Chương 3: ĐẶC ĐIỂM VỐN XÃ HỘI VÀ SINH KẾ CỦA NGƯỜI NHẬP CƯ TẠI THÀNH PHỐ VINH
4.2. Vốn xã hội trong việc phát triển năng lực nghề nghiệp
4.2.2. Kinh nghiệm nghề nghiệp
Kinh nghiệm nghề nghiệp là khả năng ứng dụng thành thạo tri thức và kỹ thuật, công nghệ mới trong quá trình lao động sản xuất; đồng thời có khả năng ứng biến linh hoạt trong mọi hoàn cảnh, trong những biến đổi không ngừng của môi trường và điều kiện sống… để lao động sáng tạo. Trong đó, kinh nghiệm nghề nghiệp chủ yếu thuộc về năng lực của mỗi người, giúp cho sự thành công trong nghề nghiệp của mỗi người. Kinh nghiệm nghề nghiệp không phải tự nhiên mà có, nó là kết quả của quá trình học tập rèn luyện không ngừng, từ sự trải nghiệm và tích lũy trong lao động sản xuất, trong cuộc sống hàng ngày với một sự tận tụy, tâm huyết trong công việc của mỗi người. Đây là những phẩm chất không thể thiếu đối với mỗi người trong thời đại hiện nay, nhất là đối với người lao động nhập cư vì họ cần phải cạnh tranh với lao động bản địa khi sinh kế tại thành thị. Nếu thiếu đi yếu tố này, người lao động, đặc biệt là lao động nhập cư sẽ gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế cơ hội tìm kiếm việc làm, tạo dựng và phát triển sinh kế.
Trong quá trình được đào tạo nghề, dù có thực hành nhiều tới đâu, thì cá nhân cũng không thể hình dung hết các tình huống của thực tế. Do đó, chính bản thân người lao động sau khi được đào tạo, ra hành nghề ở thực tế phải tự mày mò khảo sát và tự tìm ra phương án giải quyết công việc trong những tình huống khác nhau. Tích lũy dần dần nó sẽ trở thành kinh nghiệm nghề nghiệp cho bản thân người lao động. Người nhập cư khi mới vào sinh sống tại thành phố Vinh, họ chưa hiểu biết nhiều về kinh nghiệm nghề nghiệp…: “Mình mới đi làm nên chưa có kinh nghiệm nhiều, nhiều lúc làm cứ đổ vỡ hoặc sai sót, ảnh hưởng đến tiến độ chung của cả nhóm…” (Nam, 25 tuổi, thợ xây, phường Bến Thủy).
Nhiều người lao động nhập cư có được kinh nghiệm nghề nghiệp khi làm vận dụng các thành tố của vốn xã hội. Đầu tiên là mạng lưới xã hội. Người nhập cư sẽ học hỏi đồng nghiệp, bạn làm ăn hay những người khác. Tuy nhiên, những kinh nghiệm trong công việc là một yếu tố để người lao động có thể cạnh tranh trên thị trường lao động, do đó không phải lúc nào người nhập cư cũng có thể học hỏi một cách dễ dàng. Mỗi người lao động sẽ tự đúc rút, lĩnh hội kinh nghiệm cho bản thân, đó sẽ là lợi thế của họ khi làm ăn, buôn bán hay trong các công việc khác. Và khó để họ chia sẻ với những người khác những kinh nghiệm này. Tuy nhiên, đối với gia đình, họ hàng, bạn bè thân thiết…, có mối liên hệ mật thiết thì có thể người lao động sẽ chia sẻ cho nhau các kinh nghiệm này.
Người nhập cư khi mới chuyển đến tại thành thị, hơn ai hết họ cần thiết đến những yếu tố kinh nghiệm nghề nghiệp bởi họ chưa có thời gian để tích lũy, học hỏi, lĩnh hội. Nhiều người nhập cư đã vận dụng mạng lưới xã hội gồm gia đình, họ hàng, bạn bè,… để học hỏi, xin thông tin về kinh nghiệm nghề nghiệp. Và việc được người thân quen truyền đạt lại những yếu tố kể trên sẽ tạo điều kiện cho họ thuận lợi hơn trong công việc: “Bên cạnh kiến thức chuyên môn thì anh cũng cần nhiều đến kinh nghiệm đứng lớp, kinh nghiệm hướng dẫn học sinh thực hành. Nhiều tình huống mình không lường trước được. Khi anh vào dạy tại trường, cũng được các thầy cô đi trước chỉ dạy nhiều, ví dụ như cách soạn giáo án điện tử có hiệu quả, cách xử lý đối với học sinh cá biệt, cách viết bảng, cách sử dụng ngôn ngữ và phát âm khi lên lớp,… Những điều này hết sức quan trọng, mà không phải ngày một ngày hai là mình rút ra được…” (Nam, 37 tuổi, giáo viên, phường Bến Thủy).
Bên cạnh kinh nghiệm trong từng lĩnh vực nghề nghiệp cụ thể thì kinh nghiệm trong giao tiếp với những người đồng nghiệp, người cùng làm ăn cũng rất quan trọng, điều này tạo điều kiện cho người nhập cư đạt được những thành công nhất định trong công việc. Điều đặc biệt, khi khảo sát nhiều người nhập cư cho rằng không phải ai cũng thu nhận được những thông tin về kinh nghiệm nghề nghiệp, đặc biệt là kinh nghiệm giao tiếp ứng xử từ người khác. Phải có một mối liên hệ thân mật, gần gũi, tạo được sự tin tưởng thì mới có thể được người khác truyền đạt những thông tin này. Khi phỏng vấn, nhiều người nhập cư cho biết họ được người thân quen gợi ý, hướng dẫn, chỉ bảo cách ứng xử với những người đồng nghiệp, người cùng làm ăn: “Nơi chị làm là cơ quan nhà nước nên các mối quan hệ cũng khá phức tạp, chồng chéo, lại có mâu thuẫn nội bộ, tranh giành, đấu đá ngầm….
nên việc ứng xử cho vừa lòng tất cả mọi người trong cơ quan rất khó. Chị họ chị - là người cùng quê với chị, làm trước ở đây cũng chỉ bảo cho chị nhiều về cách ứng xử với mỗi người, đặc biệt là với các xếp…” (Nữ, 33 tuổi, nhân viên hành chính, phường Trường Thi).
Ngoài ra, việc có được thông tin về kinh nghiệm nghề nghiệp không thể xuất phát từ một phía, không thể chỉ có thu nhận, lĩnh hội mà phải có đi – có lại, cần phải phản hồi, truyền đạt lại những gì mình biết với người khác thì mối quan hệ này mới có thể tồn tại lâu dài, bền vững, thông tin mới có được thường xuyên, liên tục:
“Mới đây, có mấy người của công ty X. đến tiếp thị sản phẩm A. với mình. Mình định lấy mấy thùng để bán dần. Nhưng có chị bán hàng bên cạnh, bán ở đây lâu hơn mình. Mọi khi người ta cũng về đây tiếp thị với chị, chị ấy cũng lấy về bán.
Nhưng ế lắm, khách mua về người ta chê. Chị ấy là người gốc ở Vinh đây, tính tốt lắm, khi biết mình định nhập là chị ấy nói ngay với mình chất lượng thực sự của sản phẩm. Nhờ vậy, mình dừng lại không nhập nữa. Sau tìm hiểu kỹ hơn, mình biết thông tin chị ấy nói với mình là chính xác, mình cứ cảm ơn chị ấy mãi…” (Nữ, 28 tuổi, bán tạp hóa, phường Bến Thủy).
Hai trích đoạn phỏng vấn trên cho chúng ta thấy, người nhập cư ngoài việc sử dụng các thành tố của vốn xã hội như mạng lưới xã hội, lòng tin, sự có đi – có lại để tiếp thu, lĩnh hội các kinh nghiệm nghề nghiệp thì người nhập còn sử dụng hai
hình thức của vốn là vốn co cụm vào trong và vốn vươn ra bên ngoài. Cụ thể, chị Hoài1 nhân viên hành chính của một công ty tư nhân đã sử dụng mối quan hệ với người chị họ cũng là người đồng hương với chị để biết về kinh nghiệm giao tiếp trong công việc. Nếu lấy ranh giới của vốn xã hội người cùng quê và người không quê thì vốn xã hội ở đây chị Hoài sử dụng là vốn xã hội co cụm vào trong với người cùng quê hương với mình. Còn ở phỏng vấn tiếp theo chị Liên2 đã vận dụng vốn xã hội vươn ra bên ngoài là đó chính là vốn xã hội được khai thác từ những người không cùng quê, ở đây là một người bán hàng quê gốc ở Vinh để biết kinh nghiệm nghề nghiệp, từ đó tránh được thất bại trong kinh doanh.
Kinh nghiệm nghề nghiệp ít nhiều mang tính chủ quan, nó chính là sự tích lũy của từng cá nhân trong công việc của họ. Vì vậy, không phải khi nào những kinh nghiệm nghề nghiệp người lao động nhập cư tiếp nhận được từ người thân quen của họ cũng chính xác, cũng trợ giúp cho họ trong việc làm họ đang đảm nhận, đó chính là mặt hạn chế của vốn xã hội: “Bác chị có dặn là khi vào làm thì cố gắng làm cho tốt, ai làm gì mặc kệ, mình chỉ lo công việc của mình thôi. Thời gian đầu, chị cứ nghe theo lời bác. Nên thành ra chị chả có bạn bè gì cả, làm gì cũng thui thủi một mình. Sau đó chị nghe mọi người góp ý, là anh chị em làm cùng thì cần quan tâm, chia sẻ, chứ không nên biết mỗi việc của mình…” (Nữ, 28 tuổi, công nhân, phường Trường Thi). Những kinh nghiệm của những người đi trước có khi lỗi thời hay không chính xác, hoặc được áp dụng không đúng hoàn cảnh sẽ không phù hợp. Vậy nên hoàn toàn tin tưởng vào những lời khuyên của người thân, bạn bè thì sẽ gây cản trở cho người nhập cư trong quá trình hòa nhập với môi trường làm việc mới.
Như vậy, chúng ta thấy rằng vận dụng vốn xã hội thành công thì vốn xã hội sẽ là nhân tố gián tiếp sản sinh ra vốn con người, cụ thể ở đây là kinh nghiệm nghề nghiệp. Nghĩa là người lao động nhập cư sẽ tích lũy được nhờ vào việc nhận được từ việc truyền đạt của những người thân quen trong mạng lưới xã hội của họ. Và để có được những thành tố trên đòi hỏi người nhập cư phải xây dựng và phát huy được
1 Tên nhân vật không phải là tên thật
lòng tin, cũng như mạng lưới xã hội của họ, không chỉ trong nhóm những người nhập cư mà còn vươn ra cả các nhóm khác bên ngoài.