Chương 1 TIẾN TRÌNH BÌNH THƯỜNG HÓA QUAN HỆ VIỆT NAM – HOA KỲ
1.4. Bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ
Sang thời kỳ của chính quyền Bill Clinton, sự hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong các vấn đề nhân đạo nhất là vấn đề người Mỹ mất tích tiếp tục được thực hiện và đạt được những sự tiến bộ lớn hơn. Đến ngày 3 tháng 2
năm 1994, Tổng thống Bill Clinton tuyên bố giai đoạn III xóa bỏ lệnh cấm vận thương mại lâu dài đối với Việt Nam và thông báo cho phép các doanh nghiệp Hoa Kỳ tiến hành các giao dịch tài chính, thương mại và các giao dịch khác đối với Việt Nam và kiều dân Việt Nam. Việc bãi bỏ cấm vận đồng nghĩa với việc các công ty và doanh nghiệp Mỹ có thể tham gia vào các chuyến đi không hạn chế tới Việt Nam, đầu tư vào Việt Nam hoặc các xí nghiệp của Việt Nam, trong khi Việt Nam có thể mua các sản phẩm của Hoa Kỳ. Ngoài ra, chính quyền Clinton đã bắt đầu cho phép các quan chức chính phủ Mỹ sang Việt Nam làm công vụ phục vụ mục đích kinh doanh hoặc thương mại. Việc bãi bỏ cấm vận đối với Việt Nam của Tổng thống Bill Clinton cũng tạo điều kiện lớn cho Hoa Kỳ trong tiến trình điều tra về vấn đề POW/MIA. Đô đốc Charles R. Larson, Chỉ huy trưởng của Hoa Kỳ khu vực Châu Á Thái Bình Dương, sau chuyến thăm Việt Nam trong vòng 3 ngày đã tuyên bố, việc bình thường hóa với Việt Nam sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho việc tìm kiếm những người Mỹ được xem như mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam. Ông nói rằng: “Nếu chúng ta có nhiều nguồn đầu tư, nhiều khách du lịch và tham gia nhiều hoạt động ở Việt Nam, có nghĩa là tôi sẽ được cung cấp một hệ thống thông tin giúp ích cho việc tìm hiểu quá khứ, hiện tại và cả tương lai nữa” [66, tr. 9].
Cũng trong ngày này, Tổng thống Bill Clinton đã thông báo ý định cho phép thiết lập các văn phòng phi ngoại giao ở Washington và Hà Nội. Tiếp theo đó là việc xem xét lại địa vị của Việt Nam đối với việc kiểm soát xuất khẩu của Hoa Kỳ. Trước đó, Việt Nam bị xếp là một trong các thành viên của
“Các nước nhóm Z”, gồm những nước chịu cấm vận kinh tế hoàn toàn (gồm Việt Nam, Cuba và Bắc Triều Tiên). Đến thời điểm này, Việt Nam được xếp lại như một thành viên của “Các nhóm nước Y” (Việt Nam, Lào, Campuchia, Mông Cổ, một số nước thuộc Đông Âu và Liên Xô) là những nước bị hạn
chế, trong đó các giấy phép xuất khẩu chỉ được chấp thuận trên cơ sở từng trường hợp. Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ xem xét và chấp thuận các đơn xin phép cá nhân để xuất khẩu hoặc tái xuất khẩu các hàng hóa hoặc dữ liệu kỹ thuật sang Việt Nam trên cơ sở từng trường hợp một. Các chấp thuận nói chung sẽ được cấp cho các hàng hóa hoặc dữ liệu kỹ thuật phục vụ dân sự, không đóng góp đáng kể gì cho tiềm năng quân sự của Việt Nam hoặc bị coi là phương hại đến an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Các đơn xin phép phải gửi đến Bộ Thương Mại nếu không cần tham khảo ý kiến các cơ quan khác như Bộ Ngoại Giao hoặc Bộ Quốc Phòng, sẽ được trả lời trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu hồ sơ nào được tham khảo thì thời gian có thể là 60 ngày.
Ngày 28 tháng 1 năm 1995, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký một thỏa thuận về việc giải quyết tài sản ngoại giao và các yêu cầu khác còn tồn tại. Thỏa thuận này được Hoa Kỳ xem như là một điều kiện tiên quyết trên con đường tiến tới bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Đồng thời, trong cùng thời điểm tháng 1 năm 1995, các văn phòng liên lạc cuối cùng của cả hai nước đã được khai trương. Tuy nhiên, các văn phòng này chỉ có số lượng nhân viên tối thiểu, trong đó văn phòng liên lạc của Hoa Kỳ lúc đầu không hề có một quan chức ngoại thương nào.
Ngày 11 tháng 7 năm 1995, Tổng thống Bill Clinton đã thông báo rằng Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ thiết lập quan hệ ngoại giao và trao đổi cấp đại sứ.
Tuyên bố này rất có ý nghĩa đối với các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Thứ nhất, là các văn phòng liên lạc có số lượng nhân viên hạn chế được thiết lập từ đầu năm 1995 ở Washington và Hà Nội sẽ chuyển thành các đại sứ quán chính thức. Thứ hai, mở cửa cho các chương trình quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ kinh tế – thương mại giữa hai nước phát triển và mang lại cho các công ty Hoa Kỳ nhiều sự trợ giúp và an toàn hơn.
Cùng với việc tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, Tổng thống Bill Clinton, trong bài phát biểu của mình, cũng nêu ra một số vấn đề mà Hoa Kỳ sẽ tiếp tục làm sau khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam:
Đầu tiên: Là vấn đề người Mỹ mất tích và tù nhân chiến tranh (MIA/POW). Có thể thấy một thực tế, việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam là một nỗ lực lớn của Mỹ trong việc giải quyết vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh trước sức ép của những gia đình có thân nhân tham gia trong cuộc chiến và của dân chúng Mỹ. Có thể thấy điều này trong tuyên bố của Tổng thống Bill Clinton về việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam*:
“Hôm nay tôi tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Bắt đầu từ kỳ Tổng thống này, bất kỳ sự cải thiện trong mối quan hệ giữa hai nước đều dựa vào tiến trình ban bố danh sách người Mỹ mất tích hoặc bị bị giữ làm tù binh chiến tranh. Năm ngoái, tôi bãi bỏ cấm vận ở Việt Nam vì sự hợp tác của họ và đẩy mạnh hơn nữa những nỗ lực tìm kiếm những người Mỹ mất tích hoặc số phận chưa xác định.
Việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam đã cho kết quả tốt đẹp.
Trong vòng 17 tháng, Hà Nội đã có những xúc tiến quan trong giúp chúng ta tìm ra nhiều trường hợp mất tích. Hai mươi chín gia đình đã nhận được hài cốt của người thân, và cuối cùng họ có thể chính thức an táng người thân của mình. Hà Nội đã công bố hàng trăm trang tài liệu hé lộ cho chúng ta những thông tin về những gì đã xảy ra với người Mỹ ở Việt Nam, Hà Nội còn đẩy mạnh tiến trình tìm kiếm bằng cách hợp tác với Lào, nơi có nhiều người Mỹ mất tích. Chúng ta đã làm giảm số lượng những “trường hợp tranh cãi”, là những người Mỹ mà chúng ta đã có căn cứ để tin rằng họ vẫn còn sống sau
* Nguyên văn Bản tuyên bố của Bill Clinton được đăng tại:
http://www.findarticles.com/p/articles/mi_m1584/is_n28_v6/ai_17218893
khi mất tích xuống còn 55, và chúng ta sẽ tiếp tục làm việc để làm sáng tỏ nhiều trường hợp hơn nữa…”.
Thứ hai: Về kinh tế, Hoa Kỳ sẽ bắt đầu bình thường hóa các quan hệ thương mại với Việt Nam, điều này đồng nghĩa với việc quan hệ buôn bán, thương mại, hợp tác kinh tế giữa hai nước sẽ được thúc đẩy mở rộng và phát triển. Đồng thời, chính phủ Hoa Kỳ sẽ thực hiện các chương trình thích hợp để phát triển quan hệ thương mại với Việt Nam phù hợp với luật pháp Hoa Kỳ.
Thứ ba: Tổng thống Bill Clinton gắn những chương trình phát triển thương mại trên với đòi hỏi bàn bạc và thực hiện các vần đề như “nhân quyền”, “quyền lao động”và “tự do tôn giáo”. Ông nói: “nhiều chương trình trong số các chương trình này đòi hỏi phải đảm bảo quyền con người và quyền lao động trước khi chúng được đưa vào thực hiện. Chúng ta đã bắt đầu thảo luận với Việt Nam về những vấn đề thuộc quyền con người, đặc biệt là những vấn đề về tự do tôn giáo. Giờ đây chúng ta có thể mở rộng và tăng cường cuộc đối thoại đó”.
Thứ tư: Tổng thống Bill Clinton thừa nhận nền độc lập của Việt Nam, nhưng đồng thời lại đề cập tới việc phát triển “sự nghiệp tự do” và “cải cách dân chủ” ở Việt Nam theo cách hiểu của Hoa Kỳ: “Tôi… sẽ phát triển sự nghiệp tự do ở Việt Nam, như nó đã được phát triển ở Đông Âu và Liên Xô cũ… gắn kết người Việt Nam với mặt trận cải cách kinh tế rộng lớn… Ngày nay, người Việt Nam có độc lập, và chúng ta tin tưởng rằng bước đi này sẽ giúp mở rộng tầm phát triển của nền tự do ở Việt Nam…”.
Về phía Việt Nam, quyết định bình thường hóa của Tổng thống Bill Clinton là một sự kiện có ý nghĩa hết sức đặc biệt và được chào đón nồng nhiệt. Bảy tiếng đồng hồ sau khi Tổng thống Bill Clinton tuyên bố quyết định bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã xuất hiện
trên truyền hình tuyên bố sẵn sàng thỏa thuận một khuôn khổ mới cho quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. Trong tuyên bố của mình, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã khẳng định tính đúng đắn và cần thiết của việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước:“… Tuyên bố của Tổng thống Bill Clinton công nhận ngoại giao và thiết lập quan hệ bình thường với Việt Nam là một quyết định quan trọng, phản ánh nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân Mỹ muốn khép lại quá khứ chiến tranh, xây dựng mối quan hệ bình thường, hữu nghị và hợp tác với Việt Nam. Quyết định này phù hợp với xu thế hiện nay của tình hình quốc tế, góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, ổn định và phát triển ở Đông Nam Á cũng như trên thế giới”, cũng như sự sẵn sàng cho mối quan hệ mới với Hoa Kỳ: "Chính phủ và nhân dân Việt Nam hoan nghênh quyết định ngày 11 tháng 7 năm 1995 của Tổng thống Bill Clinton và sẵn sàng cùng Chính phủ Hoa Kỳ thỏa thuận một khuôn khổ mới cho quan hệ giữa hai nước trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, cùng có lợi và phù hợp với các nguyên tắc phổ biến của luật pháp quốc tế".
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ tuy đến muộn sau nhiều cơ hội bị bỏ lỡ, nhưng nếu xét đến tình hình khách quan của Việt Nam thì đây là thời điểm thuận lợi cho Việt Nam nối lại quan hệ với Hoa Kỳ. Đến cuối những năm 90 của thế kỷ XX, Việt Nam vẫn là một nước lạc hậu, kinh tế chậm phát triển do ảnh hưởng của thời kỳ bao cấp; Mặt khác, thời điểm những năm từ 1976 đến 1991 là giai đoạn đang diễn ra cuộc Chiến tranh lạnh giữa hai khối xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa mà Việt Nam ít nhiều chịu ảnh hưởng. Quá trình đổi mới toàn diện của nước ta đã tạo nên những đột phá trong phát triển kinh tế từ những năm đầu thập niên 90, đồng thời tác động đến chính sách đối ngoại theo chiều hướng tích cực và thông thoáng hơn.
Việc Chiến tranh lạnh kết thúc đã chấm dứt sự đối đầu gay gắt giữa hai khối tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa, mở ra cơ hội nối lại quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, như Warren Christopher đã từng phát biểu: “Với việc Chiến tranh lạnh kết thúc, chúng tôi xem Việt Nam như một sản phẩm của lịch sử, là một trải nghiệm của số mệnh... đến thời điểm này chúng tôi nhìn về Việt Nam như một đất nước chứ không phải là một cuộc chiến tranh” [58]. Đó là những điều kiện thuận lợi cơ bản để nước ta cải thiện mối quan hệ với nhiều nước tư bản trong đó có Hoa Kỳ. Sự kiện bình thường hóa tháng Bảy năm 1995 là một bước ngoặt chính trị quan trọng đối với cả hai nước vì nó cho phép Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử của mình đạt được quan hệ bình thường và cơ bản hòa bình với tất cả các cường quốc trên thế giới, đồng thời làm cho Hoa Kỳ chính thức chuyển từ chỗ coi Việt Nam là kẻ thù sang thành đối tác.
Khi đi đến quyết định lịch sử bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, phía Hoa Kỳ coi việc giải quyết vấn đề người Mỹ mất tích là ưu tiên hàng đầu; còn về phía Việt Nam, chúng ta xác định quan hệ kinh tế – thương mại là
nội dung cơ bản của mối quan hệ mới. Nhưng trong thực tế, để đi đến bình thường hóa, Việt Nam và Hoa Kỳ đã hợp tác trong việc giải quyết nhiều vấn đề về hậu quả chiến tranh, hòa giải mâu thuẫn, xúc tiến thương mại… để đi đến những sự đồng thuận nhất định cho việc nối lại quan hệ ngoại giao. Từ những nỗ lực này, đã mở ra một thời kỳ mới trong các quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam, thời kỳ xây dựng và phát triển các mối quan hệ hợp tác nhiều mặt và cùng có lợi giữa hai nước.
Tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã để lại nhiều bài học quý giá. Đó là bài học về tinh thần hòa giải, bỏ qua những hiềm khích trong quá khứ để hướng về tương lai vì một đất nước Việt Nam phát triển giàu mạnh; bài học về đường lối ngoại giao mềm dẻo “dĩ bất biến, ứng vạn biến” mà chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra: linh hoạt trong xử lý tình huống để nắm bắt, tranh thủ mọi cơ hội có được nhằm củng cố và phát triển các mối quan hệ ngoại giao. Những bài học này sẽ là hành trang tốt để Việt Nam bước vào một thời kỳ mới trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ: thời kỳ sau bình thường hóa.
Chương 2