CHƯƠNG 4: PHÂN TÍCH CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN VIỆC HỌC LẤY CHỨNG CHỈ ANH NGỮ CỦA SINH VIÊN KHOA KT-QTKD TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
5.1 NHỮNG ĐIỂM KHÓ KHĂN, HẠN CHẾ CÒN TỒN ĐỌNG ẢNH HƯỞNG ĐẾN KẾT QUẢ HỌC-THI LẤY CHỨNG CHỈ NGOẠI NGỮ CỦA SINH VIÊN
Bên cạnh những thuận lợi và những điểm đã được khắc phục như đã có nhiều lựa chọn hơn về địa điểm học – thi, việc nắm bắt thông tin về tình hình học – thi lấy chứng chỉ anh ngữ đã trở nên rất dễ dàng, nhiều loại chứng chỉ đã được các trung tâm anh ngữ đưa vào giảng dạy để đáp ứng nhu cầu của sinh viên,thời gian sinh viên tiếp cận anh văn hằng ngày là tương đối lớn, và bản thân sinh viên cũng đã ý thức được tầm quan trọng của chứng chỉ anh ngữ và tỏ ra yêu thích anh ngữ...thì vẫn còn một số điểm hạn chế tồn đọng ảnh hưởng đến việc học – thi chứng chỉ anh ngữ của sinh viên.
Chi phí là một trong những hạn chế lớn nhất đối với sinh viên, đa số sinh viên có mức thu nhập còn thấp (có đến 90% đáp viên có tổng mức chi tiêu dưới 3 triệu đồng/tháng), cộng với tình hình kinh tế khó khăn và phải chi trả cho nhiều khoản khác nhau (tiền nhà trọ, tiền ăn, học phí...) thì việc đóng học phí, mua tài liệu sách vở phục vụ việc học - thi chứng chỉ ngoại ngữ trở nên khó khăn. Đặc biệt là đối với những chứng chỉ anh ngữ quốc tế có lệ phí học – thi rất cao và thường phải mua nhiều tài liệu tham khảo. Đây cũng là một trong những lý do chủ yếu khiến đa phần sinh viên chọn học chứng chỉ anh văn quốc gia vì có chi phí học – thi phù hợp với túi tiền sinh viên.
Về giờ học, dù hiện nay đa số các trung tâm ngoại ngữ và các địa điểm dạy anh ngữ đã cung cấp nhiều khung giờ khác nhau để phù hợp với thời gian học trên giảng đường của sinh viên. Tuy nhiên, vẫn còn không ít sinh viên gặp khó khăn khi không tìm ra được cho mình khung giờ học phù hợp cố định do trùng
thời khóa biểu học chính khóa, hoặc phải dành thời gian đi làm thêm. Hơn nữa, đa số sinh viên phải học anh văn vào buổi tối sau một ngày học, tình trạng “ca ba” có thể dẫn đến tình trạng mệt mỏi và ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả việc học – thi chứng chỉ anh ngữ. Một số sinh viên còn gặp khó khăn trong việc tìm cho mình thời gian để ôn tập, việc theo học một khóa học anh văn liên tục nhưng không có thời gian ôn tập dẫn đến tình trạng “dồn ứ kiến thức” làm cho việc ghi nhớ và tiếp thu trở nên khó khăn.
Ngoài ra, phải nhìn nhận là trình độ anh văn đầu vào và trình độ anh văn vào thời điểm khảo sát của sinh viên khoa Kinh tế - QTKD trường đại học Cần Thơ là không đồng đều nhau, có một khoảng cách rất lớn giữa các sinh viên trong cùng một lớp vì nhiều lý do. Đại học Cần Thơ là một đại học lớn, có nhiều sinh viên từ rất nhiều các địa phương khác nhau theo học, điều này dẫn đến một tình trạng là sinh viên có thông tin nhân khẩu học khác nhau và cơ hội tiếp cận anh ngữ vì thế cũng rất khác nhau. Các sinh viên đến từ thành phố thường có trình độ cao hơn do thường được tiếp xúc với anh ngữ sớm và có nhiều cơ hội tiếp xúc hơn so với các sinh viên đến từ tỉnh lẻ, nông thôn. Hơn nữa, dù đa số đáp viên đã theo học cùng một hệ anh văn 7 năm nhưng chất lượng giảng dạy anh ngữ ở bậc phổ thông ở các địa phương khác nhau là rất chênh lệch. Ngoài ra, để được nhận vào học tại khoa Kinh tế - QTKD thì sinh viên có thể chọn học – ôn thi đại học khối A hoặc D (tùy theo khối ngành), đồng nghĩa với việc thời gian đầu tư của sinh viên cho anh văn trước khi vào đại học cũng khác nhau (sinh viên thi khối D thường quan tâm đến môn anh văn nhiều hơn các khối còn lại do anh văn là môn thi bắt buộc trong khối D1). Tất cả các nguyên nhân trên đều đưa đến một hệ lụy là có khoảng cánh rất lớn trong trình độ của sinh viên cùng một lớp. Điều này dễ dàng dẫn đến tình trạng chán nản hoặc hụt hẫng kiến thức làm cho không ít sinh viên cảm thấy anh văn là môn học quá phức tạp, khó khăn và nhàm chán, ảnh hưởng mạnh mẽ đến kết quả và kỳ vọng học – thi chứng chỉ anh ngữ của sinh viên. Hơn thế nữa, thời lượng dành cho việc giảng dạy anh ngữ bậc đại học còn quá ít (10 tín chỉ anh văn căn bản tương đương 150 tiết lý thuyết; ngoài ra một số ngành còn có các môn anh văn chuyên ngành trong kế học học tập) chưa đáp ứng
đủ yêu cầu, chưa giúp được đa số sinh viên có được nền tảng kiến thức nền anh văn vững.
Thêm vào đó, hiện tại vào thởi điểm khảo sát đã có rất nhiều địa điểm dạy anh văn, tuy nhiên chất lượng của đa số các địa điểm trên đa phần chưa được kiểm chứng rõ ràng. Một số nơi còn áp dụng phương pháp giảng dạy lạc hậu, trang thiết bị chưa đáp ứng được cho việc dạy – học anh ngữ. Đội ngũ giáo viên cũng là một điểm đáng chú ý, nếu như các giáo viên người Việt đa số đều có chứng chỉ phù hợp về sư phạm thì vẫn còn một số lượng lớn các giáo viên nước ngoài tại các trung tâm vẫn chưa đáp ứng được điều này. Một số trung tâm mời các du khách nước ngoài và ký hợp đồng ngắn hạn để giảng dạy, điều này đã ảnh hưởng xấu đến kết quả đạt được sau khóa học của sinh viên. Ngoài ra, tình trạng dạy không đủ giờ, số giờ học với giáo viên người bản xứ (giáo viên đến từ một nước mà tiếng Anh là ngôn ngữ chính) không đủ như đã cam kết vẫn còn diễn ra.
Một khó khăn khác là cách thức học – thi các chứng chỉ ngoại ngữ, đặc biệt là các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, thường có sự khác biệt lớn so với hình thức học anh văn ở bậc phổ thông của sinh viên vốn nặng về kiến thức mà chưa chú trọng đến rèn luyện kỹ năng ngôn ngữ và bài kiểm tra cuối kỳ thường sát với những gì đã giảng dạy trên lớp. Vì thế, rất nhiều sinh viên gặp khó khăn khi thiếu các kỹ năng ngôn ngữ dù đã có kiến thức về anh văn, nghĩa là dù biết nhưng vẫn không sử dụng được trong thực tế. Thiếu một môi trường sinh hoạt anh ngữ thường xuyên và đều đặn cũng là một khó khăn lớn mà sinh viên gặp phải. Do phải học một ngôn ngữ mới, có sự khác biệt lớn so với ngôn ngữ mẹ đẻ (tiếng Việt) về ngữ điệu của câu, trọng âm của từ. Thêm vào đó, có rất nhiều âm mới, không có trong tiếng Việt cộng với việc thiếu cơ hội rèn luyện nên vẫn còn một số lượng lớn sinh viên phát âm tiếng anh theo kiểu “Việt hóa” gây khó khăn cho người nghe.
Ngoài các nguyên nhân khách quan thì vẫn tồn tại một số nguyên nhân chủ quan đến từ chính bản thân sinh viên. Đó là việc bị động động trong việc tự tìm cho mình cợ hội để học tập, rèn luyện anh ngữ. Chỉ 14,4% đáp viên có tham gia sinh hoạt miễn phí trong một đội, nhóm hay câu lạc bộ anh ngữ - một con số hết sức khiêm tốn. Việc có đến 79,4% sinh viên có sử dụng internet để hỗ trợ cho
việc học của mình và sự cung cấp miễn phí rất nhiều máy tính khuôn viên trường cộng với việc đa số sinh viên đều muốn rèn luyện kỹ năng anh ngữ của mình (có đến 90,7% số sinh viên trả lời sẽ (hoặc tiếp tục) tham gia học anh văn trong tương lai) thì việc tìm cho mình một nhóm sinh viên có cùng trình độ, nguyện vọng và khung giờ sinh hoạt là điều không mấy khó khăn. Thực tế, trên các diễn đàn có sinh viên khoa Kinh tế - QTKD tham gia có rất nhiều chuyên mục được lập nên với mục đích tìm nhóm học anh văn, tuy nhiên rất ít nhóm tổ chức sinh hoạt được ngoài thực tế do đa phần thành viên đều không muốn trở thành trưởng nhóm – người quản lý nhóm (do tâm lý trưởng nhóm phải là người giỏi nhất, ngại phải tốn thời gian sắp xếp, chuẩn bị nội dung...). Ngoài ra, còn có một nguyên nhân khách quan là nội dung sinh hoạt tại các câu lạc bộ anh văn có sẵn chưa đáp ứng được nhu cầu của sinh viên muốn học – thi chứng chỉ ngoại ngữ.
Các câu lạc bộ này thường được vận hành với mục đích phục vụ số đông và chưa được tổ chức một cách đều đặn, thường xuyên với nội dung thay đổi bao quát các chủ đề. Nội dung được chuẩn bị thường với mục tiêu chính là giao lưu, tạo không khí vui vẻ như các buổi họp mặt, sinh hoạt về anh ngữ, tổ chức vui chơi chứ chưa đi sâu vào việc rèn luyện kỹ năng anh ngữ, tạo một môi trường học thuật nghiêm túc - điều các sinh viên đang trong giai đoạn học – thi chứng chỉ anh ngữ thực sự cần. Trong khi đó, đối với các sinh viên xác định vào câu lạc bộ anh văn với mục đích chính để vui chơi thì thường không gắn bó lâu dài.
Rõ ràng, có một sự mâu thuẫn lớn khi đa số sinh viên đều bày tỏ nguyện vọng có nhiều cơ hội hơn để rèn luyện các kỹ năng anh ngữ nhưng lại không tự tìm cho mình một nhóm phù hợp, hoặc tham gia vào các câu lạc bộ có sẵn do trường đại học Cần Thơ hoặc một số trung tâm anh ngữ tổ chức. Thêm vào đó, vẫn còn một bộ phận sinh viên không chủ động tìm thông tin về chứng chỉ ngoại ngữ mình muốn có ( dù các thông tin đó có thể được tiếp cận rất dễ dàng qua nhiều kênh khác nhau), điều này ảnh hưởng mạnh mẽ đến kết quả học – thi chứng chỉ ngoại ngữ.
Một hạn chế khác là một bộ phận sinh viên còn tỏ ra nhút nhát, sợ sai trong việc rèn luyện các kỹ năng anh ngữ. Một số sinh viên chưa có hướng tiếp cận ngôn ngữ hợp lý, vẫn duy trì cách học cũ, nội dung ôn tập không phù hợp với
loại chứng chỉ anh ngữ nhắm đến dẫn đến không được kết quả như ý muốn, các kỹ năng phát triển không đồng đều dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng ngoài thực tiễn. Ngoài ra, vẫn còn sinh viên học anh văn mà chưa có mục đích rõ ràng dẫn đến tâm lý chán nản khi phải học trong thời gian dài, ảnh hưởng xấu đến kết quả đạt được.