CHƯƠNG II. CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO, NGÀNH, CHUYÊN NGÀNH KHOA CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRƯỜNG ĐH SPKT HƯNG YÊN, TRIỂN VỌNG NGHỀ NGHIỆP
A. TÌM HIỂU VỀ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
1.Giới thiệu chung
Khoa Công nghệ Thông tin quản lý, tổ chức giảng dạy Ngành Công nghệ thông tin ở các trình độ Đại học, Cao đẳng, năm 2015 đã bắt đầu đào tạo trình độ Thạc sỹ.
Chương trình đào tạo Đại học ngành Công nghệ thông tin được xây dựng theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng. Chương trình được xây dựng dưới sự hợp tác, hỗ trợ của dự án cho chính phủ Hà Lan tài trợ (gọi tắt là Dự án Hà Lan).
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên là một trong số 8 trường trên cả nước được hưởng chương trình Dự án phát triển chương trình đào tạo theo định hướng nghề nghiệp. Tại Trường, Khoa Công nghệ Thông tin là một trong 2 khoa được tham gia dự án này.
Mục tiêu chính của chương trình đào tạo theo định hướng nghề nghiệp là đào tạo ra các kỹ sư là những người có kỹ năng nghề nghiệp thành thạo, có khả năng tham gia ngay vào thị trường lao động mà không cần hoặc ít phải đào tạo bổ sung, đây cũng là ưu điểm chính mà các chương trình đào tạo hàn lâm trước đây hoặc ở một số các trường khác hiện tại không có được. Sở dĩ có được ưu điểm trên là do trong quá trình đào tạo có sự gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, các nội dung đào tạo sát với thực tế công việc, trang thiết bị sử dụng đào tạo cũng là các trang thiết bị được sử dụng thực tế ngoài doanh nghiệp hoặc tiệm cận gần với các trang thiết bị này.
Tại Khoa cho đến nay đã có 3 khóa sinh viên tốt nghiệp theo chương trìnhnày ra trường. Nhiều em đã tìm được việc làm có mức thu nhập cao, tự khẳng định được bản thân.
Sau gần chục năm triển khai đào tạo, chương trình đã có nhiều điều chỉnh, cập nhật bổ sung để theo kịp, đi tắt đón đầu các xu thế phát triển của xã hội, khoa học kỹ thuật. Hiện nay chương trình đã được xây dựng theo hướng giảm tải cho sinh viên. Ngoài hoạt động học tập trên lớp, sinh viên chủ động thực hiện các hoạt động học tập tại nhà theo hướng dẫn của giảng viên. Sinh viên được tham gia các dự án, làm việc theo nhóm ngay từ khi mới bắt đầu khóa học. Do
vậy đã góp phần tích cực trong phát triển kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm, khả năng làm việc theo nhóm cũng như làm việc độc lập.
Tất cả các sinh viên đều được gia đồ án tốt nghiệp thay vì thi một số học phần. Đây là cơ hội tốt để sinh viên phát triển kỹ năng của bản thân lên một tầm cao mới, là dịp để sinh viên thể hiện các kiến thực, kỹ năng của mình sau các năm học tập tại Trường.
Việc được tham gia sớm vào hoạt động nhóm, thực hiện các đồ án xuyên suốt quá trình học tập và đồ án tốt nghiệp đã giúp sinh viên có điều kiện tích lũy kinh nghiệm, sẵn sàng tham gia ngay thị trường lao động sau khi hoàn thành khóa học. Nhiều em đã được doanh nghiệp tiếp nhận thực tập, làm việc bán thời gian hay cộng tác ngay khi còn ngồi ghế nhà trường, trong các đợt thực tập ngoài doanh nghiệp.
Các chương trình đào tạo khác (ĐHLT, VLVH, Cao đẳng chính quy và liên thông) được xây dựng trên cơ sở tham chiếu chương trình đại học chính quy theo định hướng nghề nghiệp. Do vậy các chương trình này đều thừa hưởng được các ửu điểm của chương trình đào tạo đại học chính quy.
Ngoài triết lý xây dựng chương trình theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng theo dự án Hà Lan, chương trình đào tạo ĐHCQ của khoa cũng như các chương trình đào tạo khác còn được thừa hưởng các ưu điểm từ chương trình đào tạo Lập trình viên quốc thế của Aptech - Ấn Độ. Khoa công nghệ thông tin là đơn vị duy nhất tại Trường và đầu tiên tại Hưng Yên có hợp tác đạo tạo với Aptech Ấn Độ, một đơn vị đào tạo nhân lực công nghệ thông tin, đặc biệt là các lập trình viên, có đáp ứng được các yêu cầu thực tế ngoài doanh nghiệp. Học viên có được chứng chỉ Lập trình viên quốc tế của Aptech dễ dàng tìm việc tại các doanh nghiệp phát triển phần mềm không chỉ trong nước mà ở cả nước ngoài với mức lương cao. Khoa đã sớm nhận thấy các ưu điểm lớn của chương trình đào tạo này và kế thừa, ứng dụng vào đào tạo các chương chình chính quy tại Khoa.
2. Chương trình đào tạo 2.1 Mục tiêu đào tạo chung a. Về kiến thức
Sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin được trang bị các kiến thức cơ bản và chuyên sâu về Công nghệ thông tin, cũng như được định hướng một số vấn đề hiện đại tiệm cận với kiến thức chung về Công nghệ thông tin của thế giới.
b. Về kỹ năng
Sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin được đào tạo kỹ năng thực hành cao trong hầu hết các lĩnh vực của Công nghệ thông tin, cho phép sinh viên tốt nghiệp dễ dàng hòa nhập và phát triển trong môi trường làm việc mới. Ngoài ra, sinh viên ngành Công nghệ thông tin cũng được trang bị kỹ năng tự học tập, nghiên cứu, làm việc theo nhóm và kỹ năng giao tiếp.
c. Về thái độ
Sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin có phẩm chất chính trị tốt, có ý thức tổ chức kỷ luật, có tác phong làm việc khoa học, nghiêm túc, có đạo đức nghề nghiệp về bảo vệ thông tin, bản quyền, có tinh thần làm việc theo nhóm, rèn luyện thường xuyên tính kỷ luật và khả năng giao tiếp.
2.2 Ngoài các mục tiêu chung, sinh viên được đào tạo với các mục tiêu bổ sung cho mỗi chuyên ngành:
a.Chuyên ngành công nghệ phần mềm
Nắm vững kiến thức cơ bản: ngôn ngữ lập trình, phương pháp lập trình(hướng đối tượng, mẫu thiết kế, thuật toán...), tư duy lập trình phải đúng đắn và tối ưu. Nắm vững các nguyên lý và phương pháp điều khiển các hệ thống thông qua máy tính.
b.Chuyên ngành Kỹ thuật máy tính
Nắm vững kiến thức tổng quát về quy trình xây dựng, quản lý và bảo trì hệ thống phần mềm; có khả năng phân tích, thiết kế và quản lý các dự án phần mềm; cung cấp phương pháp luận và công nghệ mới để sinh viên có thể nắm bắt và làm chủ các tiến bộ khoa học. Sinh viên được cung cấp kiến thức cơ bản về tổ chức và quản lý công nghệ phần mềm để có khả năng xây dựng mô hình và áp dụng các nguyên tắc của công nghệ phần mềm vào thực tế. Nắm vững các
nguyên lý cơ bản và thực tiễn trong lĩnh vực kỹ thuật máy tính, đặc biệt là lĩnh vực thiết kế vi mạch
c.Chuyên ngành Mạng và truyền thông
Nắm vững kiến thức cơ bản và chuyên sâu về Mạng và truyền thông máy tính, đáp ứng yêu cầu về nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực mạng và truyền thông máy tính.Có khả năng thiết kế, chế tạo, bảo trì, sản xuất, thử nghiệm, quản lý các hệ thống mạng và truyền thông máy tính.
d. Các vị trí có thể đảm nhận sau khi tốt nghiệp
Sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin có khả năng tham mưu tư vấn và có khả năng thực hiện nhiệm vụ với tư cách như một chuyên viên trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, đáp ứng các yêu cầu về nghiên cứu và ứng dụng Công nghệ thông tin của xã hội. Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể tiếp tục học tập, nghiên cứu và phát triển ngành Công nghệ thông tin trong tương lai.