Thực tiễn kiểm soát một số vụ tập trung kinh tế tại Việt Nam

Một phần của tài liệu Kiểm soát tập trung kinh tế theo luật cạnh tranh việt nam một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 55 - 58)

Chương 2: THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT CẠNH TRANH VIỆT NAM VỀ KIỂM SOÁT HÀNH VI TẬP TRUNG KINH TẾThực trạng pháp luật cạnh tranh Việt Nam về kiểm soát hành vi tập trung kinh tế

2.3. Thực tiễn kiểm soát một số vụ tập trung kinh tế tại Việt Nam

Năm 2013 Cục Quản lý Cạnh tranh (QLCT) tiếp tục nhận và xử lý 04 hồ sơ tập trung kinh tế trong một số lĩnh vực quan trọng như sản xuất và kinh doanh thực phẩm, sản xuất, kinh doanh và truyền tải điện, xuất nhập khẩu và phân phối thép, cụ thể là:

- Công ty CP Vinabico sáp nhập vào Công ty CP Kinh Đô:

Tháng 12/2012, với kế hoạch sáp nhập Công ty Cổ phần Vinabico (VINABICO) vào Công ty Cổ phần Kinh Đô (KDC), hai doanh nghiệp đã nộp hồ sơ thông báo tập trung kinh tế đến Cục QLCT để thực hiện nghĩa vụ pháp lý liên quan đến pháp luật cạnh tranh. Đây là hai doanh nghiệp có uy tín và tồn tại lâu trên thị trường sản xuất, kinh doanh các sản phẩm bánh kẹo, thực phẩm và nước giải khát. Trước khi sáp nhập, KDC nắm giữ 51% vốn điều lệ của VINABICO.

Tháng 01/2013, theo đánh giá hồ sơ vụ việc và nhận định thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp trên thị trường liên quan, Cục QLCT đã có công văn trả lời rằng vụ việc sáp nhập này không thuộc trường hợp bị cấm theo quy định của Luật Cạnh tranh. Do KDC nắm giữ cổ phần chi phối tại VINABICO, vụ việc này được coi là việc cơ cấu lại nguồn vốn chủ sở hữu của VINABICO sang cho KDC.

Đây là vụ việc thứ hai Công ty CP Kinh Đô gửi hồ sơ thông báo tập trung kinh tế đến Cục QLCT. Thể hiện sự tuân thủ pháp luật cạnh tranh của các doanh nghiệp trong việc tiến hành các thủ tục sáp nhập theo quy định của pháp luật liên quan.

- Công ty CP thuỷ điện Nà Lơi và Công ty CP thuỷ điện Ry Ninh II sáp nhập vào Công ty CP thuỷ điện Cần Đơn:

Ngày 22/7/2013, Cục QLCT đã tiếp nhận hồ sơ thông báo tập trung kinh tế của Công ty CP Thuỷ điện Cần Đơn về việc Công ty CP Thuỷ điện Nà Lơi và Công ty CP Thuỷ điện Ry Ninh II sáp nhập vào Công ty CP Thuỷ điện Cần Đơn. Sau khi xem xét và căn cứ vào các quy định về kiểm soát tập trung kinh tế của Luật Cạnh tranh, Cục QLCT nhận thấy các công ty tham gia vụ việc tập trung kinh tế này không thuộc trường hợp bị cấm. Do đó, các công ty được phép thực hiện thủ tục sáp nhập theo quy định của pháp luật có liên quan.

- Công ty CP Sông Đà 11 Thăng Long (SELCO) và Công ty CP Đầu tư và Xây lắp Sông Đà 11 (SINCO) sáp nhập vào Công ty CP Sông Đà 11 (SJE):

Ngày 23/7/2013, Cục QLCT đã tiếp nhận hồ sơ thông báo việc tập trung kinh tế của Công ty CP Sông Đà 11 về việc Công ty CP Sông Đà 11 Thăng Long (SELCO) và Công ty CP Đầu tư và Xây lắp Sông Đà 11 (SINCO) dự kiến sẽ sáp nhập vào Công ty CP Sông Đà 11 (SJE). Theo khảo sát đánh giá và số liệu trong hồ sơ của doanh nghiệp, các doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế có thị phần kết hợp nhỏ hơn rất nhiều so với ngưỡng phải thông báo trước khi thực hiện tập trung kinh tế và không thuộc trường hợp bị cấm theo Luật Cạnh tranh. Do đó, các công ty được phép thực hiện thủ tục sáp nhập theo quy định của pháp luật có liên quan.

- Công ty TNHH thương mại Nippon Steel Việt Nam và Công ty TNHH Sumikin Bussan Việt Nam:

Thang 12/2013, Cục QLCT tiếp nhận hồ sơ giữa hai công ty trên để thực hiện hợp nhất thành một công ty mới với ngành nghề chủ yếu là xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối bán buôn, phân phối bán lẻ (không lập cơ sở bán lẻ) các hàng hóa sắt, thép, kim loại màu, cọc cừ, hợp kim, đồ trang bị trong nhà vệ

sinh bằng sắt thép. Vụ việc không thuộc trường hợp bị cấm theo Luật Cạnh tranh nên công ty mới đã được thành lập vào ngày 10/01/2014 với tên đầy đủ là TNHH Nippon Steel & Sumikin Bussan Việt Nam.

Qua những thông tin trên, chúng ta có thể thấy các doanh nghiệp tại Việt Nam đã tôn trọng và thực thi pháp luật cạnh tranh về kiểm soát hành vi tập trung kinh tế trên thực tế.

Một phần của tài liệu Kiểm soát tập trung kinh tế theo luật cạnh tranh việt nam một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 55 - 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(70 trang)