Chương 3 DIỄN TRÌNH VĂN HÓA VIỆT NAM
3.1. Lớp văn hóa bản địa (Từ khởi thủy đến 111 trước CN)
Văn hóa bản địa là văn hóa do chính cư dân ở vùng đất đó sáng tạo ra trước khi tiếp xúc giao lưu với các nền văn hóa khác. Lớp văn hóa bản địa là lớp văn hóa cổ nhất tính từ khi con người bắt đầu có mặt trên lãnh thổ Việt Nam mà các nhà khảo cổ học, các nhà nghiên cứu chỉ phục dựng lại được thông qua các di chỉ khảo cổ. Đây là một giai đoạn dài và có tính chất quyết định, là giai đoạn hình thành, phát triển và định vị của văn hóa Việt Nam. Giai đoạn này có thể được chia làm hai thời kỳ; thời tiền sử từ buổi đầu đến cuối thời đại đá mới và thời sơ sử cách đây khoảng trên dưới 4000 năm.
3.1.1. Văn hóa thời tiền sử (tính từ khi con người bắt đầu có mặt trên lãnh thổ Việt Nam cho tới khoảng thế kỷ I TCN)
- Mở đầu cho giai đoạn tiền sử là văn hóa Núi Đọ (tên di chỉ khảo cổ học thuộc sơ kỳ thời đại đồ đá cũ đã phát hiện được ở núi Đọ thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Sau văn hóa Núi Đọ, các nhà khảo cổ học đã phát hiện di chỉ khảo cổ thuộc hậu kỳ đồ đá cũ Sơn Vi (xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ). Chủ nhân của nền văn hóa Sơn Vi (từ Lào Cai ở phía Bắc đến Bình Trị Thiên ở phía Nam, từ Sơn La ở phía Tây đến vùng sông Lục Nam ở phía đông)
sống chủ yếu trên các gò đồi và trong các hang động núi đá vôi của vùng trung du Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Qua các di chỉ này cho thấy người nguyên thủy đã biết làm ra công cụ bằng đá mặc dù còn rất thô sơ. Sang thời kỳ đồ đá mới (cách đây khoảng 1 vạn năm) kỹ thuật chế tác đá được hoàn thiện và đạt tới đỉnh cao. Bên cạnh kỹ thuật ghè và đập còn có kỹ thuật mài, đục, chạm, khắc tạo ra những loại công cụ khác nhau như rìu, lao...Ngoài đồ đá con người đã biết làm đồ gốm thô sơ, họ biết dùng lửa để sưởi ấm, tránh thú dữ, nướng chín thức ăn và nung đồ gốm. Họ cũng đã biết thuần dưỡng động vật và cây trồng, bắt đầu sống định cư, dân số gia tăng. Tiêu biểu cho giai đoạn này là văn hóa Hòa Bình, kéo dài trong khoảng từ 12.000 đến 7000 năm cách ngày nay.
- Bên cạnh việc sắn bắt (bắn), hái lượm, con người thời kỳ này đã hình thành nền kinh tế trồng trọt và bắt đầu hình thành nghề nông nghiệp lúa nước.
Gần đây, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy hạt và quả của nhiều loại cây họ rau đậu và họ bầu bí được coi là đã thuần dưỡng trong một số di chỉ văn hóa Hòa Bình. Các di chỉ khảo cổ khác nhau của Việt Nam như Sũng Sàm, Tràng Kênh, Gò Bông, Đồng Đậu, Gò Mun...đã phát hiện được những dấu tích của bào tử lúa, vỏ trấu, gạo cháy, mảnh chõ xôi...có niên đại cách ngày nay tới vài nghìn năm TCN.
- Đã phát triển hệ thống từ vựng phong phú và hình thành hệ thống ngữ pháp sơ khai.
- Đã hình thành quan niệm thẩm mỹ: họ biết dùng trang sức bằng đá được mài nhẵn, ngoài ra còn xuất hiện những hình chạm khắc trong hang động, đó chính là hình thức phôi thai của nhệ thuật tạo hình sau này.
- Việc chôn người chết trong khu vực cư trú, chôn theo những vật dụng lao động chứng tỏ người tiền sử đã có quan niệm về thế giới bên kia.
- Thời kỳ này cũng đã xuất tín ngưỡng nguyên thủy sơ khai, người tiền sử đã biết thờ thần mưa, thần gió và thần mặt trời, những hiện tượng tự nhiên có ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp.
- Chủ nhân của nền văn hóa Hòa Bình và Bắc Sơn đã hình thành tư duy về thời gian vũ trụ được thể hiện bằng những hoa văn, ký hiệu biểu thị mặt trời:
như hình tròn, hình chữ... vẽ trên đồ gốm.
3.1.2. Văn hóa thời sơ sử (Từ 4000 năm cách đây - 111 trc CN)
Cách đây khoảng bốn nghìn năm, cư dân Việt Nam, từ lưu vực sông Hồng cho đến lưu vực sông Đồng Nai đã bước vào thời đại kim khí. Thời kỳ này trên lãnh thổ Việt Nam tồn tại ba trung tâm văn hóa lớn là Đông Sơn (miền Bắc), Sa Huỳnh (miền Trung) và Đồng Nai (miền Nam).
Văn hóa Đông Sơn (cả giai đoạn tiền Đông Sơn) được coi là cốt lõi của người Việt cổ.
Văn hóa Sa Huỳnh (cả giai đoạn tiền Sa Huỳnh) được coi là tiền nhân tố của người Chăm và vương quốc Chămpa.
Văn hóa Đồng Nai (cả giai đoạn đồng và sắt) lại là một trong những cội nguồn hình thành văn hóa Óc Eo của cư dân thuộc nhóm Mã Lai - Đa Đảo sinh sống vào những thế kỷ sau công nguyên ở vùng Đông và Tây Nam Bộ. Hiện nay, văn hóa Óc Eo thường được gắn với vương quốc Phù Nam, một nhà nước tồn tại từ thế kỷ II đến thế kỷ thứ VII ở châu thổ sông Cửu Long.
3.1.2.1. Từ văn hóa tiền Đông Sơn đến văn hóa Đông Sơn
Các nhà nghiên cứu đã thừa nhận rằng chí ít văn hóa Đông Sơn được hình thành trực tiếp từ ba nền văn hóa ở lưu vực sông Hồng, sông Mã và sông Cả, đó là văn hóa Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun thuộc giai đoạn đồng thau (từ khoảng 2000 đến 700 năm trước công nguyên). Vào khoảng thế kỷ thứ VII trước công nguyên, các nền văn hóa dần mất đi tính địa phương tiến tới chỗ hòa chung vào một văn hóa thống nhất - văn hóa Đông Sơn. Đó là lúc các nhóm bộ lạc liên kết lại trong một quốc gia: nước Văn Lang. Tính thống nhất của văn hóa thời kỳ này được thể hiện rất rõ trên một vùng rộng lớn từ biên giới Việt - Trung đến bờ sông Gianh (Quảng Bình). Mặc dù còn có những hình dáng địa phương nhưng có thể khẳng định chưa có một nền văn hóa nào trước đó có phạm vi phân bố rộng như vậy.
Văn hóa giai đoạn tiền Đông Sơn đến Đông Sơn đã đạt được những bước tiến vượt bậc, đặc trưng:
- Bước tiến quan trọng về công nghệ chế tác dụng cụ lao động: Bên cạnh việc sử dụng đá, gỗ, tre, nứa, xương, sừng để chế tạo công cụ và vũ khí con người đã biết sử dụng đồ đồng tạo ra những tác động to lớn đối với kinh tế, xã hội và văn hóa. Kỹ nghệ đúc đồng đạt đến kỹ xảo. (mũi tên, dao, lao, trống đồng, muôi đồng...). Đồ gốm đã đạt độ nung cao hơn, dày hơn và cứng hơn.
Ngoài đồ đồng, đồ gốm thời kỳ này cũng đã bắt đầu hình thành nghề thủ công mỹ nghệ (dệt).
- Cư dân Đông Sơn đã định hình và phát triển nền nông nghiệp trồng trọt tiên tiến với cây lúa nước là cây trồng chiến lược được trồng cấy theo mùa vụ.
Họ canh tác trên nhiều loại đất khác nhau. Hình thức canh tác phổ biến là loại ruộng chờ mưa. Các loại hình nông cụ của cư dân Đông Sơn đã khá đa dạng với cuốc, xẻng, mai, thuổng và đặc biệt là lưỡi cày bằng kim loại đã tạo nên bước nhảy vọt trong kỹ thuật canh tác. Bên cạnh trồng trọt là chăn nuôi, việc chăn nuôi trâu, bò đã phát triển để đảm bảo sức kéo cho nông nghiệp. Trên trống đồng, người ta thấy khắc hoa văn hình bò, trong một số di chỉ khảo cổ học còn tìm thấy tượng đầu gà, chứng tỏ cư dân Đông Sơn đã biết thuần hóa một số gia súc đặc thù, phát triển chăn nuôi. Họ cũng đã bắt đầu ăn gạo tẻ thay cho gạo nếp. Ngoài gạo còn có các loại hoa màu, thủy sản.
- Đã đình hình được kiểu dáng nhà ở: nhà của cư dân Đông Sơn được tạo ra bằng các vật liệu dễ bị phá hủy theo thời gian. Hình dáng nhà có các loại mái cong, mái tròn và nhà sàn.
- Phương tiện đi lại của cư dân Đông Sơn chủ yếu là thuyền bè, đường vận chuyển chủ yếu là đường sông và ven biển. Ngoài ra còn có đi bộ, gánh gồng, mang vác trên vai, trên lưng. Thời kỳ này con người cũng đã biết thuần dưỡng voi và dùng voi để chuyên chở.
- Cư dân Đông Sơn đã có một đời sống tinh thần phong phú. Đặc biệt họ đã làm chủ được nghệ thuật nhịp điệu trong ca múa, biểu hiện tính đối xứng chặt chẽ của các mô típ hoa văn trong trang trí. Họ biết tới nhiều dạng đối xứng khác
nhau. Điều này cho thấy sự phát triển nhận thức hình học và tư duy chính xác nhờ hoạt động sản xuất nông nghiệp và kỹ thuật chế tác đá, đúc đồng. Nghệ thuật âm nhạc đã khá phát triển với nhạc cụ tiêu biểu là trống đồng và các nhạc cụ khác thuộc bộ gõ, bộ hơi như sênh, phách, khèn. Họ cũng hình thành một hệ thống các phong tục, tín ngưỡng, nghi lễ rất đa dạng, phong phú: tục thờ mặt trời, mưa dông, các nghi lễ phồn thực và những nghi lễ nông nghiệp khác như hát đối đáp gái trai, tục đua thuyền, tục thả diều v.v...Bên cạnh đó còn có rất nhiều các phong tục tập quán khác như tục nhuộm răng, ăn trầu, xăm mình, ăn đất nung non, uống nước bằng mũi, gói bánh chưng, bánh dày, giã cối làm lệnh, tục ma chay, cưới xin...Hình thành một nếp sống riêng biệt và độc đáo với các trang phục đặc trưng: Dựa vào trang trí trên cán dao găm hình người, hoa văn trên trống đồng và thư tịch cổ, các nhà nghiên cứu cho biết cư dân thời kỳ này ít nhất có 4 kiểu để tóc khác nhau. Họ ăn mặc theo phương châm giản dị, gọn gàng tới mức tối đa: nam ở trần, đóng khố, đi chân đất. Phụ nữ mặc váy thay đóng khố và có một số loại áo, áo cánh dài tay. Áo xẻ ngực bên trong có yếm.
Ngoài ra còn một số trang phục lễ hội như váy lông chim hay lá kết, khố dài thêu. Người Đông Sơn ưa thích đồ trang sức, họ đeo đồ trang sức ở tay và cả ở chân. Đồ trang sức thường được làm bằng đồng hay thủy tinh.
- Hình thành phát nền văn học dân gian với những huyền thoại, thần thoại thể hiện quan niệm của người Việt cổ, phản ánh nếp sống, sinh hoạt của cư dân, cùng với những tâm tư, tình cảm, khát vọng và ước mơ của họ.
- Hình thành tư duy lưỡng phân lưỡng hợp (dualisme). Đó là một loại tư duy phân loại chia đôi đã tòn tại khá lâu có ở nhiều vùng trên thế giới. Ở Đông Nam Á và Việt Nam lối tư duy này tồn tại khá lâu dài tạo thành một đặc điểm khá nổi bật. Người xưa cho rằng thế giới được chia đôi: có đàn ông ắt có đàn bà, có đực tất có cái, có âm ắt có dương. Người Đông Sơn có có tư duy khoa học, điều này thể hiện ở tri thức thiên văn học, khái niệm số đếm, khái niệm lịch pháp...
- Nhà nước của người Việt cổ xuất hiện: nước Văn Lang. Văn Lang là nhà nước đầu tiên của Việt Nam trong lịch sử.
Nhà nước Văn Lang được cai trị bởi các vua Hùng. Đứng đầu nhà nước là Hùng Vương, chia nước làm 15 bộ, vua giữ mọi quyền hành trong nước, tướng văn là là Lạc Hầu, tướng võ là Lạc Tướng. Con trai vua là Quan Lang, con gái vua là Mị Nương. Các vị vua cai trị nước Văn Lang có tất cả 18 đời vua đều gọi là Hùng Vương.
Vào khoảng thế kỉ VIII-VII TCN, ở vùng đồng bằng ven các sông lớn thuộc Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ ngày nay, đã dần hình thành những bộ lạc lớn, gần gũi nhau về tiếng nói và phương thức hoạt động kinh tế. Sản xuất phát triển, trong các chiềng, chạ, một số người giàu lên, được bầu làm người đứng đầu để trông coi mọi việc, một số người nghèo khổ, phải rơi vào cảnh nô tì.
Xung đột xảy ra không chỉ giữa người Lạc Việt và các tộc khác mà còn giữa các bộ lạc Lạc Việt với nhau. Cần phải giải quyết các xung đột đó để sống yên ổn hơn. Lúc bấy giờ, ở vùng Gia Ninh (Phú Thọ), có vị thủ lĩnh dùng tài năng (yêu thuật) khuất phục được các bộ lạc và tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở bạch Hạc (Phú Thọ), đặt tên nước là Văn Lang.
Theo truyền thuyết, Lạc Long Quân và vợ là Âu Cơ sinh được 100 người con trai, 50 người theo mẹ lên núi cùng suy tôn người con cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang.
3.1.2.2. Văn hóa Sa Huỳnh
Trung tâm hay đỉnh cao của văn hóa thời đại kim khí Việt Nam ở miền Trung (từ Đèo Ngang đến Đồng Nai) được gọi tên theo một địa điểm khảo cổ học ven biển tỉnh Quảng Ngãi. Đó là văn hóa Sa Huỳnh. Văn hóa Sa Huỳnh tồn tại từ sơ kỳ thời đại đồng thau (hơn 4000 năm cách ngày nay) cho tới sơ kỳ thời đại sắt sớm (thế kỷ 7 - 6 TCN đến thế kỷ 1 - 2 trước và sau CN). Chủ nhân của văn hóa Sa Huỳnh là cư dân nói tiếng Nam Đảo hay Malai - Pôlinêdi với nhiều yếu tố Nam Á.
Đặc trưng văn hóa
- Người Sa Huỳnh có hình thức mai táng bằng chum rất độc đáo và đặc trưng. Trên địa bàn phân bố của văn hóa Sa Huỳnh từ gò đồi phía Tây cho đến đồng bằng ven biển và hải đảo phía Đông đã phát hiện nhiều khu mộ, những bãi mộ chum rộng lớn, nhiều tầng lớp với những loại hình vò, chum mai táng hình cầu,
hình trứng, hình trụ có kích thước lớn, nắp đậy hình nón cụt hay lồng bàn phân bố lẻ tẻ hay thành cum. Trong và ngoài chum có chứa nhiều đồ tùy táng với các chất liệu đá, đá quý,thủy tinh, đồng, sắt và gốm.
- Ở giai đoạn sớm và giữa, người Sa Huỳnh đã biết dùng đồng thau để chế tác công cụ và vũ khí. Sang tới giai đoạn cuối, đồ sắt chiếm lĩnh cả số lượng và chất lượng. Đồ sắt được chế tạo với kỹ thuật chủ yếu là rèn. Họ cũng phát triển các nghề se sợi, dệt vải, chế tạo gốm, làm đồ trang sức. Ngoài các chất liệu đá, đồng, họ còn biết nấu cát làm thủy tinh và dùng thủy tinh để chế tạo đồ trang sức (hạt cườm, hạt chuỗi vòng tay, khuyên tai ba mấu, hai đầu thú...). Từ đây đồ trang sức lan tỏa ra cả phía Bắc và vào phương Nam.
- Ngoài kinh tế nông nghiệp (trồng lúa ở những đồng bằng ven biển cồn bàu), người Sa Huỳnh cũng đã biết khai thác những nguồn lợi của biển, của rừng, biết phát triển các nghề thủ công, từng bước đã mở rộng quan hệ trao đổi với các cư dân trong khu vực Đông Nam Á lục địa, hải đạo và rộng hơn với Ấn Độ, Trung Hoa. Đặc biệt ở giai đoạn cuối, nghề buôn bán bằng đường biển rất phát triển.
- Nhà nước Chămpa được hình thành trên cơ sở cốt lõi của văn hóa Sa Huỳnh, dưới ảnh hưởng của văn hóa ngoại sinh Trung Hoa và Ấn Độ.
3.1.2.3. Văn hóa Đồng Nai
Khoảng hơn 4000 năm cách ngày nay, trên đất Đông Nam Bộ xuất hiện một lớp cư dân mới, chủ nhân của nền văn hóa Đồng Nai thuộc thời đại kim khí (đồng thau và sắt sớm) sinh sống ở các tiểu vùng sinh thái khác nhau. Qua các di chỉ khảo cổ cho thấy văn hóa Đồng Nai đã có những thành tựu đặc trưng:
- Công nghệ chế tác đồ đá phát triển. Những công cụ bằng đá mang tính chuyên môn hóa cao. Ngoài dụng cụ lao động, con người thời kỳ này còn làm ra được đồ trang sức bằng đá, đàn đá. Cùng với đồ đá, đồ gốm đã xuất hiện và nghề dệt đã hình thành.
- Nghề trồng lúa ra đời với đặc trưng là trồng lúa cạn không dùng sức kéo;
trồng các loại rau đậu, cây có quả, củ cho bột bằng phương pháp đốt đặc thù của nông nghiệp nương rẫy, chăn nuôi, săn bắt.
- Cư dân văn hóa Đồng Nai có đời sống văn hóa tinh tín ngưỡng, tinh thần phong phú. Tại các di chỉ khảo cổ, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được bộ sưu tập thẻ đeo bằng đá cuội mài dẹt hình gần ovan hoặc chữ nhật và bán cầu có lỗ thủng tròn hay tạo núm ở đầu, tượng lợn, rùa bằng sa thạch, tượng chó săn mồi bằng đồng. Về âm nhạc có thể kể đến bộ sưu tập đàn đá hơn 60 thanh. Ngoài ra còn có sự hội nhập của không ít yếu tố văn hóa Đông Sơn và văn hóa Sa Huỳnh (trống đồng Đông Sơn, khuyên tai hai đầu thú, khuyên tai ba mấu của văn hóa Sa Huỳnh).
- Cuối giai đoạn văn hóa này đã xuất hiện nhà nước khởi thủy, nhà nước Phù Nam, một nhà nước tồn tại từ thế kỷ II đến thế kỷ VII ở châu thổ sông Cửu Long.
Theo nhiều thư tịch cổ Trung Quốc, thì trong thời kỳ hưng thịnh, vương quốc này về phía Đông, đã kiểm soát cả vùng đất phía Nam Trung Bộ (Việt Nam), về phía Tây đến thung lũng sông Mê Nam (Thái Lan), về phía Nam đến phần phía Bắc bán đảo Mã Lai. Quốc gia này tồn tại cho đến khoảng nửa thế kỷ 7 (sau năm 627) thì bị sáp nhập vào lãnh thổ của Chân Lạp. Mãi đến thế kỷ 17- thế kỷ 18, phần lãnh thổ xưa kia được coi là trung tâm của Phù Nam, tách khỏi Chân Lạp để trở thành một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam, tức Nam Bộ ngày nay.
Yếu tố sắc tộc - ngôn ngữ của cư dân Phù Nam vẫn còn đang được tranh luận, chưa thể đưa ra được kết luận cụ thể từ các bằng chứng hiện có. Một số giả thuyết cho rằng đa phần dân cư Phù Nam nói các tiếng thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer, một số khác cho là ngữ hệ Nam Đảo, giả thuyết khác cho rằng Phù Nam là một xã hội đa sắc tộc.
3.1.3. Vai trò của lớp văn hóa bản địa trong lịch sử văn hóa Việt Nam - Những thành tựu của thế giới Đông Nam Á cổ đại mà trong đó có phần đóng góp của tổ tiên các dân tộc Việt Nam đã đặt nền móng vững chắc cho văn hóa Việt Nam. Nhiều giá trị văn hóa của thời kỳ này vẫn còn được gìn giữ, lưu truyền cho tới tận ngày nay như những nét văn hóa bản sắc nhất của dân tộc.
- Lớp văn hóa bản địa là nguồn gen nội sinh vững mạnh đề kháng văn hóa, chống đồng hóa văn hóa đồng thời hỗ trợ mạnh mẽ cho những cuộc đấu tranh chính trị trong những thế kỷ sau này.