Chương 3 KẾ THỪA NHỮNG GIÁ TRỊ TÍCH CỰC CỦA ĐẠO ĐỨC
3.1. Thực trạng tình hình đạo đức ở nước ta hiện nay và nguyên nhân của tình trạng suy thoái đạo đức của một bộ phận tầng lớp xã hội
3.2.2. Những giá trị tích cực của đạo đức Nho giáo cần được kế thừa phát triển trong xây dựng nền đạo đức mới ở nước ta hiện nay
Nho giáo du nhập vào nước ta từ thời Bắc Thuộc nhưng phải đến thế kỹ XIV – XV mới tìm được chỗ đứng và thật sự bắt đầu phát huy ảnh hưởng ở nước
ta. Cứ nhìn vào những con người, những nhà Nho có đức thanh cao, giàu tình nghĩa, cứ nhìn vào những gia đình gia giáo, ấm êm, hòa thuận…thì mới thấy Nho giáo cần thiết cho xã hội biết chừng nào! Chính và vậy, trong lịch sử cũng như trong quá trình phát triển của đất nước ta hiện nay thì Nho giáo có một vai trò rất lớn. Đây là một sự thật không thể phủ nhận. Vấn đề đặt ra trên cơ sở khoa học tiếp tục tìm hiểu xem cần gạt bỏ những gì và khái thác những gì để phục vụ cho sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay. Điều này đòi hỏi phải căn cứ vào tình hình cụ thể của đất nước để khai thác những tư tưởng tích cực của Nho giáo. Bên cạnh đó cần dựa trên những cơ sở cần thiết sau đây:
Về mặt lý luận, Đạo đức là một trong những hình thái ý thức xã hội, do đó nó có tính kế thừa trong sự phát triển. Với ý nghĩa này, sự hình thành và phát triển nhân cách của con người Việt Nam hiện nay không thể không kế thừa những giá trị tích cực của đạo đức trước đây để lại, trong đó có đạo đức Nho giáo. Mặt khác, Nho giáo về bản chất là một học thuyết xã hội về đạo đức.
Thực tiễn: Chúng ta đã biết Nho giáo có nguồn gốc từ Trung Quốc, song nó đã tham gia vào Việt Nam hàng ngàn năm, góp phần đáng kể tạo nên bộ mặt văn hóa truyền thống dân tộc. Bên cạnh những mặt hạn chế, bảo thủ thì đạo đức Nho giáo vẫn chứa đựng những yếu tố tích cực, hợp lý cần tiếp thu, cải tạo và kế thừa, phát triển theo tinh thần phủ định biện chứng. Làm như vậy sẽ đảm bảo được mối liên hệ giữa truyền thống và cái hiện đại. Như chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói : “Tuy Khổng Tử là phong kiến và học thuyết của ông có nhiều điểm không đúng, song những điều hay trong đó thì ta nên học”. Đây là một trong những chỉ dẫn quý báu của Người với việc khai thác những nhân tố hợp lý, tích cực của Nho giáo nói chung và vấn đề đạo đức Nho giáo nói nói riêng để xây dựng đạo đức mới, hình thành và phát triển nhân cách của người Việt Nam hiện nay.
Xuất phát từ những lý do trên, việc kế thừa đạo đức Nho giáo là một tất yếu, nhưng cần kế thừa như thế nào để khắc phục tình trạng suy thoái về đạo đức và vận dụng những nhân tố hợp lý của đạo đức Nho giáo để phục vụ sự nghiệp đổi mới đất nước trong giai đoạn hiện nay. Ở đây, chúng ta có thể khai thái những tư tưởng cơ bản sau:
v Vấn đề tu dưỡng đạo đức
Đối với Việt Nam, tu dưỡng đạo đức là một vấn đề vô cùng quan trọng mà chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở nhân dân ta. Việt Nam đã trải qua cuộc cách mạng tháng Tám lật đổ chính quyền thực dân và phong kiến. Nó trả lại cho nhân dân ta địa vị làm chủ đất nước, lên án chế độ bóc lột, khẳng định sự bình đẳng nam, nữ, bước đầu thực hiện công bằng xã hội. Nho giáo đã có những điểm không phù hợp với xã hội mới. Tuy nhiên, ngày nay chúng ta đang tiến hành công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Nghiên cứu lại đạo đức Nho giáo thấy có nhiều giá trị đạo đức còn phù hợp. Những giá trị đó cần được phát hiện, khuyến khích trên cơ sở sàng lọc lại.
Nho giáo về mặt bản chất nó là một học thuyết trong đó vấn đề tu thân được đặt lên hàng đầu. Chính Khổng Tử coi đó là cái gốc để tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Khổng tử nói : “Mọi vật xét kỹ ra là tri thức xác đáng…cái thân đã sửa thì sau nhà mới tề; nhà đã tề thì sau nước mới trị; nước đã trị thì sau thiên hạ mới bình. Từ thiên tử cho tới thứ nhân đều phải lấy sửa mình làm gốc, gốc loại mà ngọn trị là điều chưa hề có; cái gốc mình đáng hậu mà sau lại bạc, cái ngọn mình đáng bạc mà sau lại hậu là điều chưa hề có”.[ 24, tr.145].
Nho giáo có hàng loạt những lời răn dạy. Muốn tu thân, phải giữ lòng ngay thẳng, ý mình thành thật (chính tâm, thành ý). Lại phải có trí thức chu đáo và nghiên cứu sự vật (trí tri, cách vật). “Toàn bộ Kinh Thi có 300 thiên, chỉ tóm tắt ý nghĩa : tư tưởng không mờ ám” (vô tư tà) (Luận Ngữ). Lại phải gắng công, bền chí, sửa mình hàng ngày, “người ta ra công một lần mà thành, mình hãy ra công một trăm lần; người ta ra công một trăm lần, mình hãy ra công một ngàn lần” (Trung dung). Hãy xem kinh nghiệm của vua Thang : khắc hàng chữ trên bồn tắm để hàng ngày trong thấy: “ Cẩu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân”. (Hàng ngày hãy thành thật mà đổi mới, càng ngày càng mới, lại luôn luôn ngày nào cũng mới) (Đại học).
Lời khuyên nhiều khi khá cặn kẽ, ân cần và thiết thực. “Tự mình có điều chẳng phải mà mình không hay sửa chữa, đó là việc đáng lo” (Luận ngữ). “Đã lầm lỗi mà không chịu sửa như vậy mới thật lầm lỗi”( Luận ngữ). “ Đừng muốn những
việc chẳng nên muốn, đừng làm những việc chẳng nên làm” (Mạnh Tử). “ Điều gì mình chẳng muốn thì đừng làm cho người” ( Luận ngữ). Phải rất thận trọng trong việc lựa chọn nghề nghiệp làm ăn, vì thói quen nghề nghiệp ảnh hưởng đến tâm tính con người. Chọn xóm nhân hậu mà ở, biết rèn mình trong gian khó, và đừng bao giờ ngồi rỗi mình sinh hư, “thà chơi cờ còn hơn”( Luận ngữ). Hãy năng đến những bậc có đạo đức để học hỏi và sửa mình.
Những lời khuyên trên đây của Khổng Tử không chỉ có ý nghĩa giáo dục đối với vua chúa, những người có trọng trách trong xã hội, mà còn đối với cả dân thường nữa, ai ai cũng phải “sửa mình”, cũng phải “ tu thân”, nói theo cách nói bây giờ là : “tự kiểm điểm”, “ tự phê bình”, “ tự giáo dục…Cho đến nay quan niệm này vẫn còn nguyên giá trị lịch sử của nó.
Trong giáo dục ngày nay, người ta cũng hay nói nhiều đến việc tự rèn luyện, tự tu dưỡng. Thực chất của nó không gì khác là phải “ tu thân”. Phải chăng, giáo dục ngày nay dùng khái niệm “ tu thân” có sức thuyết phục hơn, nó phản ánh được truyền thống văn hóa trong đó. Tuy nhiên, “tu thân” trong giáo dục con người ở thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa có những nội hàm và mục đích khác xa với việc “ tu thân” trong quan niệm Nho giáo. Nếu “ tu thân” trong quan niệm của Nho giáo được quy định chặt chẽ với “danh – vị” của từng cá nhân thì trong giáo dục hiện nay “ tu thân” xoay quanh những phẩm chất và năng lực của con người hiện đại. Năng lực, phẩm chất đó được hiểu cụ thể theo vị trí nhiệm vụ vủa từng cá nhân.
Quá trình hình thành và phát triển yếu tố đạo đức trong nhân cách bao giờ cũng là sự kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục và tự giáo dục. Trong đó, tự giáo dục, tự kiểm tra, tự đánh giá, thẩm định, điều chỉnh các hành vi đạo đức cá nhân, đánh giá ý thức lương tâm trong mỗi người, hình thành nên những phẩm chất cần thiết theo yêu cầu của xã hội là yếu tố quyết định. Một số tác giả nói đúng khi giáo dục và tự giáo dục thì mới là giáo dục chân chính. Tư tưởng này phù hợp với chiến lược giáo dục của UNESCO khi bước vào thế kỹ XXI: “ Đạo đức mới của giáo dục phải nhằm làm cho mỗi người trở thành người dạy và người kiến tạo nên sự tiến bộ văn hóa của bản thân mình” [15, tr.122].
Trong điều kiện hiện nay, khi quan liêu, nạn tham nhũng, lãng phí và các hiện tượng tiêu cực khác đang tồn tại trong một bộ phận cán bộ Đảng viên, thì xây dựng chế độ tự phê bình và phê bình các cấp, trước hết là trong cán bộ chủ chốt; lấy tự phê bình là chính để trở thành một yêu cầu đạo đức cấp bách. Hồ Chí Minh cho rằng : phê bình và tự phê bình là vũ khí cần thiết giúp chúng ta sửa chữa sai lầm và phát huy ưu điểm. Người còn nhắc nhở : Mỗi cán bộ Đảng viên phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa mình như việc sửa chữa hàng ngày.
Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới đất nước, trong quá trình phấn đấu vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh thì mỗi người người cán bộ phải tự tu dưỡng đạo đức cách mạng. Những phẩm chất cần là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Tuy nhiên, để có những phẩm chất đạo đức cách mạng ấy thì việc tu dưỡng đạo đức phải được thực hiện trong hoạt động thực tiễn, trong đời tư cũng như đời công – sinh hoạt, học tập, lao động, chiến đấu; trong mối quan hệ xã hội từ hẹp đến rộng, từ nhỏ đến lớn – gia đình, nhà trường, xã hội; từ quan hệ bạn bè, đồng chí, anh em từ quan hệ tập thể với cấp trên cấp dưới của Đảng, với nước với dân và trong mối quan hệ quốc tế.
Đây chính là quá trình tu dưỡng suốt đời như Hồ Chí Minh đã đưa ra lời khuyên :
“Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong” [17, tr.36].
Bên cạnh việc tu dưỡng đạo đức hàng ngày thì sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật đòi hỏi chúng ta không ngừng nâng cao tri thức, nắm bắt thành tựu tri thức của nhân loại và biết ứng dụng vào công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Chỉ có như vậy mới hoàn thành nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Từ sự phân tích trên đây, nhận thấy rằng những yếu tố tích cực của đạo đức Nho giáo đã được người Việt Nam tiếp nhận có sự điều chỉnh trong việc đề cao tu dưỡng, rèn luyện, trao dồi đạo đức cá nhân là một việc làm hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
v Tư tưởng đề cao trách nhiệm, nghĩa vụ cá nhân
Nếu gạt bỏ những hạn chế có tính cốt lõi trong đạo đức Nho giáo, thì trong tư tưởng đó vẫn còn nhiều điều hay mà chúng ta cần học tập. Các đức tính đó là trung thứ, hiếu đễ; nhân , lễ, trí, tín.
Khi đề cập trách nhiệm, nghĩa vụ cá nhân trong quan hệ của Nho giáo được thể hiện trong bốn thang bậc giá trị đối với bản thân, đối với gia đình, đối với quốc gia, đối với thiên hạ. Giáo dục con người hướng tới là mục tiêu “ tu thân, tề gia trị, quốc, bình thiên hạ”. Ở đây, Nho giáo nhận ra mối quan hệ chặt chẽ giữa cá nhân với xã hội, cá nhân với hình thức cộng động tồn tại của mình. Mặt khác, trách nhiệm và nghĩa vụ của con người theo Nho giáo cũng là việc thực hiện lý tưởng “ cương thường”. Ở đây, Nho giáo không phải không quan tâm đến hạnh phúc qua việc làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình. Có thể thấy đạo đức Nho giáo xa lạ với chủ nghĩa cá nhân vị kỹ. Điều này được nhà nghiên cứu Phan Văn Các nhận xét : “ Nho giáo coi trọng luân thường đạo lý, sống có trách nhiệm, nghĩa vụ, dễ tiếp thu lẽ sống đặt lợi ích xã hội lên lợi ích cá nhân, không chấp nhận chủ nghĩa cá nhân cực đoan lẫn sa đọa con người, làm xã hội xuống cấp” [5, tr.42].
Một giá trị đạo đức thể hiện ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ cá nhân, thể hiện cá nhân bản thân Nho giáo được nhiều người thừa nhận, đó là tư tưởng “nhân, nghĩa”. Ông cha ta đã tiếp thu tư tưởng nhân, nghĩa của Nho giáo, Việt hóa thành tư tưởng “đại nhân”, “ đại nghĩa” truyền thống. Tinh thần ấy ngày càng được phát huy hơn bao giờ hết. “ Có nhân” là để con người yêu thương hơn “ điều gì mình không muốn thì đừng đem cho người”, “ điều gì mình muốn thì cũng muốn cho người”…Tinh thần đó cần được khuếch trương trong xã hội mà ở đó mọi người điều muốn chạy theo lợi. Mặt khác, “ có nghĩa” là để con người sống một cách có trách hiệm với nhau, sống theo lẽ phải.
Trong xã hội ta “ nhân – nghĩa” cần được kế thừa phát huy để xây dựng xã hội tốt đẹp, xã hội vì con người. Cũng vì lẽ đó mà Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII đã khẳng định nhân nghĩa là một trong những đức tính cần có của người Việt Nam trong giai đoạn mới. Sẽ chẳng trở thành là người tốt nếu vô trách nhiệm với cá nhân, gia đình và những người xung quanh mình. Ngược lại, nếu chỉ dừng lại đó, nếu chỉ biết có vậy thì chỉ là con người của gia đình mà thôi.
Con người của xã hội hiện đại, phải là người công dân có ý thức, có trách nhiệm nghĩa vụ đối với Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay được thể hiện năng lực sáng tạo, là sự trung thực, cần, kiệm, liêm, chính, mạnh dạn đấu tranh chống các tệ nạn xã hội như tham nhũng, quan liêu, cửa quyền, đặc lợi…Có ý chí vươn lên chiếm lĩnh khoa học, tri thức, làm chủ công nghệ, biết làm giàu chính đáng cho bản thân và cho đất nước, có ý thức tập thể, mỗi người vì mọi người…Thực hiện điều đó phải chăng là con người đã “ tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” theo cách nhìn mới.
v Tư tưởng chính danh
Cốt lỗi của tư tưởng chính danh quy định : mỗi người trong xã hội đều có
“danh – vị” nhất định, thực hiện đúng nghĩa vụ, trách nhiệm theo “danh - vị” của mình là người biết sống chính danh. Triết lý sâu sắc của tư tưởng này ở chỗ, một tên gọi đều chứa đựng một nội dung nhất định, chính nội dung ấy quy định tên gọi;
ngược lại, tên gọi phản ánh được nội dung mà nó bao chứa. Từ đó, Nho giáo cho rằng, trong xã hội “quân, thần, tử….”đều được quy định bởi những phẩm chất tương ứng. Chính danh là cơ sở vững chắc để xã hội có trật tự ổn định.
Xã hội chúng ta ngày nay tồn tại những biểu hiện không chính danh, làm suy thoái đạo đức của xã hội. Trong gia đình đó là những biểu hiện con cái bất hiếu, không chăm sóc cha mẹ khi già yếu hoặc không thành tâm nuôi dưỡng chăm sóc chu đáo chỉ muốn được thừa kế gia tài của cha mẹ để lại hoặc để che miệng dư luận thế gian thậm chí con cái đánh đập ông bà cha mẹ, cha mẹ thờ ơ vô trách nhiệm với con cái, anh em kiện tụng tranh giành lẫn nhau…Ở nhà trường, đó là đạo lý thầy trò bị sa sút, thầy không ra thầy, trò không ra trò…Ngoài xã hội, hối lộ quan liêu, cửa quyền.. Sự không chính danh của một bộ phận dẫn điến sự mất trật tự xã hội.
Hiện nay, trong đời sống tinh thần của gia đình Việt Nam cần kế thừa, phát triển hơn nữa tư tưởng “chính danh” để xây dựng trật tự, ấm êm, tiến bộ đáp ứng được yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước. Trong gia đình, mọi người phải ứng xử với nhau bằng lễ, bằng nghĩa, bằng tình. Ai cũng làm tròn chức năng bổn phận của mình cụ thể : con cái phải biết kính trọng và hiếu thảo với ông bà cha mẹ; ông bà cha mẹ phải mẫu mực yêu thương, chăm sóc, dạy bảo, bao dung với con cái; vợ chồng phải đối xử bình đẳng, tôn trọng, yêu thương lẫn nhau. Mọi thành viên phải
có ý thức và sống đúng với trách nhiệm của mình góp phần làm cho cuộc sống ấm êm, trên dưới hòa thuận, vừa thấu tình đạt lý, vừa tròn nghĩa vụ theo chuẩn mực đạo đức pháp luật thẩm mỹ giao tiếp trên cơ sở nền tảng chung theo chuẩn mực của xã hội đề ra.
Bên cạnh đó, trong xu thế toàn cầu hóa và phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật. Để đáp ứng yêu cầu của thời đại, thanh niên hiện nay là một trong những nhân tố quan trọng trong việc đưa đất nước phát triển. Đây là lực lượng nắm bắt kịp thời, tiếp thu sáng tạo không ngừng và dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào thanh niên Việt Nam luôn là lực lượng phản ánh và thể hiện rõ nhất hình ảnh dân tộc Việt Nam với những đức tính và truyền thống tốt đẹp. Chính vì vậy, thanh niên hiện nay phải ý thức và thực hiện đúng danh phận của mình. Trong gia đình luôn làm tròn trách nhiệm của một người con nhằm góp phần xây dựng gia đình mới Việt Nam hiện nay. Trong nhà trường, thanh niên phải có cái nhìn xa, xác định mục tiêu học tập và nghiên cứu đi đôi với những quan hệ ngày càng mở rộng, nâng cao chất lượng học tập, xây dựng ý thức học tập, thi cử nghiêm túc, đấu tranh chống bệnh thành tích và tiêu cự trong học tập. Trong xã hội thanh niên là lực lượng chủ động trong xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Chính vì vậy, thanh niên hiện nay phải không ngừng nâng cao trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật để trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội mới.
Tóm lại, tư tưởng chính danh này ngày nay vẫn còn gần gũi với người Việt Nam tâm huyết với văn hóa truyền thống. Việc giáo dục con người theo chuẩn mực công dân của xã hội mới, giáo dục con người sống theo lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội…đây chính là hình thức kế thừa tư tưởng chính danh.
v Tư tưởng chăm lo hoạt động sản xuất và thực hành tiết kiệm Nho giáo tuy đề cao vai trò của đạo đức kỹ cương xã hội, song cũng không coi nhẹ vai trò của sản xuất. Bởi lẽ, trước hết chúng ta phải có cơm ăn cái đã “dân dĩ thự vi thiên”, nhân dân phải được no ấm, đó là vì lòng dân nhân ái đối với mọi người, nhưng cũng vì lợi ích của tầng lớp trên nữa, và dân đói thì dân không thể nào nuôi được những người cai trị họ mà còn có thể nổi dậy chống những người này.
Chính và thế mà Nho giáo khuyên giới cầm quyền phải tìm mọi cách giúp đỡ dân