Hiệu quả và tính bền vững trong sử dụng đất

Một phần của tài liệu Đánh Giá Hiện Trạng Và Định Hướng Sử Dụng Đất Đồi Núi Trên Địa Bàn Huyện Phú Bình - Tỉnh Thái Nguyên (Trang 24 - 27)

2.4.1. Quan điểm về nâng cao hiệu quả sử dụng đất đồi núi

Trong giai đoạn tới, huyện Phú Bình có tốc độ đô thị hoá và công nghiệp hoá sẽ diễn ra nhanh và mạnh, diện tích đất đồi núi trên địa bàn huyện sẽ tiếp tục bị thu hẹp. Do đó, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong giai đoạn này cần phải xác định rõ các quan điểm phát triển như sau:

- Sử dụng đất phải gắn liền với định hướng phát triển kinh tế xã hội, tập trung khai thác thế mạnh của huyện trong phát triển kinh tế là quy hoạch các trung tâm kinh tế, xác định các tiềm năng về đất đai... tiếp tục phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn liền với phát triển xã hội. Vì vậy, quan điểm khai thác, sử dụng đất đồi núi, đặc biệt là diện

tích sử dụng vào mục đích nông nghiệp luôn gắn liền với định hướng phát triển kinh tế xã hội trong từng vùng cụ thể.

- Sử dụng đất phải đạt được hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường, sử dụng tối đa diện tích đất hiện có, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích, tạo công ăn việc làm, ổn định đời sống cho người lao động, xoá đói giảm nghèo, bảo vệ, cải tạo đất, tăng tỷ lệ che phủ đất. - Sử dụng đất đồi núi trong sản xuất nông nghiệp gắn liền với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hoá hiện đại hoá, phát triển theo hướng tập trung đầu tư thâm canh, tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất.

- Phương hướng sử dụng đất phải dựa trên cơ sở kinh tế nông hộ và nông trại là con đường cơ bản và lâu dài, nhằm khuyến khích các nông hộ

khai thác tối đa tiềm năng đất đai, lao động và vốn của chính họ.

2.4.2. Đánh giá hiệu quả sử dụng đất

* Hiệu quả kinh tế

Hiệu quả kinh tế là một phạm trù kinh tế phản ánh mặt chất lượng của các hoạt động kinh tế. Mục đích của sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội là đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về vật chất và tinh thần của toàn xã hội, khi nguồn lực sản xuất của toàn xã hội càng khan hiếm, việc nâng cao hiệu quả kinh tế là một yêu cầu khách quan của mọi nền sản xuất xã hội.

Tính hiệu quả theo Cac Mac thì quy luật kinh tế đầu tiên trên cơ sở sản xuất tổng thể là quy luật tiết kiệm thời gian và phân phối một cách có kế hoạch thời gian lao động theo các ngành sản xuất khác nhau. Ông cho rằng:

nâng cao năng suất lao động, vượt qua nhu cầu cá nhân của người lao động là cơ sở của hết thảy mọi xã hội.

Như vậy theo quan điểm của Cac Mac, tăng hiệu quả phải được hiểu rộng và nó bao hàm cả tăng hiệu quả kinh tế và xã hội.

Hiệu quá kinh tế là chỉ tiêu so sánh mức độ tiết kiệm chi phí trong một đơn vị kết quả hữu ích và mức tăng kết quả hữu ích của hoạt động sản xuất vật chất trong một thời kì, góp phần làm tăng thêm lợi ích của xã hội. Vì thế hiệu quả kinh tế phải đáp ứng được các vấn đề sau:

- Mọi hoạt động của con người đều tuân theo quy luật tiết kiệm thời gian, đó là động lực cho lực lượng sản xuất và là điều kiện quyết định sự phát triển văn minh xã hội, nâng cao đời sống con người.

- Hiệu quả kinh tế là một phạm trù phản ánh mặt chất lượng của các hoạt động kinh tế mà quá trình tăng cường các nguồn lực sẵn có phục vụ cho lợi ích con người.

Tóm lại, bản chất của hiệu quả kinh tế, đặc biệt là phạm trù kinh tế sử dụng đất là: với một diện tích đất đai nhất định sản xuất ra một khối lượng của cải vật chất lớn với một chi phí bỏ ra ít nhất nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về vật chất xã hội.

* Hiệu quả xã hội

Hiệu quả xã hội có liên hệ mật thiết đến hiệu quả kinh tế và thể hiện mục tiêu hoạt động của con người như tạo công ăn việc làm ổn định, nâng cao thu nhập và mức sống của mọi tầng lớp dân cư, phát triển xã hội, nâng cao dân trí, duy trì được những truyền thống tốt đẹp vốn có của nhân dân trong địa phương.

* Hiệu quả môi trường

Đất đai là một yếu tố hình thành môi trường và chịu tác động của môi trường. Con người tác động vào đất đai nhằm thong qua đất đai để thu sản phẩm phục vụ cho lợi ích của mình. Tất cả những tác động đó của con người vào đất đai phải luôn lấy bảo vệ, cải tạo bồi dưỡng đất và bảo vệ cải thiện môi trường làm mục tiêu.

Mọi hoạt động sản xuất được coi là có hiệu quả khi hoạt động đó không có những tác động xấu đến môi trường, đó là đất, nước, không khí và sinh vật.

đây là mục tiếu quan trọng mang tính quyết định đến sự hoạt động lâu bền trong quá trình sản xuất nông - lâm nghiệp. Nó đảm bảo được các yếu tố bảo vệ đất, chống xói mòn, nâng cao độ phì cho đất, mang lại hiệu quả cao cho cả hiện tại và tương lai.

Một phần của tài liệu Đánh Giá Hiện Trạng Và Định Hướng Sử Dụng Đất Đồi Núi Trên Địa Bàn Huyện Phú Bình - Tỉnh Thái Nguyên (Trang 24 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(68 trang)