Kiểm sát trả lại đơn khởi kiện, kiểm sát giải quyết kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện

Một phần của tài liệu Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong xét xử sơ thẩm vụ án kinh doanh thương mại của viện kiểm sát nhân dân – lý luận và thực tiễn tại tỉnh tây ninh (Trang 22 - 25)

1.2. NỘI DUNG PHÁP LUẬT VỀ CHỨC NĂNG KIỂM SÁT VIỆC TUÂN

1.2.1. Kiểm sát kinh doanh thương mại trước phiên tòa sơ thẩm

1.2.1.2. Kiểm sát trả lại đơn khởi kiện, kiểm sát giải quyết kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện

Đối với kiểm sát trả lại đơn khởi kiện. Tại khoản 1 Điều 192 BLTTDS năm 2015 quy định một số trường hợp TAND trả lại đơn khởi kiện. Để đảm bảo quyền lợi của đương sự, khoản 2 Điều 192 BLTTDS năm 2015 quy định “Khi trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện, Thẩm phán phải có văn bản nêu rõ lý do trả lại đơn khởi kiện, đồng thời gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp”. Như vậy, khi nhận được thông báo về việc trả lại đơn khởi kiện của Tòa án, VKSND căn cứ vào hướng dẫn tại Điều 8 Quyết định số 364/QĐ-VKSTC để xem xét các nội dung, hình thức trong thông báo và so sánh đối chiếu với các quy định của pháp luật, cụ thể:

Thứ nhất, cần xem xét ngày, tháng, năm TAND ra thông báo trả lại đơn khởi kiện và ngày, tháng, năm người khởi kiện nộp đơn khởi kiện có đúng với thời hạn quy định là 08 ngày làm việc (03 ngày phân công Thẩm phán và 05 ngày Thẩm phán xem xét nội dung đơn khởi kiện để ra quyết định và thông báo trả lại đơn khởi kiện).

Thứ hai, từ những thông tin được cung cấp trong thông báo trả lại đơn khởi kiện để từ đó xem xét về thẩm quyền giải quyết vụ án KDTM có thuộc về TAND ra quyết định thông báo trả lại đơn khởi kiện hay không.

Thứ ba, xem xét lý do trả lại đơn khởi kiện của TAND được ghi nhận trong thông báo trả lại đơn có phù hợp với 07 căn cứ trả lại đơn khởi kiện được quy định tại khoản 1 Điều 192 BLTTDS năm 2015.

Thứ tư, quy trình kiểm sát trả lại đơn khởi kiện. Viện kiểm sát xem xét thông báo về việc trả lại đơn khởi kiện của TAND trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản trả lại đơn khởi kiện (khoản 1 Điều 194 BLTTDS năm 2015) gồm:

tiến hành lập phiếu kiểm sát, hồ sơ kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện; khi cần thiết thì thực hiện quyền yêu cầu Tòa án cho sao chụp bản sao đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ trong trường hợp trả lại đơn khởi kiện (Điểm c khoản 2 Điều 20 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT- VKSNDTC-TANDTC).

Trường hợp xét thấy việc TAND trả lại đơn khởi kiện không có căn cứ thì báo cáo, đề xuất Viện trưởng VKSND cùng cấp để thực hiện quyền kiến nghị với TAND đã trả lại đơn khởi kiện (Điều 8 Quyết định 364/QĐ-VKSNDTC). Ngay sau khi nhận được kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện, Chánh án TAND phải phân công một Thẩm phán khác xem xét, giải quyết kiến nghị (khoản 2 Điều 194 BLTTDS năm 2015). Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải mở phiên họp xem xét, giải quyết kiến nghị. Phiên họp xem xét, giải quyết kiến nghị có sự tham gia của đại diện VKSND cùng cấp và đương sự có khiếu nại; trường hợp đương sự vắng mặt thì Thẩm phán vẫn tiến hành phiên họp (khoản 3 Điều 194 BLTTDS năm 2015). Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc trả lại đơn khởi kiện, ý kiến của đại diện VKSND và đương sự có khiếu nại tại phiên họp, Thẩm phán phải ra một trong các quyết định sau đây: (i) Giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện và thông báo cho đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp; (ii) Nhận lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo để tiến hành việc thụ lý vụ án (khoản 4 Điều 194 BLTTDS năm 2015).

Đối với kiểm sát việc giải quyết kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện. Khi nhận được quyết định trả lời kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện của Thẩm phán, nếu không đồng ý với quyết định đó, trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định trả lời kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện của Thẩm phán, VKSND có quyền kiến nghị lần hai với Chánh án TAND cấp trên một cấp xem xét và giải

quyết. TAND cấp trên khi nhận được văn bản kiến nghị của VKSND dưới một cấp sẽ tiến hành xem xét kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện trong thời hạn 10 ngày.

Sau đó, Chánh án TAND cấp trên một cấp phải ra một trong các quyết định là quyết định giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện hoặc quyết định yêu cầu TAND cấp sơ thẩm nhận lại đơn khởi kiện, tài liệu và chứng cứ kèm theo để tiến hành việc thụ lý vụ án (Điều 194 BLTTDS năm 2015). Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị của Chánh án TAND trên một cấp trực tiếp có hiệu lực thi hành và được gửi ngay cho người khởi kiện, VKSND cùng cấp, VKSND đã kiến nghị và TAND đã ra quyết định trả lại đơn khởi kiện.

1.2.1.3. Kiểm sát việc xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án nhân dân

Công tác kiểm sát việc xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của TAND trong giải quyết vụ án KDTM là cực kì quan trọng. Đây cũng là tiền đề quan trọng giúp cho KSV khi tham gia giải quyết các tranh chấp KDTM tại tòa. Do đó, khi tiếp nhận nhận hồ sơ từ TAND, VKSND tiến hành lập hồ sơ kiểm sát riêng. Đây là hoạt động nghiệp vụ đặc biệt giúp KSV có cái nhìn tổng quan, bước đầu xác định phương hướng, làm rõ vấn đề chưa minh bạch, là cơ sở để thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị của VKSND theo khoản 1 Điều 21 BLTTDS 2015. Căn cứ vào hướng dẫn tại Điều 13 Quyết định số 458/QĐ-VKSTC, khi kiểm sát hoạt động thu thập chứng cứ của TAND, VKSND thực hiện những nhiệm vụ sau:

Một là, kiểm sát việc tiếp nhận chứng cứ, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của TAND. Cụ thể: kiểm sát về trình tự, thủ tục, về nguồn chứng cứ bảo đảm tài liệu, chứng cứ được thu thập hợp pháp, khách quan, đầy đủ, làm cơ sở cho việc giải quyết vụ án đúng pháp luật.

Hai là, đánh giá chứng cứ. Quá trình thực hiện, xét thấy tài liệu, chứng cứ đã đầy đủ thì KSV được phân công đề xuất hướng giải quyết vụ án KDTM. Trường hợp tài liệu, chứng cứ được thu thập chưa bảo đảm cho việc giải quyết vụ án thì VKSND có quyền yêu cầu bằng văn bản để yêu cầu TAND xác minh, thu thập thêm chứng cứ, tài liệu bổ sung theo khoản 3 Điều 58 BLTTDS 2015. Thẩm quyền này được thực hiện trước khi mở phiên tòa và phiên tòa khi đang diễn ra phiên tòa.

Ngoài ra, VKSND có quyền tự xác minh, thu thập tài liệu để bảo đảm cho việc thực hiện quyền kháng nghị. VKSND xác minh, thu thập tài liệu theo quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch 04/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC. Theo đó, KSV có quyền trực tiếp xác minh thu thập chứng cứ trong hai trường hợp sau: (i) Để xem

xét, quyết định việc kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. KSV có quyền kiểm tra, xác minh tài liệu, chứng cứ hoặc tiến hành các biện pháp thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định tại điểm a, b, c, đ, g khoản 2 Điều 97 BLTTDS năm 2015; (ii) Để bảo vệ quan điểm kháng nghị của VKSND tại phiên tòa, phiên họp phúc thẩm.

Một phần của tài liệu Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong xét xử sơ thẩm vụ án kinh doanh thương mại của viện kiểm sát nhân dân – lý luận và thực tiễn tại tỉnh tây ninh (Trang 22 - 25)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(67 trang)