Các yếu tố ảnh hưởng đến công tác quản trị rủi ro kinh doanh của doanh nghiệp

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác quản trị rủi ro tại Công ty Cổ phần dịch vụ Vietlife (Trang 20 - 24)

CHƯƠNG 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ CÔNG TÁC QUẢN TRỊ RỦI RO TRONG DOANH NGHIỆP

1.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến công tác quản trị rủi ro kinh doanh của doanh nghiệp

1.3.1. Các yếu tố bên ngoài doanh nghiệp 1.3.1.1. Môi trường chính trị- pháp luật

Mỗi quốc gia tồn tại và phát triển đều có một thể chế chính trị nhất định. Phát triển kinh tế luôn có mối quan hệ biện chứng với chính trị. Kinh doanh trong môi trường chính trị ổn địn thì sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn, ít các rủi ro, hiểm họa có thể xảy ra cho doanh nghiệp ít hơn. Môi trường chính trị không ổn định doanh nghiệp sẽ luôn gặp phải những khó khăn không thể lường trước được và những rủi ro này thường là tiền đề cho chuỗi các rủi ro khác.

Môi trường pháp lý ổn định là một trong những cơ sở quan trọng giúp cho các doanh nghiệp hoạt động ổn định, yên tâm phát triển kinh doanh. Sự thay đổi theo hướng bất lợi của các quy phạm phạm luật, quy định của pháp luật ...hoặc có sự chồng chéo của pháp luật sẽ làm gia tăng rủi ro trong kinh doanh, làm suy giảm niềm tin của các doanh nghiệp.

1.3.1.2. Yếu tố kinh tế

Kinh tế là nhân tố tác động phức tạp, ảnh hưởng một cách trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Có những ảnh hưởng tích cực làm cho doanh nghiệp phát triển hơn nhưng cũng có những ảnh hưởng tiêu cực làm doanh nghiệp bị tổn thất, kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp. Nhóm nhân tố này gồm có sự biến động cung- cầu, giá cả, chu kì kinh tế, tài chính, tền tệ ...

1.3.1.3. Yếu tố tự nhiên

Điều kiện tự nhiên là một thế giới luôn có những hiểm họa, rủi ro rình rập bởi những hiện tượng thiên tai như bão, lũ lụt, động đất,... Những thiên tai này gây ra

những rủi ro to lớn cho các doanh nghiệp. Những rủi ro về thiên tai ngày càng có xu hướng tăng cao và gây tổn thất nặng nề hơn cho doanh nghiệp.

1.3.1.4. Yếu tố văn hóa- xã hội

Điều kiện xã hội nếu được chú ý đúng mức và xem xét một cách chu đáo sẽ giúp ích rất tốt cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng kèm theo đó luôn luôn là những rủi ro và bất trắc có thể xảy ra do không tương thích với các vấn đề về tập tục, tôn giáo, văn hóa vùng miền,... Do đó nhà quản trị cần có mối quan tâm đặc biệt đối với điều kiện xã hội khu vực mà doanh nghiệp hoạt động.

1.3.1.5 Yếu tố kỹ thuật công nghệ

Kỹ thuật công nghệ ngày nay phát triển với tốc độ chóng mặt, nó ảnh hưởng mạnh mẽ tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, làm cho công tác quản trị rủi ro trở nên hiệu quả hơn. Việc thu thập thông tin từ nhiều nguồn, nhiều phương tiện khác nhau giúp doanh nghiệp thuận tiện trong việc nhận dạng các rủi ro có thể xảy ra, cung cấp phương tiện, công cụ giúp doanh nghiệp phân tích rủi ro một cách chính xác.

Từ đó ta có thể thấy được những lợi ích mà khoa học công nghệ mang lại nhưng đồng thời nó cũng mang theo những rủi ro to lớn trong cuộc sống và kinh doanh của doanh nghiệp. Nó có thể tạo ra những rủi ro mới do máy móc trục trặc, thiệt bị hiện đại chưa kịp nắm bắt và vận hành một cách đầy đủ, tốt nhất.

1.3.1.6. Nhóm yếu tố thuộc môi trường ngành a. Nhà cung cấp

Nhà cung cấp là một trong những mắt xích quan trọng trong quá trình hoạt động kinh doanh và nó cũng ảnh hưởng không nhỏ tới công tác quản trị rủi ro của doanh nghiệp. Đối với những nhà cung cấp mới thì việc nhận dạng rủi ro còn đơn giản nhưng đối với những nhà cung cấp truyền thống, đã có mối làm ăn lâu dài thì việ nhận dạng ra nguy cơ rủi ro trở lên khó khăn, phức tạp hơn đối với các nhà quản trị. Ngoài ra, khả năng tài chính của nhà cung cấp cũng là một trong những nguồn vốn có thể huy động để doanh nghiệp có thể kiểm soát và tài trợ các rủi ro. Hay việc thực hiện kiểm soát rủi ro bằng cách thực hiện chuyển giao rủi ro với nhà cung cấp cũng là một trong những cách giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả của công tác quản trị rủi ro.

b. Khách hàng

Khách hàng là một yếu tố không thể thiếu đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, nó ảnh hưởng quyết định đến sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp. Tạo mối quan

hệ tốt đẹp với khách hàng là một trong những biện pháp để doanh nghiêp phòng ngừa hiệu quả các rủi ro. Doanh nghiệp cần có phương pháp tiếp cận và tìm hiểu khách hàng một cách thường xuyên, liên tục để có thể nhận dạng các rủi ro có thể xảy ra, từ đó có biện pháp để né tránh, ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro một cách hợp lý.

c. Đối thủ cạnh tranh

Với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay, doanh nghiệp muốn phát triển và tạo lập vị thế trên thị trường thì cần phải xem xét đối thủ cạnh tranh. Một đối thủ cạnh tranh có tiềm lực tài chính, có nguồn lực dồi dào cùng với chiến lược kinh doanh đúng đắn thì công tác quản trị rủi ro của họ sẽ đạt hiệu quả cao. Chính vì thế, để cạnh tranh được với họ, doanh nghiệp cần phải theo dõi, quan sát và tiến hành công tác quản trị rủi ro của đối thủ cạnh tranh, từ đó có những hoạt động điều chỉnh, bổ sung thích hợp để nâng cao hiệu quả công tác quản trị rủi ro của doanh nghiệp mình.

d. Nhóm cơ quan hữu quan

Bên cạnh tác động từ môi trường kinh tế, chính trị, xã hội, pháp luật,... có ảnh hưởng đến công tác quản trị rủi ro của công ty còn có hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước cũng có những tác động nhất định lên hoạt động kinh doanh của công ty. Cơ quan Nhà nước là các cơ quan trực tiếp quản lý doanh nghiệp trên một số mặt hoạt động như: nộp thuế doanh nghiệp, đóng bảo hiểm cho nhân viên, xin đăng ký kinh doanh, xin giấy phép hoạt động, xin giấy phép tổ chức các chương trình tiếp xúc khách hàng,... các thủ tục hành chính tại các cơ quan này càng đơn giản, thuận tiện thì các rủi ro với doanh nghiệp càng giảm, theo đó công việc kinh doanh của doanh nghiệp càng thuận lợi và có nhiều cơ hội để phát triển.

1.3.2. Các yếu tố bên trong doanh nghiệp

1.3.2.1. Nhóm yếu tố con người trong doanh nghiệp:

Yếu tố con người giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong doanh nghiệp nó tham gia quyết định trực tiếp vào sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp. Trong các nguồn lực của doanh nghiệp, nguồn nhân lực luôn luôn được đánh giá là nguồn lược quan trọng nhất. Thái độ của con người trong doanh nghiệp cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển của doanh nghiệp. Nhà quản trị cần có sự quan tâm đúng mức tới nhân tố đặc biệt quan trọng này vì rủi ro thuộc về nhân tố con người thường rất lớn và nghiêm trọng, có ảnh hưởng to lớn đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.

1.3.2.2. Tài chính của doanh nghiệp:

Tài chính doanh nghiệp có ảnh hưởng không nhỏ tới công tác quản trị rủi ro của doanh nghiệp, quyết định sự hoạt động tốt, tiếp tục hoạt động hay không của doanh nghiệp. Nếu có nguồn tài chính đủ mạnh thì doanh nghiệp có thể chủ động với các loại rủi ro từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và tránh khỏi, đương đầu hiệu quả với những rủi ro có thể xảy ra của doanh nghiệp.

1.3.2.3. Nhận thức của Nhà quản trị

Việc nhận diện, đánh giá nguy cơ tiềm tàng, mức độ, tính chất nguy hiểm của rủi ro, việc xây dựng chương trình và chính sách chủ động phòng ngừa rủi ro là công việc của nhà quản trị doanh nghiệp. Do vậy nhận thức của nhà quản trị là một trong các nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến quản trị rủi ro của doanh nghiệp.

1.3.2.4. Quy mô và hình thức tổ chức của doanh nghiệp

Rủi ro hiện diện trong mọi quyết định đầu tư hay giao dịch kinh doanh của mọi doanh nghiệp, không phân biệt quy mô, loại hình. Nhưng mức độ ảnh hưởng của rủi ro thì hết sức khác nhau giữa các doanh nghiệp, tùy thuộc vào quy mô, hình thức tổ chức của doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp có quy mô lớn, với bộ máy tổ chức đồng bộ, đội ngũ chuyên gia chuyên nghiệp, chương trình quản lý rủi ro hoàn hảo, cơ chế kiểm tra, kiếm soát chặt chẽ,… các doanh nghiệp này lại có đủ điều kiện để sử dụng các công cụ tài chính hiện đại để quản trị rủi ro. Do vậy tác động tiêu cực của rủi ro thường được ngăn chặn và giảm thiểu trong mức giới hạn cho phép. Đối với doanh nghiệp hạn chế về quy mô, không có khả năng thiết lập chương trình quản trị rủi ro đầy đủ như doanh nghiệp lớn, nên tác động tiêu cực của rủi ro thường rất nặng nề.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác quản trị rủi ro tại Công ty Cổ phần dịch vụ Vietlife (Trang 20 - 24)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(58 trang)
w