Chương 3. Các nhân tố xã hội ảnh hưởng tới HN-GĐ của thanh niên
3.1. Các nhân tố khách quan
Các yếu tố khách quan tác động tới vấn đề Hôn nhân – Gia đình của thanh niên hiện nay tập trung vào các yếu tố như (i) Thói quen của địa phương; (ii) tập quán truyền thống; (iii) Trào lưu của xã hội và (iv) điều kiện kinh tế. Trong đó có thể nhận thấy yếu tố điều kiện kinh tế có tác động mạnh nhất tới vấn đề hôn nhân của thanh niên. Có tới 83.2% thanh niên được hỏi cho rằng “điều kiện kinh tế” là một trong những nhân tố khách quan ảnh hưởng tới quan niệm và tập quán về HN-GĐ của thanh niên hiện nay, tiếp đó là yếu tố “trào lưu của xã hội” cũng có tỷ lệ lựa chọn cao 65.4%. Có sự tương đồng giữa kết quả này với các kết quả trên của nghiên cứu.
Biểu 3 1. Các yếu tố khách quan tác động
Như trong phần các tiêu chí phẩm chất bạn đời hiện nay thì người trả lời cũng lựa chọn tiêu chí có nghề nghiệp ổn định cao. Hay trong phần địa điểm cư trú sau hôn nhân, đa số người trả lời cho biết sau hôn nhân họ ở riêng. Như vậy phần nào thấy rằng yếu tố kinh tế tác động khá sâu sắc tới hôn nhân của thanh niên hiện nay.
Ngoài điều kiện kinh tế, yếu tố “trào lưu xã hội” cũng đóng vai trò không nhỏ ảnh hưởng tới việc lựa chọn kết hôn của thanh niên cũng như đời sống gia đình của họ. Thảo luận nhóm với một số thanh niên ở xã Minh Hoàng cho thấy, trào lưu xã hội ở đây bao hàm xu thế phát triển của công nghệ thông tin (điện thoại, mạng xã hội…) và bắt chước người khác về sở thích và cách ăn mặc, thời trang... Sự phát triển của công nghệ liên lạc bằng điện thoại thông minh cũng như mạng xã hội (facebook) ngày nay có ảnh hưởng không nhỏ tới việc tìm kiếm và lựa chọn bạn đời của thanh niên.
Khi tìm hiểu sâu hơn để xem trong các yếu tố ở trên, yếu tố khách quan nào có tác động mạnh nhất tới quan niệm và tập quán HN-GĐ của thanh niên thì yếu tố “Điều kiện kinh tế” vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất với 59,4% người lựa chọn. Đáng chú ý là yếu tố “Trào lưu của xã hội” cũng đóng vai trò không kém phần quan trọng trong việc gây tác động tới thanh niên về các tập quán, quan niệm trong HN-GĐ với tỷ lệ lựa chọn là 31,5%. Tập quán truyền thống không còn là nhân tố quan trọng có tác động tới hành vi và định hướng giá trị trong HN-GĐ của thanh niên nông thôn hiện nay nữa với tỷ lệ khiêm tốn 9,1% người trả lời.
Biểu 3 2. Yếu tố khách quan tác động mạnh nhất
Tiến hành phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm với một số thanh niên tại địa bàn nghiên cứu cho thấy, điều kiện kinh tế ở đây được cụ thể hóa là khả
năng kiếm việc làm và tạo ra thu nhập của các chủ thể kết hôn là thanh niên.
Yếu tố gia đình hoặc cha mẹ giàu có sẵn không được thanh niên đề cao, thay vào đó họ rất đề cao tiêu chí bản thân thanh niên phải đảm bảo có nghề nghiệp và thu nhập ổn định trước khi nên tính tới chuyện lập gia đình.
“Khi nào có việc làm ổn định và thu nhập đảm bảo đủ sống thì tôi mới tính đến chuyện kết hôn, chưa có thì cứ yêu đã không vội cưới” [TLN thanh niên thôn Ngọc Trúc, xã Minh Hoàng].
“thanh niên giờ phải tự lập, không nên phụ thuộc vào bố/mẹ… bố mẹ giàu có cũng không thể nuôi mình mãi được, đặc biệt là khi mình đã có gia đình riêng rồi thì phải tự lo kiếm tiền” [TLN thanh niên thôn Quế Lâm, xã Minh Hoàng].
Như vậy, quan điểm cho rằng thanh niên ngày nay có xu hướng ngày càng đề cao các giá trị vật chất trong các quyết định kết hôn là có cơ sở. Kết quả nghiên cứu của đề tài cho thấy mặc dù người trẻ đề cao tầm quan trọng của các điều kiện kinh tế trong cuộc sống HN-GĐ, nhưng việc phải sống độc lập, tự lo cho cuộc sống của bản thân khi đã trưởng thành và không phụ thuộc vào bố mẹ hoặc gia đình là dấu hiệu thể hiện sự thay đổi về định hướng giá trị một cách tích cực trong quan điểm của thanh niên.
So sánh tương quan về các nhân tố khách quan tác động mạnh nhất theo địa bàn khảo sát cho thấy có sự khác biệt (mặc dù không đáng kể) trong quan niệm của thanh niên thị trấn Trần Cao (thị trấn) và thanh niên xã Minh Hoàng (xã). Có tới 118 thanh niên xã (64,5%) cho rằng “Điều kiện kinh tế” là yếu tố tác động mạnh nhất tới việc hôn nhân của thanh niên, trong khi đó con số này ở các thanh niên thị trấn chỉ là 59 (tương đương với 51,3%). Đặc biệt, yếu tố trào lưu xã hội được nhiều thanh niên thị trấn lựa chọn (34,8%) hơn so với thanh niên xã (19,5%). Mặc dù vậy, yếu tố “tập quán truyền thống” tưởng
như sẽ được nhiều thanh niên xã lựa chọn thì ngược lại, chỉ có 6% trong khi tỷ lệ này ở thanh niên thị trấn lên tới 13,9%.
Có thể nói, hai tiểu khu vực được khảo sát, mặc dù lựa chọn có chủ định một là xã thuần nông với nghề nghiệp và nguồn thu nhập chính là nông nghiệp, hai là một thị trấn – huyện lỵ với điều kiện kinh tế phát triển hơn, nhưng sự khác biệt có ý nghĩa thống kê trong vấn đề hôn nhân cũng như tác động của các yếu tố xã hội tới hôn nhân ở hai khu vực này là không đáng kể.
Có thể lý giải nguyên nhân của sự tương đồng này là do trình độ phát triển về kinh tế khá đồng đều ở các tiểu khu vực thuộc huyện Phù Cừ, kể cả đó là thị trấn hay xã. Do đặc thù là huyện có ngành trồng cây ăn trái, cây đặc sản (nhãn, vải, cam) và ngành nuôi trồng thủy sản (đặc biệt là cá, cua) phát triển mạnh và đồng đều ở tất cả các xã, thậm chí một số xã còn phát triển hơn thị trấn do có ưu thế về diện tích canh tác rộng. Chính vì vậy, đời sống của cư dân ở các xã ở Phù Cừ không thua kém gì so với người dân thị trấn. Ngoài ra, thị trấn Trần Cao là một thị trấn nhỏ với 3 thôn (không có cụm, tổ hoặc phường), cư dân vẫn làm nông nghiệp là chủ yếu, ngoài ra buôn bán nhỏ và dịch vụ chỉ góp thêm vào thu nhập của một thiểu số gia đình ở thị trấn, so với nghề trồng nhãn, vải và nuôi trồng cá, cua ở các xã thì đời sống của nhiều gia đình ở thị trấn không giàu có và sung túc hơn các gia đình ở một số xã, trong đó có xã khảo sát là Minh Hoàng.
Bảng 3 1. Nhân tố khách quan tác động mạnh nhất theo địa bàn KS Nhân tố khách quan Minh Hoàng Trần Cao Tổng Điều kiện kinh tế
118 59 177
64,5% 51,3% 59,4%
Trào lưu xã hội
54 40 94
29,5% 34,8% 31,5%
Tập quán truyền thống
11 16 27
6,0% 13,9% 9,1%
Tổng 183 115 298
Kết quả khảo sát không tìm thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê trong quan điểm của thanh niên về sự tác động của các nhân tố khách quan tới vấn đề HN-GĐ giữa giữa nam và nữ cũng như trong các nhóm nghề khác nhau với trình độ học vấn khác nhau. Sự đồng nhất cao của thanh niên trong nhìn nhận đánh giá về các nhân tố khách quan tác động tới hôn nhân sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vấn đề giáo dục trước hôn nhân cho thế hệ trẻ ngày nay.