Chương 7. ĐỀ XUẤT CÁC PHƯƠNG ÁN VÀ GIẢI PHÁP NHÂN RỘNG CÁC MÔ HÌNH THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU Ở MIỀN TRUNG
7.1. ĐỀ XUẤT PHƯƠNG ÁN NHÂN RỘNG CÁC MÔ HÌNH
Với quan niệm rằng, các mô hình thích ứng với BĐKH dự tính đề xuất nhân rộng cho các địa phương khác phải là những mô hình đặc trưng cho từng loại hình:
trồng trọt, chăn nuôi, tổng hợp,….; là mô hình có khả năng thích ứng cao với BĐKH, có hiệu quả cao về kinh tế và xã hội, góp phần đáng kể vào việc ngăn chặn suy thoái, ô nhiễm môi trường và hướng tới sự phát triển bền vững miền Trung – nơi thường xuyên đối mặt với những tai biến thiên nhiên do BĐKH gây ra.
Việc nhân rộng các mô hình thích ứng với BĐKH ở miền Trung phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu dưới đây:
- Mô hình được đề xuất nhân rộng phải thích ứng tốt với BĐKH, cụ thể là đạt điểm cao trong đánh giá khả năng thích ứng với BĐKH theo Bộ tiêu chí trong bảng 5.1, chương 5; được xếp hạng khá cao và cao trong bảng phân hạng các mô hình thích ứng với BĐKH (Bảng 5.24, chương 5) .
- Mô hình đề xuất nhân rộng phải có suất đầu tư thấp, mức chấp nhận được đối với vùng đất còn nghèo khó của miền Trung; có công nghệ không quá phức tạp để người nông dân có thể tiếp nhận được; có tính khả thi trong xây dựng và triển khai mô hình tại các địa phương.
- Địa điểm nhân rộng mô hình có điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội tương đồng với điều kiện của nơi có mô hình được chọn để nhân rộng.
- Địa điểm nhân rộng mô hình có những biểu hiện BĐKH tương đồng về hạn hán, lũ, bão, ngập lụt như ở nơi có mô hình dự kiến nhân rộng.
- Cư dân địa phương sẵn sàng chấp nhận và tích cực trong việc xây dựng mô hình thích ứng với BĐKH.
- Chính quyền địa phương ủng hộ cộng đồng dân cư trong việc nhân rộng mô hình thích ứng với BĐKH.
Căn cứ vào các quan niệm và yêu cầu nêu trên, báo cáo tổng hợp đề tài đưa ra 03 phương án nhân rộng các mô hình thích ứng với BĐKH.
7.1.1. Phương án 1
Nhân rộng 4 mô hình đã được xây dựng thử nghiệm tại 4 địa phương của miền Trung, gồm:
- Mô hình Nhà chòi thích ứng với lũ lụt tại xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh;
303
- Mô hình Nuôi cá lồng thích ứng với bão, lũ lụt và nước biển dâng ven đầm phá Tam Giang – Cầu Hai tại xã Quảng Công, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên;
- Mô hình Hệ thống tưới tiết kiệm nước để trồng cỏ nuôi bò trong điều kiện khô hạn ở xã Phổ An, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi;
- Mô hình Trồng rau thích ứng với hạn hán tại vùng đất cát hoang mạc ở xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.
Kết quả xây dựng thử nghiệm những mô hình này được đánh giá là rất thành công ở các khía cạnh vừa thích ứng với BĐKH, vừa mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao và đồng thời góp phần cải thiện môi trường ở địa phương. Chính vì thế, 04 mô hình này rất được cộng đồng người dân hưởng ứng và tích cực học tập làm theo, đồng thời chính quyền địa phương rất ủng hộ để nhân rộng. Địa bàn nhân rộng 04 mô hình này là những địa phương có điều kiện tương tự với nơi hình thành các mô hình này.
1) Nhân rộng mô hình Nhà chòi thích ứng với lũ lụt ở xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, mã mô hình HT.kh.38, đã được mô tả và diễn giải tại mục 6.3.2.1 ở chương 6:
Đối với mô này nên nhân rộng ngay tại các xã trên sông Ngàn Sâu. Các xã ở lưu vực sông Ngàn Phố cũng nên nhân rộng mô hình này.
Ngoài ra, mô hình này có thể áp dụng và nhân rộng cho xã Thạch Định, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.
2) Nhân rộng mô hình Nuôi cá lồng thích ứng với bão, lũ lụt và nước biển dâng ven đầm phá Tam Giang - Cầu Hai tại xã Quảng Công, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, mã mô hình TTH.ntts.19, đã được mô tả và diễn giải tại mục 6.3.2.2 ở chương 6:
Mô hình này có thể và cần được nhân rộng cho các xã của các huyện, thị xã ven đầm phá Tam Giang - Cầu Hai như Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Hương Thủy, Phú Lộc.
Ngoài ra, có thể nhân rộng mô hình này tại:
- Đầm Đề Gi, đầm Thị Nại ở tỉnh Bình Định;
- Đầm Ô Loan và vịnh Xuân Đài ở tỉnh Phú Yên.
Tuy nhiên, ở mỗi hệ thống đầm ở các địa phương nói trên có chất lượng môi trường nước khác nhau, do vậy để nhân rộng mô hình này thành công cần lưu ý chọn loài cá nuôi trong mô hình phải phù hợp với môi trường ở đó, đồng thời cũng phải phù hợp với chủ trương, chính sách và nhu cầu thị trường của địa phương.
3) Nhân rộng mô hình Hệ thống tưới tiết kiệm nước để trồng cỏ nuôi bò trong điều kiện khô hạn ở xã Phổ An, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, mã mô hình QNg.th.36, được mô tả và diễn giải tại mục 6.3.2.3 ở chương 6:
304
Đề xuất nhân rộng mô hình này cho cộng đồng dân cư ngay tại xã Phổ An.
Ngoài ra, một số xã của các các huyện ven biển tỉnh Quảng Ngãi như Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức cũng nên tham khảo và áp dụng.
Ngoài ra, mô hình này có thể nhân rộng ra các xã đất cát ven biển nơi thường bị khô hạn của các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận.
4) Nhân rộng mô hình Trồng rau thích ứng với hạn hán tại vùng đất cát hoang mạc ở xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, mã mô hình NT.tt.12, được mô tả và diễn giải tại mục 6.3.2.4 ở chương 6:
Mô hình này được kiến nghị nhân rộng cho cộng đồng dân cư ngay tại xã An Hải. Một số xã của huyện Ninh Hải có điều kiện khô hạn ở vùng đất hoang mạc như xã An Hải cũng có thể nhân rộng mô hình này.
Ngoài ra, một số xã thuộc các huyện như Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc của tỉnh Bình Thuận cũng có thể áp dụng và nhân rộng mô hình này.
Tuy nhiên, khi nhân rộng mô hình này ở các địa phương cần chú ý đến việc lựa chọn các giống rau thích hợp với điều kiện thực tiễn và nhu cầu thị trường của địa phương đó.
Có thể thấy rằng 04 mô hình trong phương án 1 là những mô hình tốt nhất, vì chúng đã được lựa chọn để nghiên cứu xây dựng thử nghiệm và hoàn chỉnh đến mức tốt nhất có thể, vì vậy nhân rộng 04 mô hình này cho các địa phương khác là rất hợp lý, nhưng vì số lượng ít nên sự lựa chọn mô hình nào để nhân rộng cho một tiểu vùng, một huyện cụ thể nào đó ở miền Trung sẽ gặp những khó khăn nhất định.
7.1.2. Phương án 2
Phương án 1 = Phương án 1 (4 mô hình) + 8 mô hình tiêu biểu. Như vậy, phương án 2 tổng cộng có 12 mô hình được đề xuất nhân rộng. Ngoài 4 mô hình đã dẫn ra trong phương án 1, còn có thêm 8 mô hình thích ứng với BĐKH tiêu biểu, được đánh giá tốt, gồm:
1) Mô hình trồng rau an toàn trên vùng đất cát tại xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An;
2) Mô hình trồng nấm rơm tại xã Phú Lương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế;
3) Mô hình trồng rau trên giàn thích ứng với biến đổi khí hậu tại xã Quảng Thành, Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế;
4) Mô hình trồng lúa “Một Phải Năm Giảm” tại xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận;
5) Mô hình nuôi cá nước ngọt vượt lũ tại xã Phú Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế;
305
6) Mô hình nuôi tôm có vành đai rừng ngập mặn tại xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam;
7) Mô hình chuồng lợn thích ứng với lũ lụt tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình;
8) Mô hình nhà đa năng tránh bão, lũ tại xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.
Như vậy, 8 mô hình này có thể nhân rộng ở những địa phương có điều kiện tương tự với nơi đã hình thành các mô hình này.
1. Đối với mô hình Trồng rau an toàn trên vùng đất cát tại xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An (mã mô hình NA.tt.03, được mô tả và diễn giải tại mục 4.2.1.1 ở chương 4) thì trước tiên nên nhân rộng cho cộng đồng dân cư ngay tại địa phương này. Một số địa phương lân cận mô hình này như vùng đất cát của các xã ven biển huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An có thể áp dụng và nhân rộng.
Ngoài ra, vùng đất cát của các xã ven biển thuộc huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tỉnh; huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị có thể nhân rộng mô hình này.
Tuy nhiên, để mô hình này nhân rộng ở các địa phương trên được phát triển tốt thì tùy theo từng địa bàn mà lựa chọn và bố trí các cây rau cho phù hợp với điều kiện thực tiễn (cây rau truyền thống, bản địa, nhu cầu thị trường…) của mỗi nơi.
2. Đối với mô hình Trồng nấm rơm tại xã Phú Lương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế (mã mô hình TTH.tt.04, được mô tả và diễn giải tại mục 4.2.1.2 ở chương 4) thì trước tiên cần nhân rộng ngay tại địa phương này. Ngoài ra, một số xã của các huyện như Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc, thị xã Hương Trà, Hương Thủy có thể áp dụng để nhân rộng mô hình này.
3. Đối với mô hình Trồng rau trên giàn thích ứng với biến đổi khí hậu tại xã Quảng Thành, Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế (mã mô hình TTH.tt.06, được mô tả và diễn giải tại mục 4.2.1.4), trước tiên cần nhân rộng cho cộng đồng dân cư ngay tại xã Quảng Thành. Một số xã lân cận thuộc vùng trũng thấp và thường xuyên chịu ngập úng như xã Quảng An (huyện Quảng Điền), xã Hương Phong (thị xã Hương Trà) cũng có thể nhân rộng mô hình này.
Ngoài ra, có thể áp dụng và nhân rộng mô hình trồng rau trên giàn thích ứng với biến đổi khí hậu tại vùng trũng thường ngập nước của huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa; huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An; huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
Tuy nhiên, tùy từng địa phương của mỗi tỉnh mà nên lựa chọn các giống rau sản xuất trên giàn sao cho phù hợp với điều kiện thực tiễn để mô hình phát triển đúng với đặc thù tự nhiên của địa phương đó.
4. Đối với mô hình Trồng lúa “Một Phải Năm Giảm” tại xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận (mã mô hình NT.tt.13, được mô tả và diễn giải tại mục
306
4.2.1.6), trước tiên nên nhân rộng ngay tại địa phương này. Ngoài ra, các vùng trồng lúa của huyện Tuy Phong, Bắc Bình của tỉnh Bình Thuận.
5. Đối với mô hình Nuôi cá nước ngọt vượt lũ tại xã Phú Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế (mã mô hình TTH.ntts.22, được mô tả và diễn giải tại mục 4.2.2.3), nên nhân rộng cho cộng đồng cư dân ngay tại xã Phú Xuân và một số xã lân cận. Một số xã của các huyện có nuôi cá nước ngọt và thường bị tác động của lũ lụt như Quảng Điền, Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng có thể nhân rộng mô hình này.
6. Đối với mô hình Nuôi tôm có vành đai rừng ngập mặn tại xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam (mã số mô hình QN.ntts.23, được mô tả và diễn giải tại mục 4.2.2.4 ở chương 4), nên khuyến khích nhân rộng cho cộng đồng cư dân ngay tại địa phương này. Ngoài ra, mô hình này có thể nhân rộng tại các vùng nuôi tôm của các địa phương thuộc các tỉnh, thành của miền Trung như tại xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh; vùng Tịnh Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi; ven đầm Thị Nại, tỉnh Bình Định.
Tuy nhiên, khi nhân rộng mô hình này ở các địa phương khác cần chú ý đến việc lựa chọn các loài cây ngập mặn phù hợp với điều kiện môi trường ở từng địa phương.
7. Đối với mô hình Chuồng lợn thích ứng với lũ lụt tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình (mã số mô hình QB.cn.27, được mô tả và diễn giải tại mục 4.2.3.1 của chương 4), trước tiên nên nhân rộng ngay tại địa phương này và các xã lân cận. Ngoài ra, một số địa phương thường bị tác động của lũ lụt như vùng trũng Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế có thể áp dụng và nhân rộng mô hình này.
8. Đối với mô hình Nhà đa năng tránh bão, lũ tại xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, nên được nhân rộng tại các địa phương ở vùng ven biển, hạ lưu các con sông lớn, nơi thường xuyên chịu tác động của bão, lũ của các tỉnh, thành ở miền Trung.
Tuy nhiên, khi xây dựng mô hình này thì tùy thuộc vào điều kiện của mỗi địa phương xã, huyện mà nhà đa năng với chức năng chính là trường mẫu giáo, hoặc trạm y tế, hoặc nhà cộng đồng, v.v... khi cần thiết có thể sử dụng để cho nhân dận địa phương làm nơi tránh bão trong thời gian ngắn khi thiên tai xảy ra.
7.1.3. Phương án 3
Phương án 3 = Phương án 2 (12 mô hình) + 9 mô hình tương đối tiêu biểu. Như vậy, phương án 3 tổng cộng có 21 mô hình được đề xuất nhân rộng. Ngoài 12 mô hình đã dẫn ra trong phương án 2, còn có thêm 9 mô hình thích ứng với BĐKH tương đối tiêu biểu, được đánh giá tốt, gồm:
1) Mô hình trồng đậu cove leo trên líp cao tại xã Phú Diên, Vinh Xuân, Vinh Thanh, Vinh An của huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế;
307
2) Mô hình nuôi cá lồng theo công nghệ cao trên đầm phá tại xã Hải Dương, thị xã Hương Trà và xã Lộc Bình huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế;
3) Mô hình nuôi tôm hùm trong lồng tại xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên;
4) Mô hình chăn nuôi tổng hợp Nguyễn Quốc Toàn tại xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị;
5) Mô hình tổng hợp Phan Như Trang tại xã Thạch Định, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa;
6) Mô hình tổng hợp Ngọc Bé tại xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình;
7) Mô hình tổng hợp Bé Nhung tại xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình;
8) Mô hình tổng hợp Bùi Viết Phương tại xã Phú Định, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình;
9) Mô hình tổng hợp Trần Độ tại xã Đức Hòa, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi;
So sánh 3 phương án đề xuất nhân rộng mô hình thích ứng với BĐKH cho các tỉnh miền Trung, nhận thấy rằng phương án 3 với 9 mô hình bổ sung làm cho phương án này có tổng số 21 mô hình đề nghị nhân rộng là quá nhiều, khó vận dụng vào thực tế của các tỉnh thành ở miền Trung. Mặt khác 9 mô hình bổ sung của phương án 3 còn nhiều nhược điểm, không đáp ứng các yêu cầu đối với việc nhân rộng mô hình.
Vì vậy phương án 3 bị bác bỏ.
Tóm lại, với 3 phương án nhân rộng các mô hình thích ứng với BĐKH ở các tỉnh, thành ở miền Trung như đã trình bày trên đây, thì phương án 2 là phù hợp và toàn diện nhất, được xem là phương án chọn đối với báo cáo tổng hợp này.