CHƯƠNG 2: SỰ KHÁC NHAU GIỮA MẠNH TỬ VÀ TUÂN TỬ TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN TRIẾT HỌC KHỔNG TỬ
2.1 Triết học Mạnh Tử và triết học Tuân Tử
- Triết học Mạnh Tử:
Thân thế và sự nghiệp của Mạnh Tử: Mạnh Tử (sinh năm 372 – 289 tr. CN, có một số tài liệu khác ghi là: 385 – 303/302 tr. CN) là nhà triết học Trung Quốc và là người tiếp nối Khổng Tử). Mạnh Tử, tên là Mạnh Kha, tự là Tử Dư, vào đời vua Liệt Vương, nhà Chu, quê gốc ở đất Trâu, thuộc nước Lỗ, nay là thành phố Trâu Thành, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ông mồ côi cha, chịu sự nuôi dạy nghiêm túc của mẹ là Chương thị (người đàn bà họ Chương). Chương thị sau này được biết tới với cái tên Mạnh mẫu (mẹ của Mạnh Tử). Mạnh mẫu đã ba lần chuyển nhà để Mạnh Tử được ở trong môi trường xã hội tốt nhất cho việc học tập, tu dưỡng. Thời niên thiếu, Mạnh Tử làm môn sinh của Tử Tư, tức là Khổng Cấp, cháu nội của Khổng Tử. Vì vậy, ông chịu ảnh hưởng sâu sắc từ các tư tưởng Khổng giáo. Mạnh Tử là đại biểu xuất sắc của Nho giáo thời Chiến quốc, thời kỳ nở rộ các nhà tư tưởng lớn với các trường phái như Pháp gia, Du thuyết, Nho gia, Mặc gia...(thời kỳ bách gia tranh minh) và cũng là thời kỳ mà các tập đoàn phong kiến tranh giành, xâu xé lẫn nhau gây ra các cuộc chiến tranh liên miên, dân tình vô cùng khổ sở . Tư tưởng của Mạnh Tử phát triển thêm tư tưởng của Khổng Tử nhưng ông không tuyệt đối hóa vai trò của ông vua như Khổng Tử, ông chủ trương dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh, ông cũng là người đưa ra thuyết tính thiện của con người rằng con người sinh ra đã là thiện rồi nhân chi sơ bản tính thiện, tư tưởng này đối lập với thuyết tính ác của Tuân Tử rằng nhân chi sơ bản tính ác. Ông cho rằng "kẻ lao tâm trị người còn người lao lực thì bị người trị". Học thuyết của ông gói gọn trong các chữ "Nghĩa", "Trí", "Lễ", "Tín". Ông đem học thuyết của mình đi truyền bá đến vua chúa các nước chư hầu như Tề Tuyên Vương (nước Tề), Đằng Văn Công (nước Đằng), Lương Huệ Vương (nước Nguỵ)...nhưng không được áp dụng. Về cuối đời ông dạy học và viết sách, sách Mạnh Tử của ông là một trong những cuốn sách quan trọng của Nho giáo. Ông được xem là ông tổ thứ hai của Nho giáo và được hậu thế tôn làm "Á thánh Mạnh Tử" (chỉ đứng sau Khổng Tử).
Nội dung cơ bản triết học Mạnh Tử + Quan niệm về thế giới
Mạnh Tử cho rằng trời là một đấng anh minh tối cao, sáng tạo và chi phối vạn vật trong vũ trụ. Mọi sự vật, hiện tượng trong thế giới, từ sự biến hóa của giới tự nhiên đến sự biến đổi của đời sống xã hội; từ sự thay thế của các triều đại khác nhau trong lịch sử đến quyền hành, chức tước của bọn quý tộc và địa vị của người thường dân, cũng đều bị chi phối bởi ý chí và quyền uy của trời. Trời có thể ban thưởng chức tước, bổng lộc cho những người hiền đức và trừng phạt những kẻ tàn ác.
Thậm chí, theo Mạnh Tử, từ chí khí, tâm tính con người cho đến các nguyên tắc đạo đức, chân lý của đời sống xã hội cũng đều do trời phú cho. Đó là số phận mà trời đã định sẵn: “Cái bản tính của trời phú cho người quân tử, dù đạo có được thi hành lớn lao, cũng không tăng thêm gì; dù mình có gặp cảnh ngộ cùng khốn cũng không giảm bớt gì, vì là số phận mà trời đã định sẵn như thế. Cho nên ông khuyên nhủ con người ta luôn luôn phải tuyệt đối phục tùng mệnh trời, an phận nhận lấy số mệnh trời đã định: “Không có việc gì xảy ra mà không do mệnh trời, người ta phải thuận theo mà nhận lấy cái số mệnh chính đáng ấy”. Con người chết non hay sống lâu không nghi ngờ gì cả. Chỉ sửa mình để đợi mệnh trời, tức là giữ trọn theo số mệnh trời đã giao phó cho vậy, và khi đã theo cái đạo trời mà chết, ấy là số mệnh chính đáng.
Không những thế, với chủ nghĩa duy tâm thần bí, Mạnh Tử còn cho rằng vũ trụ vạn vật đều tồn tại trong ý chí của con người. Vạn vật đều có đầy đủ trong ta. Ý chí chủ quan của con người theo Mạnh Tử là những tri thức và những quy tắc đạo đức tiên thiên, trời phú cho người. Nó là cái có trước, cao hơn khí chất và chi phối thể chất con người. Từ đó, ông tuyên truyền quan điểm nhận thức mang tính chất “duy ngã luận” và “tiên nghiệm luận”, dạy người ta không cần phải đi tìm chân lý ở bên ngoài thế giới khách quan mà chỉ cần suy xét ở trong tâm mình, theo quy tắc đạo đức “tận tâm”, “phản tỉnh nội tâm” là có thể hiểu được trời, thấu được đạo lý. Bởi theo ông, khí chất, tâm tính của con người đều là cái bẩm thụ của tinh khí trời đất, nên: “Hễ hết lòng hết dạ thì mình biết được cái bản tính của mình, biết được cái bản tính của mình là biết được tính của trời rồi đó.
+ Tư tưởng về chính trị
Mạnh Tử là một triết lý nhân bản và biện chứng sâu sắc, phản ánh nhu cầu vật chất của con người của thời đại mà ông đã sống đặt ra - thời đại Chiến quốc; vì cốt lõi của nó là tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho con người phục hồi lại nhân
cách đã bị tha hóa. Trong triết học chính trị của mình Mạnh Tử bộc lộ rõ sự tôn trọng ý dân và quý trọng quyền dân: “Dân vi quý, xã tắc thư chi, quân vi khinh; thị cố đắc hồ kỳ dân nhi vi thiên tử”. (Trong một nước dân là quý trọng hơn hết, kế đó là xã tắc (đất đai và lúa thóc); còn ngôi vua là nhẹ hơn cả hai điều ấy. Vì vậy, được hết thảy lòng dân mới được làm thiên tử). Hơn nữa Ông là người đầu tiên trong lịch sử triết học cổ đại trung Quốc đề xướng “dân quý hơn vua”, “dân vi quý…, quân vi khinh” và các câu: “đắc hồ kỳ dân nhi vi thiên tử” được hết thảy lòng dân mới được là Thiên tử.”
Thiên hạ mạc bất dữ giả (thảy người trong thiên hạ, không ai là người không quyền cho cả); “thiên tử bất năng dĩ thiên hạ dữ nhân” (vua không có quyền đem thiên hạ cho người), “thiên tử năng tiến như ư thiên, bất năng sử thiên dữ chi thiên hạ” (vua có quyền tiến cử người cho trời, không có quyền bảo trời đem thiên hạ cho người ấy);
“bộc chi ư nhân, nhi nhân thụ chi” (tuyên bố ra giữa dân và dân mà dân bằng lòng chịu lấy); và nhất là câu: “Thiên thị tự ngã dâm thị; thiên thích tự ngã dân thính” (trời thấy tức tự dân ta thấy; trời nghe tức tự dân ta nghe) đã nói lên ý tưởng của Mạnh Tử: dân là đại biểu cho trời, quyền dân thay được quyền trời, dân tức là trời vậy.
Từ ý hướng tôn trong ý dân và quý trọng quyền dân Mạnh Tử đã vì nhân dân mà nói lên nỗi thống khổ khốn cùng của họ trong thời Chiến quốc vô đạo: “các vua chư hầu thời nay, bóc lột của dân, như bè lũ kẻ cướp vậy”. “Đánh nhau tranh đất, giết người đầy đồng; đánh nhau tranh thành, giết người đầy thành”. “ Trong bếp nhà vua có thịt béo, trong chuồng có ngựa mập; dân có sắc mặt nhịn đói, ngoài đồng có thây người chết đói; đó là quản lãnh giống thú ăn thịt người vậy”. “ Nhân vì chính trị tàn độc mà nên nỗi cháy sém gầy gò, chẳng lúc nào thảm hơn lúc này nữa”, “Lũ chó heo ăn hết đồ ăn của người, mà kẻ có quyền chính trị không biết xét tới nơi; ngoài đường có thây người chết đói, mà người có kho lẫm tiền thóc không biết phát cẩn cho dân”.
“Cướp hết thời vụ cày của dân, khiến họ không được canh tức ruộng vườn, nên cha mẹ họ bị chết đói chết rét, anh em vợ con họ cũng đến nỗi ngồi tan”.
Mạnh Tử chú trọng đến hòa bình và rất ghét chiến tranh, nhất là chiến tranh thời Xuân thu và Chiến quốc. Ông nói: “Xuân thu vô nghĩa chiến” (suốt thời Xuân thu không trận đánh nào đúng nghĩa chiến – chiến tranh vì mục đích bảo vệ nhân dân.
Việc chiến tranh tuy mở lối từ đời tam vương, nhưng mà vua Thang đánh Kiệt, vua Vũ đánh Trụ, là vì dân mà trừ tội nhân. Đó là nghĩa chiến, vì dân mà trừ bạo chua Kiệt, Trụ vậy. Đến đời Ngũ bá, đó cũng là cuộc chiến tranh cướp mà đánh nhau vun đắp
quyền lợi cho một người mà hại đến trăm họ, đúng là tội nhân đời Tam vương vậy.
Đến như chư hầu đời Chiến quốc, thời cái họa chiến tranh (chiến tranh xâm lược) đối với nhân dân, gấp mười thời Ngũ bá vậy. “Ngũ bá giả, Tam vương chi tội nhân dã;
kim chi chư hầu, Ngũ bá chi tội nhân dã” (Ngũ bá là tội nhân của Tam vương; các chư hầu đời này là tội nhân của Ngũ Bá).
Tuy nhiên, Mạnh Tử dù chủ trương phi chiến, nhưng cũng không phải tuyệt đối bỏ hết việc binh; vì trong thuyết chính trị của ông, chủ yếu nhất là thuyết Bảo dân.
Trong đó, nếu có dân nước nào đó bị cái nạn bạo quân chuyên chế làm khổ hại nhân dân, thì bất đắt dĩ cần phải cứu dân nước ấy, mà cần phải dụng đến việc binh thời cũng có lúc phải đánh. Nhưng trong khi tuyên chiến chỉ là đánh với vua tàn ngược của nước ấy mà thôi. Đặc biệt, Mạnh Tử rất ghét những cuộc chiến thời Xuân thu, cũng như chiến tranh xâm lược thời Chiến quốc.
Mạnh Tử rất ghét công lợi riêng vì nó mang đến hai tệ hại lớn nhất là
“Thượng hạ giao chinh lợi” (Trên dưới giành nhau bằng mối lợi) và “Hoài lợi dĩ tương tiếp” (Ôm lấy lòng lợi mà đối đãi nhau); chúng làm cho mọi người trong thiên hạ, từ vua, quan đến sĩ, thứ dân sinh lòng ham lợi mà tranh nhau, đưa đến mất đoàn kết và cuối cùng mất nước. Vì vậy, Mạnh Tử chỉ chú trọng đến công lợi chung - cốt làm giàu mạnh cho dân, tức là “Dữ bách tính đồng lạc”, “Dữ dân đồng chi” (Cho trăm họ cùng vui), (Cho dân cùng chung dùng).
Mạnh Tử chú trọng đến công lợi chung, là chủ trương cho dân chúng cùng chung vui, cho trăm họ cùng chung dùng; trước tiên là phải “ưu dân chi ưu” (lo nỗi lo của dân) và “lạc dân chi lạc” (vui cái vui của dân) tức là phải thực hiện hai tiêu đề: “ dữ bách tính đồng lạc” (cho trăm họ cùng vui) và “dữ dân đồng chi” (cho dân cùng dùng chung), và phải quan tâm chăm sóc đến những người nghèo khổ: nông dân, ngư dân, tiều phu, tội nhân; và nhất là bốn “thiên hạ chi cùng dân”(dân khốn cùng của thiên hạ) đó là quan (già không vợ), quả (già không chồng), độc (già không con) và cô (trẻ không cha).
Mạnh Tử chủ trương làm chính trị bằng Nhân nghĩa, tức Nhân chính. Bước đầu của việc làm Nhân chính, Mạnh Tử đưa ra phương pháp dưỡng dân (lo cho dân về phần vật chất) và phương pháp giáo dân (lo cho dân về phần tinh thần). Và bước tiếp theo của việc mở mang Nhân chính, ông đưa ra biện pháp “Phân điền, chế sản” tức là
chia ruộng cho dân đủ cày và bằng nhau; sắp xếp bày vẽ việc làm cho dân, khiến ai nấy đều có tiền của đủ chi dụng.
Nhân chính của Mạnh Tử cốt lấy việc bảo dân làm gốc, mà mục đích duy nhất là làm cho dân giàu mạnh, với chính sách dưỡng dân và giáo dân “Bình dân kinh tế” và “Bình dân giáo dục” làm nền tảng, dùng nhân nghĩa làm chính sự, lấy gương vua Nghiêu vua Thuấn làm tiêu biểu về dưỡng dân, giáo dân và trách nhiệm trị dân:
“Muốn làm vua thì phải trọn đạo vua, muốn làm tôi phải trọn đạo tôi, hai điều ấy chỉ bắt chước vua Nghiêu vua Thuấn mà thôi. Không theo cách vua Thuấn thờ vua Nghiêu mà thờ vua, là không kính vua vậy, không theo cách cai trị vua Nghiêu mà trị dân, là hại dân vậy”.
+ Quan niệm về con người
Nếu như Khổng Tử dừng lại ở chỗ đặt vấn đề “tính người” là cái nguyên sơ, ban đầu mà con người bẩm thụ thì Mạnh Tử phát triển “tính người” theo khuynh hướng thiên về các giá trị xã hội, gọi là “tính thiện”. Ông cho rằng con người mới sinh ra đã có tính thiện, từ đó, Mạnh Tử khẳng định “cứ theo bản tính của con người thì ai cũng có thể làm điều thiện, cho nên mới nói tính người là tính thiện. Nếu có làm điều bất thiện, đó không phải do cái lỗi của tài chất bản tính của người ta. Thậm chí cực đoan hơn. Mạnh Tử cho rằng “tính thiện” biểu hiện là “tứ đoan” (nhân – nghĩa – lễ - trí).
Sở dĩ Mạnh Tử nhấn mạnh “tính thiện” vì ông muốn làm rõ sự khác nhau căn bản giữa con người với con vật thông qua các giá trị xã hội “nhân chi sỡ dĩ dị ư cầm thú giả cơ hy”. Thật vậy, qua thuyết “tính thiện”, Mạnh Tử đã nhìn bản chất xã hội của con người, khái quát nó thành tính trội, qua đó cũng thể hiện tư tưởng duy tâm khi ông đưa ra các phạm trù đạo đức hình thành trong xã hội phạm trù có tính tiên thiên do trời phú cho con người ta.
Trong cuộc sống hiện thực. Mạnh Tử cũng nhận thấy con người biểu hiện không hoàn toàn hoàn thiện, có lúc tỏ ra thiện, có lúc tỏ ra bất thiện. Có người tính thiện thể hiện rõ rệt thống nhất trong suy nghĩ và hành động, có người lại đánh mất bản tính thiện. Ông cắt nghĩa vấn đề này, tức là để khẳng định vai trò giáo dục, vai trò của xã hội với việc thay đổi tâm tính con người.
+ Quan niệm về giáo dục
Trong giáo dục theo Mạnh Tử phải có phép tắc, chuẩn mực, chuẩn mực ấy không có gì khác hơn là phép tắc, đức độ đạo lý của các bậc thánh hiền. Ông gọi đó là “phép tiên vương”. “Nếu có cái sáng của ly lâu, cái khéo của Công Thâu Ban mà không có cái thước vuông, thước tròn, thì cũng không làm gì được, nghe giỏi như sư Khoáng mà không có lực sáu âm thì không chỉnh được ngũ âm, nếu có cái đạo của vua Nghiêu, vua Thuấn mà không làm điều nhân chính thì không bình trị thiên hạ. Đã có đạo lý, khuôn phép của thánh hiền định ra thì ta nên theo đó mà học tập và hành động”. [22, tr 234]
Phép tắc đó, theo ông không thể tùy tiện thay đổi, không thể tự hạ xuống để theo trình độ thấp kém của người học được. Mạnh Tử nói: “ ông thợ cả dạy nghề mộc không vì người thợ vụng mà đòi bỏ cái dây nẩy mực, Hậu nghệ dạy bắn không vì người bắn vụng mà thay đổi cái mức dương cung”. [16, tr 234]
Theo chuẩn mực đó, Mạnh Tử đòi hỏi người dạy và người học phải luôn luôn chuyên tâm, trì trí khiêm tốn và phải có thái độ cầu tiến trong việc học tập. Có như thế mới đạt được mục đích của đạo “Hậu Nghệ dạy người ta học bắn, tất để trí vào sự kéo dây cung cho thẳng vậy”. [16, tr 234]
Ông sợ nhất “cái bệnh của người ta là ở sự muốn làm thầy người khác”
[1, tr 234]. Ông nói rằng; “phàm kẻ đến cầu học, nếu cậy mình là tôn quý mà hỏi, cậy mình có tài năng mà hỏi, cậy mình tuổi lớn mà hỏi, cậy mình có huấn cao mà hỏi, cậy mình có tính cổ cựu mà hỏi thì đều không đáng trả lời”. [16, tr 235]
Mạnh Tử cho rằng, muốn dạy cho người trước hết phải tự sửa lấy mình, luôn giữ cho tâm mình luôn chính, biết xấu hổ về việc làm sai trái, biết liêm sĩ về xấu xa của mình “mình cong vẹo không thể sửa cho người thẳng được” [16, tr 235]. Giống như Khổng Tử, Mạnh Tử trong việc giáo dục phân biệt rất rõ các loại đối tượng khác nhau và tùy theo khả năng, sở trường của từng người mà đưa nội dung và phương pháp dạy học khác nhau. Ông cho rằng “Quân tử dạy người có năm hạng, có hạng người đã học cao, thì cách dạy như trận mưa phải thời, để thấm nhuần và cảm hóa cho. Có hạng người tính chất thuần hậu, dạy cho họ được thành đức hạnh. Có hạng người thiên tư sáng suốt, dạy cho họ được thành tài năng. Có hạng người đến hỏi điều gì thì trả lời cho để giải thích những điểm nghi hoặc. Có hạng người chỉ trộm nghe những điều hay lẽ phải mà tự tu tỉnh lấy mình. Năm hạng ấy, quân tử tùy tài năng mỗi hạng mà dạy”.[16, tr 235]