Chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp trong giai đoạn khởi tố vụ án hình sự

Một phần của tài liệu Kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn khởi tố vụ án hình sự theo Luật tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 24 - 28)

6. Kết cấu của luận văn

1.2.2. Chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp trong giai đoạn khởi tố vụ án hình sự

a) Chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp trong tố tụng hình sự Chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp là một trong hai chức năng của VKS, được quy định trong Hiến pháp năm 1992, trên cơ sở kế thừa các bản Hiến pháp trước đó và được khẳng định lại trong Hiến pháp năm 2013 (Điều 107).

Bên cạnh đó, luật tổ chức VKSND năm 2014 cũng quy định rõ VKS thực hiện chủ yếu hai chức năng đó là thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp là một vấn đề được đưa ra tranh luận trong suốt quá trình lập Hiến và lập pháp cũng như trong quá trình đổi mới cải cách tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp nước ta trong thời gian qua. Với mục đích đi sâu nghiên cứu làm rõ chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp trong TTHS để giúp chúng ta nhận thức và phân biệt hình thức hoạt động của VKS với hoạt động của các cơ quan nhà

nước khác. Đồng thời đưa đến sự nhận thức chung, thống nhất của toàn thể cán bộ ngành kiểm sát nhằm thực hiện tốt và có hiệu quả các quy định của Luật tổ chức VKSND năm 2014 trong thực tiễn, góp phần bảo vệ pháp chế XHCN.

Chức năng theo định nghĩa chung nhất được hiểu là những phương diện, hướng hoạt động của tổ chức, cá nhân thể hiện bản chất của hoạt động đó. Với quy định tại Điều 107 Hiến pháp năm 2013 và Điều 2 Luật tổ chức VKSND năm 2014 thì chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp có vai trò xuyên suốt toàn bộ hoạt động của hệ thống cơ quan VKS, đồng thời thể hiện bản chất trong hoạt động của VKS nước ta.

Cho đến nay nhà lập pháp nước ta chưa đưa ra một định nghĩa pháp lý chung nhất của khái niệm "kiểm sát các hoạt động tư pháp" nên dẫn đến nhiều quan điểm nhận thức khác nhau về khái niệm này.

Nhóm quan điểm thứ nhất cho rằng, "kiểm sát các hoạt động tư pháp chỉ bao gồm nội dung kiểm sát các hoạt động tố tụng như điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án" [50, tr. 49].

Nhóm quan điểm thứ hai có quan điểm rộng hơn cho rằng, "kiểm sát các hoạt động tư pháp bao gồm việc kiểm sát hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử (cả các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, kinh tế, hành chính) và phần "tư pháp" trong thi hành án" [50, tr. 50].

Nhóm quan điểm thứ ba cho rằng:

Hoạt động tư pháp là một dạng hoạt động thực hiện quyền lực nhà nước và cũng phải chịu sự giám sát từ bên ngoài cũng như từ bên trong hệ thống tư pháp, chịu sự giám sát Nhà nước và giám sát xã hội. Theo nghĩa rộng, kiểm sát tư pháp cũng được hiểu là giám sát tư pháp, là một bộ phận, một lĩnh vực của hoạt động giám sát Nhà nước trong lĩnh vực tư pháp. Còn theo nghĩa hẹp thì kiểm sát tư pháp được hiểu là chức năng của Viện kiểm sát. Phạm vi kiểm sát tư pháp là việc chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra, xét xử các vụ

án hình sự, giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh tế, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật (Điều 3 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002). Mục đích của của kiểm sát tư pháp là bảo đảm cho pháp luật được áp dụng thống nhất trong giải quyết các vụ án trên cơ sở tuân thủ nghiêm chỉnh thủ tục tố tụng mà pháp luật quy định [17, tr. 21-22].

Mỗi quan điểm nêu trên đều có lập luận riêng về khái niệm kiểm sát hoạt động tư pháp, nhưng trước hết cần phải khẳng định kiểm sát hoạt động tư pháp là chức năng hiến định của VKS, được quy định tại Điều 137 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi tại Điều 107 Hiến pháp năm 2013). Kiểm sát hoạt động tư pháp là một dạng giám sát nhà nước về tư pháp, đây là hoạt động mang tính quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, khác với hoạt động giám sát nhà nước nói chung về tư pháp, kiểm sát hoạt động tư pháp là sự giám sát trực tiếp các hoạt động cụ thể của các cơ quan tư pháp và các cơ quan được giao một số thẩm quyền tư pháp trong quá trình tố tụng với mục đích là nhằm đảm bảo cho pháp luật được áp dụng nghiêm chỉnh và thống nhất trong quá trình giải quyết các vụ án và bản chất pháp lý của chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp trong TTHS là kiểm tra tính có căn cứ và tính hợp pháp trong hành vi của các chủ thể bị kiểm sát. Từ đó, theo chúng tôi có thể đưa ra định nghĩa về khái niệm kiểm sát các hoạt động tư pháp trong TTHS như sau: Kiểm sát các hoạt động tư pháp trong TTHS là chức năng hiến định của VKS, là sự giám sát trực tiếp các hoạt động của các cơ quan tư pháp trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, nhằm bảo đảm cho pháp luật TTHS được thực hiện một cách nghiêm chỉnh, thống nhất.

b) Khái niệm chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn khởi tố

Với phạm vi nghiên cứu của luận văn chỉ đề cập đến chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn khởi tố, vì vậy chúng tôi đi sâu làm rõ

khái niệm về chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp trong giai đoạn khởi tố vụ án hình sự như sau:

Chức năng kiểm sát khởi tố vụ án hình sự của VKS thực chất là kiểm sát việc tuân theo pháp luật các hoạt động tư pháp của CQĐT và các cơ quan khác được giao tiến hành một số hoạt động điều tra trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Hoạt động kiểm sát khởi tố với tính chất là một chức năng của VKS thì hoạt động đó có bản chất pháp lý là kiểm tra tính có căn cứ và tính hợp pháp các hoạt động TTHS được thực hiện bởi CQĐT và các cơ quan khác được giao tiến hành một số hoạt động điều tra trong giai đoạn khởi tố các vụ án hình sự nhằm bảo đảm việc khởi tố vụ án đúng tội danh, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm.

Đối tượng của kiểm sát khởi tố các vụ án hình sự chính là các hành vi xử sự của các CQTHTT, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng trong quá trình khởi tố vụ án hình sự. Khi tiến hành hoạt động kiểm sát, VKS phải dựa trên các căn cứ pháp lý là Hiến pháp, Luật tổ chức VKS, BLHS, BLTTHS và các văn bản pháp luật khác có liên quan để tiến hành kiểm sát bảo đảm sự tuân theo pháp luật, cũng như bảo đảm tính có căn cứ và hợp pháp của các hành vi TTHS mà chủ thể bị kiểm sát thực hiện.

Phạm vi của hoạt động kiểm sát khởi tố các vụ án hình sự được xác định bắt đầu từ khi có tội phạm xảy ra hoặc phát hiện được dấu hiệu của tội phạm cho tới khi cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Việc xác định phạm vi như vậy là thể hiện tính đầy đủ, toàn diện của hoạt động kiểm sát khởi tố các vụ án hình sự của VKS, cũng như thể hiện đầy đủ bản chất pháp lý của hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong khởi tố các vụ án hình sự đó là kiểm tra tính có căn cứ và tính hợp pháp trong hoạt động tố tụng của CQTHTT trong giai đoạn khởi tố vụ án hình sự.

Từ những nội dung nêu trên, có thể đưa ra định nghĩa về chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp trong giai đoạn khởi tố vụ án hình sự như sau:

Kiểm sát các hoạt động tư pháp trong giai đoạn khởi tố vụ án hình sự là chức năng hiến định của VKS, là sự giám sát trực tiếp mọi hoạt động tố tụng của CQTHTT, người tiến hành tố tụng trong quá trình khởi tố vụ án hình sự, nhằm bảo đảm cho pháp luật TTHS được thực hiện một cách nghiêm chỉnh, thống nhất.

Xuất phát từ khái niệm đã nêu ở trên và trên cơ sở nghiên cứu các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động kiểm sát tư pháp trong giai đoạn khởi tố vụ án hình sự, có thể rút ra một số đặc điểm chung của nó như sau:

Thứ nhất, kiểm sát các hoạt động tư pháp trong khởi tố vụ án hình sự là chức năng hiến định của VKS, có phạm vi xác định thời điểm bắt đầu từ khi có dấu hiệu của tội phạm xảy ra và thời điểm kết thúc khi cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

Thứ hai, nội dung của chức năng này chính là việc giám sát trực tiếp mọi hoạt động tố tụng của CQTHTT, người tiến hành tố tụng trong quá trình khởi tố các vụ án hình sự.

Thứ ba, kiểm sát các hoạt động tư pháp trong khởi tố vụ án hình sự là nhằm mục đích bảo đảm cho pháp luật TTHS được thực hiện một cách nghiêm chỉnh và thống nhất.

Một phần của tài liệu Kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn khởi tố vụ án hình sự theo Luật tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 24 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(39 trang)