQTHTT, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng trong khởi tố vụ án hình sự.

Một phần của tài liệu Kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn khởi tố vụ án hình sự theo Luật tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 20 - 24)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(39 trang)