Chương 3: Một số giải pháp nhằm hoàn thiện và nâng cao hiệu quả kiểm soát tập trung kinh tế của Luật Cạnh tranh Việt Nam
3.2. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật cạnh tranh Việt Nam về kiểm soát hành vi tập trung kinh tế
3.2.1. Cơ quan quản lý cạnh tranh.
Khi hướng dẫn thi hành Luật Cạnh tranh, Nghị định số 06/2006/NĐ-CP ngày 09/01/2006 quy định: Cục Quản lý cạnh tranh là tổ chức trực thuộc Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) có chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Thương mại thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh, chống bán phá giá, chống trợ cấp, áp dụng các biện pháp tự vệ đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trong việc đối phó với các vụ kiện trong thương mại quốc tế liên quan đến bán phá giá, trợ cấp và áp dụng các biện pháp tự vệ (khoản 1 Điều 1).
Cục Quản lý cạnh tranh thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật về cạnh tranh, chống bán phá giá, chống trợ cấp, áp dụng các biện pháp tự vệ đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây (Điều 2 Nghị định 06/2006/NĐ-CP):
Xây dựng và trình Bộ trưởng Bộ Thương mại các văn bản quy phạm pháp luật về cạnh tranh, chống bán phá giá, chống trợ cấp, áp dụng các biện pháp tự vệ đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam và bảo vệ quyền lợi
người tiêu dùng; tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật sau khi được ban hành.
Hướng dẫn kiểm tra, đánh giá và tổng hợp tình hình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án đã được phê duyệt về các lĩnh vực thuộc chức năng của cơ quan quản lý cạnh tranh
Phát hiện và kiến nghị cơ quan có liên quan giải quyết theo thẩm quyền về những văn bản đã ban hành có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật cạnh tranh, chống bán phá giá, chống trợ cấp, áp dụng các biện pháp tự vệ đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Về cạnh tranh:
a) Thụ lý, tổ chức điều tra các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh để Hội đồng cạnh tranh xử lý theo quy định của pháp luật
b) Tổ chức điều tra xử lý đối với các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh và các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh khác theo quy định của pháp luật
c) Thẩm định hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ theo các quy định của pháp luật để trình Bộ trưởng Bộ Thương mại quyết định hoặc trình Thủ trướng Chính phủ quyết định.
d) Kiểm soát quá trình tập trung kinh tế.
đ) Xây dựng, quản lý hệ thống thông tin về các doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, các doanh nghiệp độc quyền, về quy tắc cạnh tranh trong hiệp hội, về các trường hợp miễn trừ.
Với những quy định như vậy, cơ quan quản lý cạnh tranh ở Việt Nam, cụ thể là Cục quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương được quy định chưa hợp lý
- Là một đơn vị hành chính của một Bộ nên khó đảm bảo tính độc lập trong hoạt động vì chịu sự quản lý, can thiệp của Bộ Công thương.
- Bản thân Bộ Công thương là bộ chủ quản của nhiều doanh nghiệp có vốn góp nhà nước. Trong các vụ kiện ra cơ quan quản lý cạnh tranh, liệu có sự công bằng thực sự khi các bên liên quan và “cơ quan cầm cân nảy mực” có quan hệ là đơn vị trực thuộc – cơ quan chủ quản.
Do đó, cần phải tách Cục quản lý cạnh tranh ra khỏi Bộ Công thương và đảm bảo nguyên tắc độc lập trong tổ chức và hoạt động.
3.2.2. Công khai, minh bạch chế độ tài chính của các doanh nghiệp.
Việc kiểm soát hành vi tập trung kinh tế phải căn cứ vào thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trên thị trường liên quan. Thị phần của một doanh nghiệp đối với một loại hàng hóa, dịch vụ là tỷ lệ phần trăm giữa doanh thu bán ra của doanh nghiệp đó với tổng doanh thu của tất cả các doanh nghiệp kinh doanh các loại hàng hóa hay dịch vụ được xếp chung trong một thị trường liên quan với loại hàng hóa, dịch vụ đó hoặc tỷ lệ phần trăm giữa doanh số mua vào của doanh nghiệp này với tổng số mua vào của tất cả các doanh nghiệp kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ được xếp chung trong một thị trường liên quan theo tháng, quý, năm. Thị phần kết hợp là tổng thị phần trên thị trường liên quan của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế. Doanh thu, doanh số mua vào của doanh nghiệp được xác định theo pháp luật kế toán Việt Nam, áp dụng chuẩn mực kế toán Việt Nam.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung không mặn mà gì với việc công khai hóa các vấn đề tài chính của doanh nghiệp mình, các báo cáo tài chính có độ trung thực nhìn chung không cao thì công việc xác định thị phần và thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chắc chắn sẽ gặp phải khó khăn nhất định.
Do đó, để thực tế kiểm soát tốt các hành vi tập trung kinh tế, cần phải công khai, minh bạch chế độ tài chính của các doanh nghiệp với sự tham gia của các tổ chức kiểm toán độc lập nhằm có căn cứ xác minh chính xác các thông số về thị phần trên thị trường liên quan.
3.2.3. Nâng cao năng lực, chất lượng của đội ngũ nhân viên thực thi Luật Cạnh tranh.
Như phân tích ở các mục trước, để giải quyết vụ việc cạnh tranh liên quan tới tập trung kinh tế cần rất nhiều kiến thức liên quan tới kinh tế, thị trường và pháp luật. Do đó, để nâng cao hiệu quả thực thi luật, cần phải bồi dưỡng, đào tạo các kiến thức về kinh tế, pháp lý, chính sách và pháp luật cạnh tranh cho đội ngũ nhân sự của các cơ quan quản lý cạnh tranh và các tổ chức có liên quan.
Có lẽ hiện nay, ngoài giải pháp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, các cơ quan quản lý cạnh tranh nên thiết lập hệ thống cộng tác viên để hỗ trợ xử lý, giải quyết các vụ việc tập trung kinh tế.