Chương 1 TIẾN TRÌNH BÌNH THƯỜNG HÓA QUAN HỆ VIỆT NAM – HOA KỲ
1.3. Những trở ngại trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ từ 1979 đến 1989
Năm 1978 đã diễn ra một sự kiện làm ảnh hưởng sâu sắc đến tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là việc Việt Nam đưa quân đội vào Campuchia phối hợp với quân cách mạng để lật đổ chế độ độc tài Pôn Pốt – lực lượng đang chiếm giữ chính quyền nước này.
Vấn đề Campuchia lúc bấy giờ là một vấn đề chính trị nóng bỏng và nhạy cảm, đó là một vấn đề nội bộ nhưng mang tính chất quốc tế. “Chế độ dân chủ” lúc bấy giờ ở Campuchia không những thể hiện tính phản động và nguy hiểm trong nước mà còn đe dọa đến các nước láng giềng trong đó có Việt Nam. Chẳng những thế vấn đề Campuchia còn có ảnh hưởng trực tiếp đến mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.
Khi chế độ diệt chủng do PônPốt đứng đầu được thiết lập ở Campuchia, lực lượng này được sự ủng hộ của Trung Quốc. Do đó, việc quân đội Khơme Đỏ của PônPốt gây hấn ở biên giới Việt Nam không chỉ tạo nên mối hiềm khích giữa chính phủ Việt Nam và lực lượng phản động Pônpốt mà còn làm nóng lên sự bất hòa trong quan hệ Trung – Xô. Cố vấn an ninh Quốc gia của Tổng thống Jimmy Carter là Zbigniew Brzezinski đã thấy được điều này và xem đây như là cơ hội tốt để khoét sâu mâu thuẫn giữa hai nước xã hội chủ nghĩa chủ chốt, lôi kéo Trung Quốc vào cuộc chiến chống lại Liên Xô.
Ngày 20 tháng 5 năm 1978, Brzezinski có chuyến thăm Trung Quốc.
Động thái ngoại giao này vừa giúp Hoa Kỳ thể hiện thiện chí với Trung Quốc vừa làm Liên Xô giận dữ vì ai cũng biết rằng quan hệ Liên Xô – Hoa Kỳ lúc này là quan hệ thù địch. Chuyến thăm Trung Quốc này của Brzezinski cũng có ảnh hưởng lớn đến quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ vì một ngày trước khi Brezinski đến Bắc Kinh (tức ngày 19 tháng 5), lãnh tụ Trung Quốc Đặng Tiểu Bình tuyên bố “Việt Nam là CuBa của phương Đông” (“the Cuba of the East”) [72] còn Trung Quốc là “NATO của phương Đông”. Brzezinski thuộc phái chống kịch liệt bình thường hóa quan hệ với Việt Nam và quan điểm của ông này đã tác động đến Tổng thống, Jimmy Carter thừa nhận: “Tôi đã bị thuyết phục bởi Brzezinski”. Tổng thống Jimmy Carter nói: “Khi đó (1978), tôi phải trực tiếp đàm phán bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và so với Trung Quốc và cuộc đàm phán giữa Israel và Ai Cập, tôi phải nói rằng, Việt Nam không nằm trong thứ tự ưu tiên của tôi” [27].
Ngày 25 tháng 11 năm 1978, Việt Nam chính thức đưa quân đội vào Campuchia để đánh đổ chế độ PônPốt. Sự kiện này trở thành một lý do để chính quyền Hoa Kỳ cắt đứt mọi nỗ lực nối lại quan hệ giữa hai nước. Đối với những người đứng đầu chính phủ Hoa Kỳ, Việt Nam không chỉ còn là kẻ thù
trong quá khứ mà đã trở thành lực lượng đối lập trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ thời điểm bấy giờ.
Giải quyết vấn đề Campuchia, cụ thể là Việt Nam rút quân ra khỏi lãnh thổ Campuchia là một trong những điều kiện tiên quyết để Hoa Kỳ nối lại việc đàm phán đi đến bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
1.3.2. Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Ronald Reagan và George Bush
Tháng 7 năm 1987, Tổng thống Ronald Reagan cử Đại tướng Hoa Kỳ John Vessey – đặc phái viên tổng thống sang Việt Nam bàn về vấn đề người Mỹ mất tích, Hoa Kỳ tỏ ra mềm dẻo với Việt Nam. Tại Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã làm việc với John Vessey. Hai bên đều muốn tranh thủ cơ hội. Sau đó hai bên tiếp tục đàm phán nhiều lần, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch sang Hoa Kỳ từng đợt để thảo luận.
Lúc này, lực lượng cực hữu như cựu ngoại trưởng Henry Kissinger, và cựu Tổng thống Richard Nixon dùng vấn đề MIA phản đối vấn đề bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. Thậm chí một số thành phần ở Hoa Kỳ kích động những gia đình có người mất tích chống lại tiến trình này. Họ đưa ra những bức hình vu cáo Việt Nam vẫn còn giam giữ tù binh Hoa Kỳ và yêu cầu phía Việt Nam phải giải thích. Sau nhiều lần xác minh của cả hai nước, vấn đề này mới được sáng tỏ, những gì mà các bức ảnh đưa ra là không đúng sự thật. Tiến trình đàm phán bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ được nối lại.
Về phần mình, Tổng thống Reagan đưa ra điều kiện tiên quyết để bình thường hóa quan hệ với Việt Nam là Việt Nam rút quân ra khỏi Campuchia.
Các quan chức Hoa Kỳ lúc bấy giờ cũng tuyên bố thêm rằng tiến trình bình thường hóa quan hệ của Việt Nam với Hoa Kỳ còn tùy thuộc vào thái độ hợp
tác của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề tù nhân chiến tranh và người Mỹ mất tích tại Việt Nam (POW/MIA).
Tháng 9 năm 1989, Việt Nam rút toàn bộ lực lượng tình nguyện của mình ra khỏi Campuchia sau khi giúp nước bạn ổn định tình hình đất nước sau thảm họa. Động thái này đã được Hoa Kỳ nhìn nhận, ngày 18 tháng 7 năm 1990, Tổng thống Bush đã liên lạc với Hà Nội để tìm kiếm liên minh quốc tế trong nỗ lực đạt đến một Hiệp định hòa bình ở Campuchia.
Để giải quyết vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh, năm 1987 một đoàn đại biểu của Tổng thống Hoa Kỳ đã đến Hà Nội để thảo luận và đặt cơ sở cho việc tìm kiếm. Việt Nam đã trả lại hài cốt của hơn 300 binh lính Hoa Kỳ. Tuy chưa đầy đủ như phía Hoa Kỳ mong đợi nhưng với cam kết của Việt Nam sẽ đặc biệt lưu ý và đẩy mạnh hơn nữa việc tìm kiếm hài cốt và thông tin về binh lính Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh, chính phủ Hoa Kỳ đã bắt đầu xem xét đến khả năng xúc tiến lại tiến trình bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.
Tháng 4 năm 1991, Hoa Kỳ và Việt Nam thỏa thuận việc thiết lập một văn phòng Hoa Kỳ ở Hà Nội để điều tra vấn đề POW/MIA. Động thái tích cực này đã khuyến khích Hoa Kỳ đề ra một “Lộ trình” (Road map) cho Việt Nam để đi đến bình thường hóa với Hoa Kỳ và lời hứa về một khoản viện trợ nhân đạo trị giá một triệu đô la cho Việt Nam . Sự kiện này Ông Trịnh Xuân Lãng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp quốc ghi nhận lại: “Ngày 9 tháng 4 năm 1991 là một ngày không bao giờ quên đối với tôi. Sáng hôm đó, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Richard Salomon bay từ Washington đến New York và trao cho tôi, đại diện phía Việt Nam bản "Road map" tức bản lộ trình bình thường hóa. Trong đó có hai vấn đề chính là MIA và Campuchia, bao gồm 4 bước. Tháng 9 năm 1991 khi Hiệp định Paris về Campuchia bắt đầu thì cũng là lúc chúng ta tiến hành lộ trình” [12].
Trong “Lộ trình” bao hàm cả những điều kiện, những công cụ và những bước đi cụ thể hướng tới việc xóa bỏ cấm vận, tiến tới bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Theo lộ trình này, tiến độ của Việt Nam trong việc trợ giúp giải quyết vấn đề tù bình chiến tranh, người Mỹ mất tích (POW/MIA) và các vấn đề khác sẽ được đáp lại bởi các mối quan hệ được mở rộng. Lộ trình bao gồm bốn giai đoạn mà ở cuối mỗi giai đoạn, Hoa Kỳ sẽ nâng cấp các mối quan hệ về ngoại giao, ủng hộ việc trợ giúp của các định chế tài chính quốc tế (IFI) cho các dự án về các nhu cầu không cơ bản của con người ở Việt Nam.
Do “Lộ trình” này được Hoa Kỳ đơn phương đặt ra, nên Việt Nam chưa bao giờ chính thức thừa nhận nó. Nhưng với tư duy thực tế phù hợp với nhu cầu đổi mới mở cửa đất nước cần tăng cường quan hệ với nhiều nước đặc biệt là các cường quốc kinh tế như Hoa Kỳ, nên Việt Nam đã hợp tác với Hoa Kỳ trong việc giải quyết những vấn đề nhân đạo như vấn đề người Mỹ mất tích, vấn đề tù nhân chiến tranh và một số vấn đề khác mà Việt Nam thấy hợp lý như thực hiện Hiệp định hòa bình Paris về Campuchia và tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam di cư sang Hoa Kỳ… Những việc làm này phù hợp với lợi ích của Hoa Kỳ, đáp ứng những điều kiện mà Hoa Kỳ nêu ra trong
“Lộ trình” nên đã được chấp nhận như những yếu tố để Hoa Kỳ nới lỏng dần các biện pháp cấm vận và trừng phạt đối với Việt Nam.
Một nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ cần phải đề cập đến là vào thời điểm này, đó là sự sụp đổ của khối xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, đánh dấu sự kết thúc của cuộc Chiến tranh lạnh kéo dài hơn bốn thập kỷ. Đây là bước ngoặt lớn làm thay đổi chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ. Những thay đổi nhanh chóng của thế giới trong những năm cuối của thế kỷ XX, với xu hướng toàn cầu và hội nhập, chính phủ Hoa Kỳ nhận thấy những chính sách cấm vận và cô lập của mình đối với Việt Nam
cũng như nhiều nước khác ngày càng trở nên bất lợi đối với lợi ích chiến lược của mình.
Từ năm 1986, Việt Nam đã tìm thấy lối thoát cả ở trong nước và nước ngoài. Ở trong nước, đó là công cuộc đổi mới toàn diện kinh tế – xã hội; còn đối với bên ngoài, đó là cách ứng xử thích hợp trên trường quốc tế. Công cuộc đổi mới với chính sách phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, chống quan liêu, bao cấp đã động viên được mọi tầng lớp nhân dân, kích thích được các thành phần kinh tế và thúc đẩy sự phát triển của các ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Nó tạo ra một lượng hàng hóa ngày càng tăng cho xã hội, nhất là nông phẩm và lương thực, giảm bớt tình trạng khan hiếm hàng hóa tiêu dùng, đưa Việt Nam từ chỗ mỗi năm phải nhập khoảng 1 triệu tấn lương thực đến chỗ xuất khẩu trên 1 triệu tấn gạo năm 1989, sau tăng lên 2 – 3 triệu tấn mỗi năm, ổn định được tình hình kinh tế – xã hội, kéo lạm phát từ mức ba chữ số xuống trên dưới 10% mỗi năm.
Về kinh tế đối ngoại, sau khi có luật đầu tư trực tiếp nước ngoài (tháng 12 năm 1987), các công ty trong khu vực Đông và Đông Nam Á đầu tư tại Việt Nam với số lượng ngày càng tăng. Lượng hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam với các nước trong khu vực cũng tăng. Những nguồn lực mới này đã phần nào bù lại cho số viện trợ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa cũ cắt đi và quan trọng hơn là nó đã tạo ra một không khí kinh doanh và cách thức làm kinh tế đối ngoại mới của Việt Nam, không dựa hẳn vào viện trợ nước ngoài như thời kỳ trước. Sự thay đổi đó đã tạo ra những thiện cảm đối với các chính phủ và bạn bè quốc tế. Nhiều công ty và chính phủ các nước đã đầu tư vào kinh doanh và giúp đỡ Việt Nam bất chấp lệnh cấm vận của Hoa Kỳ đối với Việt Nam. Tháng 11 năm 1991. Chính phủ Singapore đã quyết định hủy bỏ lệnh cấm đầu tư của Singapore tại Việt Nam. Năm 1992, Chính
phủ Nhật Bản và một số nước khác, một số tổ chức tài chính quốc tế đã cam kết cung cấp viện trợ phát triển cho Việt Nam.
Đến lúc này, nhiều người Mỹ nhận ra rằng chính sách cấm vận và trừng phạt của Hoa Kỳ chống Việt Nam không chỉ gây tác hại cho Việt Nam mà còn gây tác hại cho cả Hoa Kỳ. “Trong khi mũi nhọn trong chính sách của Hoa Kỳ là nhằm cô lập Việt Nam, thì bản thân Hoa Kỳ lại thấy chính mình ngày càng bị cô lập bởi chính sách của mình” [79, tr. 79]. Đánh giá trên của Michael C. Williams về tác động của chính sách cấm vận và trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ đối với bản thân Hoa Kỳ là rất đúng. Từ khi công cuộc đổi mới toàn diện của Việt Nam phát huy tác dụng, tình hình kinh tế – xã hội Việt Nam được cải thiện, quan hệ đối ngoại ngày càng thêm rộng mở, thì tác hại của cấm vận và trừng phạt của Hoa Kỳ ngày càng kém đi, ngược lại, tác hại đối với chính các công ty Hoa Kỳ ngày càng tăng lên và làm cho Hoa Kỳ ngày càng thêm bị cô lập với chính bản thân chính sách cấm vận của mình.
Trong khi nhiều nước tư bản, đặc biệt là Nhật Bản đã bắt đầu xây dựng các quan hệ thương mại với Việt Nam thì Hoa Kỳ trở thành một quốc gia xa lạ trong mối quan hệ kinh tế mở cửa nhanh chóng của Việt Nam. Việt Nam ngày càng được nhiều người nhìn nhận như một con hổ châu Á mới có tiềm năng tăng trưởng kinh tế tự chủ và cơ hội thị trường cao, các công ty Hoa Kỳ ngày càng băn khoăn vì bị bỏ lại phía sau trong khi các đối thủ cạnh tranh từ châu Á và châu Âu đã nhảy vào thiết lập thị trường của mình ở Việt Nam.
Cho dù tại Hoa Kỳ, vẫn có một số ít người còn mang tư tưởng thù hận, bảo thủ chống lại Việt Nam, kêu gọi kéo dài cấm vận và trừng phạt đối với Việt Nam, nhưng với những gì mà Việt Nam thể hiện, nhiều người Mỹ nhận thấy cấm vận đã trở nên bất lợi cho chính Hoa Kỳ và cấm vận mãi đối với một nước nhỏ không bao giờ xâm lấn tới quyền lợi của Hoa Kỳ là một lối hành xử không đẹp. Họ đã lên tiếng kêu gọi bãi bỏ trừng phạt và cấm vận
cũng như cải thiện mối quan hệ với Việt Nam. Năm 1993, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ John F. Kerry viết: “Đã đến lúc chúng ta cần thay thế sự thù địch và hồ nghi kéo dài 18 năm bằng sự hòa hợp và tái thiết. Chúng ta có thể xây dựng mối quan hệ hai bên cùng có lợi với Việt Nam nếu chúng ta có can đảm và tầm nhìn xa trông rộng để làm việc đó” [26, tr. 119]. Đến đầu năm 1994, trong một bài tạp chí với tựa đề “Cải thiện quan hệ phục vụ cho lợi ích của Hoa Kỳ”, Thượng nghị sĩ John McCain cũng đã viết: “Tôi ủng hộ điều đó (việc cải thiện mối quan hệ Hoa Kỳ và Việt Nam) vì tôi tin rằng một động thái như vậy là tốt cho lợi ích của Hoa Kỳ cũng như lợi ích của nhân dân Việt Nam” [26, tr. 120].
Sau một năm Hoa Kỳ công bố “Lộ trình”, sự hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được một số kết quả tích cực, nhất là trong việc tìm kiếm người Mỹ mất tích, thực hiện Hiệp định hòa bình Paris về Campuchia và tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam di cư sang Hoa Kỳ. Để đáp lại những kết quả đó, trong năm 1992 chính quyền của Tổng thống Bush đã thực hiện giai đoạn I nới lỏng một phần cấm vận bằng cách giảm bớt những hạn chế về đi lại của công dân Hoa Kỳ sang Việt Nam và mở ra các cuộc thương lượng về ngoại giao với Việt Nam. Tháng 12 cùng năm, chính quyền Bush đã thực hiện giai đoạn II của Lộ trình, quyết định mở văn phòng liên lạc tại Washington và Hà Nội để thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước, cho phép các công ty Hoa Kỳ được mở văn phòng và ký kết các hợp đồng tại Việt Nam, được thực hiện một số biện pháp thúc đẩy và hỗ trợ thương mại, hỗ trợ đầu tư cho các công ty của họ tại Việt Nam.