Chương 3: CÁC BIỆN PHÁP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG BỒI DƯỠNG NĂNG LỰC CHỦ NHIỆM CHO GIÁO VIÊN Ở CÁC TRƯỜNG PTDTBT TIỂU HỌC TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN NẬM PỒ TỈNH ĐIÊN BIÊN
3.2. Biện pháp quản lý hoạt động bồi dưỡng năng lực chủ nhiệm lớp trong môi trường giáo dục hiện đại cho giáo viên các trường PTDTBT tiểu học huyện Nậm Pồ tỉnh Điện Biên
3.2.1. Chỉ đạo xây dựng kế hoạch toàn diện công tác chủ nhiệm ở các trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học
3.2.1.1. Mục tiêu của biện pháp: Xây dựng kế hoạch toàn diện công tác chủ nhiệm ở các trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học nhằm định hướng cho giáo viên chủ nhiệm rèn luyện phát triển năng lực chủ nhiệm lớp để thực hiện có hiệu quả công tác của bản thân trong năm học.
3.2.1.2. Nội dung và cách thực hiện
Trước hết, người quản lý cần tìm hiểu nhu cầu, năng lực và điều kiện gia đình của giáo viên, đồng thời tình hình thực tế của lớp học sinh. Lập kế hoạch xây dựng, phân công đội ngũ giáo viên chủ nhiệm. Lập kế hoạch xây dựng đội ngũ giáo viên chủ nhiệm kế cận và phân công giáo viên chủ nhiệm giỏi kèm cặp giúp đỡ cho những giáo viên trẻ, có năng lực.
Xây dựng các quy chế phối hợp giữa giáo viên chủ nhiệm với các giáo viên bộ môn, Đoàn thanh niên, các thành phàn khác trong nhà trường và cha mẹ học sinh.
Ngay đầu năm học, hiệu trưởng hướng dẫn, yêu cầu giáo viên chủ nhiệm lập kế hoạch chủ nhiệm theo mẫu đã được in sẵn và sử dụng thống nhất trong toàn trường. Yêu cầu giáo viên chủ nhiệm thực hiện điều tra cơ bản học sinh ngay từ tuần thứ ba của tháng 8, thông qua việc hướng dẫn giáo viên bàn giao công tác chủ nhiệm giữa giáo viên lớp trước và giáo viên lớp sau, giáo viên cũ và giáo viên mới.
Điều tra hoàn cảnh gia đình học sinh. Nắm bắt quá trình học tập, tu dưỡng đạo đức ở các năm trước. Phân biệt độ tuổi cụ thể nắm chắc đặc điểm tâm lý lứa tuổi học sinh. Qua đó, giáo viên chủ nhiệm có thể nắm rõ được tình hình của học sinh lớp mình phụ trách để làm căn cứ xây dựng kế hoạch công tác chủ nhiệm một cách cụ thể và xác định mục tiêu phấn đấu của lớp mình cho phù hợp... Trên cơ sở đó có những chủ trương và biện pháp triển khai các mặt giáo dục, lựa chọn xây dựng đội ngũ tự quản của lớp mình phụ trách như: Lớp trưởng, lớp phó, tổ trưởng....
Chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm xây dựng kế hoạch chủ nhiệm theo học kỳ, tháng, tuần.
Chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm xây dựng kế hoạch họp phụ huynh theo định kỳ.
Sau khi giáo viên chủ nhiệm xây dựng xong kế hoạch chủ nhiệm, yêu cầu giáo viên chủ nhiệm thông qua tổ, góp ý kiến, trình hiệu trưởng duyệt và nêu rõ các yêu cầu thực hiện kế hoạch.
Thành lập tổ chủ nhiệm lớp.
Phân công đội ngũ giáo viên chủ nhiệm một cách hợp lý. Khi phân công giáo viên chủ nhiệm cần dựa vào các yếu tố sau: Năng lực hiểu biết học sinh về tâm lý lứa tuổi. Năng lực giao tiếp với học sinh và cha mẹ học sinh. Năng lực tổ chức các hoạt động tập thể cho học sinh. Năng lực cảm hóa, phán đoán, thuyết phục học sinh.
Yêu cầu đảm bảo chất lượng đào tạo và lợi ích của học sinh.
Phân công giáo viên chủ nhiệm là năm sau không trùng lớp năm trước.
Với cách làm này giúp giáo viên tiếp cận được nhiều cá tính và nhiều tình huống sư phạm để xử lý.
Hiệu trưởng thành lập tổ chủ nhiệm theo từng khối và đề cử một giáo viên chủ nhiệm làm tổ trưởng. Công việc của tổ trưởng tổ chủ nhiệm là tư vấn, hỗ trợ những giáo viên chủ nhiệm khác, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch chủ nhiệm của từng thành viên trong tổ.
Tổ chủ nhiệm họp mỗi tháng một lần.
Huy động các nguồn lực để thực hiện nội dung công tác chủ nhiệm lớp.
Giáo viên chủ nhiệm có một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục nhân cách học sinh. Việc bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và các kĩ năng chủ nhiệm lớp cho giáo viên là việc làm cần thiết cho nên kế hoạch được lập ngay từ đầu năm học.
Nội dung bồi dưỡng: Bồi dưỡng giáo viên chủ nhiệm kỹ năng hoạt động tập thể. Bồi dưỡng những tri thức cơ bản về tâm lý, các kỹ năng sư phạm tiếp cận đối tượng học sinh, kỹ năng nghiên cứu tâm lý lứa tuổi, kỹ năng đánh giá, kỹ năng lập kế hoạch chủ nhiệm lớp và khả năng nhạy cảm sư phạm để dự đoán đúng, chính xác sự phát triển của nhân cách học sinh. Định hướng và giúp giáo viên chủ nhiệm tổ chức các buổi sinh hoạt lớp phù hợp để thu hút học sinh tham gia, qua đó giáo dục các em.
Tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên qua các hình thức kèm cặp, giúp đỡ theo từng cặp, nhóm, tổ chuyên môn hoặc tổ chủ nhiệm, qua buổi sinh hoạt chủ nhiệm một tháng một lần.
Phối hợp các lực lượng trong và ngoài nhà trường để tổ chức thực hiện công tác chủ nhiệm lớp. Tạo cơ chế hợp lý, tăng cường khả năng phối hợp huy động cộng đồng dân cư tham gia giáo dục. Kết quả giáo dục học sinh của lớp chủ nhiệm không chỉ phụ thuộc vào sự thống nhất tác động sư phạm của các lực lượng trong nhà trường mà còn phụ thuộc vào sự thống nhất tác động giáo dục của các lực lượng ngoài nhà trường mà trước hết là phía gia đình học sinh. Do đó hiệu trưởng cần tạo điều kiên cho giáo viên chủ nhiệm liên kết với gia đình học sinh bằng cách:
+ Tổ chức hội nghị cha mẹ học sinh, bầu đại diện cha mẹ học sinh.
+ Lập kế hoạch định cho giáo viên chủ nhiệm thông báo cho gia đình học sinh biết kết quả học tập, tu dưỡng hoặc thái độ học tập ở lớp bằng điện thoại.
Yêu cầu gia đình thông báo kịp thời với giáo viên chủ nhiệm tình hình học tập, sinh hoạt, ứng xử.
+ Nắm vững phương pháp quản lí hiện đại, để có thể điều hành các hoạt động trong vai trò chủ nhiệm lớp, đem lại hiệu quả tốt, đáp ứng các mục tiêu,
đông thời phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội ở địa phương. Theo dõi sát sao tình hình chất lượng dạy học qua dự giờ thăm lớp, các đợt kiểm tra học kì 1, cuối năm.
+ Chỉ đạo Giáo viên kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh đúng theo TT 30 ngày 28 tháng 08 năm 2014 kết hợp với TT 22 ngày 16 tháng 11 năm 2016.
+ Khuyến khích việc tự học tự bồi dưỡng của giáo viên bằng việc xây dựng cơ chế quản lý, chính sách hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cho giáo viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Quản lý hoạt động của học sinh: Khơi dậy niềm say mê học tập, tính sáng tạo, học tập thông qua 10 bước học tập. Khuyến khích các em tự làm công cụ học tập, ý thức tự quản trong các giờ học. Động viên khen thưởng kịp thời khi các em có việc làm hay biểu hiện tốt.
Sự hợp tác của giáo viên bộ môn.
Thật ra giáo viên chủ nhiệm cũng là giáo viên bộ môn nên việc trao đổi ý kiến với nhau là rất dễ nhưng để tìm ra hướng giải quyết tốt nhất thì không việc đơn giản. Bản thân tôi là một giáo viên chủ nhiệm đồng thời cũng là giáo viên dạy bộ môn Toán, tôi xin đóng góp một số ý kiến như sau:
+) Thứ nhất: Giáo viên chủ nhiệm phải thường xuyên theo dõi kết quả và đạo đức của các em qua sổ điểm, sổ đầu bài, trực tiếp qua giáo viên dạy từng bộ môn để nắm bắt kịp thời năng lực của từng từng em. qua việc theo dõi ấy chúng ta có thể giúp đỡ các em như lựa chọn những học sinh khá, giỏi đưa vào đội tuyển bồi dưỡng nâng cao kiến thức, đối với những em học kém hơn thì nên quan tâm ôn tập kịp thời.
+) Thứ hai: Giáo viên chủ nhiệm cần tạo điều kiện hình thành mối quan hệ tốt đẹp giữa giáo viên bộ môn và học sinh, thường xuyên nhắc nhở học sinh tôn trọng tất cả các thầy cô. Kiên quyết xử lý những học sinh vô lễ, thiếu tôn trọng thầy cô, chây lười trong học tập. Khi được thông báo học sinh vi phạm, giáo viên chủ nhiệm luôn lắng nghe tông tin từ hai phía để có xu hướng giáo dục tốt; tạo điều kiện để giáo viên bộ môn có thể hiểu được tình hình lớp dẫn đến thông cảm,
thương yêu, đối xử công bằng với học sinh; truyền đạt những nhận xét của giáo viên bộ môn đến học sinh (khen - chê) để các em rút kinh nghiệm.
+) Thứ ba: Thống nhất kế hoạch và chương trình giáo dục chung đối với cả lớp, biện pháp cụ thể với học sinh bỏ tiết, vắng học nhiều không phép, vi phạm nội quy trường, lớp,... để trao đổi với giáo viên bộ môn.
+) Thứ tư: Giáo viên chủ nhiệm phản ánh, trao đổi kịp thời những mong muốn của học sinh đến giáo viên bộ môn, ngược lại giáo viên bộ môn cung cấp danh sách học sinh yếu, cá biệt môn nào đó ở lớp cho giáo viên chủ nhiệm biết kịp thời để có biện pháp giải quyết.
+) Thứ năm: Giáo viên chủ nhiệm biết lắng nghe những nhận xét của giáo viên bộ môn thậm trí là những phê phán cá nhân, tập thể lớp mình sau đó chọn lọc, phân tích thông tin để phối hợp tác động giáo dục cùng chiều, khắc phục khó khăn, vướng mắc của học sinh trong quá trình học tập, đề đạt nguyện vọng của học sinh với giáo viên bộ môn, để nâng cao chất lượng giáo dục.
+) Thứ sáu: Giáo viên bộ môn phải khắt khe trong việc kiểm tra bài cũ, em nào không học bài, không làm bài, có hành vi không tốt cần phải báo ngay với giáo viên chủ nhiệm có biện pháp và báo về gia đình.
+) Thứ bảy: Qua tìm hiểu năng lực của học sinh giáo viên chủ nhiệm cần phối hợp với giáo viên bộ môn để giảng giải cho các em có thể tìm thấy khối học phù hợp với mình, định hướng nghề nghiệp cho các em đặc biệt là học sinh khối 12.
+) Thứ tám: Việc ôn tập, chuyên tâm môn khối là tốt nhưng không được đồng nghĩa với việc bảo các em từ bỏ hay xem thường các môn học khác. Như thế là việc hoàn toàn sai lầm, khiến các em luôn trong tình trạng bị động.
+) Thứ chín: Giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn cần phối hợp động viên các em khi có chuyện không vui hoặc học tập kém vì "Cuộc sống không cần bạn giỏi nhất mà cần những bạn có cố găng nhiều nhất", "Điểm yếu nhất của chúng ta nằm ở sự bỏ cuộc. Con đường chắc chắn nhất để đi đến thành công là luôn luôn thử đi thử lại nhiều lần" (Thomas Edison).
+) Thứ mười: Giáo viên chủ nhiệm với tư cách là người đại diện cho lớp có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho học sinh lớp mình. Ngoài ra mỗi giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn cần học hỏi, trao đổi nâng cao trình độ chuyên môn và phương pháp giáo dục hợp lí với mỗi học sinh.
3.2.1.3. Điều kiện thực hiện biện pháp
- Cán bộ quản lý am hiểu Luật, điều lệ, chương trình giáo dục, đặc điểm tình hình nhà trường, địa phương, đặc điểm tâm lý giáo viên và học sinh.
- Giáo viên chủ nhiệm chủ động, sáng tạo trong tiếp nhận nhiệm vụ để xác định lộ trình phát triển năng lực cho bản thân đáp ứng yêu cầu của nhà trường và của điều kiện thực tế.