CHƯƠNG 3: KẾT QUẢ VÀ ĐÁNH GIÁ
3.1. Đặc điểm nắng nóng tại vùng núi Bắc Trung Bộ
3.1.6. Phân tích trường trung bình nhiều năm của áp cao cận nhiệt đới và áp thấp nóng phía tây trong thời kỳ gió mùa mùa hè
So sánh được tiến hành với độ cao địa thế vị mực 500mb trung bình từ tháng 5 đến tháng 10 qua hai thời kỳ chuẩn, từ năm 1971 đến 2000 và từ 1981 đến 2010. Hình 3.7 cho thấy, trong thời kỳ từ năm 1971-2000 áp cao cận nhiệt đới có độ lấn tây yếu hơn so với thời kỳ từ 1981-2010, độ lấn tây trong thời kỳ này ở khoảng 110oE, trong khi đó thời kỳ từ 1981-2010, hoàn lưu áp cao cận nhiệt đới bao phủ hầu khắp các tỉnh miền Bắc và miền Trung của Việt Nam với độ lấn tây khoảng 100oE.
Hình 3.7: Độ cao địa thế vị mực 500mb trung bình từ tháng 5 đến tháng 10 thời kỳ 1971-2000 (trái) và 1981-2010 (phải).
Hình 3.8: Độ cao địa thế vị mực 500mb trung bình từ tháng 5 đến tháng 10 thời kỳ 1991-2000 (trái) và 2001-2010 (phải)
So sánh được tiến hành với độ cao địa thế vị mực 500mb trung bình từ tháng 5 đến tháng 10 qua một thập kỳ từ năm 1991-2000 và 2001 đến 2010 qua hình 3.8, hầu như không có sự biến đổi nhiều của vị trí trục và độ lấn tây của hệ thống áp cao cận nhiệt đới qua hai thập kỷ này.
Hình 3.9: Áp suất bề mặt trung bình từ tháng 5 đến tháng 10 thời kỳ 1971-
2000 (trái) và 1981-2010 (phải)
Hình 3.10: Áp suất bề mặt biển trung bình từ tháng 5 đến tháng 10 thời kỳ 1991-2000 (trái) và 2001-2010 (phải)
So sánh được tiến hành với áp suất bề mặt biển trung bình từ tháng 5 đến tháng 10 qua hai thời kỳ chuẩn, từ năm 1971 đến 2000 và từ 1981 đến 2010. Hình 3.10 cho thấy, vị trí và độ mở rộng của vùng áp thấp nóng qua hai giai đoạn này hầu như không có sự biến đổi. Trường áp suất mực biển trung bình mô phỏng rõ ràng vùng áp thấp nóng phía tây với vùng tâm áp thấp nóng ở phần lục địa Trung Quốc và vùng áp thấp này mở rộng và ảnh hưởng đến nền nhiệt tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ tại Việt Nam. Gió tây nam của vùng áp thấp nóng này khi vượt qua dãy Trường Sơn và thổi đến khu vực Trung Bộ sẽ trở nên khô nóng hơn, đây cũng là nguyên nhân gây ra nắng nóng trở nên gay gắt hơn đặc biệt tại các tỉnh vùng núi phía tây của Bắc Trung Bộ.
Tuy nhiên, trong hình 3.10, so sánh trong hai thập kỳ 1990-2000 và 2001-2010, áp suất bề mặt biển trong thập kỷ 1990-2000 hoạt động yếu hơn so với 2001-2010. Đánh giá lại số đợt nắng nóng trung bình qua hai thập kỷ này tại khu vực vùng núi Bắc Trung Bộ, qua bảng 3.11 nhận thấy, số đợt nắng nóng trung bình tại hai thập kỷ lần lượt là 48 và 52 đợt. Như vậy, số đợt nắng nóng trung bình từ 1990-2000 ít hơn so với từ 2001-2010.
Hình 3.11: Số đợt nắng nóng trung bình từ 1991-2000 và từ 2001-2010.
Qua các phân tích trong hai thời kỳ chuẩn và hai thập kỷ riêng lẻ, nhận thấy hệ thống áp cao cận nhiệt đới và sự mở rộng của vùng áp thấp nóng có liên hệ chặt chẽ với số ngày nắng nóng trên khu vực bắc Trung Bộ. Nắng nóng tại khu vực bắc Trung Bộ có thể gây ra bởi vùng áp thấp nóng phía tây hay do sự bao phủ của áp cao cận nhiệt đới, hoặc có thể đồng thời hai nhân tố trên. Nếu chịu tác động đồng thời của hai nhân tố thì nắng nóng của các tỉnh Trung Bộ sẽ trở nên gay gắt và kéo dài hơn. Những đợt nắng nóng này chỉ thực sự chấm dứt khi có tác động của hai nguyên nhân chủ yếu sau: thứ nhất là do tác động của không khí lạnh thường vào tháng 5 hay tháng 10 sẽ làm suy yếu vùng áp thấp nóng, đồng thời sẽ gây ra hình thế rãnh áp thấp bị nén, hình thế này sẽ gây mưa cho các tỉnh miền Bắc và sẽ chấm dứt nắng nóng.
Thứ hai là do sự rút ra của áp cao cận nhiệt đới, khu vực sẽ ở rìa của áp cao cận nhiệt đới, đồng thời gió mùa tây nam ở phía nam hoạt động mạnh tạo điều kiện hình thành dải hội tụ nhiệt đới qua Trung Bộ, dải hội tụ này sẽ gây mưa và chấm dứt nắng nóng trên khu vực.