* Đối tượng nghiên cứu:
- Đất sản xuất nông nghiệp và những vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường có liên quan đến sản xuất nông nghiệp của huyện Chi Lăng - tỉnh Lạng Sơn.
* Phạm vi nghiên cứu:
- Đề tài được tiến hành trên một số vùng sản xuất nông nghiệp đặc trưng ở huyện cụ thể là thị trấn Chi Lăng, xã Vân Thủy và xã Hữu Kiên của huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Và hoàn thiện tại trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên.
2.2. Nội dung nghiên cứu
- Đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội liên quan đến sản xuất nông nghiệp và sử dụng đất đai.
- Điều tra xác định hiện trạng sử dụng đất đai của huyên
- Điều tra xác định hiện trạng sử dụng đất sản xuất nông nghiệp và phân bố hệ thống cây trồng, xác định các loại hình sử dụng đất chính trên địa bàn nghiên cứu.
- Đánh giá hiệu quả các loại hình sử dụng đất sản xuất nông nghiệp trên quan điểm sử dụng đất bền vững (theo các tiêu chí và chỉ tiêu về các điều kiện kinh tế xã hội và môi trường).
+ Đánh giá hiệu quả kinh tế của các LUT điều tra: Tính toán tổng vốn đầu tư, tổng thu nhập, thu nhập thực của người dân từ các loại hình sử dụng đất. So sánh hiệu quả của các loại hình sử dụng đất, từ đó tìm ra loại hình sử dụng đất hiệu quả nhất.
+ Đánh giá hiệu quả xã hội của các LUT trong hệ thống sử dụng đất sản xuất nông nghiệp ở địa bàn nghiên cứu: Mức độ thu hút lao động, giải quyết việc làm cho người dân, giá trị ngày công lao động của các hệ thống sử dụng đất.
+ Đánh giá hiệu quả về môi trường của các LUT và xác định tác động, ảnh hưởng của việc sử dụng đất đến môi trường: Mức độ đầu tư phân bón và ảnh hưởng của nó đến môi trường, mức độ ảnh hưởng của các cây trồng hiện tại đối với đất.
- Đề xuất các loại hình sử dụng đất theo hướng bền vững trên địa bàn huyện Chi Lăng.
- Đề xuất định hướng một số giải pháp sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả và bền vững ở huyện Chi Lăng.
2.3. Phương pháp nghiên cứu
2.3.1. Phương pháp chọn điểm nghiên cứu
Chọn điểm nghiên cứu đại diện (theo các đặc trưng về địa hình, đất đai, điều kiện kinh tế xã hội) ở những vùng có các đặc điểm khác nhau về điều kiện tự nhiên và loại hình sử dụng đất chính của huyện. Trên cơ sở hiện trạng sử dụng đất, thực trạng phân bố cây trồng, đặc điểm đất đai và tập quán canh tác. Huyện Chi Lăng gồm 2 thị trấn: Thị trấn Đồng Mỏ, Thị trấn Chi Lăng và các xã: Quang Lang, Mai Sao, Nhân Lý, Bắc Thủy, Vân Thủy, Vân An, Chiến Thắng, Liên Sơn, Lâm Sơn, Quan Sơn, Hữu Kiên, Y Tịch, Vạn Linh, Bằng Mạc, Bằng Hữu, Hòa Bình, Thượng Cường, Gia Lộc.
Dựa vào những đặc thù của địa hình, ngành sản xuất nông nghiệp của Chi Lăng cơ bản phân chia thành 3 tiểu vùng sản xuất để phát huy mọi thế mạnh do thiên nhiên ban tặng nhằm tạo sự phát triển hiệu quả nhất cho nền kinh tế nông - lâm nghiệp; Trong đó:
- Tiểu vùng thứ nhất bao gồm: Nằm ở phía Tây Nam của huyện, gồm các khu đất thung lũng tương đối rộng lớn có đất đai khá màu mỡ, nằm giữa các dãy núi đá vôi, thích hợp với các loại cây trồng hàng năm và ăn quả có giá trị kinh tế cao như Na, Nhãn, Vải, Hồng, Xoài.
- Tiểu vùng thứ hai: Các khu vực chạy dọc theo quốc lộ 1A với địa hình tương đối bằng phẳng, đất đai màu mỡ, khí hậu thuận lợi để phát triển các loại cây lương thực như lúa, ngô, đậu tương, lạc và các loại cây hàng năm khác
- Tiểu vùng thứ 3: Là khu vực canh tác nằm ở phía Đông có điều kiện phát triển kinh tế đồi rừng, cây công nghiệp.
Chọn các hộ điều tra đại diện theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên.
Các xã có đặc điểm về đất đai, địa hình, tập quán canh tác, hệ thống cây trồng có lợi thế về sản xuất nông nghiệp khác nhau, đại diện cho 3 vùng của huyện, đó là: thị trấn Chi Lăng đại diện cho tiểu vùng 1, xã Vân Thủy đại diện cho tiểu vùng 2, xã Hữu Kiên đại diện cho tiểu vùng 3. Tổng số hộ điều tra là 90 hộ (mỗi xã 30 hộ). Nội dung điều tra hộ chủ yếu là: điều tra về chi phí sản xuất, lao động, năng suất cây trồng, loại cây trồng, mức độ thích hợp cây trồng với đất đai và những ảnh hưởng đến môi trường,...
2.3.2 Phương pháp điều tra, thu thập số liệu, tài liệu 2.3.2.1 Điều tra thu thập số liệu, tài liệu thứ cấp
- Thu thập số liệu, tài liệu có sẵn từ các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn như: Phòng Tài nguyên và Môi trường, phòng Thống kê, phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn...
2.3.2.2 Điều tra thu thập số liệu sơ cấp
- Thu thập bằng phương pháp điều tra nông hộ thông qua phiếu điều tra (tình hình sản xuất, kinh tế, xu hướng sản xuất,……). Tổng số hộ điều tra: 90 hộ; mỗi tiểu vùng điều tra 30 hộ/tiểu vùng.
2.3.3 Phương pháp tổng hợp và xử lý số liệu
Phương pháp tổng hợp và xử lý tài liệu, số liệu bằng phần mềm EXCEL. Kết quả được trình bày bằng các bảng biểu số liệu, sơ đồ và biểu đồ.
2.3.4 Phương pháp đánh giá tính bền vững dựa trên 3 tiêu chí:
- Bền vững về mặt kinh tế: Các hệ thống sử dụng đất (LUS), các loại hình sử dụng đất (LUT) có hiệu quả cao (dựa trên cơ sở đánh giá hiệu quả kinh tế, hiệu quả đồng vốn). Việc đánh giá hiệu quả kinh tế thông qua các chỉ tiêu sau:
+ Giá trị sản xuất (GTSX): là toàn bộ giá trị sản phẩm vật chất và dịch vụ được tạo ra trong một chu kỳ sản xuất trên một đơn vị diện tích.GTSX = Sản lượng sản phẩm x Giá thành sản phẩm.
+ Chi phí trung gian (CPTG): là toàn bộ các khoản chi phí vật chất thường xuyên bằng tiền mà chủ thể bỏ ra thuê và mua các yếu tố đầu vào và dịch vụ sử dụng trong quá trình sản xuất.
+ Thu nhập hỗn hợp (TNHH): là hiệu số của giá trị sản xuất với chi phí trung gian: TNHH = GTSX – CPTG.
+ Hiệu quả đồng vốn (HQĐV): thu nhập hỗn hợp/tổng chi phí
- Bền vững về mặt xã hội: Liên quan đến khả năng thu hút lao động, giải quyết công ăn việc làm (công/ha). Giá trị ngày công lao động (TNHH/LĐ)
- Bền vững về mặt môi trường: Duy trì độ phì nhiêu của đất sản xuất nông nghiệp cụ thể xác định theo các chỉ tiêu: Mức độ che phủ hạn chế xói mòn rửa trôi, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hợp lý.
Chương III