Lúc còn làm bên Ả Rập anh Tân có một người bạn làm cùng người ở thị trấn Mẹt, cách thành phố Lạng Sơn khoảng 80km. Về nước anh đến nhà người bạn này chơi, được bạn mời ăn món vịt quay có lá mắc mật đặc trưng của Lạng Sơn, anh Tân cảm thấy rất thích thú. Khi về thành phố Vinh, anh nhờ một vài người bạn bỏ thời gian dẫn anh đi khắp thành phố tìm ăn các món vịt ở một số nhà hàng, quán ăn. Anh Tân nhận thấy ít có quán nào quay vịt theo kiểu đặc trưng của vịt quay Lạng Sơn. Sẵn có tiền vốn do đi nước ngoài có được, anh nảy sinh ý định sẽ mở quán ăn chuyên các món về vịt như: vịt quay, vịt luộc, lẩu vịt, vịt om sấu…
Anh quay trở lại thị trấn Mẹt, Lạng Sơn và được bố của người bạn dẫn đến một quán ăn nổi tiếng tại đây. Anh ở đó học 1 tuần, về cách lựa chọn vịt, cách ướp gia vị, cách nấu... Đặc trưng nhất của vịt quay Lạng Sơn là phải có lá mắc mật.
Sau thời gian học việc anh về thành phố Vinh tìm địa điểm kinh doanh.
Anh được một người hàng xóm của chú anh chỉ cho có một ông người Nam Định thuê cửa hàng bán phở, nhưng kinh doanh không được đang muốn sang tên lại.
Vậy là anh Tân tìm đến, sang tên quán với giá 10 triệu đồng. Mẹ anh mất từ khi anh còn nhỏ nên anh đón bố anh xuống ở cùng vừa chăm sóc bố vừa để bố đỡ đần vợ chồng anh trong việc kinh doanh.
Đầu tiên anh Tân đi hỏi khắp các quán vịt khác xem người ta nhập vịt ở đâu. Anh nhận thấy để nấu được món vịt ngon cần phải có vịt chất lượng. Sau anh được một người chú họ xa chuyên bán gà trong chợ Đại học giới thiệu cho một số người chuyên bán vịt và anh đã tìm được mối nhập vịt từ các huyện Nam Đàn, Nghi Lộc, Đô Lương – là các huyện trong tỉnh Nghệ An. Trước thì anh đến tận các hộ gia đình nuôi vịt đặt hàng để lấy, sau thì quen dần, người ta mang vịt đến quán anh để bán. Mỗi lần mua vịt anh thường mua khoảng 100 con, đủ bán trong 1 tuần. Anh thường không trả tiền vịt ngay mà hẹn lần sau đến trả, hoặc trả một ít còn lại sẽ trả đầy đủ vào lần khác. Sau khi mở quán, anh được một người bạn giới thiệu đến khách sạn Phượng Hoàng để học món vịt rang muối. Tiếp đến, anh học một người bạn đang nấu ăn cho một khách sạn ở thị xã Cửa Lò món vịt xào sả.
Người bố của bạn anh ở Lạng Sơn vài tuần một lần lại đi hái lá mắc mật và gửi vào cho anh để anh làm món vịt quay. Thỉnh thoảng, khi đi nhận lá mắc mật anh
lại gửi ra cho bố người bạn này một ít quà đặc sản của quê anh như: cam, bưởi, kẹo cu đơ,…
Thời gian đầu công việc kinh doanh của anh Tân không mấy thuận lợi. Sau đó khách hàng đến ăn thấy ngon, người này giới thiệu người kia, quán dần đông khách hơn. Khoảng mấy tháng sau khi mở quán kinh doanh thì có một nhóm người đến quán bày trò quậy phá, ăn không trả tiền… Anh Tân phải nhờ một người bạn của mình là chủ hiệu cầm đồ cùng mấy người anh em của người bạn này đến trấn an, thông cảm thì mấy người đó mới không đến quậy phá nữa. Từ đó, vợ chồng anh kinh doanh ổn định đến tận bây giờ.
[Thông tin từ phỏng vấn anh Hồ Sỹ Tân, ngày 20 tháng 5 năm 2013]
Sơ đồ 4.4: Mô hình hóa câu chuyện ở hộp 4.4
Anh Tân Chú họ
Bạn ở LS
Bố bạn
Thầy giáo
Bạn ở V Hàng
xóm
Chủ nhà
Bố
Các chủ quán vịt
Chú họ xa
Mối mua vịt
Bạn ở CL
Khách sạn
Mô hình trên cho thấy mạng lưới các mối quan hệ xã hội của anh Hồ Sỹ Tân trong việc tìm kiếm việc làm. Những người thân quen của anh bao gồm: chú họ, bạn ở Lạng Sơn, bạn ở Cửa Lò, bạn ở Vinh, chú họ xa, thầy giáo, bố, từ những người này anh Tân lại kết nối với những người khác như bố của người bạn ở Lạng Sơn, các chủ quán vịt ở Vinh, khách sạn Phượng Hoàng.
Câu chuyện của anh Hồ Sỹ Tân cho thấy việc các cá nhân nhập cư vào thành phố Vinh sử dụng vốn xã hội để tìm kiếm việc làm rất phổ biến. Thứ nhất, sự trợ giúp của những người trong mạng lưới xã hội. Việc đầu tiên của anh Tân khi đến thành phố Vinh là học trung cấp cơ khí, anh đã nhận được sự giúp đỡ của người chú khi không chỉ cho ở nhờ mà còn nuôi ăn học. Sau đó, anh còn nhờ người chú này trong quá trình anh chuẩn bị tiền để đi xuất khẩu lao động. Người chú đã cho anh vay 40 triệu đồng. Câu chuyện này đã chứng minh trên thực tế luận điểm của các nhà nghiên cứu về vốn xã hội: các cá nhân có thể sử dụng vốn xã hội để tìm kiếm lợi ích. Với Bourdieu, vốn xã hội là kết quả của sự đầu tư. Trong thời gian ngắn hạn hoặc dài hạn, kết quả đó có thể được sử dụng để chuyển thành các loại vốn khác, của các hoạt động khác, thông qua mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau. Người ta thiết lập và duy trì những quan hệ như thế để tìm kiếm lợi ích. “Theo quan điểm của Fukuyama, cá nhân có thể tạo ra và sử dụng vốn xã hội để phục vụ mục đích của mình. Trong khi đó Putnam cho biết vốn xã hội được dùng để tìm kiếm sự thịnh vượng về kinh tế, hay thành công trong học hành. Lin lại nói rõ vốn xã hội phản ánh khả năng đầu tư và lợi ích thu về. Còn Portes thì khẳng định cá nhân sử dụng vốn xã hội có thể thu được lợi ích” [Nguyễn Tuấn Anh, 2012, tr. 557-558]. Mối quan hệ của anh Tân và chú là quan hệ họ hàng, đây là một mối quan hệ xã hội trong mạng lưới xã hội của anh Tân. Anh Tân sử dụng mối quan hệ máu mủ của anh với người chú để nhờ cậy chú trong quá trình anh học tập, sinh sống tại thành phố Vinh. Thậm chí người chú đã cho anh vay 40 triệu đồng không lấy lãi khi anh cần tiền để đi xuất khẩu lao động. Mối quan hệ họ hàng giữa anh Tân và người chú không chỉ dừng lại ở mặt tinh thần mà đã liên quan đến yếu tố vật chất. Hay nói đúng hơn mối quan hệ xã hội, mạng lưới xã hội của anh Tân – một trong những thành tố của vốn xã hội đã giúp anh Tân tìm kiếm được lợi ích vật chất.
Tiếp đến, tồn tại lòng tin xã hội. Người chú cho anh Tân vay 40 triệu đồng mà không cần giấy tờ vay mượn hay tài sản thế chấp. Như vậy giữa anh Tân và chú của anh có tồn tại của sự tin tưởng rất lớn. Lòng tin của người chú đối với anh Tân xuất phát từ việc anh Tân có quan hệ họ hàng với ông, hơn nữa có thể xuất phát từ nhân cách của anh Tân đã tạo dựng được niềm tin đối với chú của anh. Và chú của anh đã cho anh vay số tiền 40 triệu đồng – là số tiền không nhỏ so với thời điểm năm 2004. Lòng tin – một thành tố của vốn xã hội đã giúp anh Tân vay được tiền để đi xuất khẩu lao động, đây có thể coi là tiền đề quan trọng cho quá trình tìm kiếm việc làm của anh Tân tại thành phố Vinh sau này. Vốn xã hội không như các loại vốn thông thường, mà như một loại dầu nhớt làm giảm bớt phí giao dịch. Thực tế, vốn xã hội không trực tiếp tạo ra của cải vật chất, các giao dịch kinh tế sẽ thuận lợi hơn, giảm bớt chi phí nhờ có sự tin cậy. Như vậy, lòng tin được tạo dựng giữa các cá nhân với nhau sẽ giúp cho họ đạt được lợi ích kinh tế.
Thứ ba, ở đây chúng ta thấy xuất hiện hai loại vốn: vốn xã hội co cụm vào trong và vốn xã hội vươn ra ngoài. Anh Tân sử dụng vốn xã hội không chỉ giới hạn trong mối quan hệ họ hàng, bạn bè tại thành phố Vinh (vốn xã hội “co cụm” vào trong) mà còn sử dụng mối quan hệ xã hội tại Lạng Sơn với người bạn và bố của bạn mình (vốn xã hội “vươn” ra bên ngoài). Ranh giới của hai loại vốn này ở đây là ranh giới địa lý, mối quan hệ xã hội bên trong thành phố Vinh và bên ngoài thành phố Vinh (Lạng Sơn). Để hình thành ý tưởng kinh doanh, tìm kiếm địa điểm kinh doanh, nguồn nguyên liệu, cách chế biến món ăn, tìm kiếm khách hàng tiêu thụ...
anh Tân không chỉ vận dụng mối quan hệ ruột thịt, quen biết của bản thân, mà còn sử dụng mối quan hệ của những người khác. Tức là thông qua bạn của mình anh Tân tạo dựng mối quan hệ với những người bạn khác hay bố của bạn để có thể giúp ích mình trong hoạt động kinh doanh. Cụ thể, giúp anh trong việc tìm hiểu cách thức nấu các món ăn, có gia vị đặc biệt để chế biến món ăn (lá mắc mật) hay đảm bảo an ninh trật tự cho việc kinh doanh.
Cuối cùng, một điều chúng ta không thể không nhắc đến đó là sự có đi – có lại trong các mối quan hệ xã hội của anh Tân. Khi anh nhận được sự giúp đỡ của
người chú, của bố người bạn, hay của bạn bè… anh đều đáp lại sự giúp đỡ đó bằng tình cảm, bằng những món quà. Anh đang cố gắng duy trì và phát triển các mối quan hệ có được của mình. Để tạo dựng vốn xã hội biến nó thành nguồn lực xã hội, tạo dựng sự tin tưởng, tin cậy lẫn nhau thì cần phải có sự có đi – có lại một cách thường xuyên, liên tục, cần phải thường xuyên xây dựng, thường xuyên bồi đắp cho các mối quan hệ xã hội.. Trong đời sống, sự chia sẻ, quan tâm, sự giúp đỡ, tin tưởng không chỉ đến từ một phía. Muốn xây dựng mối quan hệ lâu dài, muốn cho mối quan hệ đó trở thành một nguồn lực xã hội thì cần phải có sự “đầu tư” bằng cách
“Ăn cái rau trả cái dưa” hay “Có đi có lại mới toại lòng nhau”.
Như vậy, toàn bộ quá trình sinh kế của anh Tân tại thành phố Vinh từ khi anh rời quê của mình năm 2001 đến nay luôn gắn liền với việc sử dụng vốn xã hội. Từ việc học tập, đi lao động nước ngoài và mở quán ăn, anh đều sử dụng vốn xã hội, cụ thể đó là mối quan hệ xã hội, lòng tin, sự có đi – có lại. Vốn xã hội có mối liên hệ mật thiết với vốn tài chính, phát triển kinh tế, cụ thể ở đây là quá trình sinh kế của những người nhập cư như anh Tân. Có thể nói, anh Tân đã hình thành mạng lưới xã hội của bản thân để tạo thuận lợi trong quá trình sinh sống và kinh doanh của bản thân. Thông qua những quan hệ họ hàng, bè bạn, người thân, người di chuyển tiếp nhận được thông tin và sự trợ giúp cần thiết tại nơi mà họ sẽ chuyển đến.
Đáng chú ý là không phải người nhập cư nào cũng vận dụng thành công vốn xã hội vào quá trình tìm kiếm việc làm ở thành phố Vinh. Đặc trưng của người dân xứ Nghệ là rất tin người, tuy nhiên trong nhiều trường hợp sự tin cậy này đặt nhầm chỗ khiến cho người nhập cư phải chấp nhận những hậu quả trớ trêu: “Hồi mới vào Vinh, chú họ em có giới thiệu em với một người bạn, ông này hứa sẽ xin cho em vào làm một ngân hàng có tiếng. Ông ta yêu cầu em đặt cọc trước 60 triệu, sau này xin được việc sẽ đưa thêm tiền. Nhưng đến tận bây giờ, việc không xin được mà tiền em cũng không lấy về được…” (Nam, 23 tuổi, nhân viên hành chính, phường Trường Thi). Như vậy, qua đoạn phỏng vấn này chúng ta thấy việc tin tưởng người khác để mất tiền trong quá trình tìm kiếm việc làm là một hiện tượng không hiếm. Đây chính là mặt hạn chế của thành tố lòng tin xã hội.
Như vậy, vốn xã hội đóng vai trò quan trọng trong quá trình tìm kiếm việc làm, chính các thành tố của vốn xã hội như mối quan hệ xã hội, mạng lưới xã hội, lòng tin, sự có đi – có lại… hay các hình thức vốn xã hội co cụm bên trong và vốn xã hội vươn ra bên ngoài, đã đem đến cho người nhập cư các cơ hội việc làm.
Nghĩa là việc sử dụng vốn xã hội đã giúp cho người dân giảm được chi phí giao dịch trong tìm kiếm việc làm.
4.3.2. Thay đổi việc làm
Người lao động tại tỉnh Nghệ An nhìn chung rất ưa thích những công việc trong các cơ quan nhà nước. Vì những công việc này mang tính ổn định, lâu dài, thu nhập khá, nhàn hạ,… Song không dễ để xin những việc làm này. Trong khi đó, người nhập cư “chân ướt chân ráo” vào thành phố Vinh, họ bất lợi so với người lao động thành thị về nhiều phương diện: vốn tài chính, vốn con người, vốn văn hóa.
Do đó, họ cần phải sử dụng các mối quan hệ sẵn có cũng như các mối quan hệ ở ngoài mạng lưới xã hội của họ để có thể tìm kiếm việc làm, thay đổi việc làm. Phải thay đổi việc làm là điều không thể tránh khỏi, do nhiều người nhập cư muốn tìm được công việc tốt hơn, bởi công việc hiện tại bấp bênh, không ổn định, thu nhập thấp. Cũng giống như tìm kiếm việc làm, hoạt động thay đổi việc làm nhiều người nhập cư cũng nhờ đến sự hỗ trợ của những người trong và ngoài mạng lưới xã hội của họ để chuyển sang công việc phù hợp hơn, thu nhập tốt hơn.
Qua tìm hiểu nhận thấy có khá nhiều người nhập cư tại thành phố Vinh đã vận dụng những nguồn lực do vốn xã hội mang lại không chỉ để tìm kiếm việc làm mà còn để chuyển đổi loại hình kinh doanh, thay đổi việc làm. Trước tiên họ đã vận dụng các mối quan hệ trong mạng lưới xã hội của mình để có thể thay đổi sang việc làm khác, phu hợp hơn: “…anh học cao đẳng ngành cơ khí 3 năm nhưng ra trường xin được việc ngay nhưng công việc thu nhập thấp quá, lại phải trực đêm nhiều, ảnh hưởng sức khỏe. Sau có anh trai bảo rằng anh có nghề cơ khí học được ở trường thì nên làm ngoài thu nhập cao hơn. Anh thấy có lý, rồi anh trai cho anh ít tiền để thuê mặt bằng và mua phụ tùng, linh kiện. Anh mở quán sửa chữa điện tử này cũng được mấy năm rồi... Anh thấy làm tự do thế này thích hơn…” (Nam, 35
tuổi, sửa chữa điện tử, phường Bến Thủy). Vai trò của mạng lưới xã hội như một nguồn hỗ trợ quan trọng cho người nhập cư, cung cấp thông tin cần thiết cho họ để có xin được việc làm khác.
Vốn xã hội được đánh giá như những nguồn lực làm tăng cường khả năng thích nghi của người nhập cư với môi trường mới. Hơn thế nữa, việc biết cách vận dụng vốn xã hội một cách có hiệu quả sẽ giúp cho người nhập cư đa dạng hóa nghề nghiệp, chuyển đổi các loại hình việc làm để nâng cao mức sống, giảm thiểu những rủi ro, nguy cơ, để có thể bám trụ tại thành phố Vinh: “Anh không có ý tưởng làm quán bán các món về vịt đâu. Nhưng sau lên nhà bạn anh ở Lạng Sơn chơi, được ăn món vịt trên đó. Bạn anh lại gợi ý cũng như bày các bí quyết chế biến. Thì anh quyết định mở quán. Có bạn anh ở trên đó nó giúp, hàng tháng ông bố của nó lại gửi hàng hóa, gia vị, đặc biệt là lá mắc mật về cho anh…Tiền công thì họ cũng chẳng lấy đâu, mình thường gửi quà cáp thôi…” (Nam, 31 tuổi, bán quán ăn, phường Bến Thủy). Nhiều khi các mối quan hệ xã hội với bạn bè, người thân quen mà người nhập cư có được lại gợi cho họ những ý tưởng để thay đổi việc làm hay chuyển đổi loại hình kinh doanh, buôn bán.
Trên thực tế có khá nhiều người nhập cư đã thay đổi việc làm không chỉ 1 lần mà nhiều lần kể từ khi đến thành phố Vinh. Điều đó được thể hiện thông qua bảng số liệu sau:
Bảng 4.6: Số lần thay đổi việc làm kể từ khi đến thành phố Vinh của người nhập cƣ chia theo giới tính
Số lần chuyển việc làm
Nam Nữ
Tần số (Người)
Tần suất (%)
Tần số (Người)
Tần suất (%)
Chưa thay đổi lần nào 70 53,4 113 66,9
Thay đổi 1 lần 41 31,3 48 28,4
Thay đổi 2 lần 12 9,2 6 3,5
Thay đổi 3 lần 4 3,1 0 0,0
Thay đổi 4 lần 2 1,5 0 0,0
Không có việc làm 2 1,5 2 1,2
Tổng 131 100,0 169 100,0
[Kết quả khảo sát của luận án]