Chương 2 QUAN HỆ VIỆT NAM – HOA KỲ TỪ KHI BÌNH THƯỜNG HÓA ĐẾN
2.3. Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ từ năm 1995 đến năm 2001
2.3.1.1. Quan hệ thương mại
Sự kiện Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận tiếp theo là bình thường hóa quan hệ với Việt Nam đã làm cho quan hệ buôn bán giữa hai nước được cải thiện đáng kể. Từ lâu Hoa Kỳ luôn là thị trường hấp dẫn mà các doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam hướng đến, ngược lại, Việt Nam với những chuyển biến đáng kể từ trong thời kỳ đổi mới đã trở thành điểm đến mới đầy tiềm năng của các doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Thực ra quan hệ thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ không hề chờ đến khi hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ mới hình thành mà nó tự phát
triển theo chiều hướng tích cực phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước vì Hoa Kỳ là một thị trường tiêu thụ rộng lớn đồng thời là nhà cung cấp những thiết bị công nghệ hiện đại và hàng tiêu dùng cao cấp trên thế giới trong khi Việt Nam có nhiều mặt hàng hấp dẫn đối với thị trường khổng lồ này và có cả nhu cầu khá lớn về các sản phẩm của Hoa Kỳ. Do vậy, thông qua hàng loạt chi nhánh của các công ty của mình ở Đông Á, Hoa Kỳ đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng để thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Ngay cả khi lệnh cấm vận chưa bị bãi bỏ, các công ty Hoa Kỳ vẫn lợi dụng sự lỏng lẻo trong lệnh cấm vận để thực hiện các biện pháp chuẩn bị cho sự có mặt chính thức của mình ở thị trường Việt Nam. Điều này thể hiện rất rõ ở một số hiện tượng như chỉ sau một vài giờ sau khi lệnh cấm vận của Tổng thống Hoa Kỳ được bãi bỏ ngày 3 tháng 2 năm 1994, những chai nước giải khát của hãng Pepsi sản xuất tại Việt Nam đã xuất hiện trên thị trường Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, hoặc chỉ 10 giờ từ khi lệnh cấm vận bị bãi bỏ, công ty America Express đã ký với một ngân hàng Việt Nam về việc sử dụng thẻ tín dụng…
Các hoạt động thương mại của các công ty Hoa Kỳ đối với Việt Nam diễn ra hết sức nhộn nhịp, từ chỗ chưa được xếp trong bảng các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, Hoa Kỳ nhanh chóng có vị trí đáng kể trong buôn bán với nước ta. Theo số liệu của Bộ Thương mại, buôn bán hai chiều giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong năm 1993 chỉ có 62 triệu đô la, thì đến năm 1994 đã đạt 180 triệu đô la, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt khoảng 50 triệu đô la, chủ yếu là nông sản và hàng công nghiệp nhẹ có hàm lượng lao động cao.
Đến năm 1995, kim ngạch buôn bán hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là 500 triệu đô la, năm 1996 chỉ tiêu này đạt gần 1 tỷ đô la. Tuy nhiên, thực tế trong năm 1997 cho thấy sự tiến triển trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ không khả quan như mong đợi. Kim ngạch buôn bán hai
chiều năm 1997 giữa hai nước chỉ đạt 569 triệu đô la, trong đó Việt Nam nhập khẩu 319 triệu đô la, chủ yếu là phân bón, thiết bị bưu chính viễn thông, nguyên liệu giấy, nguyên liệu bông còn Hoa Kỳ nhập của Việt Nam là 250 triệu đô la, chủ yếu nông sản như cà phê, hải sản…
Trong giai đoạn đầu của quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ (1995 – 1997) có những đặc điểm nổi bật sau:
Thứ nhất, Việt Nam nhập siêu rất lớn từ Hoa Kỳ vì Việt Nam cũng như rất nhiều nước trong giai đoạn công nghiệp hóa, rất cần máy móc, thiết bị, phân bón của những nước phát triển như Hoa Kỳ. Việt Nam đã mua máy bay của Hoa Kỳ trị giá 72 triệu đô la, phân bón 16 triệu đô la, bông 9 triệu đô la và nhiều mặt hàng thiết yếu khác.
Thứ hai, cũng là một vấn đề gây trở ngại đáng kể cho quan hệ kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ đặc biệt là đối với Việt Nam đó là việc chưa ký được Hiệp định thương mại song phương và Hoa Kỳ chưa dành Quy chế Tối huệ quốc (Most Favoured Nation – MFN) hay Quy chế về quan hệ buôn bán bình thường (Normal Trade Relations – NTR) cho Việt Nam.
Quy chế Tối huệ quốc là chính sách không phân biệt đối xử trong thương mại, nó đề ra cho tất cả các đối tác thương mại quy chế hải quan và thuế quan như nhau. Đãi ngộ Tối huệ quốc là một trong những quy chế pháp lý quan trọng trong thương mại quốc tế hiện đại. Quy chế này được coi là một trong những nguyên tắc nền tảng của hệ thống thương mại đa phương của Tổ chức Thương mại Thế giới. Theo đó các nước cam kết dành cho nhau những ưu đãi đối với mọi lĩnh vực dịch vụ, ngoại trừ các lĩnh vực đã được đưa vào danh mục loại trừ đãi ngộ Tối huệ quốc tạm thời. Mục tiêu của các loại trừ này nhằm đảm bảo rằng lợi ích của một nước trong thỏa thuận đặc biệt với một nước nào đó sẽ không tự động dành cho các nước khác không thuộc đối tượng của thỏa thuận đó hưởng.
Thuật ngữ “Quy chế Tối huệ quốc” được ra đời vào cuối thế kỷ XIX trong thực tiễn thương mại của Hoa Kỳ. Vào thời điểm đó, Hoa Kỳ đã đưa ra chế độ Tối huệ quốc trong các hiệp định song phương như cơ sở để xúc tiến thương mại với một số đối tác châu Âu có quan hệ thương mại mật thiết với mình (ví dụ: Pháp, Hà Lan). Đãi ngộ Tối huệ quốc vào thời điểm ra đời chỉ mang ý nghĩa của chế độ thương mại thuận lợi nhất mà quốc gia sở tại có thể dành cho hàng hóa nhập khẩu đối tác thương mại của mình.
Khi chưa được cấp Quy chế Tối huệ quốc, hầu hết hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ phải chịu mức thuế rất cao so với hàng hóa của các nước khác đã được cấp Quy chế tối huệ quốc. Cụ thể, Việt Nam phải chịu mức thuế phi Tối huệ quốc (Non – MFN) từ 20% đến 110%, cao hơn nhiều lần so với mức thuế Tối huệ quốc (MFN). Ta có thể thấy điều này qua bảng thống kê của Fank Desiderio, Giám đốc phòng thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ sự chênh lệch mức thuế của 3 loại hàng hóa như sau:
Có Tối huệ quốc
Không có Tối huệ quốc Một số sản phẩm, giày dép
Một số loại đồng hồ đeo tay Một số loại quần áo bằng vải bông
6%
6.25%
10%
35%
80%
90%
Bảng 1.1: So sánh buôn bán có Tối huệ quốc và không có Tối huệ quốc (Nguồn: “Quan hệ kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ”, tr. 130)
Phải chịu mức thuế cao đồng nghĩa với việc quyền lợi của các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ bị thiệt hại, làm ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ (giá hàng hóa Việt Nam sẽ cao hơn so với hàng hóa của các nước khác).
Mặc dù vậy, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ từ khi bỏ cấm vận đã tăng lên nhanh chóng, tăng 10 lần trong vòng 5 năm từ 50 triệu đô la năm 1994, lên 500 triệu đô la năm 1998. Điều này chứng tỏ nhu cầu buôn bán của các doanh nghiệp Việt Nam đối với Hoa Kỳ là rất lớn và không ngừng tăng cao.
1993 1994 1995 1996 1997 1998 Xuất khẩu của Việt
Nam sang Hoa Kỳ 0,00 50,15 193,96 319,07 425,51 500,00 Nhập khẩu của Việt
Nam từ Hoa Kỳ 6,92 172,22 252,86 616,04 817,23 250,00 Tổng giá trị buôn bán 6,92 222,37 446,82 935,11 1.242,74 750,00
Bảng 1.2: Quan hệ buôn bán Việt Nam – Hoa Kỳ (Đơn vị: triệu USD) (Nguồn: “Quan hệ kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ”, tr. 133)
Thứ ba, là ngoài sự chuẩn bị kỹ lưỡng khi thâm nhập vào thị trường Việt Nam, các công ty Hoa Kỳ còn được hưởng chính sách kinh tế đối ngoại bình đẳng, không phân biệt đối xử của Việt Nam. Do vậy, mặc dù đến sau nhưng với những kinh nghiệm và bề dày hoạt động ở các thị trường khác nhau, nên các công ty Hoa Kỳ nhanh chóng vượt lên các công ty của các nước khác và trở thành những đối thủ cạnh tranh nặng ký.
Bước sang giai đoạn 1998 – 1999, quan hệ thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ vẫn chưa có những bước cải tiến đáng kể. Trong năm 1998, tỷ lệ nhập khẩu của Hoa Kỳ từ Việt Nam (502 triệu đô la) so với thế giới (944 tỷ đô la) là 0,05% và tỷ lệ Hoa Kỳ xuất khẩu sang Việt Nam (425 triệu đô la) so với thế giới (688 tỷ đô la) là 0,07%. Mười tháng đầu năm 1999, Việt Nam chỉ
xuất khẩu sang Hoa Kỳ được 411 triệu đô la và nhập khẩu từ Hoa Kỳ giảm xuống còn 298 triệu đô la.
Nhu cầu nhập khẩu hàng dệt kim của thị trường Hoa Kỳ hàng năm đạt giá trị hơn 45 tỷ đô la nhưng Việt Nam mới chỉ xuất khẩu được khoảng 26 triệu đô la vào năm 1998. Năm 1998, Hoa Kỳ nhập khẩu mặt hàng cà phê, chè, gia vị trị giá 3,762 tỷ đô la nhưng chỉ nhập từ Việt Nam các mặt hàng này với giá trị 108 triệu đô la. Về nhóm hải sản, vốn là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam nhưng năm 1998 chúng ta chỉ mới xuất được sang Hoa Kỳ một lượng rất nhỏ, chiếm 0,06% so với nhu cầu nhập khẩu (7,65 tỷ đô la) mặt hàng này của Hoa Kỳ.
Như vậy, kim ngạch buôn bán hai chiều giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là rất nhỏ bé, chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Nguyên nhân của hạn chế đó là:
Thứ nhất, như đã nêu trên, Việt Nam chưa được hưởng quy chế Tối huệ quốc của Hoa Kỳ do chưa có Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ nên hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ bị đánh thuế rất cao, từ đó không có khả năng cạnh tranh với những hàng hóa từ các nước được hưởng Quy chế Tối huệ quốc. Ngay cả những mặt hàng là thế mạnh, có khả năng xuất khẩu cao của Việt Nam như may mặc, dầu thô, nông hải sản chế biến,... cũng không có khả năng tìm được chỗ đứng tại thị trường Hoa Kỳ.
Thứ hai là việc Hoa Kỳ đặt ra tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu vào nước này, đặc biệt là đối với những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng.
Chẳng hạn như loại rau, củ, quả khi nhập khẩu vào Hoa Kỳ phải bảo đảm các yêu cầu về chủng loại, kích cỡ, chất lượng, độ chín. Các mặt hàng này phải được cơ quan giám định an toàn thực phẩm thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ
(United States Department of Agriculture – USDA) kiểm tra để có xác nhận là phù hợp với các tiêu chuẩn nhập khẩu.
Thứ ba, việc thiếu thông tin về hệ thống pháp luật của Hoa Kỳ cũng là một chướng ngại lớn cho các nhà kinh doanh Việt Nam. Hệ thống luật pháp của Hoa Kỳ rất phức tạp, mỗi bang lại có thể lệ riêng nên không thể chủ quan áp dụng từ thị trường này sang thị trường kia, từ bang này sang bang kia.
2.3.1.2. Những vấn đề đặt ra để cải thiện quan hệ thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ
Theo quy định của chính phủ Hoa Kỳ, một nước nếu chưa thương lượng và ký kết Hiệp định chung về Mậu dịch và thuế quan, Hoa Kỳ chỉ đối xử Tối huệ quốc khi nước đó đã ký kết các hiệp ước buôn bán tay đôi với mình. Do đó, một Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ sẽ là điều kiện cần để một nước có được Quy chế Tối huệ quốc của Hoa Kỳ. Sau đó, để có được Quy chế Tối huệ quốc vĩnh viễn hay còn gọi là Quy chế Quan hệ bình thường vĩnh viễn (Permanent Normal Trade Relations – PNTR), tức là nước đó phải gia nhập WTO.
Tuy nhiên, đối với Việt Nam có một số điểm khác trong điều kiện để chính phủ Hoa Kỳ cấp Quy chế Tối huệ quốc. Trước đây, do những lo ngại về chủ nghĩa Cộng sản đã dẫn Quốc hội và chính quyền Hoa Kỳ đến chỗ đình chỉ Tối huệ quốc đối với các nước cộng sản (Theo Đạo luật Jackson – Vanik 1974, Hoa Kỳ cấm dành MFN cho các nước Cộng sản). Theo đạo luật ngày 3 tháng 1 năm 1975, Tổng thống Hoa Kỳ tiếp tục từ chối đối xử Tối huệ quốc với bất cứ nước nào không hưởng Quy chế này đến thời điểm đó. Do Việt Nam (lúc này là Cộng hòa Dân chủ Việt Nam – Bắc Việt Nam) không được hưởng địa vị Tối huệ quốc vào ngày 3 tháng 1 năm 1975, nên cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có được Quy chế quan trọng này dù rằng Việt Nam đã
bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ. Để có được Quy chế Tối huệ quốc của Hoa Kỳ Việt Nam phải tiến hành các bước sau:
Đầu tiên, Việt Nam phải tích cực hơn nữa trong việc giải quyết vấn đề MIA/POW và minh bạch trong vấn đề di cư. Theo Tiết 603 của Đạo luật Mậu dịch năm 1974, Tổng thống Hoa Kỳ có thể khẳng định một nước nào đó không có nền kinh tế thị trường nếu nước đó không hợp tác với Hoa Kỳ trong việc tiến hành xác minh đầy đủ những người Mỹ mất tích trong chiến tranh để cho họ hồi hương (nếu còn sống) hoặc trả di vật (nếu đã chết) về gia đình.
Hậu quả của sự khẳng định như thế có thể gồm việc không cho hưởng Quy chế Tối huệ quốc, không cấp tín dụng hoặc các khoản trợ cấp đầu tư, và không thực hiện Hiệp định buôn bán với nước đã được xác định. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, Việt Nam đã làm tốt vấn đề MIA/POW, không những thế những tiến bộ trong việc giải quyết MIA/POW chính là cơ sở cho việc bình thường hóa và phát triển quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. Về vấn đề di cư, chính phủ Việt Nam phải chứng tỏ cho Hoa Kỳ thấy được chính sách di cư tự do, tức là cho phép các công dân của mình được tự do di cư hoặc bãi bỏ những yêu cầu di cư từ đó sẽ đẩy mạnh các mục tiêu di cư của Hoa Kỳ. Năm 1998, Hoa Kỳ đã quyết định miễn áp dụng Đạo luật bổ sung Jackson –Vanik trong đó quy định một nước cộng sản khi không cho công dân của mình di cư hoặc áp đặt những điều kiện đối với việc di cư sẽ không thể được hưởng sự đối xử Tối huệ quốc của Hoa Kỳ. Điều đó thể hiện Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể trong vấn đề di cư và được chính phủ Hoa Kỳ công nhận.
Bước thứ hai để có được Quy chế Tối huệ quốc của Hoa Kỳ là Việt Nam và Hoa Kỳ phải ký với nhau một hiệp định thương mại dành cho nhau sự đối xử không phân biệt. Hình thức hiệp định này đã được chính phủ Hoa Kỳ thương lượng với nhiều chính phủ cộng sản trước đây và hiện nay. Nó
phải đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ, các thủ tục pháp lý trong buôn bán và phân xử trong trường hợp xảy ra bất đồng buôn bán.
Bước thứ ba cần để Hoa Kỳ thực hiện đối xử Tối huệ quốc với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là sự phê chuẩn của Quốc hội Hoa Kỳ (gồm Hạ viện và Thượng viện). Một khi trình cho Quốc hội, thì hiệp định thương mại này sẽ bị chất vấn gay gắt do lịch sử quan hệ trước đây của Hoa Kỳ với Việt Nam và vì một vấn đề mà Quốc hội Hoa Kỳ rất chú ý đó là vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Trước đây, vấn đề nhân quyền không được xem là điều kiện để bình thường hóa thương mại, nhưng từ sau sự kiện Thiên An Môn ở Trung Quốc năm 1989, Quốc hội Hoa Kỳ đã đưa thêm điều kiện nhân quyền vào tiến trình này. Theo đó, Việt Nam muốn Quốc hội Hoa Kỳ thông qua Hiệp định Thương mại thì cần phải chứng minh sự tiến bộ trong việc bảo vệ và bảo đảm những quyền cơ bản của con người theo các tiêu chuẩn của Hoa Kỳ và các nhóm nhân quyền quốc tế giải thích.
2.3.1.3. Quan hệ đầu tư
Do có tiềm lực to lớn về kinh tế mà Hoa Kỳ thường xuyên đứng đầu thế giới về đầu tư trực tiếp nước ngoài (Foreign Direct Investment – FDI). Vì vậy, việc thu hút nguồn đầu tư từ Chính phủ và các doanh nghiệp Hoa Kỳ là hết sức quan trọng để Việt Nam thúc đẩy nền kinh tế đang phát triển, tạo điều kiện giải quyết việc làm, tăng nguồn lực sản xuất và xuất khẩu của mình.
Ngay sau khi Chính phủ Hoa Kỳ xóa bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, các công ty Hoa Kỳ đã nhanh chóng đổ vốn đầu tư kinh doanh tại Việt Nam để cạnh tranh với các công ty của Nhật Bản, Châu Âu và các nước khác.
Nếu từ năm 1988, khi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có hiệu lực, đến năm 1993, các công ty Hoa Kỳ mới chỉ đầu tư “nhỏ giọt” vào Việt Nam 6 dự án với tổng số vốn tương đương 3,3 triệu đô la chủ yếu là để thăm