CHƯƠNG 1 NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ QUYỀN CON NGƯỜI TRONG
1.2. Khái quát cơ sơ pháp lý quốc tế của các quyền dân sự, chính trị
Nếu như những tiền đề lịch sử là cơ sở sâu xa thì những ký ức khủng khiếp về sự tàn bạo của chủ nghĩa phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ hai đóng vai trò là chất xúc tác cơ bản dẫn đến việc hình thành ngành luật nhân quyền quốc tế. Ngay từ khi cuộc chiến tranh thế giới này còn đang diễn biến ác liệt, các nước Đồng minh đã nhận thức được sự cần thiết phải thành lập một tổ chức quốc tế với những cơ chế pháp lý mạnh mẽ nhằm bảo đảm cho nhân dân thế giới không bao giờ phải chịu những hoàn cảnh bi thảm về quyền con người như chủ nghĩa phát xít đã và đang gây ra.
Các cuộc hội đàm ở Dumbarton Oaks (Hoa Kỳ) giữa bốn cường quốc của phe Đồng minh là Hoa Kỳ, Anh, Trung Quốc (Trung hoa Dân quốc) và Liên Xô vào năm 1944 3 đã dẫn đến sự ra đời của bản Kế hoạch Dumbarton Oaks. Bản kế hoạch này dự kiến thiết lập một tổ chức quốc tế có tên là “Liên hợp quốc” mà trong các mục tiêu của tổ chức này, có việc: “... thúc đẩy sự tôn trọng các quyền và tự do cơ bản của con người”.
Kế hoạch Dumbarton Oaks là cơ sở cho chương trình làm việc của Hội nghị các nước Đồng minh về việc thành lập một tổ chức quốc tế mới có tên là Liên hợp quốc, được khai mạc tại Xan Phranxixcô (Hoa Kỳ) ngày 25-4-1945 với đại diện của 50 quốc gia trên thế giới. Hội nghị đã bổ sung thêm một số điều khoản trong bản Kế hoạch để chuẩn bị cho văn bản cuối cùng của Hiến chương Liên hợp quốc. Bản Hiến chương này sau đó đã được ký kết vào ngày 26-6-1945 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 24-10-1945, đánh dấu cột mốc quan trọng trong sự phát triển của luật quốc tế nói chung và của luật quốc tế về quyền con người nói riêng.
1.2.1. Hiến chương Liên hợp quốc
Mặc dù quyền con người không phải là chủ đề duy nhất cũng như là chủ đề chính của Hiến chương Liên hợp quốc, tuy nhiên, có thể coi đây là văn kiện đã xác lập nền tảng của luật nhân quyền quốc tế. Điều này trước hết là bởi Hiến chương đã khẳng định việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là một trong những mục tiêu hoạt động của Liên hợp quốc – tổ chức liên chính phủ lớn và có quyền lực nhất trên thế giới. Thêm vào đó, trong Hiến chương, vấn đề quyền con người được đề cập khá cụ thể tại Lời nói đầu và nhiều điều khoản.
Lời nói đầu của Hiến chương khẳng định ý chí của các dân tộc trong Liên hợp quốc: “...phòng ngừa cho những thế hệ tương lai khỏi thảm hoạ chiến tranh ..đã gây cho nhân loại những đau thương không kể xiết”, “... tin tưởng vào những quyền con người cơ bản, vào nhân phẩm và giá trị của con người, vào các quyền bình đẳng giữa nam và nữ và giữa các quốc gia lớn và
nhỏ..” và bày tỏ quyết tâm của các dân tộc nhằm: “...thúc đẩy sự tiến bộ xã hội và nâng cao điều kiện sống trong một nền tự do rộng rãi hơn”.
Điều 1 của Hiến chương quy định các mục tiêu hoạt động của tổ chức này, theo đó, Liên hợp quốc theo đuổi các mục đích: (i) Duy trì hoà bình và an ninh quốc tế..; (ii) Xây dựng mối quan hệ thân thiện giữa các quốc gia trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc về quyền bình đẳng và tự quyết của các dân tộc; (iii) Tăng cường sự hợp tác quốc tế trong giải quyết các vấn đề quốc tế về kinh tế xã hội, văn hoá hoặc các vấn đề nhân đạo, thúc đẩy và khuyến khích sự tôn trọng các quyền con người và tự do cơ bản cho tất cả mọi người mà không có sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hoặc tôn giáo. Như vậy, một trong ba mục tiêu cơ bản của Liên hợp quốc hướng trực tiếp vào vấn đề quyền con người. Ngoài ra, việc thực hiện hai mục tiêu khác cũng liên quan chặt chẽ tới vấn đề này.
Một loạt điều khoản khác trong Hiến chương đã tái khẳng định và cụ thể hoá mục tiêu của Liên hợp quốc trên lĩnh vực quyền con người. Cụ thể, Điều 55 quy định: “Với mục đích nhằm tạo những điều kiện ổn định và hạnh phúc cần thiết để duy trì quan hệ hoà bình và hữu nghị giữa các dân tộc, dựa trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc về quyền bình đẳng và tự quyết của các dân tộc, Liên hợp quốc sẽ thúc đẩy: (c)…sự tôn trọng và tuân thủ toàn cầu các quyền và tự do cơ bản của con người cho tất cả mọi người mà không có sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hoặc tôn giáo”.
Điều 56 nêu rõ: “Tất cả các quốc gia thành viên cam kết tiến hành các hành động chung hoặc riêng trong sự hợp tác với Liên hợp quốc để đạt được những mục tiêu quy định tại Điều 55”.
Không chỉ quy định về mục tiêu, nhiều điều khoản trong Hiến chương còn thiết lập những nguyên tắc cơ bản về cơ cấu tổ chức, cách thức thực hiện mục tiêu của Liên hợp quốc về quyền con người. Ví dụ, Khoản 1 (b) Điều 13 đề cập trách nhiệm của Đại hội đồng Liên hợp quốc trong việc nghiên cứu và thông qua các khuyến nghị nhằm thúc đẩy sự hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực
kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, y tế và thực hiện các quyền và tự do cơ bản của con người. Các khoản 2,3 và khoản 4 Điều 62, Điều 64, Điều 68 đề cập trách nhiệm và quyền hạn cụ thể của Hội đồng Kinh tế và Xã hội trong việc tổ chức và phối hợp các hoạt động, nhằm thực hiện mục tiêu của Liên hợp quốc về quyền con người...
Những quy định kể trên là cơ sở pháp lý cho việc xây dựng hệ thống các văn kiện quốc tế và một cơ chế hành động của Liên hợp quốc trên lĩnh vực quyền con người trong những năm tiếp theo. Mặc dù vậy, có thể thấy rằng, Hiến chương Liên hợp quốc vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi quan điểm về tính vượt trội của chủ quyền quốc gia trong mối quan hệ với quyền con người. Điều này trước hết thể hiện ở việc mặc dù đã thừa nhận các quyền con người của cá nhân, song Hiến chương không có quy định về việc thành lập một ủy ban quốc tế độc lập với các chính phủ để bảo vệ và thúc đẩy các quyền này.
Tóm lại, có thể thấy Hiến chương Liên hợp quốc không xác định những nghĩa vụ cụ thể về quyền con người cho các quốc gia. Tuy nhiên, Hiến chương vẫn được coi là văn kiện xác lập một nền tảng cho việc thiết lập các tiêu chuẩn và cơ chế quốc tế về quyền con người, bởi thông qua Hiến chương, lần đầu tiên quyền con người được thừa nhận như một giá trị phổ biến, và việc thúc đẩy sự tôn trọng các quyền và tự do cơ bản của con người được xác định là một trong các mục tiêu hoạt động của Liên hợp quốc.
1.2.2. Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (UDHR)
Với sự ra đời của Tuyên ngôn, vấn đề quyền con người được chú trọng hơn bao giờ hết trên chính trường quốc tế. Trên thực tế, Tuyên ngôn đã mở ra một kỷ nguyên mới cho những cam kết và hành động quốc tế trong việc đảm bảo các quyền cùng tự do cơ bản của con người và coi đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho cuộc đấu tranh vì quyền tự quyết của các dân tộc, kể cả quyền lựa chọn con đường phát triển của chính họ. Những nhóm dân cư thiệt thòi và dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người thiểu số và người bản địa, người tàn tật... được xác định là có các quyền bảo vệ khỏi những tập tục phân biệt
đối xử vốn tồn tại lâu đời ở nhiều quốc gia và trong nhiều nền văn hóa trên thế giới. Tuyên ngôn coi quyền con người là cơ sở tiền đề cho hoà bình, công lý, dân chủ và tiến bộ xã hội. Nhiều nước, đặc biệt những nước mới giành được độc lập từ ách thực dân đã trích dẫn hoặc đưa toàn bộ nội dung của Tuyên ngôn vào hiến pháp và pháp luật của nước mình.
Tuyên ngôn, gồm Lời nói đầu và 30 Điều ghi nhận thành quả của cuộc đấu tranh lâu dài vì phẩm giá và các quyền của con người với nội dung đã quán triệt ý tưởng cao đẹp được khẳng định trong Lời nói đầu của Hiến chương Liên hợp quốc: Phòng ngừa cho những thế hệ tương lai khỏi thảm họa chiến tranh đã hai lần trong một đời người gây cho nhân loại đau thương khôn xiết, tuyên bố một lần nữa sự tin tưởng vào những quyền cơ bản, nhân phẩm và giá trị của con người, ở quyền bình đẳng giữa nam và nữ, giữa các nước lớn và nhỏ. Quyền con người là một giá trị- một giá trị chung của toàn thể loài người và của mỗi dân tộc, là ”chuẩn mực chung cho tất cả các dân tộc và các quốc gia phấn đấu thực hiện” (the common standard of achievement for all peoples and all nations).
Hai điều đầu tiên của Tuyên ngôn khẳng định rằng: tất cả mọi người, không phân biệt, sinh ra đều tự do, bình đẳng về phẩm giá và các quyền và nhấn mạnh các nguyên tắc cơ bản của sự bình đẳng, không phân biệt trong việc hưởng các quyền và tự do cơ bản. 19 Điều tiếp theo (từ điều 3 đến điều 21) quy định các quyền dân sự và chính trị (civil and political rights) mà là con người phải được hưởng gồm:
- Quyền sống, quyền tự do và an ninh cá nhân (Điều 3);
- Quyền không bị làm nô lệ hoặc nô dịch (Điều 4);
- Quyền không bị tra tấn, bị đối xử hay trừng phạt tàn tệ vô nhân đạo (Điều 5);
- Quyền được thừa nhận tư cách như một con người trước pháp luật (Điều 6);
- Quyền bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ (Điều 7);
- Quyền được bảo vệ khỏi những hành vi vi phạm quyền con người bằng những toà án với những phương tiện pháp lý có hiệu lực (Điều 8).Quyền không bị bắt bớ, giam cầm hay đầy ải vô cớ (Điều 9);
- Quyền được xét xử công minh và công khai trước một toà án độc lập, không thiên vị (Điều 10);
- Quyền được coi là vô tội cho tới khi hành vi phạm tội được chứng minh, và không bị coi là phạm tội về một hành động mà trong thời gian xảy ra chưa cấu thành một tội hình sự (Điều 11);
- Quyền được luật pháp bảo vệ không bị can thiệp vào đời tư, gia đình, chỗ ở hoặc thư tín, không bị xâm hại danh dự hay uy tín cá nhân (Điều 12);
- Quyền tự do đi lại và cư trú, bao gồm quyền rời khỏi hoặc trở lại quốc gia của mình (Điều 13);
- Quyền tỵ nạn (Điều 14);
- Quyền có quốc tịch (Điều 15);
- Quyền tự do kết hôn và xây dựng gia đình (Điều 16);
- Quyền sở hữu tài sản riêng (Điều 17);
- Quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo (Điều 18);
- Quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt (Điều 19);
- Quyền tự do hội họp và lập hội (Điều 20);
- Quyền tham gia quản lí đất nước và tham gia bình đẳng vào các công việc chung của đất nước (Điều 21).
1.2.3. Công ước về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR)
Cùng với cơ chế quốc tế bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, những chuẩn mực quốc tế về quyền con người (international human rights standards) hay còn gọi là các quy phạm quốc tế về các quyền và tự do của con người là một bộ phận quan trọng cấu thành luật quốc tế về quyền con người. Về cơ bản, hệ thống các chuẩn mực quốc tế về quyền con người được chia thành quyền của cá nhân (individual rights) và các quyền đặc thù áp dụng cho một số nhóm người cụ thể, hay còn gọi là quyền của nhóm (group rights).
Tiếp cận từ phương diện lý luận, các quyền dân sự và chính trị được xếp vào thế hệ quyền con người thứ nhất. Thế hệ quyền con người này bao gồm các quyền có nguồn gốc chủ yếu từ các học thuyết chính trị ra đời trong thế kỷ XVII-XVIII; gắn liền với các cuộc cách mạng ở Anh, Pháp và Mỹ với khẩu hiệu về “quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Thế hệ quyền này được xem là các “quyền không hành động”. Đứng về góc độ nhà nước, đây là các quyền không hành động, vì nó liên quan đến nghĩa vụ không can thiệp của nhà nước đối với việc thụ hưởng quyền của cá nhân. Đối với người dân thì đó là quyền thụ động, vì người dân chỉ có các quyền này một cách đầy đủ dựa trên sự tôn trọng của nhà nước. Vì vậy, các quyền tự do cơ bản của cá nhân trong lĩnh vực dân sự, chính trị không chỉ được quy định trong hệ thống pháp luật quốc gia mà đồng thời được ghi nhận trong các điều ước quốc tế để đảm bảo rằng các quốc gia thực sự tôn trọng, bảo vệ những quyền trên.
Cùng với Tuyên ngôn nhân quyền thế giới, Công ước về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 đã thiết lập nên chuẩn mực toàn cầu về các quyền cơ bản của con người trong lĩnh vực dân sự, chính trị.