CHƯƠNG 3: KẾT QUẢ VÀ ĐÁNH GIÁ
3.5. Phân tích EOF với các năm xảy ra cực trị nắng nóng
3.5.2. Áp cao cận nhiệt đới
Theo hình 3.19 a, c, e, hệ thống áp cao cận nhiệt đới được thể hiện rõ nét là hình thế chính tác động đến khu vực nghiên cứu với mức độ đóng góp lần lượt là 82%, 91% và 88%, trong đó các năm 1998 và 2010 thể hiện sống áp cao từ hệ thống áp cao cận nhiệt nhánh phía tây, trong khi đó năm 2015 là sự bao trùm của hệ thống dòng giáng của áp cao cận nhiệt đới. Như vậy trong ba năm cực trị được xét, trong năm 1998 và năm 2015, vùng áp thấp nóng phía tây có thể đóng góp vai trò nhiều hơn số ngày nắng nóng gia tăng tại vùng núi bắc Trung Bộ; trong khi đó năm 2010, vai trò của hai nhân tố trên là tương đương như nhau.
(a) (b)
(c) (d)
(e) (f)
Hình 3.19: Phân tích EOF trường độ cao địa thế vị mực 500mb từ tháng 5 đến tháng 10
a), b) Phép phân tích EOF mode 1 năm 1998 theo không gian và thời gian.
c), d) Phép phân tích EOF mode 1 năm 2010 theo không gian và thời gian e), f) Phép phân tích EOF mode 1 năm 2015 theo không gian và thời gian
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 1. Kết luận
Luận văn đã tiến hành phân tích về đặc điểm nắng nóng tại vùng núi Bắc Trung Bộ trong 32 năm trở lại đây, từ năm 1985 đến năm 2016 và nhận được các kết luận như sau:
Hai hình thế thời tiết điển hình nhất để gây ra nắng nóng trên khu vực là áp thấp nóng phía tây và áp cao cận nhiệt đới tây Thái Bình Dương.
Số ngày có nắng nóng tại vùng núi Bắc Trung Bộ tập trung nhiều nhất từ tháng 5 đến tháng 7, trung bình cả khu vực mỗi tháng có từ 10 đến 13 ngày nắng nóng; tiếp đến các tháng 4 và tháng 8 có số ngày nắng nóng giảm xuống, còn khoảng từ 5 đến 7 ngày trong một tháng. Tháng 3 và tháng 9 mỗi tháng có xấp xỉ từ 2 đến 3 ngày có nắng nóng. Tổng số ngày nắng nóng trong năm trên toàn vùng dao động ở khoảng 51 ngày, trong đó ở Tương Dương (Nghệ An) và Nam Đông (Huế) có số ngày nắng nóng nhiều nhất, xấp xỉ 86 đến 88 ngày/năm, thấp nhất là A Lưới với xấp xỉ chỉ khoảng từ 1 đến 2 ngày/năm và Khe Sanh cũng chỉ từ11 đến 12 ngày/năm có nắng nóng.
Phân tích theo hàm phân bố tần suất Pearson loại III, tần suất 1% (ứng với 100 năm mới xuất hiện một lần), nhiệt độ tối cao tại vùng núi Bắc Trung Bộ có thể lên đến 43.8 đến 43.9oC; riêng Khe Sanh và A Lưới, con số này dao động từ 37.1 đến 40.1oC.
Trong toàn bộ chuỗi số liệu, ba năm có số ngày nắng nóng cực trị tại vùng núi bắc Trung Bộ đều có liên quan đến hiện tượng El Nĩno. Cụ thể, từ năm 2014 đến 2015 là pha El Nĩno yếu, từ 2015 đến 2016 chuyển sang El Nĩno mạnh, số ngày nắng nóng tại khu vực Trung Bộ đã đạt kỷ lục trong năm 2015 với xấp xỉ 87 ngày, đến năm 2016 có giảm hơn nhưng cũng lên đến 69 ngày (hơn trung bình nhiều năm khoảng 17 ngày). Năm 1997 đến 1998 là pha El Nĩno mạnh, số ngày nắng nóng tại khu vực Trung Bộ cũng lên đến 75 ngày (hơn trung bình nhiều năm 23 ngày). Tiếp theo, từ năm 2009 đến năm 2010 là
pha El Nĩno trung bình, số ngày nắng nóng của khu vực cũng đạt 73 ngày (hơn trung bình nhiều năm 21 ngày).
Luận văn chứng minh được tồn tại mối liên hệ chặt chẽ giữa thời điểm bắt đầu gió mùa mùa hè trên khu vực bán đảo Đông Dương – Việt Nam và sự gia tăng nhiệt độ trên khu vực Bắc Trung Bộ ở nước ta. Cùng pha với thời điểm bắt đầu gió mùa mùa hè là sự hoạt động tăng cường của áp thấp nóng Ấn Độ - Pakistan, tâm nóng này dần chi phối, ảnh hưởng tới chế độ nhiệt toàn bộ khu vực từ Ấn Độ, Pakistan tới Đông Dương-Việt Nam. Trước và sau thời điểm bắt đầu gió mùa mùa hè khoảng 20 ngày, số ngày nắng nóng trên khu vực Bắc Trung Bộ đã tăng xấp xỉ 50%. Mặc dù chưa thực hiện đánh giá về độ tin cậy nhưng trong 32 năm (1985-2016) vừa qua tồn tại xu thế giảm/tăng nhiệt độ ở thời kỳ trước/sau ngày bắt đầu mùa GMMH trên khu vực lục địa Nam Á.
Luận văn cũng đã sử dụng phương pháp hàm trực giao tự nhiên (EOF) để phân tích mức độ đóng góp của hai hình thế điển hình là áp thấp nóng phía tây và áp cao cận nhiệt đới tây Thái Bình Dương với những nhận xétnhư sau:
Trong thời kỳ chuẩn (1981-2010), áp cao cận nhiệt đới có mức đóng góp nhiều hơn về sự gia tăng nắng nóng tại vùng núi Bắc Trung Bộ, tuy nhiên trong giai đoạn gần đây từ năm 2011-2017, vùng áp thấp nóng phía tây lại chiếm ưu thế hơn với mức đóng góp là 70%.
Xét trong những năm xảy ra số ngày nắng nóng cực trị, vùng áp thấp nóng phía tây lại là nhân tố chính làm gia tăng số ngày nắng nóng trên khu vực bắc Trung Bộ, điều này thể hiện rõ nhất trong các năm 1998 và 2015.
2. Kiến nghị
Sau khi thực hiện đề tài này, chúng tôi xin đề xuất một số kiến nghị như sau:
Tiếp tục thực hiện các nghiên cứu sâu hơn về cơ chế, nguyên nhân gây ra hiện tượng nắng nóng ở khu vực Bắc Trung Bộ theo các phương pháp khác nhau trên chuỗi số liệu có độ dài lớn hơn, từ đó so sánh, đánh giá với kết quả nhận được từ luận văn này về vai trò đóng góp của từng trung tâm khí áp. Các
nghiên cứu tiếp theo có thể đặt trong mối liên hệ với diễn biến nắng nóng toàn quốc và khu vựcĐông Nam Á, và xem xét trong bối cảnh biến đổi khí hậu.