CHƯƠNG 2 THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ QUYỀN CON NGƯỜI TRONG
2.2. Pháp luật và thực tiễn về các quyền dân sự, chính trị theo pháp luật CHDCND Lào
Trong quá khứ, CHDCND Lào đã từng là thuộc địa của nước ngoài nhiều thập kỷ. Trong những năm tháng này, cuộc sống của nhân dân các bộ tộc Lào cực kỳ khó khăn và lạc hậu, các quyền cơ bản của người dân không được đảm bảo và thường xuyên bị xâm hại. Với tinh thần đoàn kết vốn có của nhân dân các bộ tộc Lào, dưới sự lãnh đạo của Đảng nhân dân cách mạng Lào và tư tưởng của Hồ Chí Minh, nhân dân các bộ tộc Lào đã đứng lên chiến đấu giải phóng đất nước thành công, giải phóng nhân dân khỏi ách thống trị của bọn đế quốc, thành lập nước CHDCND Lào, một nhà nước của dân, do dân và vì dân vào ngày 2 tháng 12 năm 1975 (Ngày này cũng được lấy làm ngày quốc khánh của Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào). Thế giới hiện còn biết đến Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào với một tên gọi khác nữa, đó là đất nước Triệu Voi. Về phương diện địa lý, Lào có diện tích khoảng 236.830 km2 và dân số khoảng 6,12 triệu người, trong đó phụ nữ khoảng 3,07 triệu người.
CHDCND Lào có biên giới trên bộ giáp với 5 quốc gia: Myanmar và Trung Quốc ở phía Tây bắc, Việt Nam ở phía Đông, Campuchia ở phía Nam và Thái Lan ở phía Tây.
Nước CHDCND Lào là một quốc gia có nhiều bộ tộc cùng sinh sống, Đảng và Nhà nước Lào luôn luôn cũng đề cao tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, xây dựng và triển khai đường lối chính sách đúng đắn, phù hợp về quản lý và phát triển đất nước trong từng thời kỳ.
Nước CHDCND Lào là một quốc gia độc lập có hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ. Hiện nay theo thống kê của Bộ tư pháp, Lào đã có gần 95 văn bản quy phạm pháp luật bao quát hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Cụ thể, ngoài Hiến pháp còn có những văn bản như, Luật hình sự, Luật tố tụng hình sự, Luật tố tụng dân sự, Luật về viện kiểm sát nhân dân, Luật về tòa án nhân dân, Luật sở hữu, Luật thừa kế và cơ sở về thừa kế tài sản, Luật án phí, Luật về sự ràng buộc trong hợp đồng, Luật quốc tịch Lào, Luật lao động, luật gia đình, Luật
về sự ràng buộc ngoài hợp đồng, Luật về kế toán, Luật bảo hiểm, Luật về công chứng, Luật tổ chức quốc hội, Luật về khuyến khích và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài, Luật doanh nghiệp, Luật thuế quan, Luật ngân sách nhà nước, Luật phá sản của doanh nghiệp, Luật tổ chức chính phủ, Luật ngân hàng nhà nước, Luật về nghĩa vụ quân sự, Luật đất đai, Luật điện lực, Luật vận chuyển đường bộ, Luật về nước và tài nguyên nước, Luật về khuyến khích đầu tư trong nước, Luật bầu cử đại biểu quốc hội, Luật về đảm bảo thực hiện nghĩa vụ theo hơp đồng, Luật về mỏ địa chất, Luật nông nghiệp, Luật bảo vệ môi trường, Luật về phát triển và bảo vệ phụ nữ, Luật bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em, Luật công đoàn, Luật về mặt trận xây dựng đất nước, Luật rừng, Luật bản quyền, Luật chống tham nhũng, Luật về giải quyết tranh chấp trong kinh tế... Thực tế lịch sử đã chứng minh cho thấy tinh thần đoàn kết của các dân tộc trong sự nghiệp giải phóng đất nước. Mặc dù hiện nay, Lào chưa có luật riêng quy định về vấn đề quyền dân sự- chính trị nhưng Lào đã “luật hóa” các quy định liên quan về quyền này vào trong pháp luật quốc gia. Cụ thể là trong Hiến pháp, Luật Dân sự, Luật Hình sự… và những văn bản pháp luật khác có liên quan.
Theo quy định của các công ước quốc tế về quyền con người, quốc gia thành viên phải xây dựng hệ thống pháp luật quốc gia phù hợp với yêu cầu của các công ước. Đây là một trong những nghĩa vụ bắt buộc của quốc gia thành viên vì những chuẩn mực quốc tế về quyền con người không thể nằm ngoài khuôn khổ pháp luật quốc gia. Khoản 2 Điều 2 Công ước về quyền dân sự và chính trị quy định: “… mỗi quốc gia thành viên của Công ước cam kết sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết phù hợp với quy trình nêu trong Hiến pháp của mình và những quy định của Công ước để ban hành pháp luật và những biện pháp cần thiết khác, nhằm mục đích thực hiện có hiệu quả các quyền được công nhận trong Công ước”. Các quy định tương tự cũng được đề cập trong Công ước về quyền dân sự- chính trị.
Ở Lào, quy định của các công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị được chuyển hóa vào pháp luật Lào thông qua hoạt động ban hành văn bản pháp
luật quốc gia mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật hiện hành để nội dung các văn bản đó phù hợp với các công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị mà Lào tham gia. Hiến pháp là một đạo luật có hiệu lực cao nhất được Quốc hội ban hành. Hiến pháp là thành quả chung của trí tuệ và sự đóng góp ý kiến của nhân dân trên toàn quốc, phản ánh ý chí và sự quyết tâm mạnh mẽ của cộng đồng cùng nhau hướng tới mục tiêu xây dựng thành công đất nước Lào trở thành nước hòa bình, tự do, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng.
Xuyên suốt 2 bản Hiến pháp của Lào, quyền dân sự và chính trị của công dân luôn luôn được đề cao. Quá trình xây dựng các bản Hiến pháp năm 1991 và 2003 cho thấy Lào đã quyết tâm đưa các nguyên tắc cơ bản được ghi nhận trong các công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị vào văn bản pháp luật có tính tối cao của đất nước. Đương nhiên ở mỗi bản Hiến pháp các quyền con người và quyền công dân không phải là sự sao chép lại các quy định của Hiến pháp trước mà luôn có sự vận động và phát triển theo nguyên tắc kế thừa biện chứng, ngày một hoàn chỉnh và phù hợp với các công ước quốc tế mà Lào là thành viên.
Sau khi gia nhập Công ước quan trọng trong lĩnh vực quyền con người là Công ước về quyền dân sự, chính trị, Hiến pháp năm 2003 lần đầu tiên đã đưa việc bảo vệ quyền con người thành nguyên tắc hiến định: “Các quyền của người dân đa sắc tộc là chủ đất nước được thực hiện và đảm bảo thông qua các hoạt động của hệ thống chính trị với Đảng Nhân dân Cách mạng Lào như hạt nhân hàng đầu của nó” (Điều 3) Quy định trên đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Lào. Đáp ứng yêu cầu của các công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị. Quyền con người trên lĩnh vực dân sự, chính trị có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống các quyền con người.
Pháp luật Lào về cơ bản đã chuyển hóa đầy đủ các quy định của Công ước về quyền dân sự, chính trị cũng như các công ước quốc tế có liên quan vào hệ thống pháp luật Lào. Hiến pháp năm 2003 ghi nhận các quyền dân sự, chính trị của con người như: Quyền bình đẳng trước pháp luật bình đẳng trước pháp luật không phân biệt giới tính, địa vị xã hội, giáo dục, tín ngưỡng và dân tộc. (Điều 35 Hiến
pháp 2003), quyền được bầu cử (Điều 36), quyền giáo dục và nâng cấp bản thân (Điều 38), quyền tự do đi lại và cư trú (Điều 40), quyền khiếu nại (Điều 41), quyền tự do tôn giáo (Điều 43), quyền tự do tiến hành nghiên cứu và áp dụng khoa học, kĩ thuật và công nghệ… mà không trái với pháp luật…(Điều 45)…
Nội dung các quyền này đã được cụ thể hóa trong nhiều văn bản pháp luật quan trọng, trực tiếp liên quan đến lĩnh vực dân sự, chính trị như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Bộ luật dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật khiếu nại… Có thể nói các văn bản pháp luật Lào đã thể hiện tương đối đầy đủ các quyền dân sự, chính trị được thừa nhận trong Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền và các công ước quốc tế về con người, đặc biệt là Công ước về quyền dân sự và chính trị. Thông qua hoạt động rà soát được tiến hành đối với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, từ Hiến pháp cho đến các Bộ luật, các luật, nghị quyết do Quốc hội ban hành đến các nghị định, nghị quyết do Chính phủ, Quyết định của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao và thông tư của các Bộ, ngành ban hành. Kết quả rà soát cho thấy hệ thống quy phạm pháp luật liên quan đến dân sự, chính trị bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, về cơ bản phù hợp với các chuẩn mực nền theo quy định của ICCPR. Cụ thể:
2.2.1. Quyền sống
Các quy định có tính nguyên tắc về bảo vệ nhóm quyền sống là những nguyên tắc đã được Hiến định và được cụ thể hóa, đảm bảo thực thi bởi hệ thống các quy phạm pháp luật quan trọng là Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản dưới luật (nghị định của Chính phủ, nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thông tư của các bộ ngành).
Cụ thể như sau:
Quy định của Hiến pháp: Quyền sống được ghi nhận và bảo đảm trong các bản Hiến pháp Lào dù không được quy định một cách trực tiếp như tại điều 6 của ICCPR. Điều 42 Hiến pháp2003 quy định: “Công dân Lào có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm”. Trên thực tế, các văn bản quy phạm pháp
luật trong nước đã có những quy định đảm bảo quyền sống, cụ thể là các văn bản pháp luật hình sự Lào và một số văn bản có những quy định liên quan như Bộ luật Hình sự năm 2005, Bộ luật Tố tụng hình sự 2012, Bộ luật Dân sự 2003, Luật Tố tụng dân sự năm 2004, Luật phát triển và bảo vệ phụ nữ 2004 và các văn bản dưới luật.
Quy định của pháp luật hình sự: Để đảm bảo quyền sống không bị tước đoạt một cách vô cớ dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, pháp luật hình sự Lào đã có nhiều quy định về hình phạt tử hình cụ thể theo hướng ngày càng thu hẹp phạm vi của hình phạt này. Theo quy định tại các điều 35 của Bộ luật hình sự năm 1989 thì tử hình được coi là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng (tức tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình). Đồng thời, pháp luật hình sự đã đưa ra nguyên tắc:
- Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội, đối với phụ nữ có thai khi phạm tội hoặc khi bị xét xử. Trong trường hợp này hình phạt tử hình chuyển thành tù chung thân.
- Trong trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình chuyển thành tù chung thân.
Hiện theo quy định của pháp luật hình sự Lào có các tội phạm phải chịu hình phạt tử hình, cụ thể như sau:
+ Các tội xâm phạm an ninh quốc gia: Tội phản quốc (Điều 51); Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 52); Tội gián điệp (điều 53); Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 55); Tội phá hoại cơ sở vật chất của nhà nước (Điều 56).
+ Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, danh dự của con người: Tội giết người (Điều 81); Tội hiếp dâm (Điều 119)
+ Các tội xâm phạm quyền sở hữu: Tội cướp tài sản (Điều 98) + Các tội phạm về ma túy: Điều 135
Quy định của pháp luật tố tụng hình sự: Theo quy định tại Điều 1 của Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) thì công dân có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng. Mọi hành vi xâm phạm tính mạng đều bị xử lý theo pháp luật. Người tham gia tố tụng bao gồm: người bị hại, người làm chứng và người thân của họ cũng như người tham gia tố tụng khác được pháp luật bảo vệ trong suốt quá trình tham gia tố tụng. Trường hợp người tham gia tố tụng bị đe dọa đến tính mạng thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ họ theo quy định của pháp luật.
Nguyên tắc này đã được cụ thể hóa một bước đối với người làm chứng, theo đó, người làm chứng có quyền yêu cầu cơ quan triệu tập họ bảo vệ tính mạng của mình khi tham gia tố tụng.
Thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi đưa ra thi hành, trong đó có việc thực hiện quyền xin Chủ tịch nước ân giảm án tử hình được quy định tại điều 107 của BLTTHS:
- Sau khi bản án tử hình có hiệu lực pháp luật, hồ sơ vụ án phải được gửi ngay lên Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và bản án phải được gửi ngay lên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải quyết định kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. (Điều 112, 113 BLTTHS).
- Bản án tử hình được thi hành nếu Chánh án Toà án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Trong trường hợp bản án tử hình bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm mà Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm Toà án nhân dân tối cao quyết định không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án tử hình, thì Toà án nhân dân tối cao phải thông báo ngay cho người bị kết án biết để họ làm đơn xin ân giảm án tử hình. Trong trường hợp người bị kết án xin ân giảm hình phạt tử hình thì bản án tử hình được thi hành sau khi Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm.
Quy định liên quan đến đảm bảo quyền sống trong lĩnh vực bồi thường thiệt hại: Bên cạnh những quy định trong Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, các quy định về đảm bảo và thực thi quyền sống được quy định trong một số văn bản như Bộ luật Dân sự 2003.
Về chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường, theo pháp luật Lào, chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm cá nhân, pháp nhân và Nhà nước. Bộ luật Dân sự quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân, pháp nhân về bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức gây ra và do người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra.
- Cá nhân chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với hành vi gây thiệt hại do mình trực tiếp gây ra hoặc do người chịu sự quản lý, nuôi dưỡng, người làm công, học nghề… gây ra. Cá nhân cũng chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tài sản do mình sở hữu, quản lý gây ra.
Các quy định khác liên quan đến việc bảo đảm quyền sống: Trong các chủ thể của pháp luật, phụ nữ là đối tượng dễ bị xâm phạm và cần có cơ chế pháp lý đặc biệt bảo vệ. Để đảm bảo các nhân quyền cơ bản cho phụ nữ trong đó có quyền sống, Lào đã xây dựng Luật phát triển và bảo vệ phụ nữ. Luật này quy định các quyền cơ bản, bổn phận của phụ nữ2004; trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc và phát triển nữ quyền.
Nhận xét, kiến nghị: Như vậy, đến Hiến pháp 2003, quyền sống đã được ghi nhận trực tiếp rõ ràng. Hệ thống pháp luật Lào đã có các quy định ghi nhận và đảm bảo quyền sống của cá nhân trong các luật chuyên ngành, về cơ bản là phù hợp với các quy định của pháp luật quốc tế. Để đảm bảo thực thi quyền sống, pháp luật Lào cũng ngày càng được hoàn thiện, từng bước xóa bỏ những bất cập, chồng chéo, loại bỏ các quy định không phù hợp với pháp luật quốc tế, bổ sung các quy định còn thiếu để đảm bảo thực hiện quyền sống, đặc biệt đã có nhiều nỗ lực hạn chế tối đa các hành vi xâm phạm tính mạng con người.
Các quy định của luật Hình sự Lào đã có các quy định ngày càng phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, một mặt chỉ quy định hình phạt tử