CHƯƠNG 2: LƯỢC KHẢO TÀI LIỆU 2.1. Giới thiệu chung về tỉnh An Giang
2.2. Tổng quan về đất đai
Theo Võ Quốc Thắng (2014):
- Đất theo nghĩa thổ nhưỡng là vật thể thiên nhiên có cấu tạo độc lập lâu đời, hình thành do kết quả của nhiều yếu tố: đá mẹ, động thực vật, khí hậu, địa hình, thời gian. Giá trị tài nguyên đất được đánh giá bằng số lượng diện tích (ha) và độ phì nhiêu, màu mỡ.
- Đất đai là một nhân tố sinh thái, với khái niệm này đất đai bao gồm tất cả các thuộc tính sinh học và tự nhiên của bề mặt trái đất có ảnh hưởng nhất định
đến tiềm năng và hiện trạng sử dụng đất. Đất theo nghĩa đất đai bao gồm:
yếu tố khí hậu, địa hình, địa mạo, tính chất thổ nhưỡng, thuỷ văn, thảm thực vật tự nhiên, động vật và những biến đổi của đất do tác động của con người.
- Về mặt đời sống - xã hội, đất đai là nguồn tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất không gì thay thế được của ngành sản xuất nông - lâm nghiệp, là thành phần quan trọng hàng đầu của môi trường sống, là địa bàn phân bố khu dân cư, xây dựng cơ sở kinh tế, văn hoá và an ninh quốc phòng. Nhưng đất đai là tài nguyên thiên nhiên có hạn về diện tích, có vị trí cố định trong không gian.
Theo FAO, 1976 (trích dẫn bởi Lê Quang Trí, 2010), đất đai bao gồm điều kiện tự nhiên, khí hậu, địa hình, đất, nước và thực vật trong phạm vi ảnh hưởng đến tiềm năng sử dụng đất đai. Điều đó còn bao gồm các hoạt động của con người trong quá khứ và hiện tại.
Tuy nhiên đến năm 1993, trong Hội nghị quốc tế về môi trường ở Rio De Janero, Brazil (1993), thì đất đai về mặt thuật ngữ khoa học được hiểu theo nghĩa rộng thì xác định đất đai là “ diện tích cụ thể trên bề mặt trái đất, bao gồm tất cả các cấu thành của môi trường sinh thái ngay trên bề mặt đó, bao gồm: khí hậu bề mặt, thổ nhưỡng, dạng địa hình, mặt nước (hồ, sông, suối, đầm lầy), các lớp trầm tích sát bề mặt, cùng với nước ngầm và khoáng sản trong lòng đất, tập đoàn thực vật và động vật, trạng thái định cư của con người, những kết quả của con người trong quá khứ và hiện tại để lại (san nền, hồ chứa nước, hay hệ thống thoát nước, đường xá, nhà cửa…), trích dẫn bởi Lê Quang Trí (2010).
Như vậy đất đai có thể bao gồm: khí hậu, đất, nước, địa hình/địa chất, thực vật, động vật, vị trí, diện tích và kết quả hoạt động của con người.
2.2.2. Chức năng của đất đai
Theo FAO (1993) (trích dẫn bởi Lê Quang Trí, 2010), đất đai có những chức năng sau:
- Chức năng sản xuất: Đất đai là nền tảng cho hệ thống hỗ trợ sự sống, thông qua việc sản xuất sinh khối để cung cấp lương thực, thực phẩm, chăn nuôi, sợi, dầu, gỗ và các vật liệu sinh vật sống khác cho con người sử dụng, một cách trực tiếp hay thông qua các vật nuôi như nuôi trồng thủy sản và đánh bắt thủy sản vùng ven biển.
- Chức năng về môi trường sống: Đất đai là nền tảng của đa dạng hóa sinh vật trong đất thông qua việc cung cấp môi trường sống cho sinh vật và
nơi dự trữ nguồn gen cho thực vật, động vật, và vi sinh vật, ở trên và bên dưới mặt đất.
- Chức năng điều hòa khí hậu: Đất đai và sử dụng đất đai là nguồn và nơi chứa khí ga từ nhà kính hay hình thành một một sự cân bằng năng lượng toàn cầu giữa phản chiếu, hấp thu hay chuyển đổi năng lượng bức xạ mặt trời và của chu kỳ thủy văn của toàn cầu.
- Chức năng nước: Đất đai điều hòa sự tồn trử và lưu thông của nguồn tài nguyên nước mặt và nước ngầm, và những ảnh hưởng chất lượng của nước.
- Chức năng tồn trữ: Đất đai là kho chứa các vật liệu và chất khoáng thô cho việc sử dụng của con người.
- Chức năng kiểm soát chất thải và ô nhiễm: Đất đai có khả năng hấp thụ, lọc, đệm và chuyển đổi những thành phần nguy hại.
- Chức năng không gian sống: Đất đai cung cấp nền tảng tự nhiên cho việc xây dựng khu dân cư, nhà máy và những hoạt động xã hội như thể thao.
- Chức năng bảo tồn di tích lịch sử: Đất đai còn là nơi chứa đựng và bảo vệ các chứng tích lịch sử văn hóa của loài người, và nguồn thông tin về các điều kiện khí hậu và những sử dụng đất đai trong quá khứ.
- Chức năng nối liền không gian: Đất đai cung cấp không gian cho sự vận chuyển của con người, đầu tư và sản xuất, và cho sự di chuyển của thực vật, động vật giữa những vùng riêng biệt của hệ sinh thái tự nhiên.
Khả năng phù hợp của đất đai cho các chức năng này thay đổi rất lớn trên thế giới. Những đơn vị sinh cảnh, như các đơn vị nguồn tài nguyên thiên nhiên, có những biến động riêng trong bản thân đó, nhưng những ảnh hưởng của con người thì tác động mạnh hơn trong những biến đổi này trong cả không gian lẫn thời gian. Những chất lượng đất đai cho một hoặc hơn một chức năng có thể được cải thiện, thí dụ như phương pháp kiểm soát xoái mòn, nhưng những hoạt động này thường ít hơn là những hoạt động làm suy thoái đất của con người.
Sự suy thoái đất đai đã và đang trầm trọng hơn ở những nơi sử dụng đất đai không có quy hoạch, hay những lý do khác về pháp chế hay tài chánh làm cho các quyết định sử dụng đất đai sai hay chỉ có quy hoạch một chiều từ trung ương xuống mà không tham khảo ý kiến thực tế của địa phương đưa đến việc khai thác quá độ nguồn tài nguyên. Hậu quả của các hành động này là làm cho một số lớn người dân địa phương ngày càng gặp khó khăn trong cuộc sống và đồng thời cũng phá hủy dần hệ sinh thái có giá trị. Như thế,
những phương pháp hạn hẹp cần phải được thay thế bằng một kỹ thuật mới trong quy hoạch và quản lý nguồn tài nguyên đất đai, đó là tổng hợp hay tổng thể và đặt người sử dụng đất đai là trung tâm. Điều này sẽ bảo đảm chất lượng lâu dài của đất đai do con người sử dụng, hạn chế hay có những giải pháp cho các mâu chuẩn về mặt xả hội liên quan đến sử dụng đất đai và bảo vệ hệ sinh thái có các giá trị đa dạng sinh học cao.
2.2.3 Khái niệm bản đồ đất
Theo Đỗ Nguyên Hải và Hoàng Văn Mùa (2007), bản đồ đất là một loại bản đồ chuyên đề. Bản đồ đất thể hiện sự phân bố theo không gian các loại đất có trong một vùng lãnh thổ hay một đơn vị hành chính (Xã, Huyện, Tỉnh, Vùng, Quốc gia, Châu lục, Thế giới). Bản đồ đất được xây dựng trên bản đồ địa hình thường gọi là (bản đồ nền) ở các tỷ lệ khác nhau từ kết quả điều tra, nghiên cứu phân loại đất. Bản đồ đất là tài liệu cơ bản quan trọng, là căn cứ xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản.
Đánh giá đất, phân hạng đất, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch thiết kế nông nghiệp, lâm nghiệp đều phải dựa vào cơ sở bản đồ đất. Xây dựng bản đồ đất là sự thể hiện kết quả điều tra, nghiên cứu phân loại đất lên bản đồ.
Theo Võ Quang Minh và ctv (2012), bản đồ đất là bản đồ cho thấy sự phân bố của các loại đất hay những đặc tính đất (pH, sa cấu, chất hữu cơ, độ sâu của đất,…) trong một vùng mong muốn. Đây là sản phẩm của kết quả khảo sát thống kê đất.
* Mục đích xây dựng bản đồ đất
Theo Võ Quang Minh và ctv (2012), việc điều tra khảo sát lập bản đồ đất là một công trình khoa học nhằm mục đích:
- Xác định rõ tài nguyên về các mặt: Loại hình khác nhau của đất, những đặc tính quan trọng của đất.
- Thành lập các đơn vị đất đai (contour) đất hay ranh giới giữa các loại đất khác nhau.
- Tiên đoán khả năng hữu dụng của đất thông qua các loại cây trồng khác nhau, đồng cỏ, cây rừng để tạo ra các sản phẩm dưới những hệ thống quản lý khác nhau để từ đó đề xuất các kế hoạch biện pháp sử dụng đất hợp lý, khai hoang mở rộng diện tích, thâm canh tăng vụ, bảo vệ, bồi dưỡng và cải tạo đất.