Vai trò của cộng đồng dân cư trong quản lý di tích lịch sử - văn hoá ở

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Quản lý văn hóa: Quản lý di tích lịch sử - văn hóa ở huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương (Trang 48 - 51)

Chương 2: THỰC TRẠNG QUẢN LÝ DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA Ở HUYỆN NINH GIANG

2.1. Chủ thể quản lý

2.1.2. Vai trò của cộng đồng dân cư trong quản lý di tích lịch sử - văn hoá ở

Di sản văn hoá thuộc về cộng đồng và cộng đồng cũng luôn đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo tồn; cộng đồng nắm vai trò quyết định

trong sự tồn vong của di sản văn hoá. Cộng đồng là một tập hợp công dân cư trú cùng một khu vực địa lý, hợp tác với nhau về những lợi ích chung và chia sẻ những giá trị văn hóa chung.

Các di tích lịch sử - văn hoá ở Ninh Giang xét từ góc độ sáng tạo phần lớn đều do cộng đồng góp công xây dựng nên, là sức lao động của tập thể. Các di tích này vẫn tồn tại cũng là nhờ công sức của cộng đồng. Người dân đã huy động công sức, tiền của để trùng tu, tôn tạo cho di tích, họ có vai trò rất to lớn trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn huyện Ninh Giang. Sự đóng góp của người dân cho tu bổ lớn hơn nhiều so với sự đầu tư của nhà nước. Từ năm 2001 đến nay trên địa bàn huyện Ninh Giang đã có 19 di tích xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh được tu bổ, tôn tạo, ngoài ra còn nhiều di tích khác được nhân dân quan tâm đầu tư trùng tu, tôn tạo. Nguồn kinh phí thực hiện các dự án tôn tạo, tu bổ di tích được huy động từ hai nguồn chính là từ ngân sách Nhà nước và nguồn xã hội hoá, tuy nhiên chủ yếu là nguồn xã hội hoá. Theo thống kê, báo cáo của UBND các xã, thị trấn, công tác xã hội hoá nguồn kinh phí cho việc trùng tu, tôn tạo di tích thu được kết quả cao. Cụ thể, từ năm 2002 đến nay, đã thu được trên 200 tỷ đồng, tiêu biểu như xã Đồng Tâm nguồn xã hội hóa trên 70 tỷ đồng, xã An Đức huy động gần 30 tỷ đồng, xã Nghĩa An huy động gần 19 tỷ đồng, xã Hiệp Lực huy động được hơn 7 tỷ đồng, xã Hồng Thái trên 10 tỷ đồng; xã Quyết Thắng trên 7 tỷ đồng, xã Hưng Long trên 7 tỷ đồng, xã Vĩnh Hòa trên 6 tỷ đồng, xã Ứng Hoè trên 5 tỷ đồng, xã Đông Xuyên trên 4 tỷ đồng, xã Kiến Quốc trên 2 tỷ đồng, xã Tân Hương gần 2 tỷ đồng, xã Văn Giang huy động được 1,7 tỷ đồng...[32]. Điều này khẳng định vai trò to lớn của cộng đồng trong bảo tồn di tích.

Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng di tích bị biến dạng luôn là vấn đề nổi cộm trong công tác tu bổ. Theo tìm hiểu, những di tích huy động vốn xã hội hóa lớn thường bị thay đổi, sai lệch trong quá trình tu bổ nhiều

hơn, các nhà hảo tâm can thiệp quá nhiều vào công tác tu bổ. Theo quan niệm của người dân, di sản là "của chung", cho nên trong cộng đồng vẫn còn phổ biến quan niệm "cha chung không ai khóc", "lắm sãi không ai đóng cửa chùa". Cùng với đó, cộng đồng địa phương thiếu kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, vì vậy nhiều khi họ tiến hành tu sửa di tích lại gây thiệt hại, nhiều hoạt động không đúng quy trình, làm thay đổi giá trị gốc của di sản, nhiều di tích đang là vật liệu gỗ rất có giá trị thì lại bị bê-tông hóa một cách triệt để, làm biến dạng hoàn toàn yếu tố gốc của di tích.

Cùng với sự phát triển xã hội về nhiều mặt, nhất là kinh tế, vừa thể hiện được những mặt ưu điểm nhưng cũng có nhiều tác động tiêu cực không nhỏ đến các di tích lịch sử - văn hoá. Như vậy, vấn đề bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị các di tích trong điều kiện hiện nay không chỉ phụ thuộc vào các yếu tố như chính sách, công tác quản lý, khoa học kỹ thuật… mà còn phụ thuộc vào yếu tố hết sức quan trọng là vai trò của cộng đồng.

Nhận thức của cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hoá có vai trò rất quan trọng. Người dân nhận thức đúng về giá trị của di tích mới có hành động bảo vệ di tích. Ngược lại, nhận thức của cộng đồng chưa cao sẽ dẫn đến sự thờ ơ, không quan tâm đến giá trị của di tích. Một bộ phận nhân dân trong huyện nhận thức về giá trị các di tích lịch sử - văn hóa còn hạn chế. Vì vậy, để nâng cao vai trò và huy động được sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, cần tuyên truyền, định hướng giúp cho người dân nhận thức đúng vai trò, giá trị to lớn của di tích lịch sử - văn hóa đối với đời sống, nhất là trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập mạnh mẽ với quốc tế. Di tích thường gắn bó chặt chẽ với cộng đồng, do vậy cần tạo điều kiện để người dân tham gia bảo vệ, sử dụng và khai thác giá trị của di tích.

Việc trao cho cộng đồng quyền chủ động quản lý các di tích cũng là sợi dây liên hệ giữa di tích với các cơ quan quản lý, những hiện tượng vi phạm di

tích sẽ nhanh chóng bị cộng đồng phát hiện và truyền tải thông tin đến các cấp có thẩm quyền để xử lý.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Quản lý văn hóa: Quản lý di tích lịch sử - văn hóa ở huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương (Trang 48 - 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(149 trang)