Lớp văn hóa giao lưu với phương Tây

Một phần của tài liệu Giáo án Cơ Sở Văn Hoá Việt Nam (Trang 70 - 89)

Chương 3 DIỄN TRÌNH VĂN HÓA VIỆT NAM

3.3. Lớp văn hóa giao lưu với phương Tây

Giao lưu với văn hóa phương Tây hình thành vào thế khoảng thế kỷ 16, 17 với sự xuất hiện của các giáo sĩ phương Tây ở Việt Nam nhằm mục đích truyền đạo Gia Tô.

Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi: “Năm Nguyên Hòa thứ I (1533) đời vua Lê Trang Tông có một người Tây dương tên là Inêkhu theo đường biển lẻn vào giảng đạo Giatô ở các làng Ninh Cường, Quần Anh, Trà Lũ nay thuộc tỉnh Nam Định. Từ đó các giáo sĩ Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha tìm đến ngày càng đông để truyền giáo.

Sự xuất hiện của các giáo sĩ phương Tây đã đem đến cho xã hội Việt Nam một luồng tư tư tưởng mới - nền văn hóa mới, đó là đạo Cơ đốc giáo, hoặc Kitô giáo. Hoạt động của các nhà truyền đạo cũng đã làm xuất hiện 1 loại văn tự mới ghi âm tiếng Việt, đó là chữ Quốc ngữ. Đây là công trình do nhiều giáo sĩ phương Tây sáng tạo ra trong đó có phần đóng góp không nhỏ của nhiều người Việt Nam.

Theo Trần Ngọc Thêm: Những người phương Tây đầu tiên đã tới Việt Nam và Đông Nam Á sớm hơn nhiều, vào khoảng đầu Công nguyên. Họ đem

đến các đồ trang sức, pha lê, áo giáp, vũ khí ...để đổi lấy những thứ hàng quý hiếm của Đông Nam Á như trầm hương, kỳ nam, vàng, đá quý, yến sào, đồi mồi, ngà voi, tê giác...và đặc biệt là hồ tiêu, các loại gia vị dùng để bảo quản thịt.

Không phải ngẫu nhiên mà giới nghiên cứu đã gọi tuyến đường biển từ Địa trung hải tới VN và Đông Nam Á thời đó là Đường hồ tiêu. Tuy nhiên phải sau thời kỳ trung cổ nặng nề khiến cho sự giao lưu bị gián đoạn, cho đến thế kỷ 16 cuộc giao lưu giữa phương Tây với VN mới tái diễn trở lại và phát triển lên một bước ngoặt mới.

Năm 1958 thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam với lý do triều đình Huế ngược đãi các giáo sĩ và cự tuyệt không nhận quốc thư của Pháp đòi tự do buôn bán. Sau khi lần lượt bình định được Việt Nam, người Pháp tiến hành công cuộc khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân công rẻ mạt, bóc lột trắng trợn nhân dân ta. Tuy nhiên sự có mặt của người Pháp ở Việt Nam đã tạo điều kiện giao lưu văn hóa ở thời kỳ rực rỡ, đó là sự giao lưu giữa hai nền văn hóa Đông - Tây. Sự giao lưu này với tính chất ban đầu là cưỡng bức, sau đó có yếu tố tự nguyện đan xen. Văn hóa thời kỳ này đã có những thành tựu cơ bản trên các lĩnh vực như sau:

3.3.1.1 Văn hóa vật chất

- Người Pháp tiến hành xây dựng hệ thống đường giao thông rộng khắp (cả đường bộ, đường sắt và đường thủy) tạo điều kiện cho giao lưu văn hóa trên lãnh thổ VN được dễ dàng hơn. Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của Pháp đã tạo ra những con đường liên tỉnh dài tới 20 ngàn km. Đường thủy, nhất là ở Nam Bộ cho tới năm 1914 được khai thông với độ dài 1745km. Đường sắt tới năm 1912 đã hình thành với 2059km. Tuyến đường sắt Hà Nội - Sài Gòn được hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 1936. Chính hệ thống đường sá này đã tạo cho diện mạo văn hóa vật chất giai đoạn này có những khác biệt so với các giai đoạn trước.

- Nhiều đô thị mới ra đời: ngoài Hà Nội còn có Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Nam Định, Sài Gòn...là những đô thị phát triển.

- Xuất hiện nền sản xuất công nghiệp mặc dù còn rất què quặt và yếu.

-Về kiến trúc, người Pháp cho xây dựng nhiều tòa nhà phục vụ bộ máy cai trị gồm các công sở, tòa thị chính, nhà thờ, rạp hát. Đây là một nét kiến trúc rất mới so với kiến trúc cổ truyền Việt Nam. Những công trình này được xây theo 2 trường phái kiến trúc chủ yếu là Gô tích và Vô băng. Khi người Pháp mới sang, họ thường mang gần như nguyên si các mẫu công trình của người Pháp để xây dựng ở nước ta, sau này trong quá trình giao lưu với văn hóa Việt, những kiến trúc đó đã có sự thay đổi dần, có sự sáng tạo và chú ý hơn đến yếu tố địa lý, khí hậu và văn hóa bản địa. ( ví dụ: Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Viễn Đông Bác Cổ, Bộ Ngoại Giao, Phủ Toàn quyền, Thư viện Quốc Gia, Nhà thờ đá Phát Diệm v.v...)

- Người Việt cũng đã tiếp thu từ văn hóa phương Tây những yếu tố vật chất mới như xe đạp, xe máy, ô tô, ra đi ô, đồ điện, chất liệu xà phòng, ghế salong, mặc quần áo âu phục, đi giày da, sơ mi, phụ nữ mặc váy đầm, áo nịt ngực, từng bước hiện đại văn minh đời sống của mình.

3.3.1.2 Tư tưởng

- Trước khi người Pháp vào Việt Nam, Nho giáo tồn tại như một hệ tư tưởng có vị thế đặc biệt. Tuy nhiên cho đến giai đoạn này Nho giáo không còn chiếm vị trí độc tôn như trước. Giai đoạn này, văn hóa Việt Nam đã từng bước tiếp nhận các hệ tư tưởng, luồng tư tưởng mới ở phương Tây truyền sang. Đó là các thuyết về nhân đạo, dân quyền của các nhà tư tưởng Pháp như Rut xô, Môngtexkiơ, Vonte; những giá trị của nền dân chủ tư sản như tự do, bình đẳng, bác của Cách mạng Tư sản Pháp. Luồng tư tưởng này tác động sâu sắc lên tầng lớp trí thức người Việt, nhiều nhà nho đã tự cảnh tỉnh để đổi mới, họ từ biệt hệ tư tưởng cũ để đến với tư tưởng dân chủ. Tiêu biểu như trường hợp của Phan Bội Châu. Ở Hà Nội, các nhà nho như Lương Văn Can, Nguyễn Quyền đã sáng lập ra phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, tiếp nhận tư tưởng văn hóa phương Tây, từ bỏ sự lạc hậu, đến với sự cách tân, đổi mới.

- Một điểm nhấn văn hóa quan trọng trong giai đoạn này không thể không nhắc tới là sự ra đời của Đảng cộng sản VN ngày 3 - 2 - 1930. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời do kết hợp nhuần nhuyễn giữa 3 yếu tố: Chủ nghĩa Mác - Lê

nin (thông qua những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc) kết hợp với phong trào yêu nước và phong trào công nhân ở trong nước. Đây là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng nước ta. Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng, đồng thời nó cũng khẳng định sự hiện diện của một hệ tư tưởng mới ở Việt Nam.

Tóm lược các hệ tư tưởng: Nho giáo - Dân chủ tư sản - Tư tưởng Mác xít, (chủ nghĩa Mác – Lênin)

3.3.1.3 Giáo dục

- Khi đã tiến hành bình định và cai trị nước ta, mới đầu người Pháp chủ trương duy trì nền Nho học cũ để đào tạo ra đội ngũ quan lại tay sai nhằm duy trì trật tự xã hội, mặt khác thông qua đội ngũ này cai trị và bóc lột nhân dân ta.

Sau đó họ mới mở trường dạy tiếng Pháp nhằm đào tạo ra một đội ngũ công chức cho phục vụ bộ máy thuộc địa trong việc khai thác tài nguyên, nhân công, thị trường. Năm 1897, Pháp mở trường Hậu bổ ở Hà Nội, cải tổ trường Quốc Tử Giám ở Huế, mở trường sư phạm sơ cấp ở Hà Nội. Đồng thời nhằm đối phó với các phong trào yêu nước (như Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Du, Duy Tân), người Pháp cùng với Nam triều thành lập Bộ Học, sửa đổi quy chế thi Hương và thi Hội. Mục đích giáo dục của chính quyền thuộc địa không hoàn toàn là vì nâng cao dân trí cho người Việt mà chủ yếu nhằm đào tạo ra một đội ngũ công chức để phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa của họ. Tuy vậy chính sách này cũng tạo ra một tầng lớp trí thức mới thay thế địa vị của tầng lớp nho sĩ cũ trong xã hội, trên văn đàn. Về phía người Việt Nam, giai đoạn này cũng như ở thời Bắc thuộc, không chối từ nền giáo dục tiên tiến từ bên ngoài vào mà đã tích cực tham gia học tập, học cách tổ chức và vận dụng vào hoàn cảnh thực tế của mình.

- Với phong trào Duy Tân, người Việt Nam đã tổ chức mạng lưới trường dân lập rộng khắp từ Hà Nội, Hà Đông, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình đến Nghệ An, Quản Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận. Nội dung giáo dục đổi mới, đặc biệt là việc kết hợp giáo dục tri thức khoa học với kinh doanh thực nghiệp và vận động canh tân đất nước.

- Mở rộng cuộc vận động Đông Du sang Nhật Bản, nhiều gia đình cho con em du học sang châu Âu (Pháp, Bỉ) và một số cán bộ sang Nga (Liên Xô) học chính trị.

- Người Việt đã nhanh chóng mở các trường cho phụ nữ (nữ sinh) như trường Hoài Đức của bà Huỳnh Tâm, trường Đồng Khánh ở Huế, trường Nữ sinh Sài Gòn. Lần đầu tiên phụ nữ được đi học như nam giới, đây là bước phát triển mới của giáo dục Việt Nam.

- Các trường của người Pháp mở ra, con em người Việt (tầng lớp trên) đã tham gia, số lượng và trình độ ngày càng tăng lên. Chẳng hạn năm 1930, trường Anbe - Xarô có 841 học sinh, con em người Việt là 434 người, tiểu học 340.780 người, cao đẳng tiểu học 6.350 người, trung học 1.329 người và khoảng 1000 sinh viên cao đẳng, đại học (tổng số gần 1 triệu người) với 12.000 giáo viên.

Bảng so sánh GD Việt Nam/phương Đông và GD Pháp/ phương Tây GD Việt Nam/Phương Đông GD Pháp/Phương Tây - Học không theo thứ bậc, học ở đâu

cũng được

- Học có thứ bậc (tiểu học, thành chung, tú tài...)

- ND học tập được nhận diện thông qua các tài liệu bắt buộc (tứ thư, ngũ kinh...)

- Học khoa học, chữ Quốc ngữ, chữ Pháp

-Trình độ được định vị thông qua việc vượt các kì thi (Hương, Hội, Đình)

- Trình độ được định vị theo cấp học - Mục đích GD: Đào tạo người quân

tử, người làm quan, làm thầy đồ.

- Đào tạo ra những người thầy, người có trình độ cho xã hội, đào tạo nghề (bác sĩ, kĩ sư...)

3.3.1.4 Văn học, nghệ thuật Câu hỏi kiểm tra bài cũ:

- Giao lưu với văn hóa Pháp là giao lưu tự nguyện hay giao lưu cưỡng bức? Vì sao?

* Văn học

Người Việt Nam tiếp xúc với nền văn chương bác học của phương Tây và Pháp thông qua nhiều kênh khác nhau. Bước đầu là đọc, dịch, giới thiệu văn

chương phương Tây và Pháp sang chữ Quốc ngữ. Chẳng hạn Trương Vĩnh Ký (1833 - 1900) đã dịch 150 truyện ngụ ngôn của La - phông - ten. Sau đó là dịch Tê lê mác phiêu lưu ký (1887). Ở miền Bắc, người được coi là quán quân trong dịch thuật văn học Pháp sang chữ Quốc ngữ chính là Nguyễn Văn Vĩnh (1882 - 1936) với các thể loại tiểu thuyết, kịch, thơ ngụ ngôn đồ sộ của các đại văn hào, thi hào, kịch gia của Pháp.

- Phỏng theo văn chương Pháp, các tác giả Việt Nam đã sáng tác ra các thể loại văn học mới: truyện ngắn, phóng sự, tiểu thuyết, kịch bản, thơ tự do...Ví dụ: Sống chết mặc bay (Phạm Duy Tốn - 1918), Quả dưa đỏ (Nguyễn Trọng Thuật - 1925), Chúa Tàu Kim Quy (Hồ Biểu Chánh - 1922), Tố Tâm (Hoàng Ngọc Phách - 1925), kịch Chén thuốc độc của Vũ Đình Long v.v...Đây là những thể loại hoàn toàn mới so với các thể loại văn học truyền thống của dân tộc (như hịch, cáo, bi ký,câu đối, truyện dân gian, thơ Đường luật, cổ phong, phú v.v...).

Thời kỳ nở rộ của văn chương Việt Nam với nhóm tự lực văn đoàn (1933 - 1940) với các tác giả như Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam...Sau đó dòng tiểu thuyết hiện thực phê phán ra đời với các tác giả Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nam Cao. Thơ mới từng bước ra đời và khẳng định vị thế của mình với các tác giả Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử. Dòng văn học cách mạng sau đó cũng xuất hiện với các tác giả tiêu biểu như Hồ Chí Minh, Xuân Thủy, Tố Hữu, Bùi Công Tường...Thành tự tiếp biến văn chương vô cùng to lớn. Đến những năm 40 của thế kỷ XX, Vũ Ngọc Phan đã tổng kết có 70 tác giả trong cuốn Nhà văn hiện đại Việt Nam, Hoài Thanh, Hoài Chân đã giới thiệu 40 tác giả thơ mới trong Thi nhân Việt Nam

Các lĩnh vực đổi mới của văn học Việt Nam:

- Chủ thể sáng tác: tầng lớp trí thức mới chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp: tư tưởng tự do, sáng tác văn chương để kiếm sống, phản ánh nhu cầu của cái tôi.

- Chủ thể tiếp nhận: tầng lớp tiểu tư sản và thị dân muốn được chia sẻ tâm trạng, bị kìm nén và bộc lộ khát vọng tự do. Mặt khác trong xã hội hiện đại họ

cũng muốn tiếp nhận và hiểu biết những vấn đề xảy ra trong cuộc sống xung quanh họ chứ không phải những gì xa xôi.

- Nội dung: văn học phản ánh hiện thực xã hội Việt Nam, con người Việt Nam (các tầng lớp công nhân, thị dân, nông dân, người làm phu, gái điếm...)

- Nghệ thuật: cấu trúc tác phẩm linh hoạt không theo thứ tự thời gian, chương hồi, thơ tự do, không theo niêm luật, ngôn ngữ cuộc sống tươi mới. Phá bỏ phương pháp sáng tác ước lệ trong văn chương cũ. Cái tôi được đề cập thẳng thắn công khai với nhiều cung bậc tình cảm khác nhau.

- Văn học không chỉ còn là quà tặng mà còn trở thành một sản phẩm hàng hóa với các nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp, làm thơ, viết văn để kiếm sống.

Người thưởng thức là khách hàng được quyền lựa chọn tác phẩm.

* Tóm lại: non một trăm năm, qua sự giao lưu với văn hóa Pháp, văn học Việt Nam đã có bước chuyển biến quan trọng đi từ phạm trù văn học trung đại sang phạm trù văn học hiện đại.

* Hội họa

Lần đầu tiên xuất hiện dòng tranh bác học với các họa sĩ được đào tạo chuyên nghiệp ở trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương. Các họa sĩ tiêu biểu (Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn)

* Âm nhạc

Xuất hiện dòng âm nhạc bác học bên cạnh dòng âm nhạc dân gian, xuất hiện hệ thống bình quân luật của phương Tây với thang âm 7 nốt. Nhiều tác giả cho ra đời những ca khúc vừa mang âm hưởng của truyền thống văn hóa dân tộc vừa mang sắc thái của phương Tây, điều đó đã làm hình thành nền tân nhạc Việt Nam, hay còn gọi là nhạc Tiền chiến với những nhạc sĩ tiêu biểu như: Đoàn Chuẩn, Văn Cao, Nguyễn Văn Thương, Đặng Thế Phong, Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Nguyễn Đình Thi...

Tham khảo

Phân tích so sánh thang âm cổ truyền và thang âm 7 nốt Thang âm 7 nốt của phương Tây hay còn gọi là bình quân luật:

(L. temperatio: tương quan đúng), sự sắp xếp cân bằng những tương quan về quãng giữa các bậc của hệ thống âm thanh trong âm nhạc. Trong hệ thống bình quân, quãng 8 được phân chia thành 12 bán cung bằng nhau. Nhờ vậy, việc chế tạo các nhạc cụ có hàng âm ấn định trở nên thuận lợi hơn, việc lên dây đàn và điều chỉnh âm thanh dễ dàng hơn. Khả năng vô tận của các chuyển điệu và dịch giọng tạo điều kiện cho hệ thống BQL được phổ cập rộng rãi.

+ Nhạc truyền thống Việt Nam: Nhạc ngũ cung, Ngũ Cung là 5 thang âm chính của âm nhạc châu Á nói chung và âm nhạc truyền thống Việt Nam nói riêng: 5 thang âm là: Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ (Tiếng Nôm: Hò, Sự, Sang, Xê, Cống) tính chất truyền khẩu, diễn xướng tòng bản. Nhạc phương Tây chơi theo bản phổ, có tác giả, tính chất bác học. Nhạc truyền thống VN không có tác giả, tính chất dân gian.

Giáo sư Trần Quốc Vượng đã phác thảo ra 3 mô hình âm nhạc VN dưới luận điểm của một nhà sử học, đó là:

+ Mô hình Đông Sơn hay mô hình trống đồng với các nhạc cụ gõ rời, không định âm như trống các loại (đồng, da, đất), cối, chày, phách (gỗ, tre), nhạc cụ gõ theo bộ( bộ trống đồng to nhỏ đực cái khác nhau). Dàn cồng chiêng đồng, đàn đá, các nhạc cụ thổi: khèn bầu, tù và, sáo. Có sinh hoạt riêng lẻ và sinh hoạt âm nhạc tập trung.Tính chất âm nhạc hùng tráng, trong trẻo.

+ Mô hình âm nhạc Đại Việt (hòa tấu, bát âm). Sinh hoạt âm nhạc nhà chùa, dàn nhạc bát âm, nhạc nhạc cung đình, các loại hình dân ca. Âm nhạc Đại Việt đã đạt đến trình độ ổn định, cổ điển và hoàn chỉnh, thành một bản sắc âm nhạc Đại Việt riêng.

+ Mô hình âm nhạc hiện đại; nảy sinh trong quá trình giao lưu giữa văn hóa VN cổ truyền với văn hóa Pháp.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Vũ Tự Lân cho biết bảy con đường đưa âm nhạc thế giới vào Việt Nam (Thiết kế Slide cho phần này và nêu ví dụ)

+ Con đường thứ nhất: Âm nhạc tôn giáo – âm nhạc của nhà thờ vào nước ta thông qua việc dạy nhạc, dạy đàn và hát cho giáo dân và học sinh học trong các trường dòng, tu viện, nhà thờ...

Một phần của tài liệu Giáo án Cơ Sở Văn Hoá Việt Nam (Trang 70 - 89)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(91 trang)
w